tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 12-12-2015

  • Cập nhật : 12/12/2015

Trung Quốc “nhập nhằng nguy hiểm ở biển Đông”

Báo New York Times hôm 10-12 đăng tải bài viết nhân đề “Trung Quốc nhập nhằng nguy hiểm ở biển Đông” của giáo sư Liselotte Odgaard từ Đại học Quốc phòng hoàng gia Đan Mạch.

Giáo sư Liselotte Odgaard từ Đại học Quốc phòng hoàng gia Đan Mạch. Ảnh: Fiia

Giáo sư Liselotte Odgaard từ Đại học Quốc phòng hoàng gia Đan Mạch. Ảnh: Fiia

Bài viết mở đầu bằng câu trả lời đáng chú ý của Thiếu tướng Diêu Vân Trúc từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc ở Bắc Kinh khi bị chất vấn tại diễn đàn Hương Sơn về quân sự hóa đảo nhân tạo ở biển Đông hồi tháng 10.

Lúc bấy giờ, để đáp trả những ý kiến lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc tìm cách xây dựng các đảo ở biển Đông đã gây leo thang căng thẳng quốc tế, bà Diêu đã hỏi vặn lại người chất vấn rằng: Quân sự hóa biển Đông nghĩa là gì? Nữ thiếu tướng cố tình né tránh vấn đề bằng cách lái câu chuyện về các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng biển châu Á, khi Mỹ duy trì hợp tác quân sự với nhiều nước trong khu vực.

Tuy nhiên, theo nữ chuyên gia Odgaard, hai khía cạnh trong chiến lược hung hăng của Bắc Kinh đã phơi bày rõ lý do tại sao nước này mới là nhân tố chính gây căng thẳng ở khu vực: một là Trung Quốc cố tình nhập nhằng yêu sách cái gọi là đường lưỡi bò trên biển Đông, đồng thời lại tuyên bố sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ ấy bằng vũ lực.

Chỉ vài ngày sau phát ngôn của bà Diêu ở diễn đàn Hương Sơn, ngày 27-10, tàu USS Lassen của hải quân Mỹ bắt đầu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc bồi lấn trái phép ở biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động của Mỹ là bất hợp pháp và đe dọa lợi ích an ninh và chủ quyền của Bắc Kinh, nhưng vẫn như mọi khi, họ lại không thể gọi tên chính xác Washington đã vi phạm loại tuyên bố chủ quyền cụ thể nào của họ. Vài ngày sau đó, Trung Quốc tiến hành tập trận chống xâm nhập đường không - đường biển trên biển Đông và triển khai 2 tàu chiến đối phó với hoạt động tuần tra của Mỹ.

Tấm bản đồ “Đường lưỡi bò” chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông do Trung Quốc đơn phương vẽ ra đã và đang gây phản đối nhiều thập kỉ qua. Giới chức lãnh đạo nước này nhiều lần tuyên bố rằng nó là "một phần lãnh thổ" Trung Quốc trong suốt nhiều thế kỷ. Trong bài phát biểu hôm 7-11 tại Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng: "Các đảo ở biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại. Chính phủ Trung Quốc có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải hợp pháp của Trung Quốc".

Khi bị lên án vì các hành động khiêu khích ngang ngược, giới chức Trung Quốc thường sử dụng ngôn ngữ mơ hồ để phản đối. Trong vụ tàu USS Lassen tuần tra ở biển Đông vừa qua, Bắc Kinh không cáo buộc Mỹ vi phạm "lãnh hải" hay “vùng đặc quyền kinh tế”, thay vào đó Bắc Kinh nói Washington "đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc" và “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Vẫn với kiểu phản đối chung chung như vậy, Trung Quốc đã tránh mọi trường hợp làm rõ các bản chất pháp lý của những thực thể ở Đá Xu Bị (ởquần đảo Trường Sa (của Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấn thành đảo nhân tạo (trái phép) là gì. Và với kiểu tuyên bố nhập nhằng, mơ hồ như vậy, Bắc Kinh cũng chưa bao giờ dám nói thẳng về chủ quyền của các vùng xung quanh đá Xu Bi như thế nào. Chính vì vậy, những tuyên bố của Trung Quốc luôn rất bí ẩn.

