Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên
Hàn Quốc nối lại tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới
Tiêu diệt bộ trưởng chiến tranh IS
Tỉ phú Trump đem tiền ra dọa Anh
California ban bố tình trạng khẩn cấp vì thảm họa khí gas
Tin thế giới đọc nhanh 07-01-2016
- Cập nhật : 07/01/2016
Dân Trung Quốc sơ tán do Triều Tiên nổ bom gây động đất
Động đất nhân tạo do Triều Tiên thử hạt nhân khiến giờ kiểm tra của học sinh ở Trung Quốc bị gián đoạn. Ảnh: Tencent
Người dân gần biên giới với Triều Tiên "cảm thấy rung lắc rõ ràng" sáng nay, khi Bình Nhưỡng nói họ đã kích nổ bom nhiệt hạch, đài truyền hình CCTV đưa tin trên tài khoản mạng xã hội.
Các khu vực biên giới gồm Yanji, Hunchung và Changbai ở tỉnh Jilin nằm gần bãi thử hạt nhân Triều Tiên nhất. Người dân Yanji thấy bàn ghế rung lắc trong vài giây và một số công ty sơ tán nhân viên khỏi văn phòng.
Các học sinh trung học đang làm bài kiểm tra thì phải nghỉ sau khi mặt đất ở sân chơi nứt vỡ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho biết giới chức đang đánh giá ảnh hưởng đến môi trường của vụ thử hạt nhân, nói thêm rằng phóng xạ tại khu vực ở mức "bình thường".
Dữ liệu theo dõi môi trường chính thức cho thấy các chỉ số ở trong phạm vi bình thường, Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói và cho biết đến nay các cuộc thử hạt nhân không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trung Quốc là đồng minh ngoại giao thân cận và là nước viện trợ, giao thương chính với Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng giận dữ khi Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân. Trung Quốc thường xuyên kêu gọi các bên bình tĩnh tại bán đảo Triều Tiên.
Tháng trước, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gợi ý Bình Nhưỡng đã phát triển được bom nhiệt hạch, nhưng kể cả sau tuyên bố về vụ thử hôm nay, các chuyên gia quốc tế và quan chức vẫn tiếp tục nghi ngờ về điều này.
Anh cho phép quan chức chính phủ vận động rời khỏi EU
Tổ hợp truyền thông Anh BBC ngày 5/1 đưa tin Thủ tướng Anh David Cameron sẽ cho phép các quan chức chính phủ tham gia vận động rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới ở nước này.
Thủ tướng Cameron đang trong quá trình thương lượng lại các điều khoản về tư cách thành viên EU của Anh và ông nói rằng ông muốn Anh ở lại trong một EU đã cải cách.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Anh cũng cho biết ông không loại trừ khả năng nào nếu như không thể đạt được những thay đổi cơ bản trong mối quan hệ của Anh với liên minh mà Anh là thành viên đã hơn 40 năm qua.
Được biết khá nhiều quan chức trong nội các của ông Cameron phản đối EU và thậm chí từng xuất hiện đồn đoán rằng những quan chức này sẽ phải từ nhiệm nếu họ muốn vận động rời khỏi EU.
BBC cho hay Thủ tướng Cameron sẽ cho phép các quan chức nội các tham gia vận động cho cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối EU sau khi cuộc thương lượng giữa Anh với EU hiện nay đạt được một thỏa thuận.
Thực hiện cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ, Thủ tướng Cameron sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân dự kiến trước cuối năm 2017 để cử tri Anh quyết định việc ở lại hay rời khỏi EU.
Hiện hai bên đang thương lượng những điều khoản cải cách EU mà Anh đưa ra và nếu đạt được một thỏa thuận, nhiều khả năng cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tiến hành trong năm nay./.
