Đài Loan tập trận ngay sát bờ biển Trung Quốc
Israel cáo buộc ông Ban Ki Moon khuyến khích khủng bố
Phản đối dự luật, Bộ trưởng Tư pháp Pháp từ chức
Chứng khoán Trung Quốc mất 1.800 tỉ USD
Iran đem đến Ý hợp đồng hàng tỉ USD
Tin thế giới đọc nhanh 11-12-2015
- Cập nhật : 11/12/2015
Kim Jong-un tuyên bố sẽ dùng bom nhiệt hạch bảo vệ phẩm giá
Triều Tiên đã trở thành "một cường quốc vũ khí hạt nhân, sẵn sàng sử dụng bom nguyên tử cùng bom nhiệt hạch tự chế tạo để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá quốc gia" nhờ có nỗ lực không mệt mỏi của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay dẫn lời Kim Jong-un nói.
Kim Jong-un đưa ra bình luận khi đến thăm Khu Cách mạng Phyongchon, Bình Nhưỡng, nơi ghi dấu những chiến công của cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il, và ông nội, nhà lập quốc Kim Nhật Thành.
Đây là lần đầu tiên Kim Jong-un công khai nhắc đến việc Triều Tiên phát triển bom nhiệt hạch, giới chuyên gia nhận định. Tình báo Hàn Quốc nghi ngờ về khả năng Triều Tiên sở hữu loại bom này.
"Chúng tôi không có thông tin Triều Tiên đã phát triển được bom nhiệt hạch", Yonhap dẫn lời một quan chức tình báo nói. "Chúng tôi không tin Triều Tiên, vốn chưa thu nhỏ thành công bom hạt nhân, có công nghệ để chế tạo bom nhiệt hạch".
Quan chức này cho rằng lời ông Kim Jong-un nói chỉ là "khoa trương". Giới chuyên gia cũng có cùng quan điểm.
"Khó có thể đánh giá là Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch. Tôi nghĩ dường như họ chỉ đang phát triển nó", Lee Chun-geun, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Công nghệ và Khoa học, nhận định.
Chang Yong-seok, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng Kim Jong-un muốn hối thúc Mỹ ký một hiệp ước hòa bình.
Triều Tiên trước đó tuyên bố thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo, cũng khiến giới chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc hoài nghi.
Bom nhiệt hạch (bom H) hoạt động mô phỏng quá trình giải phóng năng lượng hạt nhân trên mặt trời, có khác biệt ít nhiều so với nguyên lý bom nguyên tử (bom A). Sức công phá của bom nhiệt hạch là từ sự bùng nổ của hạt nhân hydro khi chúng chuyển thành helium. Bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn nhiều lần bom nguyên tử do nhiên liệu sử dụng nhẹ hơn và phản ứng nhiệt hạch có hiệu suất cao hơn phản ứng nguyên tử.
Thủ tướng Anh David Cameron ra điều kiện để ở lại trong EU
Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định sẽ ở lại Liên minh châu Âu(EU) chỉ khi khối này thực hiện những biện pháp cải cách "nghiêm ngặt," trong đó bao gồm cả việc hạn chế phúc lợi đối với người nhập cư.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm Bucharest (Romania), ông Cameron nhấn mạnh muốn nước Anh ở lại một liên minh đã được cải tổ và đó cũng chính là lý do tại sao London đang nỗ lực tìm kiếm những biện pháp cải cách quan trọng nhằm giải tỏa những mối quan ngại của đa số người dân tại xứ sở sương mù này.
Ông cũng cho biết EU thông báo đã có những bước tiến nhất định trong tiến trình cải cách song một số lĩnh vực vẫn vấp phải nhiều khó khăn đặc biệt là những cải cách liên quan tới phúc lợi xã hội đối với người nhập cư mà ông đã đệ trình.
Trong khi đó, đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch EU Donald Tusk bày tỏ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận giữ Anh lại EU tại hội nghị thượng đỉnh khối dự kiến diễn ra vào tháng 2/2016 mặc dù yêu cầu chính trong danh sách mà Thủ tướng Cameron đệ trình liên quan tới người nhập cư vẫn chưa đạt được sự đồng thuận từ các quốc gia khác trong EU.
Trong một thông báo gửi tới những người đứng đầu các quốc gia thành viên EU, ông Tusk cảnh báo sự không chắc chắn về việc đi hay ở của Anh có thể gây bất ổn trong liên minh gồm 28 nước thành viên này.
Tháng trước, ông Cameron đã chính thức đệ trình một danh sách yêu cầu cải cách trong đó kiến nghị hạn chế lao động người nhập cư tiếp cận một số chế độ phúc lợi nhà nước trong 4 năm đầu sau khi vào châu Âu.
London muốn đạt được một thỏa thuận mới với các đối tác EU dựa trên những kiến nghị cải cách này trước khi cử tri Anh tham gia cuộc trưng cầu ý dân dự kiến trước cuối năm 2017 để quyết định có tiếp tục là thành viên EU nữa hay không.