Sự nhập nhằng đó lại càng nguy hiểm hơn khi Trung Quốc đang tỏ rõ sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ đó bằng vũ lực. Điều này được thể hiện rõ trong Sách trắng Quốc phòng 2015 của nền kinh tế số 2 thế giới tuyên bố rằng một mục tiêu của Trung Quốc là bảo vệ "chủ quyền và lợi ích hàng hải" trong các tình huống "nếu láng giềng có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các rặng san hô, đá, đảo" ở Trường Sa (của Việt Nam - PV).

Vì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không rõ ràng, nên các bên liên quan khác không thể xác định Trung Quốc sẽ dùng vũ lực ở đâu và khi nào, do đó sẽ làm tăng nguy cơ xung đột. Nhiều nước trong khu vực đang chọn chung một hướng đi, đó là một mặt không thể quay lưng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng mặt khác họ đang thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ.

Giáo sư Liselotte Odgaard nhấn mạnh rằng chính sách mơ hồ của Trung Quốc có thể dẫn đến kết luận: Bắc Kinh muốn mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trên biển Đông như một thách thức trực tiếp đối với các đồng minh của Mỹ, vì làm như vậy sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp vào hoạt động tự do đi lại của tàu thuyền, máy bay.

Do đó, giới chức Washington không thể khoanh tay ngồi nhìn. Washington cần phải thể hiện rằng vùng biển quốc tế không thể biến thành ao nhà của Trung Quốc và các nước khác bị hạn chế. Và việc Mỹ điều chiến hạm tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông là một bước khởi đầu của sự thể hiện của nước này.


Trung Quốc, Nga không cản được LHQ họp về Triều Tiên

4 nước Trung Quốc, Nga, Venezuela và Angola hôm 10-12 thất bại trong việc ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức cuộc họp thứ hai về tình trạng nhân quyền tại Triều Tiên.

Trung Quốc đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu để ngăn chặn LHQ tổ chức cuộc họp thứ hai về tình trạng nhân quyền ở Triều Tiên nhưng chỉ được 4 phiếu thuận theo, trong khi số phiếu cần thiết là 9 và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Pháp không được sử dụng quyền phủ quyết.

9 nước ủng hộ LHQ mở cuộc họp gồm Mỹ, Pháp, Jordan, Lithuania, Malaysia, New Zealand, Chile, Tây Ban Nha và Anh, còn Nigeria và Chad bỏ phiếu trắng trong khi không có sự tham dự của các nhà ngoại giao Bình Nhưỡng.

Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wang Min lập luận Hội đồng Bảo an “không phải là nơi để giải quyết vấn đề quyền con người”. Người này nhấn mạnh “tình hình nhân quyền ở Triều Tiên không phải là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.

Tuy nhiên, ông Jeffrey Feltman, người phụ trách các vấn đề chính trị của LHQ, lại cho rằng cộng đồng quốc tế có trách nhiệm bảo vệ người dân Triều Tiên và xem xét những tác động của các báo cáo về tình hình nhân quyền đối với sự ổn định của khu vực.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng bác bỏ tuyên bố sở hữu bom nhiệt hạch của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hôm 10-12 nói các bằng chứng mà Washington có được "cho thấy sự hoài nghi về tuyên bố của Bình Nhưỡng".

Cách đây hơn 1 năm, LHQ tổ chức cuộc họp đầu tiên để bàn về vấn đề nói trên. Lúc đó, Nga và Trung Quốc – một đồng minh thân cận của Triều Tiên – cũng phản đối. Trước thời gian này, các cuộc thảo luận của LHQ chỉ bó hẹp ở chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Đại hội đồng LHQ đã kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét đưa Triều Tiên ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) sau khi một ủy ban điều tra của LHQ phát hiện những vi phạm nghiêm trọng đối với quyền con người tại Triều Tiên, có thể so sánh với những tội ác dưới thời Đức Quốc xã.

Trong khi đó, ngày 11-12, quan chức cấp cao 2 nước Hàn Quốc và Triều Tiên đã gặp gỡ để thảo luận về việc cải thiện các mối quan hệ và nối lại các dự án hợp tác cũng như tour du lịch qua biên giới bị đình trệ gần 6 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Hwang Boo-gi đã cùng Phó Giám đốc Ủy ban Thống nhất Hòa bình Hàn Quốc Jon Jong-su bên phía Triều Tiên hội đàm ở khu công nghiệp Kaesong, cách biên giới 2 nước vài km.

Bình Nhưỡng hy vọng nối lại các tour du lịch qua biên giới từ Hàn Quốc đến khu nghỉ mát núi Kumgang – Triều Tiên sau khi bị ngưng hoạt động từ năm 2008. Còn Seoul đang tìm kiếm sự đồng ý của láng giềng miền Bắc để cho các gia đình ly tán do chiến tranh được đoàn tụ. Khoảng 60.000 người Hàn Quốc - chủ yếu là người già – đang từng ngày mong ngóng người thân ở Triều Tiên.


Hai miền Triều Tiên họp cấp cao

 Ngày 11-12, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tổ chức cuộc họp cấp cao hiếm hoi để cải thiện quan hệ song phương.

Theo AFP, cuộc đối thoại cấp thứ trưởng diễn ra ở khu công nghiệp chung Kaesong tại CHDCND Triều Tiên.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Hàn Quốc là Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hwang Boo-Gi. Về phía CHDCND Triều Tiên, quan chức đại diện đoàn đàm phán la Jon Jong-Su, phó giám đốc Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều Tiên.

“Có quá nhiều vấn đề để đàm phán. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức giải quyết từng vấn đề một” - Thứ trưởng Hwang tuyên bố khi rời Seoul.

AFP dẫn lời nhà phân tích Cheong Seong-Chang thuộc Viện Sejong nhận định kết quả cuộc đối thoại sẽ có tác động lớn đối với quan hệ liên Triều trong năm tới.

Vấn đề lớn nhất chính trong mọi cuộc đàm phán liên Triều chính là chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Hôm qua nhà lãnh đạo CHDNCD Triều Tiên tuyên bố nước này sở hữu bom nhiệt hạch, có nghĩa là kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng lớn hơn những dự báo trước đây. Tuy nhiên Mỹ và Hàn Quốc nghi ngờ độ xác thực của tuyên bố này.

Các quan chức Seoul cho biết sẽ đề cập vấn đề nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng hai bên cần tập trung vào các mục tiêu dễ thực hiện hơn.

“Phi hạt nhân hóa cần được xem là mục tiêu tối hậu của đàm phán giữa Seoul và Bình Nhưỡng, chứ không thể là điều kiện ban đầu” - giáo sư Kim Keun-Shik thuộc ĐH Nghiên cứu CHDCND Triều Tiên ở Seoul khẳng định.

Ngoài chuyện hạt nhân, CHDCND Triều Tiên muốn Hàn Quốc nối lại các tour đến khu nghỉ dưỡng Kumgang đã bị gián đoạn từ năm 2008. Các tour này là nguồn tài chính đáng kể đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Seoul muốn Bình Nhưỡng đồng ý tổ chức thường xuyên các cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị li tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Các nhà quan sát nhận định hiện Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye chỉ còn hai năm nhiệm kỳ và bà đang cạn thời gian xây dựng một “di sản” đáng nhớ về quan hệ liên Triều.


Thụy Sĩ báo động khủng bố

Thành phố Geneva của Thụy Sĩ ngày 10-12 ở trong tình trạng báo động cao giữa lúc cảnh sát săn lùng các nghi phạm liên quan đến vụ tấn công khủng bố Paris, đài CNN cho biết.

Theo nguồn tin từ cuộc điều tra, cảnh sát Thụy Sĩ đang truy tìm năm người tình nghi thuộc mạng lưới của Mourad Fares. Gã người Pháp này đã tuyển mộ Foued Mohamed-Aggad, kẻ được xác định là nhân vật thứ ba tham gia tấn công nhà hát Bataclan ở Paris.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết thêm Fares được biết đến như một đầu mối tuyển dụng quân thánh chiến cho chiến trường Syria. Tình báo Pháp nói hắn làm việc cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chủ yếu tại các nước nói tiếng Pháp bao gồm Thụy Sĩ. Fares bị bắt tháng 8-2014 tại Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó bị giam tạm Pháp.

Nguồn tin từ Geneva cho biết chính tình báo Mỹ là người tiết lộ thông tin cho Thụy Sĩ về những kẻ đang lên kế hoạch tấn công Thụy Sĩ và các thành phố của Mỹ. Nhà chức trách Thụy Sĩ nâng mức độ báo động khủng bố như một biện pháp đề phòng, họ không rõ những người này có đang ở trên lãnh thổ Thụy Sĩ hay không.

Hiện cuộc điều tra đang được cảnh sát Thụy Sĩ, cảnh sát Pháp và quốc tế phối hợp tiến hành. “Mối đe dọa mơ hồ đã chuyển thành một mối đe dọa cụ thể”, Emmanuelle Lo Verso, người đứng đầu bộ phận truyền thông Cơ quan an ninh Geneva nói.

Người phát ngôn tòa nhà Liên Hiệp Quốc tại Geneva Rheal LeBlanc xác nhận lực an ninh tại đây đã được tăng cường với vũ khí hạng nặng.

Có tám kẻ khủng bố bị giết trong vụ tấn công Paris ngày 13-11, hai tên được cho là vẫn đang bỏ trốn và bị săn lùng khắp châu Âu. Chúng đã giết 130 người và làm hàng trăm người khác bị thương.


Ba Lan trục xuất nhà báo Nga vì nghi làm gián điệp

nha bao nga leonid sviridov - anh: facebook cua leonid sviridov

Nhà báo Nga Leonid Sviridov - Ảnh: Facebook cùa Leonid Sviridov


Nhà báo Nga Leonid Sviridov đang làm việc tại Ba Lan bị chính quyền nước này trục xuất vì nghi làm gián điệp, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11.12 cho hay.

Trong thông báo gửi tới hãng tin Mỹ AP, Sviridov nói rằng do chính quyền sở tại vô hiệu hóa giấy phép cư trú của ông, vào ngày thứ bảy 12.12 ông sẽ rời Ba Lan, nhưng sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền được trở lại đất nước này.

Leonid Sviridov, 49 tuổi, phóng viên hãng tin RIA Novosti (Nga) đã làm việc nhiều năm ở Ba Lan, khẳng định rằng ông chưa bao giờ tham gia các hoạt động gián điệp và ông sẽ kiện ra tòa về việc bị tước quyền cư trú hợp pháp ở Ba Lan.

Sviridov cũng tiết lộ kế hoạch của mình là sẽ gửi quyết định của tòa án Ba Lan (mà ông cho là trái với luật pháp quốc tế) lên Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Hồi tháng 10.2014, Cơ quan an ninh Ba Lan đã tuyên bố rằng Leonid Sviridov là “mối đe dọa cho nhà nước Ba Lan” và Bộ Ngoại giao nước này đã hủy bỏ việc công nhận tính hợp pháp của ông trong tư cách nhà báo.

Trước đây, vào năm 2006, Leonid Sviridov từng bị cấm làm việc tại Cộng hòa Czech cũng do bị tình nghi làm gián điệp.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục