Công xăng dầu và hóa chất nhà nước Trung Quốc (Sinopec) đang xây dựng một trạm xăng dầu trên đảo Phú Lâm, trong khu vực quần đoàn Hoàng Sa của Việt Nam, trang blog của công ty này ngày 14/12 khẳng định.
Tin thế giới đọc nhanh 14-12-2015
- Cập nhật : 14/12/2015
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay phát thông cáo, cho biết hải quân nước này những ngày gần đây cử một đội tàu tới các vùng biển liên quan ở Biển Đông để tập trận. "Hành động này là sự sắp xếp thường kỳ, tuân theo kế hoạch huấn luyện hải quân trong năm nay", Reuters dẫn Bộ này cho biết thêm.
Những hình ảnh trên tài khoản mạng xã hội của báo People's Daily, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, cho thấy tàu hải quân tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, nhưng không nói rõ địa điểm chính xác diễn ra sự kiện.
Trung Quốc thỉnh thoảng thông báo về các cuộc tập trận này ở Biển Đông, nhằm cố gắng thể hiện sự minh bạch về việc triển khai quân sự.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia. Một lượng hàng hoá trị giá 5 nghìn tỷ USD mỗi năm được vận chuyển qua đây.
Trung Quốc cũng mâu thuẫn với Mỹ về tuyến đường vận tải biển chiến lượng này. Washington chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và máy bay, tàu Mỹ đã bắt đầu tuần tra gần đó.
Nga sắp có siêu tên lửa phòng không S-500
Chuyên gia quốc phòng Nga Igor Korotchenko khẳng định lực lượng vũ trang Nga có thể sẽ sớm nhận được các nguyên bản đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới S-500.
Nga đang đặc biệt chú ý đến việc phát triển hệ thống phòng thủ hàng không vũ trụ. Các báo cáo trước đó cho rằng hệ thống tên lửa đất đối không S-500 sẽ được quân đội nước này đưa vào phục vụ trong năm 2017. Các lực lượng vũ trang Nga dự kiến sẽ được trang bị 10 hệ thống S-500.
Ông Korotchenko cho biết sau cuộc họp Bộ Quốc phòng Nga hôm 11-12: “Chúng tôi nghe nói các lực lượng hàng không vũ trụ Nga sẽ sớm nhận được thêm hệ thống S-400. Còn S-500 sẽ sớm hoàn tất giai đoạn kiểm tra và đưa vào phục vụ”.
Theo ông Korotchenko, quân đội Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể và S-500 là một trong những hệ thống tốt nhất toàn cầu, có khả năng bảo vệ đất nước trong nhiều thập kỷ tới.
S-500 Prometey còn được gọi là 55R6M Triumfator-M, là một hệ thống chống máy bay và tên lửa đạn đạo. Các hệ thống tầm xa này được thiết kế bởi Almaz Antey, có tầm bắn khoảng 600 km. Đồng thời, hệ thống này có thể đánh chặn lên đến 10 tên lửa đạn đạo di chuyển với tốc độ 5 km mỗi giây.
“Các tên lửa S-500 sẽ chỉ được sử dụng với các mục tiêu quan trọng nhất, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo liên lục địa, AWACS (máy bay cảnh báo sớm) và máy bay gây nhiễu”, tờ Military Today ghi nhận.
Nhật - Ấn đạt thỏa thuận tàu cao tốc, hạt nhân
Ngày 12-12, Nhật và Ấn Độ ký kết hàng loạt thỏa thuận quan trọng, bao gồm dự án xây dựng hệ thống tàu điện siêu tốc, hợp tác quốc phòng và năng lượng hạt nhân dân sự.
Theo AFP, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết hai nhà lãnh đạo đã đạt thỏa thuận về dự án xây hệ thống tàu điện siêu tốc (shinkansen) từ thành phố Mumbai đến Ahmedabad.
“Dự án này sẽ mở cuộc cách mạng đường sắt ở Ấn Độ và đẩy nhanh hành trình của Ấn Độ đến với tương lai. Đây sẽ là cỗ máy kích hoạt quá trình chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ” - Thủ tướng Modi khẳng định.
Theo kế hoạch, Nhật sẽ hỗ trợ 12 tỷ USD với lãi suất ưu đãi để Ấn Độ xây hệ thống tàu điện siêu tốc này.
Ông Abe và ông Modi cũng ký biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự. Trước đây Tokyo từng từ chối hợp tác hạt nhân do New Delhi không phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hai nước cũng đạt thỏa thuận xem xét các dự án chuyển giao công nghệ quốc phòng, bao gồm việc Nhật bán cho Ấn Độ máy bay US-2.
Ngoài ra, chính quyền Ấn Độ sẽ bắt đầu cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân Nhật từ đầu năm 2016.
Ông Modi ca ngợi các chính sách kinh tế của ông Abe “cũng giống như tàu điện siêu tốc Shinkansen: tốc độ cao, an toàn và đáng tin cậy, chở theo rất nhiều người”.
Nhật đang khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư vào thị trường Ấn Độ rộng lớn.
Ông trùm dầu khí Nga bị buộc tội giết người
Theo cơ quan điều tra tối cao Nga ngày 11-12, nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovski đã ra tay sát hại thị trưởng Siberia vào năm 1998 và một doanh nhân khác vào năm 1999.
Ông Khodorkovski từng là người giàu nhất nước Nga nhờ hoạt động buôn bán dầu mỏ - Ảnh: Khodorkovski.com
Fox News dẫn lời ủy ban điều tra cho biết họ đã có đầy đủ bằng chứng cho thấy ông Khodorkovski có liên quan đến cái chết của ông Vladimir Petukhov, thị trưởng thị trấn Nefteyugansk, nơi ông sở hữu công ty dầu mỏ lớn nhất Yukos.
Nạn nhân Petukhov - mất mạng do bị bắn, từng là người đứng đầu chiến dịch công khai chống lại Yukos bằng cáo buộc trốn thuế.
Bên cạnh đó, ông Khodorkovski cũng bị buộc tội sát hại doanh nhân Yevgeny Rybin vào năm 1999. Mặc dù ông Rybin may mắn thoát chết, nhưng một trong các vệ sĩ của ông đã bị giết chết.
Lời buộc tội trên được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi ông Khodorkovski tuyên bố Tổng thống Vladimir Putin đang điều khiển đất nước đi trên con đường mà một cuộc cách mạng là “cần thiết và không thể thiếu được”, và ông sẽ là một trong những người đứng đầu làn sóng cách mạng đó.
Ông Khodorkovski bác bỏ toàn bộ cáo buộc trên, cho rằng việc lật lại cuộc điều tra này chỉ là động thái nhằm trả đũa việc ông chỉ trích Tổng thống Nga Putin, hoặc liên quan đến việc tòa án The Hague xử cho các cổ đông của Yukos được đền bù sau khi công ty này bị quốc hữu hóa.
Phát biểu tại Luân Đôn hôm thứ tư, ông Khodorkovski tố ngược điện Kremlin đã tiến hành một “cuộc đảo chính chống lại hiến pháp” bằng cách theo đuổi một chính sách đối ngoại điên rồ, đưa ra những điều luật vô lý, và truy tố chính người dân của mình.
“Ông trùm” dầu mỏ Mikhail Khodorkovski, 52 tuổi, từng là tỉ phú giàu nhất nước Nga. Ông bị bắt năm 2003 và bị kết án 10 năm tù vì tội trốn thuế và biển thủ tài chính. Bản án của ông được nhiều người xem là hình phạt vì đã có hành vi thách thức quyền lực của Tổng thống Putin.
Ông được ân xá và ra tù vào tháng 12-2013, ngay trước Thế vận hội mùa đông ở Sochi. Kể từ đó, ông sống lưu vong tại Thuỵ Sĩ nhưng vẫn luôn tỏ thái độ chống đối chính phủ Nga.
Tập Cận Bình không dự lễ tưởng niệm thảm sát Nam Kinh
Theo Reuters, ông Lý Kiến Quốc, Phó Ủy viên trưởng Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, hôm nay đến dự sự kiện ở thành phố Nam Kinh và có bài phát biểu.
Trước hàng trăm binh sĩ, cựu chiến binh và học sinh tại đài tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Nam Kinh, ông Lý nói Trung Quốc sẽ không bao giờ để bất cứ ai phủ nhận tội ác của những kẻ xâm lược. Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm không phải để nối dài thù hận mà để giúp xây dựng một tương lai hòa bình hơn, ông nói.
"Đồng thời, chúng tôi kiên quyết phản đối bất cứ ai cố tình thi vị hoá cuộc chiến tranh xâm lược hay cố đi ngược lại lịch sử", ông Lý nói.
Năm ngoái, ông Tập đến Nam Kinh tham gia lễ tưởng niệm đầu tiên đối với nạn nhân vụ thảm sát và có bài phát biểu.
Trung Quốc và Nhật từ lâu đã mâu thuẫn về lịch sử hai nước. Trung Quốc kiên quyết gợi nhắc người dân về vụ thảm sát năm 1937, trong đó nước này nói quân Nhật giết 300.000 người ở Nam Kinh. Một tòa án của Đồng minh thời hậu chiến cho rằng số người chết là 142.000, nhưng nhưng một số chính trị gia và học giả Nhật bác bỏ việc một vụ thảm sát xảy ra.
Tuy nhiên, các nước láng giềng Trung - Nhật - Hàn đang có những bước tiến cải thiện quan hệ vốn bị lịch sử đau thương phủ bóng đen. Ba nước tháng trước tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ba bên đầu tiên trong suốt ba năm qua.