Kế hoạch B của Putin trong cuộc chiến Syria
Theo nhà nghiên cứu Joseph Bahout, thuộc Chương trình Trung Đông tại cơ quan nghiên cứu Carnegie Endowment, lựa chọn thứ hai của Nga trong trường hợp chính quyền Syria không thể khôi phục nhà nước trung ương là rút lui về một khu vực dễ phòng thủ dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, sau khi đảm bảo an toàn cho những khu vực của người Alawite.
"Việc này có lẽ đã được tính tới, bởi đa số các cuộc không kích của Nga tập trung vào những khu vực xung quanh vùng này", Business Insider dẫn lời ông Bahout nói.
Alawite là một giáo phái Hồi giáo theo một nhánh thuộc dòng Shiite. Ông Assad, quân đội Syria và lực lượng dân quân trung thành với ông phần lớn là người Alawite. Kể từ khi triển khai các cuộc không kích hồi tháng 9 năm ngoái, Nga đã dùng chiến dịch để tạo ra một vùng đệm giữa khu vực phe đối lập kiểm soát ở phía nam tỉnh Idlib, và địa bàn truyền thống của người Alawite tại Latakia.
Máy bay Nga cũng nhắm vào vùng phiến quân kiểm soát ở phía bắc tỉnh Homs, tiếp giáp với khu vực tập trung người Alawite.
"Căn cứ vào đa số các cuộc không kích của Nga và hoạt động chiến đấu của bộ binh Syria (SAA), có thể thấy chính quyền Syria và Moscow đang tìm cách bảo vệ 'Alawistan', hay truyền thông còn gọi là 'đất của Assad'", Boris Zilberman, chuyên gia về Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) nhận xét, sử dụng những thuật ngữ để mô tả thành trì của người Alawite tại Latakia."Chính quyền đang bảo vệ những vùng đất họ cho rằng có thể trụ vững với sự hỗ trợ của sức mạnh không quân Nga. Do đó, trước tiên và trên hết, họ đang bảo vệ cho chính quyền".
Trật tự quốc tế mới
Một điều chắc chắn đó là lực lượng của ông Assad, với sự yểm trợ trên không của Nga, vẫn đang chiến đấu giành quyền kiểm soát hai thành phố quan trọng chiến lược và có ý nghĩa biểu tượng nhất tại Syria, đó là thủ đô Damascus và thành phố lớn thứ hai Aleppo. Damascus từ lâu được phe đối lập xem như điểm then chốt để giành chiến thắng trong cuộc chiến, còn Aleppo là trung tâm đô thị chính của miền bắc.
Nhưng cho dù chính quyền Syria có đẩy lùi được phe đối lập khỏi hai địa bàn này, việc giữ vững quyền kiểm soát tại đây cũng đòi hỏi một nguồn tài chính và nhân lực đáng kể.
Thời gian qua, SAA đã kiệt quệ, quá căng thẳng, và gần như bên bờ vực sụp đổ trước khi không quân Nga can thiệp và giúp họ giành lại lãnh thổ. Do đó SAA cần được cải tổ hoàn toàn, hoặc Nga sẽ phải điều động bộ binh để tham gia bảo về các thành phố trên trước những đợt phản kích có thể tiếp diễn, chừng nào ông Assad còn tại vị.
Dù vậy, việc Nga bảo hộ cho chính quyền Assad tại tây Syria cho thấy "một thực tế rõ ràng về ý niệm của Nga đối với một trật tự quốc tế mới", học giả người Pháp Marc Pierini tại cơ quan nghiên cứu Carnegie Europe, một cựu đại sứ EU, nhận định.
"Ngoài việc nhanh chóng sáp nhập Crimea và giữ thế thượng phong tại miền đông Ukraine, Nga đang bổ sung thêm 'Alawistan'", Pierini viết. "Khi làm việc này, họ đang cho phần còn lại của thế giới thấy rằng họ có đủ khả năng để định hình lại trật tự thế giới, hoặc ít nhất có đủ gan để làm việc đó".
Mark Galeotti, một chuyên gia về Nga tại Đại học New York cùng chung quan điểm này. Ông cho rằng dù một Assadland hay Alawistan không phải lựa chọn hàng đầu của Kremlin, đó là một lựa chọn chấp nhận được đối với Nga.