Nga quan ngại tính công bằng khi IMF thay đổi chính sách cho vay
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thay đổi chính sách cho vay, trong bối cảnh khoản nợ mà Ukraine vay của Nga sắp đáo hạn, làm dấy lên quan ngại về tính công bằng của định chế tài chính có trụ sở tại Mỹ này.
Theo hãng Sputniknews.com, trong một bài bình luận trên tờ Financial Times vào tối 9/12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thay đổi chính sách cho vay, trong bối cảnh khoản nợ mà Ukraine vay của Nga sắp đáo hạn, làm dấy lên quan ngại về tính công bằng của định chế tài chính có trụ sở tại Mỹ này.
Ông Siluanov viết:"Chúng tôi quan ngại rằng việc thay đổi chính sách này (của IMF), trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành tái cơ cấu nợ, làm dấy lên hoài nghi về tính công bằng của cơ quan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết những bất ổn tài chính toàn cầu."
Ông cũng chỉ trích: "Ngoài việc từ chối coi khoản vay Nga là khoản nợ chính thức, Ukraine cũng đã ký kết các hợp đồng mới trong lĩnh vực tư để không phải trả nợ đúng kỳ hạn cho Nga."
Trước đó ngày 8/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo Chính phủ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện Ukraine nếu Kiev không hoàn trả 3 tỷ USD tiền nợ trái phiếu châu Âu (Eurobond) cho Moskva theo thời hạn chót là trước ngày 20/12 tới.
IS đe dọa bành trướng ở Đông Nam Á
Theo Sputnik, Bộ trưởng Ng Eng Hen cảnh báo, trong ba năm qua, IS và hệ tư tưởng của nhóm này ngày càng thu hút nhiều tín đồ ở Indonesia, Malaysia và Singapore, hơn cả tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Hơn 150 người Hồi giáo ở Malaysia đã bỏ sang Iraq và Syria tham gia vào lực lượng IS, trong đó một số vốn thuộc lực lượng vũ trang Malaysia. Indonesia là quốc gia có người theo đạo Hồi đông nhất thế giới. Đã có hơn 500 người Indonesia và một số người Singapore gia nhập IS, ông Ng công bố, trong phiên họp toàn thể quốc tế lần thứ 11 tại Washington do viện chiến lược CNAS tổ chức.
"Những tên này về nước, mang theo lòng trung thành với IS và nhiệm vụ thiết lập một đế chế Hồi giáo mới ở khu vực này", ông Ng nói. Ông cũng lưu ý trường hợp tên Abu Bakar Bashir, lãnh đạo tinh thần của tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) thân al-Qaeda đang bị giam giữ tại Indonesia, và nhóm phiến quân Abu Sayyaf ở Philippines từng cam kết trung thành với IS năm 2014.
Theo ông Ng, sẽ rất nguy hiểm nếu những tên JI gia nhập IS khi mãn hạn tù. Do đó, ông nhấn mạnh các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin tình báo, để chống lại mối đe dọa các phiến quân từng có liên hệ với al-Qaeda liên minh với IS.
Nga tuyên bố khó hàn gắn với Mỹ nếu còn bị trừng phạt
"Chúng tôi sẽ không thể thông cảm nếu cấp phó Joe Biden của Tổng thống Mỹ Barack Obama đi quanh châu Âu và khuyên nên tiếp tục trừng phạt mà không tính đến cách hành xử của Kiev dưới áp lực từ phương Tây", tờ báo Italy La Repubblica hôm nay dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trong một bài phỏng vấn.
Mỹ cùng Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm ngoái. Phương Tây còn cáo buộc Moscow hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Ông Lavrov và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tuần tới để bàn về các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria.
Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc còn nhóm họp tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày mai để đàm phán về cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm ở Syria và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo Ngoại trưởng Lavrov, liên minh lực lượng Nga, Mỹ và Arab ở Syria hiện tại là đủ để tiêu diệt IS. Tuy nhiên, liên minh không thể thiết lập nếu không thống nhất về tương lai Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Mỹ và các nước đồng minh Arab Hồi giáo dòng Sunni muốn ông Assad phải từ chức còn Nga thì ngược lại. "Nếu những đối tác tiềm năng trong liên minh vẫn đòi chọn thời điểm để ông Assad rời đi, chúng tôi sẽ trả lời rằng điều đó là trái luật pháp, đi ngược với dân chủ", ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga không biết vị trí hiện tại của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi nhưng có thông tin một vài nhóm thuộc IS đã xâm nhập vào quân đội ở Libya. Ông cho rằng phương Tây quyết định loại bỏ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi là sai lầm và Nga ủng hộ một kế hoạch của Liên Hợp Quốc để giúp Libya ổn định "dù nó có nguy hiểm".
Ông Lavrov nhận định cuộc gặp ngày 13/12 tại Rome, Italy, để thúc đẩy một thỏa thuận ở Libya là quan trọng nhưng không thể giải quyết toàn bộ vấn đề.