Thủ tướng Malaysia được xóa nghi vấn tham nhũng gần 700 triệu USD
Canada lần đầu tiên bổ nhiệm Đại sứ chuyên trách ASEAN
Chiến đấu cơ Ấn Độ bắn rơi vật thể khả nghi
Mỹ chế tạo tàu ngầm răn đe hạt nhân thế hệ mới
Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ tố ông Putin tham nhũng
Mỹ mang thông điệp mạnh đến Đông Á
- Cập nhật : 25/01/2016
(Tin kinh te)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến thúc giục các nước Đông Nam Á đoàn kết đối phó yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 24-1 bắt đầu chuyến công du Đông Á trong 3 ngày với nội dung thảo luận chính là tình hình biển Đông và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Chặng dừng chân đầu tiên của ông Kerry là Lào - nước giữ cương vị chủ tịch ASEAN trong năm 2016. Sau đó, ông đến Campuchia vào đêm 25-1 trước khi đến Bắc Kinh hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc 2 ngày sau đó.
Ông Kerry là ngoại trưởng Mỹ thứ hai thăm Lào kể từ năm 1955. Trước đó, bà Hillary Clinton đã thăm nước này hồi năm 2012. Ở Vientiane, theoReuters, ông Kerry dự kiến thúc giục các nước Đông Nam Á đoàn kết đối phó yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Hãng tin AP nhận định trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở bang California trong 2 ngày 15 và 16-2 tới, Ngoại trưởng Kerry muốn thuyết phục các nước Đông Nam Á có lập trường thống nhất khi đối phó những hành động đơn phương sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông, nhất là chuyện xây đảo nhân tạo và đường băng trên đó.
Về mối quan hệ song phương, ông Kerry dự kiến bàn với các quan chức nước chủ nhà về việc tăng cường viện trợ, đồng thời mang đến thông tin ông Obama dự kiến sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Lào khi tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực vào cuối năm nay. Đến Campuchia sau đó, Ngoại trưởng Kerry sẽ hội đàm với Thủ tướng Hun Sen về các vấn đề chính trị và kinh tế.
Ngoại trưởng John Kerry sẽ kết thúc chuyến công du Đông Á ở Trung Quốc, nơi ông lặp lại sự quan ngại về hành vi ngang ngược của nước này ởbiển Đông.
Washington lâu nay vẫn chỉ trích việc Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động bồi lấn, xây đảo nhân tạo ở biển Đông làm gia tăng căng thẳng, đe dọa sự ổn định của khu vực, đồng thời cản trở sự tự do đi lại trên biển và trên không.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vào cuối tuần rồi cho rằng chính Trung Quốc đang tự cô lập mình bằng những hành động đơn phương ở biển Đông, đồng thời khiến nhiều nước trong khu vực tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ. Cũng theo ông chủ Lầu Năm Góc, lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép ở biển Đông.
Ngoài chuyện biển Đông, ông Kerry dự kiến kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để thúc ép Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin AP, Mỹ muốn Bắc Kinh có phản ứng cứng rắn hơn sau khi Bình Nhưỡng thông báo thử hạt nhân trong tháng này. Cụ thể, ông Kerry sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải lập một mặt trận chung giữa Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để đối phó tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thông qua việc tăng cường các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
“Điều rất quan trọng là phải có một mặt trận thống nhất và mặt trận này phải vững chắc chứ không phải là mềm yếu” - một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters. Cũng theo quan chức này, Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa nhằm ngăn Triều Tiên có được nguồn lực tài chính để đẩy mạnh các chương trình hạt nhân và tên lửa.
LỤC SAN
Theo Người Lao Động