Bất chấp những cuộc truy quét thường xuyên và các chính sách cứng rắn gần đây của Malaysia nhắm vào lao động nhập cư bất hợp pháp, nhiều lao động nước ngoài vẫn tìm cách bám trụ lại đất nước này.
Tin thế giới đọc nhanh 18-09-2015
- Cập nhật : 18/09/2015
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 16/9 đã chỉ trích Bắc Kinh phá vỡ cam kết chấm dứt quân sự hóa tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, cho rằng hoạt động này không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi Trung Quốc ngừng quân sự hóa tại các bãi ở Biển Đông (ảnh: UPI)
“Mỹ rất lấy làm quan ngại về tốc độ và quy mô của các hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như khả năng quân sự hóa trên các đảo này”, ông Carter phát biểu tại hội nghị thường niên của Không quân Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động trên sau khi các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) viện dẫn những bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng trên đảo Vành Khăn.
Ông Carter cũng tái khẳng định khu vực Châu Á-Thái Bình Dương rất quan trọng và là trọng tâm trong chính sách tái cân bằng của Tổng thống Obama.
Những bình luận của Mỹ được đưa ra trước thềm của chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 25/9 tới và khả năng Biển Đông sẽ là một vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của lãnh đạo hai nước.
Việc Trung Quốc bành chướng trên Biển Đông gần đây đã khiến các quốc gia láng giềng lo ngại. Gần đây nhất, Indonesia đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố đường 9 đoạn của Bắc Kinh.
Học giả Trung Quốc: Nếu Biển Đông có chiến tranh, Trung Quốc sẽ thua trận
Trong buổi hội thảo với truyền thông Philippines nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Philippines - Trung Quốc, một học giả Trung Quốc bất ngờ thừa nhận nếu xảy ra xung đột quân sự tại Biển Đông, bên thua trận không phải Mỹ, cũng chẳng phải Philippines mà là Trung Quốc.
Phóng viên báo đài Philippines phản ứng với tàu tuần duyên Trung Quốc sau khi con tàu này 2 lần tìm cách tông húc để ngăn tàu Philippines tiến vào bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
“Bên thua cuộc là Trung Quốc”, nhật báo Malaya Business Insight (Philippines) ngày 16.9 dẫn lời ông Tân Kỳ Phương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) phát biểu với giới truyền thông Philippines.
Ông Tân lý giải nguyên do là Trung Quốc có quá nhiều hoạt động cần làm tại Biển Đông, gồm vận chuyển hàng hóa và khai thác tài nguyên.
Ông này cũng nói thêm rằng một Biển Đông bất ổn không có lợi cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Các quan chức tham dự buổi hội thảo cho hay “chiến tranh chưa bao giờ là lựa chọn” của Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông.
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang rất căng thẳng do 2 bên có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là bãi cạn Scarborough, vốn là một ngư trường dồi dào thủy sản. Bắc Kinh đã chiếm bãi cạn này từ Philippines vào năm 2012. Kể từ đó, tàu Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines đến gần khu vực bãi cạn Scarborough.
Indonesia xây đê lớn nhất thế giới
Indonesia vừa khởi công xây dựng bờ đê lớn nhất thế giới để bảo vệ thủ đô Jakarta khỏi nguy cơ bị nước biển nhấn chìm trong tương lai.
Indonesia đặt hàng 11 trực thăng chống ngầm Panther
Hải quân Indonesia vừa đặt mua 11 chiếc trực thăng Panther trong một kế hoạch khôi phục lại phi đội chống ngầm 100 vốn bị ngưng hoạt động từ cuối những năm 1980, một quan chức cấp cao Indonesia cho biết.
Phát ngôn viên Hải quân Indonesia, Chuẩn Đô đốc M Zainuddin cho biết: “Số trực thăng trên sẽ được bàn giao từng bước, 4 chiếc đầu tiên sẽ được Indonesia tiếp nhận vào cuối năm 2017”.
Ông M Zainuddin tiết lộ thêm rằng phi đội 100 sẽ được tái khởi động ngay sau khi những chiếc Panther được bàn giao. Chính phủ Indonesia và nhà sản xuất đã ký một hợp đồng sản xuất cho số trực thăng trên.
Phi đội chống ngầm 100 của Indonesia được coi là một trong những phi đội hùng mạnh trên thế giới vào những năm 1960.
Trực thăng Eurocopter SA 565 Panther do châu Âu thiết kế và sản xuất, có thể được dùng cho các hoạt động quân sự cũng như dân sự như triển khai tấn công nhanh, chống ngầm hay các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Trực thăng chống ngầm Panther hiện đang được Hải quân Tiểu vương quốc Ả -rập, Mexico, Trung Quốc, Bulgaria và Pháp sử dụng.
Mỹ cân nhắc đề xuất hợp tác của Nga tại Syria
Chính phủ Mỹ đang cân nhắc trước đề xuất của Nga về việc hợp tác trong các chiến dịch quân sự chống IS tại Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 16/9 cho biết ông đang thảo luận với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc về đề xuất của Nga. Dù không cho biết nội dung chi tiết mà Nga đưa ra song Ngoại trưởng Kerry cho hay đề xuất này là về biện pháp giảm nguy cơ va chạm giữa quân đội hai nước khi tham chiến chống IS tại Syria.
Hiện cả Moscow và Washington đều coi nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là đối thủ. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Mỹ cho rằng việc Moscow tăng cường hiện diện quân sự tại quốc gia Trung Đông chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Kerry cho biết: “Đề xuất của Nga là về đối thoại quân sự giữa hai nước nhằm thảo luận một cách chính xác về biện pháp hạn chế nguy cơ xảy ra va chạm giữa quân đội hai nước và để có một cái nhìn đầy đủ vả rõ ràng về con đường phía trước, cũng như quan điểm của hai bên”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ thừa nhận giới chức cấp cao của nước này đang cân nhắc đề xuất của phía Nga. Ông cũng cho biết đây là cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác tại Syria, qua đó có thể tránh những hiểu lầm.
“Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đang thảo luận về những bước tiếp theo để quyết định xem đâu là phương hướng tốt nhất”, Ngoại trưởng Kerry cho biết thêm.
Tuần trước, Nga đã đề nghị hợp tác quân sự với Mỹ tại Syria đề tránh những “vụ tai nạn đáng tiếc”. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh truyền thông phương Tây cho rằng Nga đã triển khai 200 binh sĩ cũng như một số loại vũ khí tới Syria.
Ngoại trưởng Kerry thừa nhận nếu số binh sĩ và vũ khí được chuyển tới Syria là để tập trung cho cuộc chiến chống IS, Mỹ và Nga có thể hợp tác “để thúc đẩy quá trình tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria”.
Lâu nay, Washington luôn gây sức ép để Moscow đẩy nhanh quá trình chuyển giao chính trị ở Syria, trong đó bao gồm cả việc Tổng thống Assad từ chức để thành lập chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, Nga không ủng hộ kế hoạch này.