Ngoại trưởng Kerry: Mỹ sẽ trả 1,7 tỷ USD cho Iran
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua cho biết nước này sẽ thanh toán một khoản nợ 400 triệu USD cùng số tiền lãi 1,3 tỷ USD cho Iran.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Reuters.
AFP dẫn lời Ngoại trưởng John Kerry cho biết khoản tiền 1,7 tỷ USD bao gồm hoàn trả quỹ tín thác 400 triệu USD Iran sử dụng để mua thiết bị quân sự từ Mỹ trước khi hai nước cắt đứt quan hệ và 1,3 tỷ USD tiền lãi.
Washington và Tehran cắt đứt quan hệ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và vụ chiến binh chiếm sứ quán Mỹ ở Tehran suốt một thời gian dài. Năm 1981, một tòa án được thiết lập ở The Hague, Hà Lan, để giải quyết khiếu nại Mỹ - Iran. Tehran đệ đơn yêu cầu Washington hoàn trả khoản tiền.
Khoản được hoàn trả này không liên quan đến số tiền hàng chục tỷ USD nằm trong các tài khoản nước ngoài bị đóng băng mà Iran hiện có thể tiếp cận sau khi những lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng số tiền 1,7 tỷ USD là "thấp hơn rất nhiều so với mong muốn của Iran". "Đối với Mỹ, cách giải quyết này có thể giúp chúng ta tiết kiệm nhiều tỷ USD", ông nói.
Ngoại trưởng Kerry gọi đây là một "cách giải quyết công bằng". Theo ông, "khoản bồi thường cho Iran được tính dựa trên một lãi suất hợp lý và Iran không thể đòi mức lớn hơn".
Quyết định trả nợ lập tức vấp phải sự phản đối từ những người cho rằng chính quyền Obama đã quá nhượng bộ để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân.
"Lót tay cho quốc gia tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới không phải là một chiến lược giúp Mỹ an toàn. Bà Hillary Clinton nên lên án hành động này ngay lập tức", Reince Priebus, chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, cho biết trong một thông báo.
Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với Iran
Washington hôm qua tuyên bố thực hiện lệnh trừng phạt mới với một số công dân và công ty Iran do vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc về thử tên lửa đạn đạo.
Tù nhân Mỹ quá cảnh ở Thụy Sĩ sau khi được Iran phóng thích. Ảnh: Reuters
Động thái này diễn ra sau chưa đầy một ngày sau khi Nhà Trắng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Tehran về chương trình hạt nhân, theo New York Times.
Tuyên bố thực ra đã được chuẩn bị vài tuần trước nhưng bị Bộ Tài chính Mỹ trì hoãn. Washington công bố quyết định này khi máy bay chở các công dân Mỹ được Iran trả tự do rời khỏi Tehran.
Tổng thống Mỹ Barack Obama lưu ý các lệnh trừng phạt mới liên quan tới các cuộc thử tên lửa đạn đạo gần đây của Iran, vi phạm các quy định hạn chế của Liên Hợp Quốc, tuy nhiên ông không nói rõ thêm.
Theo lệnh mới, có 11 tổ chức và cá nhân bị trừng phạt do liên quan đến "việc thay mặt Iran thực hiện chương trình mua sắm tên lửa đạn đạo" và 5 người Iran "đã tìm cách mua các bộ phận tên lửa đạn đạo cho Tehran".
Các lệnh trừng phạt mới chủ yếu nhắm vào các cá nhân và một số công ty nhỏ do bị cáo buộc vận chuyển các công nghệ thiết yếu tới Iran.
Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) hôm 16/1 dỡ lệnh trừng phạt Iran sau khi Liên Hợp Quốc xác nhận Tehran đã thu hẹp chương trình hạt nhân. Iran cũng thả 4 tù nhân Mỹ, trong đó có nhà báo Jason Rezaian của Washington Post, theo một thoả thuận trao đổi tù nhân.
'Triều Tiên và Iran hợp tác chặt chẽ chương trình tên lửa đạn đạo'
Các biện pháp trừng phạt Mỹ đưa ra hôm 17-1 đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cho thấy Tehran đã hợp tác chặt chẽ với Triều Tiên để xúc tiến chương trình tên lửa của mình.
Sau khi phương Tây gỡ bỏ các lệnh trừng phạt cũ đối với Iran vào ngày 16-1, Bộ Tài chính Mỹ hôm 17-1 đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới khi xử phạt 11 cá nhân và tổ chức đại diện tham gia các thương vụ mua sắm cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Biện pháp trừng phạt được đưa ra do Iran hồi tháng 10-2015 đã bắn thử một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết ba trong số các quan chức Iran bị xử phạt đã có quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên.
Trong số họ, có một người tên Sayyed Javad Musavi, là một giám đốc thương mại của Tập đoàn Công nghiệp Shahid Hemmat (SHIG) - chi nhánh của Tổ chức Công nghiệp Vũ trụ Iran (AIO) thuộc Bộ Quốc phòng Iran.
"Musavi đã làm việc trực tiếp với các quan chức Triều Tiên ở Iran, những người được Tập đoàn Thương mại Phát triển Khai khoáng Triều Tiên (KOMID) chỉ định" - Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
KOMID là tập đoàn buôn bán vũ khí chính của Triều Tiên và cũng là nhà xuất khẩu chính các hàng hóa cũng như thiết bị liên quan đến tên lửa đạn đạo và các vũ khí thông thường. KOMID đã bị Mỹ và Liên Hiệp Quốc xử phạt.
Tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars của Iran. Ảnh: USNI
"SHIG cũng hợp tác với KOMID trong việc chuyển hàng đến Iran. Các lô hàng bao gồm van, thiết bị điện tử và thiết bị đo lường chuyên sử dụng cho các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng và các phương tiện chở bệ phóng" - Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
"Trong nhiều năm qua, các cán bộ kỹ thuật tên lửa tập đoàn SHIG của Iran đã đến Triều Tiên để học hỏi về một loại tên lửa tầm xa nặng 80 tấn được phát triển bởi chính phủ Triều Tiên" - theo Bộ Tài chính Mỹ.
Trong khi đó, hai quan chức Iran khác giữ vai trò "then chốt đối với sự phát triển tên lửa tầm xa nặng 80 tấn và cả hai đã tới Bình Nhưỡng trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đàm phán".
Ông Tập Cận Bình đến thăm 'lò lửa Trung Đông'
Trung Quốc ngày 18-1 nói rằng Bắc Kinh sẽ giữ lập trường cân bằng ở Trung Đông trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm hiếm hoi tới Saudi Arabia và Iran trong tuần này.
Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran đã leo thang đáng kể từ khi Riyadh xử tử giáo sĩ Hồi giáo Shi'ite Nimr al-Nimr hôm 2-1, gây ra làn sóng phẫn nộ trong những người Hồi giáo dòng Shi'ite. Người biểu tình Iran sau đó tấn công Đại sứ quán Saudi. Đáp lại, Riyadh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.
Phát biểu trước báo giới ngày 18-1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh cho biết Bắc Kinh không đứng về phe nào.
"Liên quan đến một số vấn đề của khu vực, Trung Quốc luôn giữ lập trường cân bằng" - ông Trương đáp lại khi được hỏi về căng thẳng giữa Riyadh và Tehran.
"Nếu Trung Đông không ổn định, tôi e thế giới không thể hòa bình. Nếu một quốc gia hoặc một khu vực không ổn định, thế giới không thể có được sự phát triển. Phía Trung Quốc kiên quyết ủng hộ các quốc gia trong khu vực tìm ra một con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của mình " - ông nói thêm.
Chuyến thăm của ông Tập đến hai quốc gia này sẽ là cuộc gặp hiếm hoi. Ông Trương thậm chí không tiết lộ ông Tập sẽ có mặt tại hai quốc gia trên vào thời gian nào.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ khai mạc của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) ở Bắc Kinh hôm 16-1-2016. Ảnh: Reuters
Người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình - Hồ Cẩm Đào là nhà lãnh đạo Trung Quốc gần nhất đến thăm Saudi Arabia kể từ năm 2009 và cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân là chủ tịch nước gần nhất của Trung Quốc đến thăm Iran kể từ năm 2002.
Iran cũng vừa thoát khỏi tình trạng cô lập kinh tế hôm 16-1 khi các cường quốc gỡ bỏ lệnh cấm vận nước này sau khi Tehran thực hiện cam kết ngăn chặn chương trình hạt nhân của mình.
Ông Trương không đề cập "tương lai" của mối quan hệ Trung Quốc-Iran là gì, mặc dù nói rằng năng lượng là "một phần quan trọng" của sự hợp tác.
Hôm 17-1, Tân Hoa xã cho biết Iran sẽ là một phần quan trọng trong sáng kiến "Con đường tơ lụa" mới của Trung Quốc để phát triển các mối liên kết thương mại cũng như giao thông trên toàn châu Á và xa hơn, mà Bắc Kinh gọi là chiến lược "một vành đai, một con đường".
Triều Tiên: Trường học tăng cường giảng dạy về Kim Jong-un
Triều Tiên gần đây đã tăng cường giáo dục về nhà lãnh đạo nước này - ông Kim Jong-un cho các thế hệ học sinh trong một nỗ lực mới nhất nhằm củng cố quyền lực của thế hệ thứ ba.
Kim Jong-won - một nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc ở Seoul trong một nghiên cứu cho hay chương trình giáo dục mới cho các trường tiểu học, trung học và phổ thông trung học trong năm 2013 và năm 2014 của Triều Tiên đã thêm các môn học về Kim Jong-un, bao gồm cuộc đời ông Kim thời thơ ấu và hoạt động cách mạng của ông.
Nghiên cứu lần này được các cộng tác của ông Kim Jong-won là Kim Ji-soo và Han Seung-dae, một chuyên gia về Triều Tiên tại ĐH Dongguk ở Seoul cùng làm.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Telegraph
Ông Kim Jong-un đã đưa ra một loạt các chính sách để củng cố quyền lực của mình kể từ khi lên nắm quyền Triều Tiên hồi năm 2011.
Trước đây, sinh viên Triều Tiên được dạy về Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và vợ Kim Jong-suk, cùng con trai của Kim Il-sung là Kim Jong-il (Kim Chính Nhật). Ông Kim Jong-un là thế hệ quyền lực thứ ba của Triều Tiên.
Các chuyên gia cũng cho biết Triều Tiên đã tăng số giờ học môn tiếng Anh từ một giờ lên hai giờ một tuần cho các học sinh lớp 4. Trước đây, Triều Tiên gọi tiếng Anh là "ngoại ngữ" nhưng bây giờ nước này không còn cách gọi chung chung như vậy nữa, mà gọi thẳng là "tiếng Anh".
Đối với môn toán, một số câu hỏi sẽ liên quan đến Kim Jong-un, cũng như cha ông (Kim Jong-il) và ông nội ông (Kim Il-sung).
(
Tinkinhte
tổng hợp)