Malala đề xuất gây quỹ 1,4 tỉ USD giúp trẻ em Syria đến trường
Hàng trăm nghìn trẻ em tị nạn Syria không được đến trường - Ảnh: Reuters
"Chúng ta vẫn có thể giúp các em nhỏ, các em cần trường học, cần sách vở và giáo viên. Đó là cách chúng ta có thể bảo vệ tương lai của Syria", Reuters ngày 1.2 dẫn lời Malala Yousafzai.
Chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2014, Malala Yousafzai (người Pakistan) sẽ cùng các nhà lãnh đạo thế giới gây quỹ 1,4 tỉ USD trong năm 2016 để giúp trẻ em tị nạn tại Syria được đi học, theo Reuters ngày 1.2.
Cô gái 18 tuổi Malala chia sẻ: "Tôi đã gặp nhiều trẻ em tị nạn người Syria, hình ảnh các em vẫn in hằn trong tâm trí tôi. Mỗi khi nghĩ về việc các em ấy không thể đến trường trong suốt quãng đời còn lại, tôi hoàn toàn bị sốc và không thể chấp nhận nổi".
Theo Malala, trẻ em tị nạn Syria cần trường học, cần sách vở và các thầy cô giáo; vì vậy thế giới vẫn có thể giúp đỡ và bảo vệ tương lai của Syria bằng cách giúp những đứa trẻ này tiếp cận giáo dục.
Báo cáo của Quỹ Malala cho thấy khoảng 700.000 trẻ em Syria đang sống tại các trại tị nạn ở Jordan, Lebanon và các quốc gia Trung Đông khác đều không được đến trường.
Để hiện thực hóa mong muốn cho trẻ em tị nạn Syria được đi học, Malala sẽ tới hội nghị "Hỗ trợ Syria và khu vực" tổ chức tại London vào ngày 4.2 tới nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chung tay. Malala hy vọng thế giới cam kết một khoản tài chính 1,4 tỉ USD trong năm 2016 để hỗ trợ trẻ em tị nạn Syria.
Theo Reuters, cùng Malala đến dự hội nghị lần này tại London còn có một cô bé tên Muzoon Almellehan, 17 tuổi, là người tị nạn Syria. Cô bé Muzoon Almellehan sẽ là người tị nạn Syria nhỏ tuổi duy nhất phát biểu tại sự kiện này. Trước khi tới London, Muzoon Almellehan ngày 31.1 đã chia sẻ rằng: "Không có giáo dục, chúng tôi không thể làm gì".
Hội nghị "Hỗ trợ Syria và khu vực" do Liên Hiệp Quốc cùng chính phủ các nước Anh, Đức, Na Uy và Kuwait đồng tổ chức; hội nghị dự kiến quy tụ nhiều nhà lãnh đạo các nước trên thế giới nhằm gây quỹ nhân đạo cho người Syria, không giới hạn trong lĩnh vực giáo dục.
Malaysia thay đổi cách đánh thuế lao động nước ngoài
Lao động nước ngoài tại một công trường ở Kuala Lumpur - Ảnh: AFP
Phó thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi hôm 31.1 cho biết quyết định tái cấu trúc hệ thống đánh thuế lao động nước ngoài của chính phủ nước này sẽ mang về cho đất nước nguồn thu 2,5 tỉ ringgit (khoảng 600 triệu USD).
Theo Hãng tin Bernama, quyết định tái cấu trúc theo hướng tăng thuế nói trên sẽ có hiệu lực từ hôm nay 1.2.
Trước đây, lao động nước ngoài bị áp những mức thuế khác nhau dựa vào lĩnh vực hành nghề, như sản xuất, xây dựng, dịch vụ, trồng trọt và nông nghiệp. Tuy nhiên, kể từ nay, lao động nước ngoài chỉ được phân chia vào hai dạng để đánh thuế. Dạng thứ nhất gồm những người hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và dịch vụ, sẽ bị đánh thuế 2.500 ringgit/người/năm. Dạng thứ hai, gồm những người hành nghề trong lĩnh vực trồng trọt và nông nghiệp, sẽ bị đánh thuế 1.500 ringgit/người/năm.
Theo Phó thủ tướng Zahid, lao động nước ngoài hành nghề giúp việc nhà sẽ được miễn thuế. Thống kê cho biết hiện có khoảng 2,135 triệu lao động nước ngoài tại Malaysia. Ông Zahid nói rằng chính phủ Malaysia cần phải tăng thuế bởi các lao động nước ngoài cũng được hưởng nhiều phúc lợi vốn chỉ dành cho công dân Malaysia như được trợ giá đối với thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Myanmar chuẩn bị xây sân bay lớn nhất nước
Khách chờ bay tại sân bay quốc tế Yangon - Ảnh: Reuters
Chính phủ Myanmar và một tổ hợp nhà thầu nước ngoài ngày 30.1 đã đạt được thỏa thuận khung về kế hoạch xây sân bay quốc tế Hanthawaddy ở vùng Bago, cách thành phố Yangon khoảng 80 km, theo Kyodo News.
Tổ hợp nhà thầu nói trên bao gồm tập đoàn xây dựng của Nhật Bản JGC Corp. và Công ty Changi Airport Group của Singapore. Tổng vốn đầu tư cho dự án ước tính khoảng 1,5 tỉ USD. Trong số này, chính phủ Myanmar hy vọng sẽ nhận được phân nửa từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật.
