Quân đội Trung Quốc đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động do thám và tăng cường năng lực tấn công tại vùng trời phía tây Thái Bình Dương, bao gồm khu vực gần Nhật.
Tin thế giới đọc nhanh ngày 03-08-2015
- Cập nhật : 03/08/2015
Nhật yêu cầu Mỹ làm rõ cáo buộc nghe lén
WikiLeaks hôm 31/7 cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi chính phủ và một số công ty lớn của Nhật Bản. Hoạt động nghe lén bắt đầu từ khoảng tháng 9/2006 đến tháng 9/2007, trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
"Tôi sẽ không bình luận. Nếu thực sự có nghe lén thì đây sẽ là một điều cực kỳ đáng tiếc bởi chúng ta là đồng minh", AFP dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay phát biểu trong cuộc họp báo định kỳ. Tokyo và Washington đang cùng kiểm tra thông tin WikiLeaks tiết lộ.
"Chúng tôi đã đề nghị giám đốc tình báo Clapper xác nhận", ông Suga nói, nhắc đến Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper.
Hoạt động nghe lén dường như không nhằm trực tiếp vào Thủ tướng Abe nhưng có liên quan đến nhiều chính trị gia cấp cao như Bộ trưởng Thương mại Yoichi Miyazawa, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda, theo WikiLeaks.
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin giấu tên cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ trao công hàm phản đối Mỹ nếu những gì WikiLeaks công bố là đúng.
Washington bị cáo buộc nghe lén Tokyo trong bối cảnh Thủ tướng Abe đang tìm cách mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản, động thái được Mỹ hoan nghênh nhưng bị người dân trong nước ủng hộ.
Nhật Bản là một trong những đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hai nước thường xuyên tham vấn lẫn nhau về quốc phòng, kinh tế và thương mại.
Nội bộ Mỹ bất đồng về vấn đề Biển Đông
Một số chỉ huy cấp cao hải quân Mỹ bất đồng quan điểm với chính quyền Tổng thống Barack Obama về việc có nên cho tàu trực tiếp tiến vào khu vực có tranh chấp trên Biển Đông hay không.
Sự bất đồng xuất hiện do một số lãnh đạo quân đội Mỹ muốn chứng tỏ quyền tự do đi lại trên không và trên biển bằng hành động cụ thể. Trong khi đó, các quan chức chính phủ và ngoại giao lại có phần dè dặt hơn để xử lý tốt một giai đoạn khá nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
Lầu Năm Góc từng nhiều lần nêu tuyên bố có quyền căng buồm hoặc bay qua chuỗi đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây và lắp đặt thiết bị quân sự. Giới chức quân sự cùng một số nghị sĩ muốn Mỹ phản đối mạnh mẽ bằng cách cho tàu chiến tiến vào phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo, thể hiện Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Theo đó, nếu không làm như trên thì mặc nhiên là Mỹ đang chấp nhận những động thái gây bất ổn của Trung Quốc được nhiều quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Nhật Bản và Philippines xem là mối đe dọa nghiêm trọng.
"Chúng ta tiếp tục không cho phép hải quân hoạt động trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo bị Trung Quốc cải tạo là một sai lầm nguy hiểm, sẽ góp phần công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với những đảo này", trang Politico hôm 31/7 dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói.
Các nguồn tin từ quân đội và trong chính quyền Tổng thống Barack Obama đều thừa nhận có sự khác biệt nhưng không tổ chức thảo luận chính thức về điều này.
Bất đồng trong nội bộ Mỹ xuất hiện trong bối cảnh lãnh đạo các quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, sẽ tới tham dự một diễn đàn an ninh khu vực trong tuần này ở Malaysia và trước chuyến thăm chính thức Washington của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều nước láng giềng. Trung Quốc còn đẩy mạnh cải tạo 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành các đảo nhân tạo.
Bắc Kinh đã điều pháo, xây đường băng, bố trí radar và các thiết bị khác tại đây, Lầu Năm Góc cho biết. Tướng Hernando Oroberri, đứng đầu quân đội Philippines, tuần trước nói họ đang điều tra thông tin Trung Quốc cải tạo thêm ba bãi đá khác trên Biển Đông.
Kim Jong-un sắp được trao giải Chính khách toàn cầu
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được Trung tâm Sukarno, Indonesia trao giải thưởng Chính khách toàn cầu năm nay do "có những thành tích chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu mới và chủ nghĩa đế quốc".
“Chúng tôi sẽ trao giải tới ông Kim Jong-un vì ông ta kiên định trong việc thực hiện những tư tưởng của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, đó là chống lại chủ nghĩa đế quốc", tờ Jakarta Globe cuối tuần qua dẫn lời bà Rachmawati Soekarnoputri, Trung tâm Sukarno cho biết.
Bà Rachmawati là con gái của cố tổng thống Indonesia Sukarto, người sáng lập trung tâm này.
Giải thưởng Sukarno vinh danh những người được công nhận có đóng góp vào hòa bình và phát triển của thế gới, từng được trao cho những danh nhân Mahatma Gandhi, Ấn Độ, Aung San Suu Kyi, Myanmar. Giải thưởng Chính sách toàn cầu cũng từng được trao cho ông Kim Nhật Thành.
Bà Rachmawatiđưa ra thông báo sau khi gặp ông Ri Jong Ryul, Đại sứ Triều Tiên tại Indonesia. Bà Rachmawati từng được bổ nhiệm làm chủ tịch danh dự khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban chuẩn bị thống nhất bán đảo của Bình Nhưỡng, một cơ quan không được công nhận bên ngoài Triều Tiên.
"Chưa rõ Kim Jong-un, người có chính sách phô trương sức mạnh quân sự, làm tăng căng thẳng và quan hệ lạnh nhạt với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, đã có đóng góp như thế nào với hòa bình thế giới hoặc thậm chí so với những biểu tượng dân chủ đã từng được trao giải", tờ Jakarta Globe bình luận.
Máy bay Indonesia chở 174 khách trượt đường băng
Một phi cơ chở khách của hãng Citilink hôm qua trượt khỏi đường băng tại ở một sân bay miền tây Indonesia làm ba người bị thương và buộc nơi này phải ngừng hoạt động.
Phi cơ Airbus A320 chở 174 hành khách, khởi hành từ thủ đô Jakarta tới thành phố Padang, trượt khỏi đường băng trong lúc đang hạ cánh, Reutersdẫn lời Julius Barata, người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải Indonesia, nói.
"Máy bay đang nằm chắn đường băng do đó sân bay vẫn đóng cửa", ông Barata cho biết thêm.
Citilink là nhánh giá rẻ thuộc hãng hàng không quốc gia Indonesia Garuda.
Indonesia trong một năm qua hứng chịu hai thảm họa hàng không, làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của loại hình di chuyển này. Một phi cơ vận tải quân sự Hercules C-130 hôm 30/6 lao xuống một khách sạn nhỏ trên đảo Sumatra ngay sau khi cất cánh, làm 142 người chết. Cuối tháng 12/2014, chuyến bay số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia cất cánh từ sân bay Surabaya, Indonesia, đi Singapore rơi ở vùng biển Java, toàn bộ 162 người trên khoang thiệt mạng.