Tổng thống Syria: Nếu Nga thất bại ở Syria, Trung Đông sẽ bị tàn phá
Tổng thống Syria, Bashar al-Assad cảnh báo nếu chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria không thành công sẽ tàn phá toàn bộ khu vực Trung Đông, giữa lúc Moscow tăng cường những đợt không kích ở Syria vào ngày 4.10.
Tổng thống Syria, Bashar al-Assad - Ảnh: Reuters
Những cuộc không kích mà Nga tuyên bố là nhằm vào tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria đã kéo dài năm ngày liên tiếp tính đến ngày 4.10, bất chấp Mỹ và phương Tây cáo buộc Moscow chỉ không kích nhắm vào phe nổi dậy chống chính quyền ông Assad, theo AFP.
“Liên minh Nga, Syria và Iran phải thành công, nếu không toàn bộ khu vực Trung Đông sẽ bị tàn phá”, ông Assad trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia Iran ngày 4.10.
“Cơ hội thành công của liên minh này là điều chắc chắn”, ông Assad cho biết thêm.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố chiến dịch không kích trong ngày 4.10 đã nhắm vào 10 mục tiêu IS. “Từ căn cứ không quân Hmaymeen, Nga tiếp tục tăng cường những cuộc không kích sử dụng những tên lửa có độ chính xác cao nhắm vào các mục tiêu IS ở Syria”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay trong thông cáo ngày 4.10.
Các quốc gia Vùng Vịnh và phương Tây khẳng định ông Assad phải từ chức để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay khiến trên 240.000 người chết.
“Nếu giải pháp là tôi phải từ chức để mang lại ổn định cho Syria, tôi sẽ không chần chừ”, Tổng thống Assad nói.
Washington cáo buộc Nga không kích Syria nhằm củng cố quyền lực ông Assad và chỉ nhằm vào phe nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn hơn là các mục tiêu IS.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, một trong những lãnh đạo phản đối gay gắt ông Assad, ngày 4.10 lập lại lời kêu gọi Moscow nên thay đổi chiến lược ở Syria.
“Những động thái hiện tại và chiến dịch ném bom của Nga ở Syria là không thể chấp nhận được đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Thật đáng tiếc, Nga đang mắc sai lầm nghiêm trọng”, ông Erdogan nói.
Thủ tướng Anh David Cameron đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi định hướng ở Syria và phải nhận thức rằng ông Assad phải ra đi. Nhưng Tổng thống Putin cho hay Moscow cần phải tiêu diệt IS trước khi các tay súng IS tràn vào Nga.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria (trụ sở Anh) cho hay có ít nhất 7 dân thường thiệt mạng trong những đợt không kích của Nga ở Syria trong hai ngày 3-4.10, nhưng Nga bác bỏ thông tin này.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Nga phạm 'sai lầm chết người' ở Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay chỉ trích chiến dịch không kích của Nga ở Syria là "không thể chấp nhận được" đồng thời cảnh báo Moscow đang phạm "sai lầm chết người".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP
"Dù gì thì đối với Thổ Nhĩ Kỳ, những động thái mà Nga thực hiện cùng với các chiến dịch dội bom ở Syria là không thể chấp nhận được... Thật không may, Nga đang phạm phải một sai lầm chết người", AFP dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong một cuộc họp báo diễn ra ở sân bay Istanbul, trước khi ông lên đường tới Pháp.
Theo ông Erdogan hành động của Nga ở Syria là "đáng quan ngại" và có thể khiến nước này "bị cô lập trong khu vực".
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tồn tại nhiều bất đồng xung quanh cách giải quyết khủng hoảng ở Syria. Ankara cùng một số đồng minh phương Tây cho rằng cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này chỉ có thể chấm dứt khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Song, Nga vẫn kiên quyết cho rằng biện pháp trên không thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Giới lãnh đạo phương Tây cũng cáo buộc Nga lợi dụng các cuộc không kích để tấn công những lực lượng ôn hòa chống chính quyền Assad, song Moscow khẳng định mục tiêu mà họ nhắm tới là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng các nhóm phiến quân.
Nga bắt đầu không kích IS tại Syria từ ngày 30/9 theo đề nghị của Tổng thống Syria. Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết, trong 24h qua, các máy bay chiến đấu Su-34, Su-24M và Su-25 của nước này đã xuất kích tổng cộng 20 lần, tấn công 10 mục tiêu của IS, tiêu diệt một trại huấn luyện, 4 trung tâm chỉ huy, 3 kho đạn dược cùng một nhà máy sản xuất dây đai đánh bom tự sát, gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân khủng bố.
Obama giải quyết nút thắt đàm phán TPP cuối cùng
Theo kế hoạch, buổi họp báo công bố kết quả hoàn tất đàm phán TPP sẽ diễn ra 4 giờ chiều Atlanta (Hoa Kỳ) tức khoảng 3 giờ sáng (giờ VN) ngày 5-10, một nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết.
Theo nguồn tin này, trong phiên đàm phán diễn ra vào sáng thứ bảy ngày 3-10 ở Atlanta (chiều tối, giờ VN), cả Hoa Kỳ và Úc đã đạt được một bước đột phá liên quan đến thời gian bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm sinh dược.
Như vậy, nút thắt cuối cùng của đàm phán TPP gần như được giải quyết. Do đó, dự kiến 12 giờ trưa ngày chủ nhật (khoảng 11 giờ tối VN), 12 bộ trưởng các nước sẽ có một phiên họp toàn thể. Buổi họp báo chính thức vào lúc 4 giờ chiều (Hoa Kỳ) tức 3 giờ sáng thứ hai, ngày 5-10 VN để thông báo kết thúc đàm phán TPP.
