Trong giai đoạn 2011-2015, sự chuyển dịch vũ khí toàn cầu từ các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới sang châu Á và Trung Đông không ngừng gia tăng, theo báo cáo từ Học viên Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Tin thế giới đọc nhanh 17-09-2015
- Cập nhật : 17/09/2015
Nhật phản đối Trung Quốc khai thác khí ở Hoa Đông
Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga, những ngọn lửa được xác nhận vào giữa tháng 9. Nhật cũng đã và đang theo dõi những ngọn lửa xuất hiện tại 5 trong số 16 cơ sở Trung Quốc xây dựng gần đường trung tuyến giữa bờ biển hai nước. Nhật lo ngại chúng sẽ chạm đến các mỏ khí nằm giữa đường này, dù các cơ sở nằm ở phía Trung Quốc theo đường trung tuyến.
"Thật đáng tiếc khi Trung Quốc đơn phương tiến hành khai thác trong lúc đường ranh giới giữa Nhật và Trung Quốc chưa được vạch định", Kyododẫn lời ông Suga nói.
Năm 2008, hai nước nhất trí khai thác khí chung, nhưng các cuộc thảo luận về dự án này bị đình chỉ khi quan hệ song phương trở nên căng thẳng sau vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật hồi tháng 9/2010.
Chính phủ Nhật hồi tháng 7 công bố những tấm bản đồ và ảnh từ trên không cho thấy Trung Quốc đơn phương khai thác mỏ khí. Cũng trong tháng đó, Trung Quốc tuyên bố có mọi quyền khoan dầu khí ở biển Hoa Đông, gần vùng biển tranh chấp với Nhật và không công nhận trung tuyến mà Nhật đặt ra làm ranh giới giữa hai nước trên vùng biển này.
Triều Tiên và Trung Quốc xây cầu kết nối biên giới hai nước
Cây cầu này sẽ giúp kết nối thành phố Nanyang của Triều Tiên với thành phố Tumen, thuộc khu tự trị Diên Biên, tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc.
Hãng tin Yonhap ngày 16/9 dẫn nguồn tin của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/9 cho biết Triều Tiên và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận xây dựng một cây cầu mới bắc qua sông Tumen (sông Đồ Môn), vốn được coi là đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Trung-Triều.
Thỏa thuận trên do Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong-guk và Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Li Jinjun ký kết tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 15/9.
Cây cầu này sẽ giúp kết nối thành phố Nanyang của Triều Tiên với thành phố Tumen, thuộc khu tự trị Diên Biên, tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc, nơi mà các hoạt động thương mại song phương với Triều Tiên đang diễn ra rất sôi động, tuy nhiên các điều khoản liên quan đến tài chính của thỏa thuận không được tiết lộ.
Phát biểu tại lễ ký, Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Li Jinjun cho biết cây cầu mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước và quan hệ thương mại song phương, đồng thời góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng của các địa phương trong khu vực biên giới Trung-Triều.
Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc tỏ ra rất chú ý tới sự kiện này vì nó diễn ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến khu tự trị Diên Biên, tỉnh Cát Lâm tháng Bảy vừa qua, đồng thời cũng cho thấy quan hệ kinh tế Trung-Triều dường như không chịu ảnh hưởng lớn bởi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên./.
Mỹ hoãn trừng phạt Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình
Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 16/9 cho biết nước này tạm thời hoãn áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty Trung Quốc sau vụ tấn công mạng Cơ quan Quản lý Nhân sự của chính phủ Mỹ hồi tháng 7.
Quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng cho biết, lý do Washington tạm thời chưa đưa ra các lệnh trừng phạt Bắc Kinh là nhằm tránh “phủ bóng đen” lên chuyến thăm chính thức nước này sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức giấu tên này cho biết quyết định được đưa ra sau cuộc họp kéo dài tới tối muộn ngày 11/9, theo đó hai bên đã đạt được “thỏa thuận đáng kể” về các vấn đề an ninh mạng.
Quan chức trên khẳng định: “Do đã có thỏa thuận nên sẽ không có bất cứ lệnh trừng phạt nào được đưa ra trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 24/9 tới”.
Tuy nhiên, quan chức trên cho biết Mỹ sẽ cân nhắc các lệnh trừng phạt và cách hành xử của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian mạng vẫn được Washington xem xét một cách kỹ lưỡng.
Tuần trước, giới chức Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc các lệnh trừng phạt đối với các công ty và cá nhân của Nga và Trung Quốc vì những vụ tấn công mạng nhằm vào những mục tiêu thương mại của nước này.
Lệnh trừng phạt mà Mỹ đang cân nhắc sẽ không nhằm vào những tin tặc bị nghi đánh cắp các dữ liệu của chính phủ nước này mà tập trung vào những công dân và công ty nước ngoài bị quy trách nhiệm tiến hành tấn công mạng nhằm vào các tập đoàn thương mại.
Nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt, đây sẽ là lần đầu tiên chính phủ Mỹ thực hiện một án phạt sau khi Tổng thống Obama ký sắc lệnh chống đe dọa các mối đe dọa an ninh mạng với hệ thống máy tính của nước này hồi tháng 4.
Thái Lan, Trung Quốc có thể sắp khởi động dự án đường sắt chung
Ủy ban chung hợp tác xây dựng đường sắt Trung Quốc-Thái Lan đã đạt được một thỏa thuận về lộ trình xây dựng một dự án đường sắt chung và lộ trình này có thể sớm được ký kết trong cuộc họp tới của ủy ban tại Bắc Kinh vào tháng 10 tới.
Ủy ban hi vọng có thể coi lộ trình như một sự khởi đầu cho các cuộc thảo luận về tài chính và các vấn đề thương mại, với mục tiêu khởi công tuyến đường sắt trước cuối năm nay.
Giới chức Thái Lan và Trung Quốc hồi tuần trước đã có cuộc thảo luận tại Bangkok về dự án đường sắt nối 2 nước. Trong cuộc họp, hai phái đoàn, do Thứ trưởng Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Wang Xiaotao và Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith dẫn đầu, đã thảo luận các vấn đề trong đó có thiết kế lộ trình, hợp đồng thi công và vấn đề tài chính của dự án.
Hai bên cũng xem xét một nghiên cứu khả thi do Trung Quốc đệ trình vào ngày 31/8 về giai đoạn thi công đầu tiên.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Thái Lan và Trung Quốc đã ký kết một biên bản ghi nhớ về dự án đường sắt chung. Tuy nhiên, dự án đã gặp trục trặc khi Thái Lan bất ngờ bác đề xuất của Bắc Kinh nhằm tăng vận tốc của tàu lên 250 km/h. Các cuộc đàm phán chính thức sau đó đã được nối lại.
Dự án bao gồm 4 tuyến đường sắt tốc độ trung bình, khoảng 180 km/h, và dài tổng cộng 867 km. các tuyến đường sắt sẽ nối tỉnh Nong Khai ở cực bắc Thái Lan với thủ đô Bangkok. Dự án nằm trong kế hoạch cơ sở hạ tầng 8 năm của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và thuộc mạng lưới đường sắt xuyên châu Á.
Dự kiến, các tuyến đường sắt sẽ hoàn thành sớm nhất là vào năm 2018. Khi đi vào hoạt động, các hành khách có thể mua vé 2 chiều từ thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Quốc, và Bangkok với giá 3.600 baht (100 USD), rẻ hơn từ 30-50% so với giá vé máy bay cùng tuyến.
Dự án đường sắt cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm 200.000 du khách Trung Quốc tới Thái Lan mỗi năm.
Nga chấp thuận giao thiết bị tàu Mistral cho Ai Cập hoặc Ấn Độ
Ngày 15/9, nguồn tin khu vực cho biết, các quan chức Nga nhất trí với các đối tác Pháp rằng thiết bị của Nga trên 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral có thể được giữ nguyên nếu số tàu này được bán cho Ai Cập hoặc Ấn Độ.
Hai chiếc chiến hạm Mistral do Pháp sản xuất nhưng được trang bị các thiết bị viễn thông và hệ thống kiểm soát tên lửa của Nga. Thỏa thuận mua bán số tàu này, có trị giá 1,1 tỷ USD, được Nga và Pháp ký năm 2011, song đã bị phía Pháp hủy hồi năm ngoái sau những cáo buộc Nga can dự vào cuộc khủng chính trị ở Ukraine. Đây được coi là thỏa thuận bán vũ khí quân sự lớn nhất của một nước thành viên khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Nga.
Khi thỏa thuận không được thực hiện, việc dỡ bỏ các thiết bị của Nga trên 2 tàu Mistral lại là một vấn đề. Chi phí cho việc này có thể lên tới 64,1 triệu USD và sẽ do Pháp chịu. Sau khi thỏa thuận mua bán giữa Nga và Pháp bị hủy, các nước như Canada, Ấn Độ, Singapore và Ai Cập nổi lên là những ứng cử viên tiếp nhận hợp đồng mua 2 tàu Mistral.
Pháp muốn tìm một đối tác mới và Ai Cập được coi là ứng cử viên hàng đầu. Cairo và Paris đã thúc đẩy các cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận này hồi tháng trước.
Tàu Mistral có thể chở hàng trăm lính, vận chuyển hàng chục phương tiện quân sự và xe tăng cùng 16 máy bay trực thăng. Tính năng quan trọng nhất của tàu Mistral là hệ thống chỉ huy và kiểm soát hiện đại có thể điều khiển các chuyển động của phương tiện quân sự trong các trận chiến trên biển hoặc trên đất liền.