Các binh sĩ trên tàu khu trục Smetlivy của Nga đã buộc phải nổ súng để tránh một vụ va chạm với tàu Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc biển Aegean vào hôm nay (13/12).
Tin thế giới đọc nhanh 13-12-2015
- Cập nhật : 13/12/2015
Nga - Mỹ khẩu chiến tại Liên Hợp Quốc
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin (trái) và đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power. Ảnh: Reuters.
Cuộc khẩu chiến diễn ra trong một phiên họp về Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phiên họp bị hoãn lại 90 phút sau khi Nga khẳng định Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Ivan Simonovic không nên báo cáo trước hội đồng 15 quốc gia này.
Tuy nhiên, ông Simonovic vẫn phát biểu trong phiên họp dù đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã nêu rõ lập trường thảo luận nhân quyền nên diễn ra tại Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, Thụy Sĩ.
Ông Churkin chỉ trích đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power về vai trò chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 12, nói bà đã "đưa ra yếu tố không phù hợp". Nga và Trung Quốc ngày 10/12 muốn ngăn Mỹ tổ chức một phiên họp liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên nhưng không thành công.
"Washington đang tham gia phá hoại" ở Ukraine, ông Churkin nói.
Giao tranh giữa binh sĩ quân đội Ukraine và phe ly khai muốn tách khỏi Kiev bùng phát từ tháng 4/2014. Tình trạng bạo lực giảm đáng kể từ tháng 9 nhưng Kiev và phe ly khai vẫn thông báo có thương vong và tố nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Bà Power tố ngược Nga mới là bên phá hoại, cáo buộc điện Kremlin đang tìm cách ngăn tổ chức thảo luận "những sự thật".
"Đại sứ Nga trước đó cho rằng Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền không nên báo cáo khiến người khác nghi Nga muốn tìm cách che giấu", bà nói. "Chúng tôi hiểu ý định của họ là ngăn hội đồng nghe được những sự thật bất lợi".
Bà Power dẫn lại báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc về Ukraine, theo đó vũ khí cùng các tay súng vẫn từ Nga đến miền đông Ukraine và số nạn nhân thiệt mạng trong 20 tháng giao tranh là khoảng 9.100 người.
"Chúng ta có mặt tại đây vì Nga tiếp tục trang bị, huấn luyện, ủng hộ và chiến đấu cùng phe ly khai ở miền đông Ukraine", bà Power nói.
Nga phủ nhận cáo buộc trên. Ông Churkin cho biết Kiev tiếp tục cấm vận kinh tế đối với miền đông Ukraine và từ chối tham gia đối thoại trực tiếp cùng phe ly khai. Bà Power khuyến khích Kiev tăng cường nỗ lực để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và dịch vụ cho miền đông trong khi đó Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cáo buộc Nga gây ra tình trạng cấm vận.
Quốc hội Mỹ chính thức thông qua dự luật chi tiêu tạm thời
Trong một động thái mở ra hy vọng đạt được một giải pháp thỏa hiệp cấp ngân sách hoạt động của Chính phủ Mỹ, ngày 11/12, Hạ viện nước này đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay sau đó đã ký ban hành dự luật vì trước đó 1 ngày Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua văn kiện nói trên.
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật bằng hình thức biểu quyết.
Dự luật chi tiêu hiện nay, vốn được ban hành từ ngày 1/10 vừa qua, dự kiến hết hiệu lực vào nửa đêm 12/12 nếu không được lưỡng viện Mỹ gia hạn. Với động thái trên, một phần các cơ quan liên bang Mỹ sẽ tạm thời tránh được nguy cơ lần thứ hai kể từ năm 2013 phải đóng cửa vì hết ngân sách hoạt động, ít nhất là tới ngày 16/12.
Động thái trên cũng tạm thời “hạ nhiệt” căng thẳng giữa Chính quyền Tổng thống Obama và Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát xoay quanh vấn đề phân bổ ngân sách.
Các nghị sỹ Mỹ đang thương lượng về một dự luật phân bổ ngân sách trị giá 1.150 tỷ USD cho các cơ quan chính phủ liên bang từ nay tới tháng 9/2016, song các bên chưa thể nhất trí về tất cả những nội dung trong dự luật.
Nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết trong mấy ngày gần đây đã xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan về khả năng đạt được một giải pháp thỏa hiệp. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ nói rằng họ hy vọng có thể đệ trình văn bản cuối cùng của dự luật cấp ngân sách vào ngày 14/12 tới.
Nếu không thể phê chuẩn một dự luật chi tiêu mới trước ngày 16/12, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua một biện pháp chi tiêu ngắn hạn khác, hoặc sẽ khiến phần lớn các cơ quan liên bang phải đóng cửa và hàng trăm nghìn công chức Mỹ phải tạm nghỉ việc hoặc làm việc không lương.
Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Hal Rogers cho biết các cuộc đàm phán về dự luật chi ngân sách dài hạn đang được xúc tiến, song “các bên còn lâu mới về đích.”
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết thêm “các bên đang trao đổi các đề xuất” song ông cũng từ chối cam kết Quốc hội Mỹ sẽ đạt được thỏa hiệp trước ngày 16/12.
Tỉ phú Trung Quốc mất tích bí ẩn đã bị cảnh sát bắt giam
Một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, Guo Guangchang, đã bị cảnh sát bắt giam.
Công ty Fosun International của Guo – người được mô tả là Warren Buffett của Trung Quốc - hôm 11.12 xác nhận thông tin này và cho biết, Guo đang hỗ trợ một cuộc điều tra của chính quyền.
Xác nhận này đưa ra sau khi có thông tin ông Guo mất tích.
Tạp chí tài chính Caixin trước đó đưa tin, nhân viên tại Fosun đã không thể liên lạc với ông Guo kể từ chiều thứ năm (10.12).
Fosun, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc, tạm dừng giao dịch cổ phiếu Hồng Kông của mình sau khi xuất hiện báo cáo trên.
Công ty này cho biết, kinh doanh cổ phiếu sẽ khôi phục vào ngày 14.12.
Cũng theo nguồn tin từ Fosun, ông Guo, 48 tuổi, vẫn có thể tham gia vào những quyết định quan trọng.
Hiện chưa rõ tại sao nhà tài phiệt Trung Quốc này bị cảnh sát bắt giam.
Trước đó, một nguồn tin thân cận với Tập đoàn Fosun nói với BBC:"Rất có thể nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu ông ấy hợp tác trong một cuộc điều tra chứ bản thân ông ấy không bị điều tra”.
Iraq đề nghị Liên Hợp Quốc yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra một con đường ở tỉnh Hakkari, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Iraq tháng 10/2011. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ngay lập tức... và không tái xâm phạm chủ quyền Iraq", Reuters dẫn lời đại sứ Iraq tại Liên Hợp Quốc Mohamed Ali Alhakim trong thư gửi đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power, chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an tháng 12.
Theo một bản dịch không chính thức từ tiếng Arab, Baghdad tố hành động của Ankara "vi phạm trắng trợn" các nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước điều nhiều binh sĩ tới gần thành phố Mosul, miền bắc Iraq, với lý do huấn luyện lực lượng người Kurd bản địa chống Nhà nước Hồi giáo (IS). Iraq ngày 5/12 triệu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này, yêu cầu Ankara lập tức rút quân khỏi Iraq.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua cho biết việc rút binh sĩ khỏi Iraq là "không thể được". Trong khi đó, văn phòng thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã đạt được thỏa thuận đàm phán với Iraq về tăng cường hợp tác an ninh và "tổ chức lại" quân nhân ở doanh trại Bashiqa, gần Mosul.
Bà Power nói Mỹ "kêu gọi chính phủ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đối thoại để tìm cách phù hợp thoát khỏi tình huống khó khăn hiện tại". Ông Erdogan gọi việc đệ đơn không phải một "bước đi trung thực".
"Họ có thể nhờ đến Hội đồng Bảo an, đó là quyền của họ, nhưng đây không phải một bước đi trung thực. Chúng tôi tin hành động của Iraq có liên quan đến những diễn biến gần đây trong khu vực", ông Erdogan trả lời phỏng vấn với Al Jazeera. "Tôi tin Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc biết rằng bước đi đó không trung thực và sẽ ra quyết định phù hợp".
Mỹ tuyên bố tăng cường nỗ lực đối phó IS
"Chúng tôi đang thực hiện nhiều bước... và có ý định triển khai thêm để tăng cường chiến thuật, đẩy nhanh tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS)", AFPdẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu trong buổi họp báo cùng người đồng cấp Anh Michael Fallon ở Washington.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Lầu Năm Góc vào ngày 14/12 để đánh giá chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Iraq và Syria,
Tổng thống sẽ ngồi lại với Hội đồng An ninh Quốc gia, sau đó ra thông báo, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói. Chiến thuật chống IS không được kỳ vọng sẽ có thay đổi lớn.
Thông báo của ông Obama dự kiến "không vạch ra chiến lược mới, không điều động thêm quân, không có thêm cách thức để tăng tốc tiêu diệt kẻ thù", Robert Satloff, giám đốc Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận định.
Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu bắt đầu ném bom IS tại cả Iraq và Syria từ năm ngoái, sau khi nhóm phiến quân chiếm nhiều khu vực rộng lớn, thực hiện chiến dịch chặt đầu con tin.
Nhà Trắng đang chịu áp lực phải tăng cường hành động. Chính quyền Tổng thống Obama bị phe đối lập chỉ trích về cái họ gọi là thiếu tiến bộ rõ rệt trong quá trình tiêu diệt nhóm phiến quân.