Với khả năng tiếp nhận 12 triệu lượt hành khách/năm, đây sẽ là sân bay lớn nhất Myanmar một khi đi vào hoạt động vào năm 2022 và sẽ giúp phục vụ số lượng du khách nước ngoài ngày càng gia tăng ở Myanmar.
Hiện tại, Sân bay quốc tế Yangon, vốn là phi trường nhộn nhịp nhất của Myanmar, đang hoạt động quá tải so với công suất 2,7 triệu lượt hành khách/năm. Theo tờMyanmar Times, sân bay này đã tiếp nhận trên 4 triệu lượt hành khách trong năm 2014.
Thời mới ở Myanmar
Bà Aung San Suu Kyi trong phiên họp cuối cùng của quốc hội do quân đội nắm giữ - Ảnh: Reuters
Với việc Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) với thủ lĩnh là bà Aung San Suu Kyi kiểm soát lưỡng viện lập pháp từ ngày 1.2, một thời kỳ chính trị mới bắt đầu ở Myanmar.
Giới quân sự và đảng chính trị của giới quân sự chính thức chấm dứt thực quyền sau nhiều thập niên.
Đảng NLD đã đạt được mục tiêu phấn đấu bền bỉ kể từ khi bị giới quân sự tước mất chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1990 và bà Aung San Suu Kyi đã tới được đỉnh cao nhất trong sự nghiệp chính trị cho dù hiện không thể trở thành tổng thống mới.
Bầu tổng thống mới và thành lập chính phủ mới sẽ là những công việc đầu tiên của quốc hội mới ở Myanmar và sẽ đưa lại bằng chứng đầu tiên về năng lực cầm quyền của NLD cũng như của bà Suu Kyi trong việc giải quyết ổn thỏa tất cả những vấn đề đối nội và đối ngoại hiện đang đặt ra cho đất nước này.
Giới quân sự ở Myanmar tuy mất thực quyền nhưng vẫn nắm giữ vai trò và uy lực không hề nhỏ. Vì thế, thách thức lớn nhất đối với NLD và bà Suu Kyi là xử lý ổn thỏa mọi khía cạnh trong mối quan hệ với giới quân sự.
Cách hành xử của chính quyền cũ và thái độ của giới quân sự cho thấy ở Myanmar đến nay đã có được sự chuyển giao quyền lực êm thấm.
Quá trình cải cách chính trị và dân chủ hóa ở nước này không bị đảo ngược mà tiến triển trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Có thể coi đó là biểu hiện về “đầu đã xuôi” và cơ sở để có thể kỳ vọng là rồi “đuôi cũng sẽ lọt”. Cử tri nơi này gửi gắm mong đợi rất lớn vào NLD. Đáp ứng mong đợi này chắc chắn sẽ khó khăn hơn việc thắng cử đối với NLD và bà Suu Kyi.
Trung Quốc tức tối vì tàu Mỹ áp sát Hoàng Sa
Khu trục hạm tên lửa USS Curtis Wilbur của Mỹ - Ảnh: Reuters
Trung Quốc tiếp tục phản ứng giận dữ trước việc tàu tên lửa Mỹ đến gần Hoàng Sa để duy trì quyền tự do hàng hải.
Sau Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục lên tiếng chỉ trích việc khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 30.1 là hành động “cố ý khiêu khích, vô trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm”, theo Reuters.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định lực lượng Trung Quốc ở Hoàng Sa cùng các tàu hải quân và máy bay đã đưa ra các cảnh báo và thực hiện các hành động “trục xuất” tàu Mỹ nhưng không cung cấp chi tiết. Ông Dương còn tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh bất kể các hành động khiêu khích mà phía Mỹ thực hiện”, theo Tân Hoa xã.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davies khẳng định hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur nhằm thách thức chính sách của một số bên đòi tàu bè, máy bay phải xin phép hoặc thông báo trước khi đi qua các vùng biển.
Trái với tuyên bố của Bắc Kinh, giới chức Mỹ cho hay không có tàu Trung Quốc nào hiện diện trong khu vực khi tàu USS Curtis Wilbur thực hiện sứ mệnh. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain hôm qua đưa ra tuyên bố cho hay ông “được khích lệ” bởi thông tin tàu USS Curtis Wilbur đến sát Hoàng Sa và hy vọng hoạt động này sẽ diễn ra thường xuyên hơn, theo Reuters.
Ông McCain vốn là một trong những chính khách Mỹ chỉ trích gay gắt chính quyền của Tổng thống Barack Obama vì trì hoãn đẩy mạnh tuần tra áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông để Bắc Kinh vẫn ngang nhiên hành động bất chấp luật pháp, đe dọa an toàn khu vực.
Cũng trong hôm qua 31.1, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne lên tiếng ủng hộ động thái mới của Washington. “Mỹ đã công khai chính sách thực hiện chiến dịch tự do hàng hải trên toàn cầu, phù hợp với luật pháp quốc tế... Úc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và những đối tác khác trong khu vực về an ninh biển”, tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời bà Payne nhấn mạnh.
Theo tờ báo này, Canberra đã được Washington báo trước về kế hoạch đưa tàu USS Curtis Wilbur đến gần đảo Tri Tôn, cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai đồng minh về vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Payne còn nhấn mạnh rằng 60% hàng xuất khẩu của Úc đi qua Biển Đông nên nước này có “lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không” ở khu vực.
“Tàu và máy bay Úc sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, kể cả ở Biển Đông”, bà Payne tuyên bố.
(
Tinkinhte
tổng hợp)