tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 12-12-2015

  • Cập nhật : 12/12/2015

Trung Quốc cảnh báo nguy cơ quân đội bại trận trong tủi hổ

Quân đội Trung Quốc có nguy cơ thất bại trong chiến tranh, mang lại nỗi hổ thẹn hàng nghìn năm nếu lực lượng này cải tổ chậm trễ.
binh si trung quoc dieu hanh trong le duyet binh ky niem 70 nam ket thuc the chien ii o chau a ngay 3/9. anh: reuters.

Binh sĩ Trung Quốc diễu hành trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II ở châu Á ngày 3/9. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước tiết lộ phần nào kế hoạch cải tổ quân đội, tìm cách tinh giản hơn nữa cấu trúc chỉ huy, bao gồm cắt giảm nhân sự, để giúp lực lượng này có thể chiến thắng trong chiến tranh hiện đại.

Ông Tập quyết định hiện đại hóa quân đội vào thời điểm Trung Quốc trở nên kiên quyết hơn trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Hải quân Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo tàu ngầm và tàu sân bay trong khi không quân phát triển chiến đấu cơ tàng hình.

Quá trình cải tổ của ông Tập bao gồm thiết lập một cấu trúc chỉ huy tác chiến hỗn hợp vào năm 2020 và tổ chức lại các quân khu, cắt giảm binh sĩ để lực lượng vũ trang được bố trí hợp lý hơn, hiệu quả hơn.

Đợt cải tổ, bắt đầu từ tháng 9 với việc ông Tập thông báo sẽ cắt giảm 300.000 quân nhân, đang gây tranh cãi.

PLA Daily, tờ báo của quân đội Trung Quốc, đăng tải loạt bài bình luận cảnh báo về sự phản đối cải tổ và lo ngại về những người bị cắt giảm.

Trong một bài bình luận dài, cơ quan chỉ huy quân sự Trùng Khánh cho biết Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách quân đội các nước phát triển thông qua chương trình cải tổ hiện nay.

"Nhưng nhìn chung, mức độ hiện đại hóa quân đội của chúng ta vẫn chưa tương xứng với nhu cầu an ninh của một quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới và với những quân đội hiện đại trên thế giới", bài bình luận viết.

Quân đội Trung Quốc có quá nhiều cấp chỉ huy, khiến hiệu quả chiến đấu bị "thụt lùi".

"Điều này trực tiếp tác động và hạn chế quân đội khi họ muốn nâng cao khả năng thắng trận", tờ báo cho biết. Lịch sử cho thấy chỉ những người đối mặt thay đổi mới phát triển và "không thay đổi đồng nghĩa với tụt hậu, chịu thất bại".

"Hãy nhìn tình hình một cách tổng quan, các lực lượng vũ trang mang về vinh quang hay nỗi hổ thẹn cuối cùng cũng phụ thuộc vào sức mạnh của đất nước và quân đội", tờ báo nhận định. "Nếu không cải tổ, lực lượng vũ trang sẽ không thế chiến thắng khi có biến cố xảy ra. Và rồi họ sẽ bị chỉ trích qua nhiều đời".

Theo tờ báo, không có chỗ cho việc đứng ngoài hoặc thoái thác. Những người lan truyền thông tin "dối trá và sai lệch" về quá trình cải tổ cần bị xử lý mạnh tay.


Thổ Nhĩ Kỳ xây tường dọc biên giới với Syria

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Ankara bắt đầu dựng bức tường dài 82 km dọc biên giới nước này với khu vực đang bị IS kiểm soát ở Syria.
binh si tho nhi ky tuan tra khu vuc doc bien gioi syria. anh: ap

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra khu vực dọc biên giới Syria. Ảnh: AP

Sputnik dẫn hãng tin Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, những mảng chắn cao 4 mét đang được dựng lên dọc biên giới tỉnh Kilis và Gaziantep. Hãng này cho biết đã ghi hình được xe công trường đang xếp các khối bê tông dọc biên giới.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bình luận trước thông tin này. Tuy nhiên, theo Dogan, động thái này là bước tiến mới nhằm tăng cường an ninh dọc biên giới để ngăn phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) sang Syria rồi quay lại Thổ Nhĩ Kỳ. Rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ làm việc này dưới áp lực của Mỹ, sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ thúc giục Ankara hành động nhiều hơn để ngăn những phần tử jihad vượt biên sang Syria. 

