Nhật Bản sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ châu Âu và chế tạo hạm đội tàu ngầm cho Úc ngay tại các xưởng đóng tàu ở nước này, một quan chức cấp cao của Nhật tuyên bố, trong một nỗ lực nhằm giành hợp đồng trị giá gần 35 tỷ USD, một trong những hợp đồng quốc phòng lớn nhất thế giới.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 14-11-2015
- Cập nhật : 14/11/2015
Thủ tướng Campuchia dọa kiện ông Sam Rainsy tội vu khống
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 12-11 đe dọa kiện lãnh đạo đối lập Sam Rainsy vì những phát ngôn gần đây của ông này xuyên tạc rằng đảng CPP có kế hoạch hoãn tổng tuyển cử 2018 vì sợ thất bại.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: “Ông Rainsy nói rằng CPP sợ thất bại nên không dám tổ chức bầu cử và muốn hủy hoại cuộc bầu cử. Tốt nhất là ông nên có bằng chứng rõ ràng, nếu không thì hãy thận trọng với lời nói của mình vì tội vu khống có thể đối mặt với án hình sự”.
Phát ngôn của ông Sam Rainsy được đưa ra hôm 10-11 tại Tokyo – Nhật Bản. Trong đó ông quả quyết rằng đảng cầm quyền CPP muốn tránh cuộctổng tuyển cử năm 2018, đồng thời kêu gọi quốc tế gia tăng sức ép để Thủ tướng Hun Sen không hủy cuộc bầu cử này.
Trong cả bài phát biểu trực tiếp cũng như văn bản đăng tải trên trang Facebook của mình hôm 12-11, Thủ tướng Campuchia đều kịch liệt chỉ trích ông Sam Rainsy, đồng thời chế giễu việc ông này cố tình tìm cách “bắt quàng làm họ” giữa Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) của mình với đảng đối lập đang thắng thế trong cuộc bầu cử ở Myanmar.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng ông Rainsy thiếu sáng suốt khi so sánh bản thân với lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi – con gái của một vị anh hùng lịch sử.
Tiền tài trợ của Mỹ đi vào nước nào nhiều nhất?
Báo cáo hỗ trợ nước ngoài của Chính phủ Mỹ cho thấy 5,9 tỉ USD tiền thuế của người dân Mỹ đã chảy vào chương trình Hỗ trợ tài chính quân sự nước ngoài (FMF) trong năm 2014.
CNN cho biết nhìn chung Trung Đông và châu Phi nhận được khoảng 86% tổng số tiền tài chính quân sự nước ngoài của Mỹ trong năm 2014.
Chính phủ Mỹ đã dành khoảng 75% trong tổng 5,9 tỉ USD tiền hỗ trợ tài chính quân sự nước ngoài cho Israel và Ai Cập trong năm ngoái.
Theo báo cáo, năm quốc gia đứng đầu bảng danh sách các quốc gia nhận viện trợ tài chính quân sự của Mỹ năm ngoái là Israel (3,1 tỉ USD), Ai Cập (1,3 tỉ USD), Iraq (300 triệu USD), Jordan (300 triệu USD) và Pakistan (280 triệu USD).
Tuy nhiên, 5,9 tỉ USD trong chương trình FMF chỉ chiếm khoảng 17% trong gần 35 tỉ USD mà Mỹ đã sử dụng để hỗ trợ nước ngoài trong năm 2014.
Thống kê từ trang howmuch.net cho thấy các quốc gia Trung Đông chiếm đa số trong năm quốc gia nhận tài trợ kinh tế nhiều nhất từ Mỹ.
Theo trang này, Israel đã nhận 3,1 tỉ USD, Ai Cập nhận 1,5 tỉ USD, Afghanistan nhận 1,1 tỉ USD, Jordan nhận 1 tỉ USD và Pakistan nhận 933 triệu USD trong nguồn quỹ hỗ trợ của Mỹ.
Tổng thống Nga và Indonesia không dự APEC 2015
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo sẽ vắng mặt tại hội nghị cấp cao các nước APEC diễn ra tại Manila (Philippines) sắp tới.
Điện Kremlin hôm 12-11 cho hay ông Putin sẽ không tới dự hội nghị và thay vào đó là Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.
Reuters dẫn nguồn tin từ điện Kremlin nói lý do là ông Medvedev có một loạt cuộc họp trong khu vực cùng thời gian diễn ra hội nghị nên tiện dự luôn hội nghị APEC.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines hôm 12-11 cũng cho hay Tổng thống Indonesia Widodo cũng sẽ không dự hội nghị APEC vì bận giải quyết một số vấn đề trong nước.
Theo Reuters, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này trong nhiều tháng qua là nơi xuất phát các đám khói bụi do cháy rừng, ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia cũng xác nhận thông tin ông Widodo sẽ không dự họp vào 2 ngày 18 và 19-11 tới đây. Tuy nhiên, Jakarta không tiết lộ vấn đề trong nước giữ chân ông Widodo ở nhà là gì.
Thay vào đó, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla sẽ thay ông Widodo đến Manila.
Tháng trước, ông Widodo đã cắt ngắn chuyến công du đầu tiên đến Mỹ để trở về Indonesia lo chuyện dập các đám cháy rừng.
Khủng bố nhiều nước châu Âu chuẩn bị tấn công
Mạng lưới khủng bố này phát triển trên Internet, hoạt động ở nhiều nước châu Âu gồm Ý, Anh, Na Uy, Phần Lan, Thụy Sĩ, Đức. Chúng chuẩn bị tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố để giải cứu cho tên trùm Krekar ở Na Uy. Chiến dịch truy quét cũng đã phá hủy quy trình tuyển mộ người và đưa ra nước ngoài tham gia khủng bố của mạng lưới này.
Theo cơ quan điều tra Ý, bọn bị bắt là môn đệ của Najmuddin Ahmad Faraj (còn gọi là giáo sĩ Krekar), 59 tuổi, người Kurd ở Iraq, cư trú ở Na Uy từ năm 1991 (ảnh). Na Uy xem tên này là mối đe dọa quốc gia và từ năm 2003 đã ra lệnh trục xuất nhưng không thi hành được vì không bảo đảm nếu chuyển về Iraq tên này sẽ không bị kết án tử hình. Tên này là đồng sáng lập tổ chức khủng bố Ansar al-Islam ở Iraq.
Myanmar: Đảng của bà Suu Kyi giành đa số ghế trong quốc hội
Kết quả bầu cử mới nhất được công bố hôm 13-11 cho thấy Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành được 348 ghế, qua đó chiếm thế đa số tuyệt đối trong quốc hội.
Với gần 85% số ghế được công bố, NLD đã giành được hơn 2/3 số ghế cần thiết để kiểm soát quốc hội và bảo đảm ứng viên tổng thống của mình được bầu chọn mà không cần sự ủng hộ của các chính đảng khác. NLD cũng có quyền lập chính phủ mới mà không cần liên minh với đảng nào khác.
Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) được quân đội hậu thuẫn hiện chỉ mới giành được 40 ghế.
Tuy quân đội vẫn còn nhiều quyền lực do kiểm soát 25% trong số 664 ghế của lưỡng viện quốc hội nhưng theo nhà phân tích Richard Horsey, thế đa số tuyệt đối ở quốc hội sẽ giúp NLD tạo thế cân bằng quyền lực cũng như có thể thông qua các luật mà họ muốn”.
Quá trình công bố kết quả dự kiến kết thúc sau vài ngày nữa. Trong một diễn biến khác, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã kêu gọi các chính đảng gặp nhau tại TP Yangon ngày 15-11 tới để bàn về tình hình chính trị đất nước sau bầu cử.
Hiến pháp Myanmar hiện cấm bà Suu Kyi trở thành tổng thống do bà có chồng con là người nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ hôm 12-11 thúc giục Myanmar sửa đổi hiến pháp để dỡ bỏ quy định này cũng như vấn đề quân đội nắm 25% ghế trong quốc hội.
Theo Nhà Trắng, những thay đổi hiến pháp vẫn rất cần thiết ở Myanmar để "củng cố thêm nền dân chủ của đất nước".
Reuters dẫn thông báo của Nhà Trắng ngày 12-11 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho bà Aung San Suu Kyi vào cuối ngày 11-11. Tổng thống Mỹ chúc mừng "Quý bà" Myanmar và ca ngợi bà vì sự hy sinh và những nỗ lực không mệt mỏi để thúc đẩy một đất nước Myanmar hòa bình và dân chủ hơn.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-mooncũng chúc mừng bà Suu Kyi. Ông mô tả cuộc bầu cử ngày 8-11 là “thành tựu lớn” của Myanmar, đánh dấu quá trình chuyển đổi từ chế độ quân sự.