Theo báo cáo mới nhất của ngày 4-10, cuộc đàm phán marathon TPP đã kéo dài sang ngày chủ nhật. Các vấn đề về xe hơi, mở cửa thị trường sữa đã chốt xong. Chỉ riêng vấn đề sở hữu trí tuệ mặt hàng dược phẩm vẫn còn vướng mắc. Hoa Kỳ đã xuôi theo các nước là hạ thời gian từ 12 năm xuống còn 8 năm thời gian bảo hộ bản quyền dược phẩm theo luật hiện hành của Hoa Kỳ, tuy nhiên mức này vẫn còn cao hơn so với 5 năm mà Úc đề nghị.
Vòng đàm phán TPP cấp bộ trưởng diễn ra tại Atlanta (Hoa Kỳ) đã kéo sang ngày thứ 5, mà bế tắc rơi vào sự giằng co giữa Hoa Kỳ và Úc về thời gian bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với thuốc sinh học. Nút thắt này đẩy lên đến cấp chính phủ khi Tổng thống Barack Obama đã phải gọi điện cho Thủ tướng Malcolm Turnbull như một cách tạo áp lực để TPP có thể sớm kết thúc.
Các nhà đàm phán đã nỗ lực tìm tiếng nói chung về TPP sau nhiều lần cột mốc kết thúc bị dời. Như vậy có thể hiểu một kết quả cuối cùng theo hướng lạc quan dành cho TPP hoàn toàn có thể xảy ra vào rạng sáng mai.
Cuộc đàm phán lần này được khai mạc hôm 30-9, các nhà đàm phán đến Atlanta trong tâm thế kết thúc đàm phán vào đêm 1-10 giờ địa phương. Thế nhưng các vướng mắc về ôtô, sữa, và thời gian bảo hộ sản phẩm dược đã khiến chương trình kéo dài.
Myanmar ngừng bắn với 8 nhóm vũ trang
Ngày 4.10, AFP dẫn lời ông Maung Shwe, thành viên Nhóm đàm phán cấp cao của chính phủ Myanmar, cho hay đã đạt thỏa thuận ngừng bắn với 8 nhóm nổi dậy, bao gồm lực lượng Liên đoàn quốc gia Karen khét tiếng.
Một nhóm nổi dậy ở Myanmar - Ảnh: Reuters
Thỏa thuận chính thức sẽ được ký vào ngày 15.10. Đây là kết quả của gần 2 năm đàm phán giữa chính phủ Myanmar và các nhóm vũ trang nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài mấy thập niên ở những vùng biên giới nước này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức vì một số nhóm vũ trang lớn như Lực lượng độc lập Karen từ chối ký thỏa thuận, thậm chí tăng cường tấn công trong mấy tuần qua khi cuộc đàm phán bước vào giai đoạn quan trọng. Dù vậy, theo giới quan sát, tin vui này sẽ góp phần giúp nâng cao uy tín của chính phủ và đảng cầm quyền trước thềm kỳ tổng tuyển cử vào tháng 11.
Bahrain - Iran: Ăn miếng trả miếng
Giữa Bahrain và Iran đang xảy ra một cuộc chiến ngoại giao thực thụ khi đôi bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
TTK Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon (phải) tiếp Tổng thống Iran, Hassan Rouhani (trái) tại Liên Hiệp Quốc ngày 26.9.2015 - Ảnh: Reuters
Bahrain cáo buộc Iran “can thiệp vào nội bộ” ngay tại Đại hội đồng LHQ, triệu hồi đại sứ ở Iran về nước và trục xuất đại sứ của nước kia. Iran dùng ngay chiêu sách “có đi, có lại” và trục xuất luôn đại diện ngoại giao cao cấp nhất sau đại sứ của Bahrain.
Về ngoại giao, tất cả những động tác trên đều rất nặng ký nhưng trả đũa theo kiểu “ăn miếng trả miếng” lại rất bình thường. Các nhà ngoại giao dễ dàng bị trục xuất nhưng cũng dễ dàng quay trở lại. Họ trở lại hay không và nhanh hay chậm phụ thuộc vào bản chất cuộc khủng hoảng ngoại giao đang xảy ra chứ không chỉ vào mức độ quan hệ song phương.
Trong trường hợp Bahrain và Iran, quan hệ song phương không được tốt đẹp và bản chất khủng hoảng lại còn mang tính nguyên tắc. Bahrain và Ả Rập Xê Út lo ngại sâu sắc về tác động của “Mùa xuân Ả Rập”. Ở cả hai nước, người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số trong khi hoàng triều cầm quyền lại thuộc dòng Sunni. Từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran đến nay, chính quyền 2 nước này luôn lo ngại Iran kích động và sử dụng người Shiite để gây bất ổn.
Trong mạch tư duy ấy, họ cáo buộc Iran hậu thuẫn lực lượng Hezbollah ở Li Băng, Hamas ở Gaza và lực lượng nổi dậy ở Yemen. Bahrain và Ả Rập Xê Út thành lập hẳn một liên quân chống phe nổi dậy Yemen. Có thể họ có bằng chứng, nhưng cũng là thần hồn nát thần tính nên ở đâu cũng thấy ẩn hiện sự chống phá của Iran. Cuộc chiến ngoại giao hiện tại vì thế là giọt nước tràn ly và không dễ sớm chấm dứt.
(
Tinkinhte
tổng hợp)