Hôm 9/12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói rằng đường biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhất thiết phải đóng lại, vì nó là tuyến đường hậu cần chính, phục vụ cho hoạt động buôn lậu như dầu mỏ, chiêu mộ thành viên và những nguồn cung cấp khác cho IS. Ankara đang thảo luận với Mỹ cách chặn đứng kẽ hở này.

Hồi tháng 8, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khởi công xây dựng tường chắn dọc biên giới gần thị trấn Reyhanli - điểm nóng về buôn lậu ở phía tây nam Kilis.


Georgia cáo buộc trực thăng chiến đấu Nga xâm phạm không phận

Georgia ngày 10-12 đã cáo buộc máy bay trực thăng Nga xâm phạm không phận nước này, đồng thời cảnh báo vụ việc này có thể đe dọa sự ổn định của toàn khu vực, theo Reuters.

Trong một thông báo đăng tải trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Georgia, một máy bay trực thăng chiến đấu Mi-8 của Nga đã đi vào không vận của Georgia, sát vùng tiếp giáp giữa Georgia và vùng ly khai Nam Ossestia.

Bộ Ngoại giao Georgia cho biết: "Máy bay trực thăng này đã xâm phạm vùng không phận kiểm soát bởi chính quyền trung ương Georgia, và đã bay qua nhiều tòa nhà chính quyền và cảnh sát địa phương". Phía Georgia cũng cáo buộc đây là một hành động khiêu khích và đe dọa đến an ninh, ổn định của khu vực.

Trong khi đó, theo hãng Reuters, một quan chức quốc phòng Nga ngày 10-12 đã khẳng định các máy bay trực thăng quân sự Nga không hề xâm phạm không phận của Georgia.

 georgia cao buoc truc thang mi-8 cua nga xam pham khong phan nuoc nay (anh: sputnik)

 Georgia cáo buộc trực thăng Mi-8 của Nga xâm phạm không phận nước này (Ảnh: Sputnik)

Trả lời hãng tin RIA (Nga), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết: "Trong vòng 24 giờ qua, tại khu vực lãnh thổ tiếp giáp biên giới Georgia, các trực thăng quân sự Nga không hề thực hiện bất kỳ chuyến bay nào. 

Tờ Sputnik (Nga) dẫn lại phát biểu của ông Konashenkov cho biết: "Chúng tôi khuyên các đồng nghiệp người Georgia lần sau nếu có đưa ra cáo buộc tương tự thì nên dựa trên các dữ kiện thu thập được từ các thiết bị giám sát". Theo Sputnik, cáo buộc của phía Georgia được đưa ra dựa trên thông báo của một số nhân chứng địa phương.

Sau cuộc chiến kéo dài năm ngày giữa Nga và Georgia vào tháng 8-2008, hai vùng lãnh thổ từng thuộc Georgia là Nam Ossetia và Abkhazia đã được chính quyền Moscow công nhận là quốc gia độc lập.


Triều Tiên không thể có bom H

 Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin ngày 10-12, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thăm khu tưởng niệm cách mạng ở quận Phyongchon (Bình Nhưỡng).
 lanh dao toi cao trieu tien ong kim jong-un (giua) (anh: reuters)

 Lãnh đạo tối cao Triều Tiên ông Kim Jong-un (Giữa) (Ảnh: Reuters)

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đưa tin tại đây ông Kim Jong-un nói nhờ lãnh tụ vĩ đại Kim Il-sung mà dân tộc Triều Tiên có hạt nhân có thể làm nổ vũ khí nguyên tử và bom hydrogen (bom H) để có thể bảo vệ dân tộc và độc lập của Triều Tiên. Các chuyên gia về Triều Tiên của Hàn Quốc ghi nhận đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói thẳng thừng về bom hydrogen.

