Đây là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc và phản đối người nước ngoài - trào lưu đang lên do hệ quả của làn sóng nhập cư thời gian qua.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 11-12-2015
- Cập nhật : 11/12/2015
Mỹ viện trợ hơn 100 xe bọc thép M113 cho Philippines
Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết 77 trong số 114 chiếc được Washington hứa cho Manila đã được giao hôm qua 9.12 tại Subic, căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại Philippines, số còn lại sẽ được giao trong năm 2015 này, theo AP.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Trung Quốc dẹp nhà tù “đen”
Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc hôm 9-12 kêu gọi Trung Quốc chấm dứt tình trạng tra tấn những người bị giam giữ ở các đồn cảnh sát, trại giam và đóng cửa các nhà tù bí mật.
Tại phiên điều trần kéo dài 2 ngày, ủy ban này cho biết họ nhận được nhiều báo cáo đáng tin cậy cho thấy nhiều người bị giam giữ tùy tiện, bị tra tấn và chết trong nhà tù, cũng như rất nhiều người Tây Tạng mất tích. Theo Ủy ban Chống tra tấn, bao gồm 10 chuyên gia độc lập, từ tháng 7-2015 đến nay có 200 luật sư bị bắt ở Trung Quốc và ít nhất 25 người trong số đó vẫn còn bị giam giữ. Ủy ban này quan ngại về số người chết quá nhiều trong khi bị giam giữ. Đề cập đến biệt giam và trại giam bí mật, chuyên gia George Tugushi nói: “Chúng tôi đã nhận được nhiều cáo buộc liên quan vấn đề này, nhiều trường hợp bị nhốt ở các địa điểm bí mật và người thân của họ không thể nào tìm thấy”.
Ủy ban cho Bắc Kinh thời hạn 1 năm để báo cáo những tiến bộ đạt được nhờ áp dụng Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Tại phiên điều trần, đoàn Trung Quốc phủ nhận giam giữ tù nhân chính trị và nhấn mạnh việc tra tấn hoàn toàn bị cấm trong nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 10-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh khẳng định trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã có những nỗ lực lớn trong việc chống tra tấn. “Báo cáo của Ủy ban Chống tra tấn Liên Hiệp Quốc dựa trên những thông tin chưa chứng thực” - bà Hoa nói, đồng thời phản đối các nước khác can thiệp vào nội bộ Trung Quốc.
Nữ du khách Trung Quốc bị cáo buộc hối lộ “sex” ở Mỹ
Một phụ nữ Trung Quốc tên Hong Yang, 55 tuổi, đối mặt cáo buộc cố tìm cách hối lộ "sex" với một sĩ quan tại Cục hải quan và biên phòng ở sân bay Kennedy – Mỹ để qua mặt pháp luật.
Vụ việc này vừa được tờ NY Daily News đăng tải kể rõ bà Hong Yang cùng với em gái và con gái lớn là sinh viên tại Học viện công nghệ thời trang ở Manhattan – Mỹ đến sân bay Kennedy từ Paris trên chuyến bay của hãng Air France.
Trong quá trình kiểm tra, sĩ quan hải quan phát hiện trong hành lý của con gái Hong Yang có nhiều món đồ giá trị lớn chưa được khai báo gồm: túi xách, đồng hồ đeo tay, áo khoác lông thú, trang sức kim cương trị giá 160.000 USD.
Bà Hong Yang (giữa) rời tòa án sau một phiên điều trần. Bà đối mặt cáo buộc cố ý hối lộ sĩ quan hải quan Mỹ. Ảnh: NY Daily News
Theo hồ sơ tại Tòa án liên bang Brooklyn – Mỹ, bà Hong Yang lập tức viết biệt danh, số điện thoại vào một mảnh giấy nhỏ và gửi nó cho sĩ quan Cục hải quan và biên phòng đã phát hiện vụ việc trên. Ban đầu, bà gạ sẽ để lại một đồng hồ và 10.000 USD nếu sĩ quan này làm ngơ vụ việc. Khi thấy không “ăn thua”, bà ta nâng mức độ hối lộ lên với đề nghị sẽ “ngủ” cùng sĩ quan này và đưa anh ta sang Trung Quốc du lịch nếu thích.
Luật sư Robert Gottlieb biện hộ cho bà Hong Yang nói với Daily News rằng bà Hong Yang không bị buộc tội ngay lúc đó và được phép rời sân bay. Bà bị bắt hơn một tuần sau tại sân bay này khi làm thủ tục lên máy bay trở về Trung Quốc.
Sau khi nộp phí bảo lãnh 250.000 USD ngày 7-12, bà Hong Yang đã được tại ngoại chờ phiên điều trần kế tiếp. “Rõ ràng, một sự hiểu lầm nào đó dẫn đến vụ bắt giữ người phụ nữ tuyệt vời này!” - Luật sư Robert Gottlieb cho biết.
Người dượng bỏ trốn của ông Kim Jong-un lên tiếng
Ông Lee Kang, dượng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thừa nhận ông và vợ đào thoát sang Mỹ vì sợ trở thành nạn nhân của trò tranh đoạt quyền lực.
Ông Lee kết hôn với bà Ko Yong-Suk, em gái của mẹ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Gần 20 năm trước, ông đưa vợ đào tẩu sang Mỹ và ở lại từ đó đến nay.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) hôm 9-12, ông Lee cho biết: “Gần 2 thập kỷ ở gần giới lãnh đạo Triều Tiên, tôi cảm nhận được sự tàn ác của quyền lực. Tôi nghĩ rằng không phải là một ý tưởng hay để sống gần nó”.
Ông Lee và bà Ko được giao nhiệm vụ chăm sóc Kim Jong-un khi ông du học ở Thụy Sĩ. Khi Kim Jong-un trưởng thành, họ về nước một thời gian ngắn rồi tìm đường đào tẩu sang Mỹ vào năm 1998 và xin tị nạn. Thời điểm đó, mẹ ông Kim rất yếu và đang trị bệnh tại châu Âu. Năm 2004, bà qua đời ở Pháp.
“Lúc ấy, vợ tôi chọn sang Mỹ vì muốn tìm cách chữa trị bệnh ung thư vú cho chị gái và tôi đi theo” - ông Lee nhớ lại. Vợ chồng ông định cư ở đây hơn 1 thập kỷ trước khi ông Kim Jong-il qua đời vào cuối năm 2011.
Những lo lắng của ông Lee về cạm bẫy quyền lực chính trị ở Bình Nhưỡng không phải không có cơ sở. Sau 2 năm cầm quyền, ông Kim Jong-un đã hạ lệnh thanh trừng một người dượng khác là ông Jang Song-thaek về tội phản quốc để củng cố quyền lực vào năm 2013. Ông Jang là chồng của bà Kim Kyong-hui, em gái của ông Kim Jong-il.
Về biến cố này, ông Lee tránh bình luận. Ông chỉ nói: "Thực lòng mà nói, tôi không thể hình dung được chuyện đó".
Dù không tiết lộ nơi định cư tại Mỹ để che đậy thân phận nhưng ông Lee cho biết gia đình ông đang làm chủ một tiệm giặt ủi khá đông khách. Cặp vợ chồng có 2 con trai và 1 con gái đang học đại học.
Gần đây, bà Ko nộp đơn kiện 3 người đào tẩu Triều Tiên đang sống ở Hàn Quốc về tội phỉ báng. Những người này nói rằng bà Ko từng quản lý một quỹ bí mật cho ông Kim Jong-il, cha bà hợp tác với Nhật Bản trong thời gian cai trị bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945 và bà đã phẫu thuật thẩm mỹ sau khi đào thoát sang Mỹ. Ông Lee nói với Yonhap: “Vợ tôi bị bệnh tim và bà ấy đã rất buồn vì những gì họ rêu rao”.
Cuba - Mỹ đòi nhau hàng tỉ USD
Các quan chức Mỹ và Cuba vừa gặp nhau ở thủ đô Havana để bắt đầu thảo luận về vấn đề bồi thường 1,9 tỉ USD cho số tài sản của Mỹ bị tịch thu trên lãnh thổ Cuba vào đầu những năm 1960.
Cuộc thảo luận hôm 8-12 nói trên là bước đột phá mới nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao hồi tháng 12-2014.
Việc tìm giải pháp cho yêu cầu bồi thường này đóng vai trò quan trọng vì sẽ giúp giải quyết những vấn đề góp phần dẫn đến biện pháp cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba.
Theo luật, lệnh cấm vận này sẽ không được hủy bỏ cho tới khi các đơn yêu cầu bồi thường được giải quyết.
Một quan chức ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên rằng chuyện đạt được một thỏa thuận đền bù là “ưu tiên hàng đầu” của chính phủ Mỹ. Nguồn tin này xác nhận cuộc thảo luận hôm 8-12 có kết quả và sẽ tiếp tục trong năm 2016.
Quá trình này dù có thể mất không ít thời gian nhưng giới chức Mỹ dường như lạc quan về một kết quả tích cực.
Các chuyên gia về Cuba cũng cho rằng điều quan trọng nhất là cuộc thương thảo này rốt cuộc đã diễn ra. “Chỉ riêng chuyện 2 nước chịu ngồi lại với nhau về vấn đề bồi thường sau nhiều thập niên thù địch đã là một thành công lớn” - chuyên gia Richard Feinberg thuộc Viện Brookings (Mỹ) nhận định.
Các nhà ngoại giao Mỹ và Cuba đã có nhiều cuộc thảo luận trong năm nay về vấn đề bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, cuộc họp hôm 8-12 là lần đầu tiên hai bên có nỗ lực chính thức để nói chuyện về những khúc mắc trong quá khứ. Một trong những vấn đề phức tạp nhất là việc cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro quốc hữu hóa các nhà máy, nông trại, đồn điền của doanh nghiệp, công dân Mỹ.
Với mức lãi suất 6%/năm, tổng trị giá đòi đền bù có thể lên tới 8 tỉ USD.
Trong khi đó, Cuba cũng tuyên bố Mỹ đang nợ nước này 122 tỉ USD do thiệt hại từ các biện pháp cấm vận kinh tế. Ngoài ra, Washington còn phải bồi thường 181 tỉ USD cho những trường hợp thương vong trongcuộc xâm lược Vịnh Con Heo năm 1961, cũng như trong những vụ tấn công do lực lượng an ninh Mỹ và người Cuba lưu vong gây ra.