"Moscow sẽ không vui vẻ với viễn cảnh một "tiểu quốc gia" Alawite, nhưng suy nghĩ về đường rút lui là rõ ràng và không thể tránh khỏi, một khi họ không thể có được điều mong muốn là một thắng lợi cuối cùng cho Damascus", Galeotti bình luận.
Chuyên gia này cho rằng một Alawistan có khả năng phòng thủ tốt, đứng vững về kinh tế và chính trị, sẽ giúp Nga vừa giữ được một đồng minh trong khu vực, vừa dễ hỗ trợ và hoạch định hơn".
Phương án này cũng sẽ có sức thuyết phục với ông Assad. Một nhà nước nhỏ ở phía Tây sẽ đảm bảo rằng chính quyền Syria tiếp cận được với đối tác then chốt là phiến quân Hezbollah tại Lebanon, cũng như nguồn năng lượng tiềm năng ngoài khơi biển Địa Trung Hải.
Thế nhưng, "giải pháp" này có thể bị xem là không thể chấp nhận được đối với cộng đồng người Hồi giáo Sunni chiếm đa số tại Syria cũng như ở nước ngoài. Họ đã chiến đấu gần 5 năm qua để buộc ông Assad phải ra đi. Hơn nữa, theo học giả Zilberman, việc vẫn tồn tại một thành trì của ông Assad dọc theo bờ biển sẽ "tiếp tục là một công cụ chiêu mộ hữu hiệu cho những phần tử jihad".
Các cuộc đàm phán về tương lai Syria dự kiến diễn ra cuối tháng này. Việc phân chia Syria theo cách giúp bảo vệ nhà lãnh đạo này và gia đình ông - qua đó tiếp tục đảm bảo vai trò của Nga trong khu vực - có thể sẽ trở thành một phần trong "giải pháp" dài hạn cho cuộc xung đột.
"Nếu anh thuộc chính quyền Syria hoặc là bên hậu thuẫn họ, thì điều này nghe có vẻ hợp lý, đúng không?" Zilberman nói. "Nếu anh có thể giữ lại một dạng nhà nước mà nhà Assad có thể kiểm soát trong tương lai, thì anh đã thắng." (VNexpress)
Chuyên gia nghi Triều Tiên 'nói suông' về bom nhiệt hạch
Ngày 6/1, Triều Tiên phát đi tuyên bố đặc biệt, khẳng định nước này đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch "theo quyết tâm chiến lược từ đảng Lao động", truyền hình quốc gia KCNA của nước này đưa tin.
Bom nhiệt hạch là vũ khí uy lực hơn rất nhiều so với bom hạt nhân phân hạch bình thường. Bom nhiệt hạch sử dụng năng lượng phân rã từ một phản ứng hạt nhân dây chuyền để tạo ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng lớn hơn bom phân hạch hàng nghìn lần.
Triều Tiên tuyên bố lý do thử nghiệm bom nhiệt hạch là để tự vệ trước Mỹ và đây là "quyền hợp pháp" của nước này, theo Guardian. Trước đây, Triều Tiên đã ba lần thử hạt nhân, nhưng các vũ khí sử dụng trong những vụ thử đó đều là bom hạt nhân thông thường, kém uy lực hơn nhiều so với bom nhiệt hạch.
KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho hay Triều Tiên đã sở hữu "các vũ khí hạt nhân cực mạnh sẵn sàng kích nổ bom A hoặc bom H để có thể bảo vệ chủ quyền của mình một cách đáng tin cậy".Tuyên bố trên được ông Kim đưa ra trong chuyến thăm gần đây tới di tích cách mạng Phyongchon, nơi ghi dấu những thành tích của người cha Kim Jong-il và ông nội Kim Nhật Thành.
Tuy nhiên, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời các quan chức tình báo nước này cho rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ Triều Tiên đã có thể chế tạo và thử thành công bom nhiệt hạch, thế nên tuyên bố của ông Kim chỉ là "nói suông".
Tờ Telegraph của Anh dẫn lời chuyên gia địa chất Jascha Polet cho biết các sóng địa chấn mà vụ thử hạt nhân ngày 6/1 của Triều Tiên gây ra có tần số rất giống với những gì mà các nhà địa chất ghi nhận được trong vụ thử hạt nhân năm 2013, chứng tỏ năng lượng phát ra từ vụ nổ "bom nhiệt hạch" này không lớn hơn bom hạt nhân thông thường.
"Tôi cho rằng Triều Tiên có rất ít khả năng sở hữu bom nhiệt hạch vào thời điểm này, và tôi cũng không mong họ thử nghiệm tiếp các loại bom hạt nhân cơ bản", Jeffrey Lewis, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, nói.
"Triều Tiên khó có thể sở hữu được bom nhiệt hạch", ông Lee Chun-geun, chuyên gia tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, cho biết. "Tôi cho rằng có vẻ như họ đang phát triển loại vũ khí này, nhưng chưa thành công".
Theo chuyên gia Lewis, nhiều khả năng loại "bom nhiệt hạch" mà Triều Tiên đề cập trong tuyên bố mới nhất chỉ là công nghệ đẩy nhanh quá trình phân rã một thiết bị hạt nhân bằng cách sử dụng nhiên liệu tan chảy chứ chưa hẳn là một phản ứng nhiệt hạch đầy đủ.Tất cả các nhận định của giới phân tích đến nay vẫn chỉ là phỏng đoán, bởi họ không thể tiếp cận được với công nghệ hạt nhân của Triều Tiên vốn được giữ bí mật tuyệt đối với thế giới bên ngoài. Nếu thông tin Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch là đúng, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã đạt được bước tiến đáng kể trong chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Sóng địa chấn thu được trong vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên (màu đỏ) rất giống với tín hiệu địa chấn năm 2013 (màu vàng). Đồ họa: Twitter
Phản ứng trước vụ việc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, quốc gia được coi là đồng minh thân cận nhất với Triều Tiên, tuyên bố rằng Bắc Kinh mong muốn theo đuổi quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ chưa thể xác nhận ngay lập tức tuyên bố thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, và Bộ Ngoại giao nước này đã tổ chức một phiên họp khẩn sau vụ thử nghiệm. Các quan chức Nhật Bản cũng đang nhóm họp để thảo luận tình hình.
Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho hay họ đã nhận được thông tin về vụ thử hạt nhân và đang "đề cao cảnh giác, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc để duy trì an ninh trên bán đảo".
Trung Quốc triển khai tàu nghe lén công nghệ cao mới
Hải quân Trung Quốc vừa mới đưa vào biên chế một tàu trinh sát điện tử công nghệ cao mới. Chiếc tàu này ít nhất là chiếc thứ 4 kể từ năm 1999, theo Daily Beast.
Tàu trinh sát Type 815 Neptune được trang bị các thiết bị nghe lén điện tử nhạy bén có thể giúp Bắc Kinh cải thiện hơn nữa khả năng thu thập tin tức tình báo về các đối thủ trên biển, đặc biệt là hải quân Mỹ, theo chuyên gia phân tích quân sự David Axe.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin tàu Neptune được đưa vào biên chế hôm 26/12, hai ngày sau một lễ ra mắt được cho là diễn ra ở một căn cứ hải quân không được tiết lộ ở Biển Đông. Theo tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tàu Neptune "có thể tiến hành trinh sát liên tục nhiều mục tiêu trong phạm vi nhất định trong mọi điều kiện thời tiết".
Tàu Neptune dài khoảng 122 mét, có các mái vòm lớn bên trên chứa các ăng ten chặn thu sóng radar và radio liên lạc của các đối thủ tiềm năng. Các chuyên gia phân tích tình báo trên biển và trên bộ của Trung Quốc sau đó có thể giải mã các tín hiệu để xác định các khả năng của các tàu, máy bay và thiết bị quân sự của các quốc gia khác.
Trung Quốc đã triển khai ngày càng nhiều hạm đội tàu gián điệp ra các vùng biển xa xôi và hoạt động trên phạm vi rộng trong những năm gầy đây, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đối thủ địa chính trị sát sườn nhất là Nhật Bản, và đối thủ tiềm năng nặng ký nhất là Mỹ.
Hồi giữa tháng 11, một máy bay trinh sát P-3 của không quân Nhật Bản được cho là đã phát hiện một tàu Type 815 đang hoạt động gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý trên biển Hoa Đông. Trong những năm gần đây, cả hai nước đều điều các tàu tuần tra đi vào vùng biển quanh nhóm đảo này, dẫn đến một số tình huống căng thẳng trên biển.
Tháng 7/2014, Bắc Kinh điều một tàu do thám Type 815 tới vùng biển ngoài khơi Hawaii nơi có hơn 50 tàu chiến của Mỹ và các quốc gia khác đang có mặt để tham gia tập trận RIMPAC quy mô lớn nhất của các lực lượng hải quân trên thế giới.
Lầu Năm Góc trước đó đã mời 4 tàu Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC, nhưng họ không mời tàu loại Type 815. Các chiến lược gia hải quân Mỹ đã thận trọng khi mời các tàu Trung Quốc đứng ngoài cuộc tập trận, nơi họ không thể quan sát trực tiếp các chiến thuật và trang bị của Mỹ cũng như các tàu của đồng minh.
Điều này cho thấy Mỹ muốn "chơi đẹp" với Trung Quốc mà không lo bị lộ các bí mật quân sự. Tuy nhiên tàu gián điệp không được mời của Trung Quốc đã phá vỡ quy tắc và tiến vào khoảng cách đủ gần với khu vực diễn ra các cuộc tập trận để thu thập thông tin tình báo giá trị.Theo ông Axe, các hoạt động của tàu gián điệp Trung Quốc sẽ không gây khó chịu cho Mỹ đến vậy nếu như Bắc Kinh không quá nhạy cảm với các hoạt động của các tàu do thám Mỹ vốn hoạt động lặng lẽ hơn trong các vùng biển gần Trung Quốc.
Bộ tư lệnh hải vận quân sự Mỹ (Military Sealift Command), lực lượng bán dân sự của hải quân Mỹ hiện vận hành 5 tàu trinh sát tương tự như các tàu Type 815 cả về khả năng và kích cỡ. Năm 2009, các tàu cá Trung Quốc đã bám đuôi và chạy cắt mặt tàu trinh sát Impeccable của Mỹ khi nó đang đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hải quân Mỹ khi đó đã phải điều một tàu khu trục trang bị vũ khí hạng nặng để hộ tống tàu Impeccable và ngăn chặn các tàu cá này tiếp tục có các hành vi cản trở.
Điều đáng chú ý là tàu do thám Type 815 của Trung Quốc đã triển khai ở Vùng đặc quyền kinh tế của cả Mỹ và Nhật Bản trong những năm sau đó, một hành động bị Lầu Năm Góc lên án trong báo cáo về Trung Quốc năm 2013. "Trong khi Mỹ coi các hoạt động của hải quân PLA trong EEZ của mình là hợp pháp thì Trung Quốc coi hoạt động tương tự của tàu quân sự nước ngoài là bất hợp pháp", báo cáo nhấn mạnh.
Giờ đây, với việc có nhiều hơn các tàu loại Type 815 biên chế vào hạm đội, hải quân Trung Quốc có thể tiến hành thường xuyên hơn các nhiệm vụ trinh sát, nghe lén, có khả năng sẽ thâm nhập sâu hơn và nhiều khả năng khiến chính phủ Mỹ khó chịu hơn nữa, chuyên gia Axe lưu ý.