tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 17-05-2016

  • Cập nhật : 17/05/2016

Tàu chiến Đài Loan ngang nhiên đến đảo Ba Bình

Tờ Taipei Times hôm 15-5 dẫn lời giới chức Đài Bắc - Trung Hoa xác nhận các tàu chiến của Đài Loan (Trung Quốc) vừa cập bến tại một cầu tàu mới được hoàn thành tại đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Taipei Times cho biết báo cáo về việc tàu chiến Đài Loan vừa cập cầu tàu tại đảo Ba Bình xuất hiện trong bối cảnh một nhóm sinh viên vừa trở về Đài Loan hôm 13-5 sau chuyến đi tới đảo Ba Bình do cơ quan phòng vệ của Đài Loan tổ chức.

Báo cáo cho biết nhóm sinh viên đã lên một tàu khu trục nhỏ lớp Kang Ding đi từ căn cứ hải quân Zuoying ở Cao Hùng tới đảo Ba Bình và cập tại cầu tàu mới của đảo Ba Bình. Cầu tàu này vừa được hoàn thành xây dựng trái phép cuối năm ngoái. 

Tờ báo dẫn nguồn tin từ giới chức quân sự Đài Loan xác nhận các tàu chiến khác cũng đã neo đậu tại cầu tàu này, trong đó có tàu đổ bộ xe tăng lớp Chung Ho LST-232, dùng để tiếp vận cho đảo. 

Theo Taipei Times, cầu tàu mới được xây dựng với chỗ neo đậu rộng 210 m có thể tiếp nhận cả tàu hỗ trợ tác chiến nhanh Panshih có độ giãn nước 10.000 tấn của Đài Loan.

do hoa minh hoa cau tau dai loan xay trai phep tren dao ba binh thuoc chu quyen cua viet nam. (anh: taipei times/cna)

Đồ họa minh họa cầu tàu Đài Loan xây trái phép trên đảo Ba Bình thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Ảnh: TAIPEI TIMES/CNA)

Hôm 13-5, một tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã tổ chức cho truyền thông địa phương và quốc tế cùng một phái đoàn cựu quan chức Quốc dân đảng (KMT) tới đảo Ba Bình trái phép. Các bên đối lập và nhiều nước nói rằng động thái này làm leo thang căng thẳng ở biển Đông. 

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Đài Loan tổ chức đưa nhiều cựu quan chức cấp cao ra thăm đảo Ba Bình, cũng như phát hành tem có hình ảnh đảo Ba Bình và các quần đảo tại Biển Đông đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm gia tăng mức độ phức tạp tình hình, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh “Những việc làm này của phía Đài Loan không thể thay đổi được sự thực là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Vị này nói thêm rằng “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan chấm dứt, không để tái diễn những hoạt động tương tự, cùng Việt Nam và các bên liên quan có những đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định tại biển Đông”.

Đài Loan hiện chiếm giữ trái phép đảo Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bên cạnh cầu tàu mới, Đài Loan còn xây trái phép nhiều công trình trên đảo Ba Bình, trong đó có một đường băng, một bệnh viện.


Thủ tướng Nhật muốn tạo mặt trận chung về Biển Đông tại G7

Thủ tướng Nhật Bản sẽ tìm cách thuyết phục các lãnh đạo G7 thiết lập một mặt trận chung để đối phó những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
thu tuong nhat ban shinzo abe. anh: reuters.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters.

Nhiều nguồn tin giấu tên nói Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tìm cách thuyết phục các lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) dự hội nghị thượng đỉnh, tổ chức tại tỉnh Mie vào cuối tháng 5, thiết lập mặt trận chung nhằm đối phó với những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Vấn đề là G7 có thể đạt được sự đồng thuận hay không và có bao nhiêu nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ theo bước chân G7", Japan Times dẫn lời một quan chức Nhật Bản cho biết ngày 14/5.

Trong thông báo về an ninh trên biển công bố sau cuộc gặp tại thành phố Hiroshima tháng trước, ngoại trưởng các nước G7 kêu gọi "mọi quốc gia nên theo đuổi cách giải quyết tranh chấp trên biển hòa bình... phù hợp với luật pháp quốc tế" và "chấp hành mọi phán quyết từ tòa án, tòa trọng tài liên quan".

Nhật Bản tin phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), The Hague, Hà Lan, trong vài tuần tới sẽ kết luận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là phi lý, theo các nguồn tin.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7, kéo dài hai ngày 26 và 27/5, ông Abe dự kiến tái khẳng định với lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Mỹ về tầm quan trọng của việc tuân thủ các phán quyết từ tòa án dựa trên luật quốc tế.

"Bản chất thông báo của các ngoại trưởng G7 sẽ được phản ánh trong tuyên bố sắp tới của hội nghị thượng đỉnh G7", quan chức Nhật Bản nói.

Ông Abe hy vọng nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo các nước châu Á khác, trong đó có cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, tham gia một phiên họp mở rộng của G7.

G7 dự kiến đưa ra một kế hoạch hướng đến giảm đói nghèo và tăng cường hỗ trợ giáo dục nhằm ngăn người dân bị cực đoan hóa để đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Họ sẽ thông qua kế hoạch hành động tập trung vào các biện pháp nhằm loại bỏ những điều kiện xã hội dẫn đến chủ nghĩa cực đoan.


Philippines có thể đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Tổng thống mới đắc cử Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố muốn có quan hệ thân thiện với Trung Quốc và sẵn sàng đàm phán trực tiếp về tranh chấp Biển Đông.
tong thong rodrigo duterte gap go bao chi tai davao, philippines hom 9/5. anh:reuters

Tổng thống Rodrigo Duterte gặp gỡ báo chí tại Davao, Philippines hôm 9/5. Ảnh:Reuters

Ông Duterte cho biết đại sứ Trung Quốc là một trong ba đại sứ đầu tiên ông sẽ tiếp đón sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 9/5,AFP hôm nay đưa tin. Khi được hỏi liệu ông có muốn quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Benigno Aquino, tổng thống mới đắc cử Philippines tuyên bố muốn thân thiện với tất cả mọi người. 

Quan hệ Manila - Bắc Kinh đã xấu đi trong suốt 6 năm ông Aquino làm tổng thống do những mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải chiến lược của thế giới.

Năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough, khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines. Tổng thống Aquino khi đó phản ứng bằng cách ký kết hiệp ước hợp tác quốc phòng tăng cường với Mỹ, cho phép lực lượng quân đội Mỹ đồn trú luân phiên tại các căn cứ quân sự của nước này. Philippines cũng kiện ra Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague về yêu sách đường 9 đoạn phi lý mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.

Ông Duterte sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 30/6, cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Tuy  nhiên, ông cũng tuyên bố sẽ đàm phán trực tiếp với Trung Quốc nếu các cuộc thương lượng đa phương không có kết quả.

Đại sứ Trung Quốc, Nhật Bản và một nước khác sẽ gặp ông Duterte tại Davao trong hôm nay, quê nhà của tổng thống mới đắc cử. Hiện chưa rõ đại sứ nước thứ ba là ai, song ông Duterte cho biết chưa có cuộc gặp nào được thiết lập với đại sứ Mỹ.


Tổng thống đắc cử Philippines thề lấy lại trật tự xã hội trong 6 tháng

Ông Duterte: Các mục tiêu dài hạn như đưa áp dụng hệ thống nhà nước liên bang cho Philippines sẽ phải mất hàng năm trời, tuy nhiên cải thiện đời sống dân sinh thì chỉ cần vài tuần, và chưa tới 6 tháng để cải thiện trật tự xã hội.

Ông Rodrigo Duterte 71 tuổi chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi ở Philippines, thể theo các kết quả kiểm phiếu chưa được công bố chính thức. Ông Duterte sẽ chính thức nhậm chức tổng thống vào ngày 30-6 tới sau khi Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu cử chính thức.

Trả lời báo chí tại TP Davao ngày 16-5, ông Duterte tuyên bố sẽ áp dụng hình thức kiểm soát trật tự xã hội như kiểu mẫu Singapore, theo báo Wall Street Journal (WSJ-Mỹ). Chẳng hạn, cấm hút thuốc và uống rượu ở nơi công cộng, cấm lái xe quá tốc độ và lái xe khi say rượu.

Các bậc cha mẹ nếu để con chưa thành niên ra đường sau 10 giờ tối sẽ bị khởi tố vì tội bất cẩn. Tài xế taxi sẽ bị buộc phải mang theo tiền lẻ để thối cho khách, chấm dứt tình trạng viện cớ không có tiền lẻ thối lại mà ăn chặn tiền dư của khách.

Ông Duterte cũng cho biết sẽ có biện pháp giải quyết vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn để mọi người có giấc ngủ ngon.

Đồng thời ông cũng cho biết sẽ trấn áp mạnh tình trạng tham nhũng, quan liêu, cải thiện hoạt động công. Cụ thể, ông sẽ cho rút ngắn thời gian các cơ quan nhà nước làm các loại giấy tờ cho dân xuống còn tối đa 3 ngày. “Phải chấm dứt tình trạng người dân chờ đợi tới chết cũng chưa nhận được giấy tờ.”

Ông Duterte cũng cho biết sẽ đề nghị Quốc hội khôi phục án tử hình cho các tội phạm nguy hiểm như tội phạm ma túy, hiếp dâm, giết người - vốn đã bị bãi bỏ từ năm 2006, cho phép cảnh sát được quyền bắn các nghi can tội phạm có tổ chức khi truy đuổi. Các khu dân cư sẽ có các đội an ninh có vũ trang để duy trì trật tự.

 

ong rodrigo duterte gap dai su trung quoc tai tp davao (philippines) ngay 16-5. (anh: ap)

Ông Rodrigo Duterte gặp đại sứ Trung Quốc tại TP Davao (Philippines) ngày 16-5. (Ảnh: AP)

Ông Duterte từng có kinh nghiệm áp dụng một số trong các nội dung trên ở TP Davao trong thời gian 3 thập kỷ ông làm thị trưởng ở đây. Ngoại trừ việc tài xế taxi bất mãn vì phải tuân thủ tốc độ cho phép 60km/giờ thì phần lớn công dân TP Davao đều cảm thấy khá hài lòng với các quy định của ông Duterte, theo Wall Street Journal.

Ông Duterte thừa nhận một số mục tiêu dài hạn như đưa áp dụng hệ thống nhà nước liên bang cho Philippines sẽ phải mất hàng năm trời, tuy nhiên cải thiện đời sống dân sinh của dân thì chỉ cần vài tuần, và chưa tới 6 tháng để cải thiện trật tự xã hội với các biện pháp trấn áp tội phạm và buôn lậu ma túy.

Ông Duterte trong thời gian tranh cử được biết đến với nhiều phát ngôn gây sốc. Nói với báo chí ngày 16-5, ông hứa sẽ cải thiện cách ứng xử của mình cho phù hợp hơn.

Ông Duterte đang khẩn trương thành lập nội các cũng như thực hiện các hoạt động đối ngoại.

Trong ngày 16-5, ông Duterte đã mời thành viên đảng Cộng sản Philippines ứng cử vào các vị trí nội các mới. Đây là một động thái được cho là thể hiện thiện chí muốn chấm dứt xung đột tồn tại hàng thập kỷ nay, tìm kiếm hòa hợp đất nước. Cùng ngày, ông Duterte đã có cuộc gặp với đại sứ ba nước: Trung Quốc, Isrrael, Nhật.


NATO thừa nhận lực lượng VJTF ‘quá mong manh’ trước Nga

Các vị tướng quân đội cấp cao của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 15-5 thừa nhận rằng lực lượng mũi nhọn phản ứng cực nhanh của NATO trở nên “quá mong manh” trước sức mạnh của Nga.

Theo hãng tin Sputnik, tại cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 9-2014, NATO đã thành lập Lực lượng phản ứng cực nhanh (VJTF) với khả năng triển khai 5.000 quân trong vòng 48 giờ đồng. Tuy nhiên, mới đây các vị tướng cấp cao NATO phải thừa nhận lực lượng này  “quá mong manh” trước sức mạnh quân sự của Nga.

“Nga có các tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm ở cả trên đất liền và trên biển. Chưa kể tới các máy bay chiến đấu đặt tại vùng Kaliningrad và nhiều nơi khác trên lãnh thổ, cho phép Moscow kiểm soát cả một khu vực rộng lớn” - Financial Times dẫn lời một phát ngôn viên của NATO.

tuong nato thua nhan luc luong phan ung cuc nhanh (vjtf) cua nato "qua mong manh" truoc suc manh quan su cua nga. anh: nato.int

Tướng NATO thừa nhận Lực lượng phản ứng cực nhanh (VJTF) của NATO "quá mong manh" trước sức mạnh quân sự của Nga. Ảnh: nato.int

Một tướng cấp cao của NATO đã từng công khai thừa nhận rằng sức mạnh quân sự hùng mạnh của Nga dọc biên giới Ba Lan và Lithuania có thể "nuốt chửng" VJTF của NATO trước khi lực lượng này sẵn sàng chiến đấu.

Vị phát ngôn viên này nhấn mạnh NATO nhận thức rõ tiềm lực của Nga tại khu vực nằm ở cực tây của Nga là Kaliningrad với những thách thức đặt ra cho liên minh phương Tây gồm 28 quốc gia thành viên này.

Cũng theo phát ngôn viên NATO, tổ chức này đang xem xét khả năng mở rộng thêm quy mô quân sự nhằm nâng cao và hiện đại hóa khả năng ngăn chặn cũng như phòng thủ. Những vấn đề này có thể sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Warsaw dự kiến được tổ chức tại Ba Lan từ ngày 8 đến 9-7 sắp tới.

Sự mong manh của lực lượng VJTF trước sức mạnh của Nga được cho là lý do khiến ngoại trưởng các nước thành viên NATO dự kiến tổ chức một cuộc họp trong tuần này và bổ sung vào chương trình nghị sự của hội nghị Warsaw việc triển khai thêm bốn tiểu đoàn binh lính NATO ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Một nhà ngoại giao Ba Lan cho biết việc triển khai thêm quân dọc biên giới với Nga là biện pháp tối thiểu mà NATO cần phải làm để ngăn chặn mối đe dọa từ Nga.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục