Đối mặt với “mẹ thiên nhiên” hung dữ và khắc nghiệt, con người đôi lúc cho thấy sự dũng cảm phi thường vượt qua hoàn cảnh, tìm sự sống trong cái chết.
Mỹ và Cuba chính thức khép lại hơn nửa thế kỷ đối đầu
- Cập nhật : 29/07/2015
(Tin the gioi)
Mỹ và Cuba đã chính thức đóng lại 54 năm quan hệ thù nghịch giữa hai nước, với sự kiện mang tính chất biểu tượng rõ nét: Đại sứ quán của hai nước đã được chính thức mở lại hôm 20/7, thay vào chỗ Văn phòng Đại diện Quyền lợi – một cơ quan ngoại giao không chính thức – đặt tại hai thủ đô, RFI phân tích.
Lịch sử bang giao Cuba-Mỹ như vậy đã bước sang trang mới, nhưng giới quan sát vẫn dè dặt, cho rằng từ tái lập bang giao đến bình thường hóa quan hệ, con đường còn rất dài và lắm chông gai.
Quan hệ đối đầu giữa Washington và La Habana khởi nguồn từ thành công của cuộc Cách mạng Cuba do Fidel Castro lãnh đạo, dẫn đến việc thành lập một chế độ Cộng sản tại La Habana vào năm 1959. Không đầy hai năm sau đó, ngày 03/01/1961, Mỹ quyết định đoạn giao với Cuba, trước khi ban hành các biện pháp cấm vận nhắm vào chế độ La Habana ngày 23/02/1962.
Quan hệ giữa hai nước từ khi ấy luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng, nhất là khi Cuba bị Mỹ xem là tiền đồn của Liên Xô tại châu Mỹ. Phải chờ đến năm 1977 mới thấy một dấu hiệu hòa hoãn tương đối đầu tiên khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Chủ tịch Cuba Fidel Castro đồng ý cho thiết lập tại thủ đô mỗi nước một Văn phòng Đại diện Quyền lợi cho mình, chủ yếu lo những công việc lãnh sự.
Các cơ quan này hoạt động ngay tại các Tòa Đại sứ cũ, dưới sự bảo trợ của Thụy Sĩ trong trường hợp của Mỹ tại La Habana, và Tiệp Khắc đối với Cuba tại Washington. Sau khi Tiệp Khắc biến mất, Thụy Sĩ là nước đứng ra thay thế.
Khi quyết định trừng phạt Cuba, Hoa Kỳ muốn thúc đẩy tiến trình thay đổi tại đất nước Cộng sản này. Tuy nhiên, thê giới đã thay đổi nhanh chóng, Bức tường Berlin đã sụp đổ vào năm 1989, kéo theo sự phân rã của Liên Xô vào đầu thập niên 1990.
Trong toàn cảnh thế giới mới đó, chính Mỹ – và đặc biệt làTổng thống Barack Obamacũng phải thừa nhận rằng chính sách Cuba không đạt hiệu quả mong muốn, và như vậy là tiến trình bình thường hóa quan hệ Washington-La Habana đã được khởi động, nhất là khi tại Cuba, cũng đã có một sự thay đổi, với Raul Castro lên thay người anh Fidel, và bắt đầu thận trọng thực hiện một số biện pháp cải tổ kinh tế.
Hai bên đã bắt đầu kín đáo thương lượng từ giữa năm 2013, qua sự trung gian tích cực của Tòa thánh Vatican, và vào tháng 12 cùng năm, hai nguyên thủ quốc gia đã hé lộ một tín hiệu đầu tiên với một cái bắt tay tại Johannesbourg, bên lề tang lễ của Nelson Mandela.
Thế rồi ngày 17 tháng 12 năm 2014, cả hai ông Barack Obama và Raul Castro, đã chính thức loan báo quyết định bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, một sự công nhận đã kéo theo một loạt những cuộc đàm phán với kết quả cụ thể đầu tiên là việc mở lại Đại sứ quán vào hôm nay, 20/07/2015.
Bang giao Mỹ-Cuba như vậy đã được chính thức nối lại, thế nhưng hai quốc gia đều đã cảnh báo rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu vì vượt qua hơn nửa thế kỷ đối nghịch không phải là một điều dễ dàng. Bà Roberta Jacobson, trưởng đoàn đàm phán Mỹ, ngay từ tháng Giêng vừa qua đã lưu ý rằng: “Hàng thập niên thù nghịch không thể biến mất trong một sớm một chiều”.
Đối với giới quan sát, vấn đề then chốt đặt ra cho cả hai bên là xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ muốn Cuba cải thiện tình trạng nhân quyền và dân chủ, trong lúc Cuba lại chỉ muốn tranh thủ các lợi ích kinh tế mà không muốn cải tổ chính trị.
Các hồ sơ bất đồng giữa hai nước còn rất nhiều, từ vấn đề nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, báo chí, cho đến việc nhiều người Mỹ chính quyền Cuba phải bồi thường số tài sản mà họ bị mất sau khi chế độ Cộng sản được thiết lập ở Cuba, được ước tính là từ 7 đến 8 tỷ đô la.
Về phần La Habana, đòi hỏi mạnh mẽ nhất vẫn là việc bãi bỏ hoàn toàn cấm vận, điều cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Vấn đề là Quốc hội Mỹ hiện trong tay đảng Cộng Hòa, với một số nhân vật thế lực trong đảng này kiên quyết chống lại việc bình thường hóa quan hệ với Cuba.