Chuyên gia Lee Choon-geun, phụ trách các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về các chính sách chính trị và công nghệ (Hàn Quốc), nhận định về công nghệ thì Triều Tiên không thể nào có bom H nhưng hiện nay cũng có thể Triều Tiên đang phát triển loại bom nhiệt hạch này.

Cùng ngày, các chuyên gia Mỹ tại Viện Mỹ-Hàn Quốc (trực thuộc ĐH Mỹ Johns Hopkins ở Baltimore) nhận xét Triều Tiên có thể phóng tên lửa từ quý I-2016 vì hình ảnh vệ tinh cho thấy công trình cải tạo bãi phóng chính Sohae đã gần hoàn tất sau ba năm. Dự án này nhằm mở rộng quy mô thử nghiệm với tên lửa dài đến 50 m trong khi tên lửa Unha-3 hiện nay chỉ dài 30 m.


Nhật, Ấn Độ tăng cường quan hệ toàn diện

Nhật muốn đạt các kết quả trong việc phát triển kinh tế song phương ở các lĩnh vực đường sắt cao tốc, hợp tác an ninh, sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân...

Ngày 11-12, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến New Delhi, bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ với mục tiêu thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh giữa hai nước trong thời điểm Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Theo AFP, ông Abe mô tả nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba châu Á có tiềm năng phát triển cực lớn. “Tôi muốn đạt các kết quả trong việc phát triển kinh tế song phương ở các lĩnh vực đường sắt cao tốc, hợp tác an ninh, sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân” - ông Abe cho biết.

Ông Abe sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ trước khi đối thoại với Thủ tướng Narendra Modi.

Dự kiến hai bên sẽ đàm phán hàng loạt hợp đồng kinh tế lớn, bao gồm thỏa thuận trị giá 15 tỉ USD, theo đó Nhật sẽ xây dựng hệ  thống tàu điện siêu tốc Shinkansen kết nối hai thành phố Mumbai và Ahmedabad.

Tuần này nội các Nhật đã thông qua dự án tàu điện siêu tốc. Theo kế hoạch, Nhật sẽ cho Ấn Độ vay 8 tỉ USD với lãi suất ưu đãi để thực hiện dự án khổng lồ này.

Trước đó ông Modi cam kết cải tổ hệ thống đường sắt Ấn Độ và các hạ tầng khác nhằm kích thích nền kinh tế. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận thỏa thuận hạt nhân dân sự, qua đó mở đường cho Tokyo xuất khẩu công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho New Delhi.

Trong khi đó, Nhật khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư mạnh vào thị trường Ấn Độ mới nổi khổng lồ và đầy tiềm năng. Gần đây Nhật đã đồng ý phát triển hệ thống đường cao tốc ở vùng đông bắc Ấn Độ, nơi Ấn Độ và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ.

Một vấn đề quan trọng khác là hai nước sẽ thảo luận việc Ấn Độ mua vũ khí và thiết bị quốc phòng từ Nhật. New Delhi đang nỗ lực nâng cấp thiết bị quốc phòng. Hai bên có thể đạt thỏa thuận theo đó Nhật bán máy bay US-2 cho Ấn Độ.

Hải quân Nhật đang dùng máy bay US-2 có thể cất và hạ cánh trên biển để tuần tra hàng hải và tìm kiếm cứu nạn. Nhiều khả năng hai bên sẽ ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ quốc phòng và đồng sản xuất vũ khí.

Giới quan sát cho biết ông Abe và ông Modi có mối quan hệ rất thân cận từ trước khi thủ tướng Ấn Độ lên nắm quyền. Cả hai đều được đánh giá là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, điều hành đất nước có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc.

Cả Tokyo và New Delhi đều nhiều lần bày tỏ lo ngại về tham vọng chủ quyền ngày càng lớn của Bắc Kinh và muốn hạn chế hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương.

Ông Modi từng gặp ông Abe hai lần khi còn làm thủ hiến bang Gujarat. Năm ngoái ông được ông Abe tiếp đón nồng nhiệt khi viếng thăm Nhật. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục