Lật tẩy chiến dịch PR của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Trung Quốc đang tung các nhà ngoại giao đi khắp thế giới để PR về "lối hành xử đạo đức" của mình trên Biển Đông. Trong ảnh là Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Sau những năm chiếm đóng, xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc nay tung các nhà ngoại giao đi khắp thế giới truyền bá rằng Trung Quốc là nước hành xử đạo đức trên Biển Đông.
Báo National Interest của Mỹ ngày 16.5 có bài phân tích cho rằng mục tiêu của chiến dịch “truyền bá tình yêu” Trung Quốc hiện nay là cố chứng minh rằng các nước ASEAN đang tranh chấp trên Biển Đông chính là những nước phải chịu trách nhiệm vì “hành động khiêu khích” của mình hoặc vì “đã để cho Mỹ lợi dụng”.
Ngoài ra, theo National Interest, các quan chức Trung Quốc nay đang đi khắp thế giới để truyền bá rằng lý do duy nhất cho mọi rắc rối trên Biển Đông là vì Mỹ đã lừa bịp Philippines, Việt Nam và Malaysia.
Từ Jakarta đến London, các quan chức Trung Quốc đã gặp các nhà ngoại giao để truyền bá những điều trên.
Đường băng Trung Quốc đã xây dựng phi pháp trên Đá Chữ ThậpAFP/DIGITALGLOBE
Nhưng National Interest nhận định rằng dường như Trung Quốc không nhận ra được sự thật về thái độ của những nước khác. Đến nay, chiến dịch PR của Trung Quốc không thu phục được mấy nước trong bối cảnh Trung Quốc tự cho rằng tất cả những gì mình làm là đạo đức, là đúng đắn nên bất kỳ ai không đồng ý đều là sai trái (?).
Thậm chí mới đây Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố đạt được thỏa thuận với Lào, Campuchia và Brunei về các vấn đề Biển Đông trong khi các nước này nói rằng không có các thỏa thuận ấy. Nhiều nước Ả Rập còn bày tỏ lo ngại về ý đồ và hành vi của Trung Quốc trước việc nước này nói đã tranh thủ được sự ủng hộ của khối Ả Rập về vụ kiện Biển Đông.
Tướng Mỹ tố Trung Quốc phá vỡ sự ổn định thế giới
Tư lệnh Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, tướng 4 sao Robert Neller tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, cùng lúc ám chỉTrung Quốc “có thể phá vỡ sự ổn định thế giới”.
Tướng Neller tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các chuyến tuần tra trên Biển Đông. Ông cũng khẳng định Mỹ tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế, cùng lúc xây dựng niềm tin với các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng lúc, tướng Neller tố cáo “một số nước” đang chăm chăm thúc đẩy lợi ích của riêng mình trên Biển Đông, đang rất “tinh vi và tính toán kỹ” nhưng lại không ủng hộ sự ổn định khu vực.
Báo Navy Times ngày 16.5 dẫn lời ông Neller: “Chúng ta là một quốc gia tôn trọng luật pháp, chúng ta sẽ đến những nơi và làm những điều cổ vũ luật pháp quốc tế. Điều chúng ta không thể làm là ngưng lên tiếng, ngay cả khi chúng ta không đồng ý. Có thể một số nước có những hành động mà chúng ta không đồng ý và chúng ta cần duy trì liên lạc với họ, nói với họ rằng hành động của họ có thể phá vỡ sự ổn định thế giới”.
Ông Neller đã đưa ra những tuyên bố như trên sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo nhận định về mục tiêu và chiến lược của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Máy bay A-10 Thần sấm II của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Clark, Philippines trong một chuyến tuần tra gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông
Báo cáo cho rằng Trung Quốc biết rõ các hành động phi pháp của mình ở Biển Đông sẽ đẩy căng thẳng lên cao nhưng cố tình phớt lờ. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc vẫn đang tìm cách tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Tổng thống tân cử Philippines sẽ không 'xuống nước' trong vấn đề Biển Đông
Tổng thống tân cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte khẳng định dù để ngỏ khả năng đàm phán với Trung Quốc nhưng sẽ không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Hãng thông tấn DPA (Đức) dẫn lời tổng thống tân cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte ngày 16.5 nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, bất kể Bắc Kinh có muốn thừa nhận hay không. Tuyên bố được ông Rodrigo Duterte đưa ra ngay trước cuộc gặp Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Triệu Giám Hoa.
Tổng thống tân cử của Philippines thừa nhận ông muốn mềm dẻo hơn trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng khẳng định rằng điều đó không đồng nghĩa với việc ông sẽ từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của Philippines để đổi lấy lợi ích kinh tế và thương mại từ phía Trung Quốc.
"Tôi nói mềm dẻo ở đây có nghĩa là không muốn xảy ra chiến tranh. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng đó là từ bỏ hay xuống nước (trước Trung Quốc) thì đó là không thể, hoàn toàn không thể", DPA dẫn lời ông Rodrigo Duterte phát biểu trước báo giới.
Quân đội Mỹ và Philippines tập trận chung trên Biển ĐôngREUTERS
Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông Rodrigo Duterte còn thể hiện lập trường của mình khi khẳng định sẽ không dựa vào Mỹ để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. DPA nhận định quan điểm này cho thấy ông Rodrigo Duterte không tin tưởng vào việc Mỹ sẽ đứng về phía Philippines nếu có xảy ra một cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Sau khi gặp ông Rodrigo Duterte, đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa nói rằng họ đã có cuộc nói chuyện tốt đẹp, và phía Trung Quốc đang mong chờ được hợp tác cùng chính quyền mới của ông Rodrigo Duterte.
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Rodrigo Duterte đã thể hiện nhiều quan điểm khác với người tiền nhiệm của mình. Dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Benigno Aquino III, Philippines rất cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và ông Aquino cũng từ chối đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh. Trong khi đó, dù chưa nhậm chức, ông Rodrigo Duterte đã muốn mở đường cho đối thoại và quan hệ hữu nghị hơn với Trung Quốc.
Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Libya chống IS
Mỹ và các cường quốc khẳng định sẵn sàng trang bị vũ khí cho chính phủ Libya để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và các nhóm vũ trang cực đoan khác.
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và hơn 15 nước khác ngày 16.5 đã đồng thuận việc miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc với Libya, nhằm mở đường cho việc cung cấp vũ khí cho Libya chống lại mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm vũ trang cực đoan khác, theo AP.
Theo thông cáo chung được đưa ra sau cuộc họp các ngoại trưởng của hơn 20 nước tại Vienna (Áo) ngày 16.5, các nước khẳng định sẵn sàng đáp ứng đề nghị của Libya về huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng chính phủ nước này. Mặc dù vậy, lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc vẫn giữ nguyên.
AP nhận định bước đi này sẽ giúp chính quyền non trẻ của Libya củng cố quyền lực và giành lại quyền kiểm soát ngân hàng nhà nước cũng như công ty dầu mỏ quốc gia. Tuy nhiên điều này cũng có thể kéo theo những rủi ro lớn, nhất là khi IS hoặc các nhóm vũ trang khác cướp được những vũ khí mà các cường quốc trang bị cho lực lượng chính phủ Libya.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho lực lượng chính phủ Libya chống ISREUTERS
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Vienna rằng cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ cho chính phủ Libya và việc hỗ trợ cho chính phủ hợp pháp của họ chốngkhủng bố là điều cần thiết.
Thủ tướng Libya, ông Fayez al-Sarraj cho biết chính phủ được Liên Hiệp Quốc công nhận của ông sẽ sớm đệ trình lên Hội đồng bảo an danh sách các loại vũ khí mà nước này muốn được cung cấp. Theo The Wall Street Journal, ông Fayer al -Sarraj nói rằng tình hình ở Libya đang vô cùng tồi tệ, nhưng chính phủ Libya chỉ muốn nhận viện trợ về vũ trang cũng như quá trình huấn luyện chứ không muốn có sự can thiệp của quân đội nước ngoài.
Libya vẫn trong tình trạng khủng hoảng chính trị với những bất đồng giữa chính phủ được Liên Hiệp Quốc công nhận và các lực lượng đối lập. Thời gian gần đây, IS và các nhóm vũ trang có liên hệ với IS cũng tung hoành ở nước này, tiến hành nhiều vụ đánh bom, tấn công đẫm máu. Chính phủ Libya cảnh báo IS có thể chiếm nhiều vùng lãnh thổ của nước này nếu không được ngăn chặn sớm
Nga sắp ký thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Indonesia
Nga trong tuần này sẽ ký thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Indonesia và cho phép Jakarta chế tạo đạn dược theo giấy phép, Cố vấn Văn phòng Tổng thống Nga Yuri Ushakov chia sẻ với báo giới hôm nay 17/5.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Hội nghị APEC năm 2014 (Ảnh: AP)
Theo ông Yuri Ushakov, thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Indonesia và cho phép Jakarta chế tạo đạn dược theo giấy phép sẽ được ký trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN dự kiến diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Biển Đen ở thành phố Sochi, Nga vào cuối tuần này. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các loại vũ khí mà Nga sẽ cung cấp cho Indonesia vẫn chưa được tiết lộ.
Theo lịch trình, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp đón Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Sochi vào thứ 4 ngày 18/5.
Trước đó, tờ Antara dẫn tin cho biết Indonesia có thể sẽ ký thỏa thuận mua 8 máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-35 của Nga tại hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN trong tháng 5.
Đây là một phần trong kế hoạch nhằm nâng cấp hệ thống vũ khí của Indonesia và tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng quốc phòng Indonesia.
(
Tinkinhte
tổng hợp)