tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cựu thủ tướng Malaysia: ASEAN khó đối đầu Trung Quốc trên Biển Đông

  • Cập nhật : 04/03/2016

(Tin kinh te)

Các nước Đông Nam Á có tranh chấp trên Biển Đông đang tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì “sức mạnh tuyệt đối” của nước này, theo cựu thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad.

Các nước như Malaysia có nguy cơ phải đối mặt với sự lấn át ngày càng lớn hơn từ phía Trung Quốc vì  chính họ phải chọn cách không thể hiện lập trường cứng rắn hơn, và đó gần như là điều không thể khác được, Bloomberg ngày 3.3 dẫn lời ông Mahathir Mohamad.

Đối phó với một quốc gia rất hùng mạnh

“ASEAN có thể có chiến tranh với Trung Quốc không? Chúng tôi đang đối phó với một quốc gia rất hùng mạnh. Chúng tôi chẳng thể nói với họ kiểu như ‘nhìn này, đừng làm thế này, đừng làm thế kia, nếu không tôi sẽ đập đầu anh đấy’ được”, cựu thủ tướng Mahathir Mohamad, người từng lãnh đạo Malaysia 22 năm nói với truyền hình Bloomberg trong cuộc phỏng vấn ở Kuala Lumpur ngày 25.2.

Theo ông Mahathir Mohamad, Trung Quốc trước hết có thế mạnh không thể chối cãi về mặt kinh tế, do đó đã tận dụng ảnh hưởng để đạt được điều họ muốn trong khu vực. "Trung Quốc sẽ là cường quốc của thế giới, thậm chí còn mạnh hơn cả Mỹ", ông Mahathir bình luận.

Là đối tác thương mại lớn nhất của 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc đã cam kết kinh phí hỗ trợ, đầu tư những cơ sở hạ tầng rất cần thiết cho khu vực này. Đây cũng là kế hoạch nằm trong “con đường tơ lụa” mới, một chuỗi tuyến đường thương mại xuyên từ Trung Quốc tới Trung Đông và đi đến châu Âu.

so do vi tri cac dao nhan tao trung quoc xay phi phap va duong luoi bo phi ly nuot gan het bien dong - nguon: bloomberg

Sơ đồ vị trí các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp và đường lưỡi bò phi lý nuốt gần hết Biển Đông - Nguồn: Bloomberg

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cho phép nước này áp đặt ảnh hưởng của mình trong các khu vực tranh chấp, thể hiện qua những động thái xây dựng đường băng và cảng trên các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa, quân sự hóa các đảo như Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng, triển khai tên lửa, radar, chiến đấu cơ...

Trung Quốc còn công khai đòi chủ quyền phi lý chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) phi pháp, để kiểm soát tuyến hàng hải có lượng hàng hoá hơn 5.000 tỉ USD lưu thông mỗi năm.
Có ít nhất 4 nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc. Trong vòng 2 năm, Trung Quốc đã cải tạo đất và xây đảo nhân tạo phi pháp với diện tích hơn 1.200 ha, ngăn cản máy bay, tàu chiến Mỹ tuần tra qua đây, thường xuyên cho tàu đâm húc các tàu cá của Việt Nam, Philippines...

Chỉ có Việt Nam và Philippines là phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, các nước ASEAN còn lại đều chọn cách thích nghi với Trung Quốc và với nền kinh tế hùng mạnh của nước này, theo Bloomberg.

Malaysia: Chọn đối thoại, tránh đối đầu

Trong thời gian làm thủ tướng Malaysia từ năm 1981 tới 2003, ông Mahathir Mohamad thường xuyên giao lưu, hợp tác với Trung Quốc. Bloomberg cho rằng đây là một cách để Malaysia bớt phụ thuộc vào phương Tây, và phát huy cái ông Mahathir Mohamad gọi là “những giá trị châu Á”.

 


Nếu có vấn đề với Trung Quốc, chúng tôi sẽ đối thoại với họ về vấn đề đó. Chúng tôi sẽ không đối đầu


Mahathir Mohamad, 
cựu thủ tướng Malaysia

 

 

 

Bản thân Malaysia cũng xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ, và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Một công ty Trung Quốc đang trả 2,3 tỉ USD mua lại một công ty năng lượng của công ty đầu tư nhà nước Malaysia đang gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều công ty Trung Quốc khác cũng đang đấu thầu cho các dự án đường sắt tại Malaysia.

 

Vì những điều như vậy, Malaysia đã chấp nhận hành động hòa hoãn bất kể giữa họ và Trung Quốc tồn tại bất đồng. Bên cạnh việc chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích năm 2014 chở theo hơn 150 công dân Trung Quốc, Malaysia cũng nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng từ những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

dao phu lam la noi co su hien dien quan su lon cua trung quoc voi so binh linh chiem 3/4 so nguoi o day. theo ong mahathir mohamad, mot so nuoc dong nam a se khong chon cach phan doi kich liet nhung hanh dong quan su hoa cua trung quoc tren nhung hon dao tranh chap, vi ho ngai suc manh kinh te va quan su cua bac kinh - anh: bloomberg

Đảo Phú Lâm là nơi có sự hiện diện quân sự lớn của Trung Quốc với số binh lính chiếm 3/4 số người ở đây. Theo ông Mahathir Mohamad, một số nước Đông Nam Á sẽ không chọn cách phản đối kịch liệt những hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên những hòn đảo tranh chấp, vì họ ngại sức mạnh kinh tế và quân sự của Bắc Kinh - Ảnh: Bloomberg

Kuala Lumpur đã né tránh việc công khai thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Chẳng hạn vừa qua khi hãng tin Bernama của Malaysia thông tin về việc một số tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc bị phát hiện ngoài khơi bờ biển Sarawak, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia là ông Hishammuddin Hussein liền nhanh chóng xua tan lo lắng bằng việc khẳng định tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát, và ông đã sắp xếp một cuộc họp với đại sứ Trung Quốc để giải quyết bất kỳ vấn đề nào hiểu lầm, theo Bloomberg.

“Nếu bạn nghĩ về việc dùng sức mạnh quân sự để đối đầu với Trung Quốc, thì hãy quên nó đi. Nếu có vấn đề với Trung Quốc, chúng tôi sẽ đối thoại với họ về vấn đề đó. Chúng tôi sẽ không đối đầu. Chúng tôi không tin vào chiến tranh, mà chỉ tin vào việc cố gắng đàm phán và tìm các giải pháp hòa bình cho vấn đề”, ông Mahathir Mohamad nói.


Nhật Đăng
Theo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục