Thổ Nhĩ Kỳ lên án Mỹ vì hỗ trợ người Kurd ở Syria
Triều Tiên kết tội phản quốc nếu dùng điện thoại Trung Quốc?
Đức cảnh báo IS đã đưa Euro 2016 vào tầm ngắm
Iskander - vũ khí có thể xuyên thủng lá chắn tên lửa Mỹ ở Romania
Nga gửi thông điệp cứng rắn đến NATO
Tin thế giới đọc nhanh trưa 10-12-2015
- Cập nhật : 10/12/2015
Tổng thống Nga ra lệnh kiện Ukraine vì khoản nợ 3 tỉ USD
Ngày 9-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho chính phủ kiện Ukraine ra tòa nếu chính quyền Kiev không chịu trả số nợ 3 tỉ USD.
Theo AFP, hôm nay ông Putin thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov về khoản vay 3 tỉ USD Matxcơva cung cấp cho Kiev dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovich hồi năm 2013.
“Cứ làm đi, hãy đưa vụ việc ra tòa” - ông Putin nói với ông Siluanov.
Trước đó ông Siluanov thông báo Ukraine có 10 ngày để trả nợ trước thời hạn 20-12, hoặc chấp nhận một thỏa thuận tái cơ cấu nợ theo các điều kiện do Tổng thống Putin đưa ra. Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng khẳng định Nga sẽ không chấp nhận việc Ukraine trốn nợ.
“Tôi nghĩ họ sẽ không trả bởi họ là những kẻ lừa đảo” - ông Medvedev chỉ trích các nhà lãnh đạo Ukraine. Ban đầu, Matxcơva muốn Kiev phải trả toàn bộ khoản nợ trong tháng này. Tuy nhiên sau đó ông Putin đề nghị Ukraine trả nợ mỗi năm 1 tỉ USD từ năm 2016.
Chính quyền Kiev vẫn chưa phản hồi đề xuất này. Mới đây các quan chức Ukraine than vãn rằng không thể xoay sở được 3 tỉ USD từ ngân sách quốc gia. Ước tính nền kinh tế Ukraine sẽ suy thoái 12% trong năm 2015, thâm hụt ngân sách chạm mức 4,1% GDP.
Hôm nay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố thay đổi quy định cho vay để tiếp tục hỗ trợ Ukraine kể cả khi nước này không thể trả nợ. Các quan chức Nga chỉ trích IMF can thiệp vào tình hình Ukraine vì lý do chính trị.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk tỏ ra cứng rắn khi khẳng đinh Kiev sẵn sàng đối đầu với Matxcơva trước tòa. Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalia Yaresko cho biết bà muốn đàm phán với Nga.
Trung Quốc phạt nguyên Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Bắc 15 năm tù
Theo Reuters, truyền hình nhà nước Trung Quốc ngày 9/12 đưa tin nguyên Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Bắc Quách Hữu Minh đã lĩnh án 15 năm tù giam vì tội tham nhũng.
Đây là quan chức bị "ngã ngựa" gần đây nhất trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo nguồn tin trên, ông Quách Hữu Minh đã bị tòa án tỉnh Hà Nam kết tội nhận hối lộ với khoản tiền hơn 23,8 triệu nhân dân tệ (3,7 triệu USD).
Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 3 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhằm "nhổ tận gốc" nạn tham nhũng "thâm căn cố đế" ở Trung Quốc.
Tổng thống Venezuela yêu cầu các bộ trưởng từ chức để tái cơ cấu
Nhà lãnh đạo Venezuela nhấn mạnh cách mạng Bolivar đang bước vào một giai đoạn mới, do đó cần phải đưa ra chiến lược trong vấn đề kinh tế và chính trị, cũng như cuộc chiến "chống quan liêu và tham nhũng."
Ngày 9/12, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã yêu cầu các bộ trưởng từ chức để cơ cấu lại chính phủ, sau khi Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền thua liên minh đối lập Bàn tròn Đoàn kết Dân chủ (MUD) trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro cho biết đã yêu cầu Hội đồng Bộ trưởng tiến hành tái cơ cấu và thay đổi tất cả thành viên chính phủ, đồng thời nhấn mạnh cần phải có một lộ trình cho giai đoạn mới của cuộc cách mạng với những "sửa đổi sâu sắc."
Ông cũng thông báo triệu tập cuộc họp của PSUV vào ngày 11/12 tới để tiến hành "phê bình và tự phê bình" nhằm "xác định các hành động sửa đổi mô hình xã hội chủ nghĩa."
Nhà lãnh đạo Venezuela nhấn mạnh cách mạng Bolivar đang bước vào một giai đoạn mới, do đó cần phải đưa ra chiến lược trong vấn đề kinh tế và chính trị, cũng như cuộc chiến "chống quan liêu và tham nhũng."
Trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 6/12 vừa qua, liên minh đối lập MUD đã giành được 109 trên 176 ghế tại Quốc hội, trong khi PSUV chỉ giành được 55 ghế.
Trưởng đoàn quan sát viên của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Leonel Fernández khẳng định cuộc bầu cử ở Venezuela đã diễn ra trong trật tự, hòa bình và minh bạch./.
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu siết chặt thủ tục cấp thị thực
Hạ viện Mỹ ngày 8-12 đã bỏ phiếu để siết chặt các thủ tục cấp thị thực đối với 38 quốc gia trong chương trình miễn thị thực nhập cảnh vào Mỹ, trong đó có nhiều nước châu Âu.
AFP cho biết với 407 phiếu thuận và 19 phiếu chống, hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật cải tiến chương trình miễn thị thực năm 2015
Đây là dự luật được ủng hộ bởi Nhà Trắng sau khi thế giới và nước Mỹ trải qua các cuộc tấn công khủng bố như cuộc tấn công tại Paris và tại San Bernardino (Mỹ).
Dự luật được đưa ra khi Mỹ quan ngại về nguy cơ bị các phần tử cực đoan từ các nước trong chương trình miễn thị thực xâm nhập vào Mỹ và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.
Theo nội dung dự luật, công dân của 38 nước trong chương trình miễn thị thực của Mỹ nếu có chuyến thăm đến các quốc gia bị coi là điểm nóng xung đột và khủng bố như: Iraq, Iran, Syria, Sudan... từ 1-3-2011 buộc phải có thị thực và trải qua quá trình kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt trước khi nhập cảnh vào nước Mỹ.
"Để thận trọng, bây giờ chúng tôi yêu cầu một số cá nhân nộp đơn xin thị thực và trải qua quá trình sàng lọc chính thức" - nghị sĩ đảng Cộng hòa Candice Miller - người đề xuất dự luật trên cho biết.
Ngoài ra dự luật cũng là cơ sở để Mỹ chấm dứt chương trình miễn thị thực đối với các quốc gia không đáp ứng yêu cầu chia sẻ thông tin tình báo.
Chính quyền 38 quốc gia trong chương trình miễn thị thực của Mỹ cũng phải có trách nhiệm tăng cường kiểm tra và rà soát lý lịch và dữ liệu từ Interpol đối với công dân nước mình để đảm bảo họ không có mối liên hệ với khủng bố.
Chương trình miễn thị thực ra đời năm 1986 nhằm tạo điều kiện giúp công dân 38 quốc gia đến Mỹ dễ dàng hơn và không cần phải nộp đơn tại Lãnh sự quán Mỹ.
Nếu dự luật được Thượng viện và tổng thống Obama thông qua như mong đợi thì Mỹ sẽ cần đến chip tăng cường trong hộ chiếu điện tử để lưu trữ dữ liệu sinh trắc học của tất cả du khách miễn thị thực vào Mỹ.
Mỹ áp thêm lệnh trừng phạt kinh tế với Triều Tiên
Ngày 8-12 Washington công bố các lệnh trừng phạt kinh tế mới áp lên 6 cá nhân và doanh nghiệp liên quan việc buôn bán vũ khí của CHDCND Triều Tiên.
Theo AFP, các lệnh trừng phạt lần này nhằm vào Lực lượng tên lửa chiến lược Bắc Triều Tiên (SRF), hai ngân hàng và ba công ty vận tải. Theo Bộ tài chính Mỹ, những đơn vị này đã liên quan tới hoạt động buôn bán vũ khí.
Trong số các đơn vị bị áp lệnh trừng phạt kinh tế lần này của Mỹ có Ngân hàng thương mại Tanchon. Đây là cơ quan tài chính của Tập đoàn phát triển khai khoáng Triều Tiên, đơn vị chịu trách nhiệm hoạt động xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên.
Năm trong số các đại diện của ngân hàng này (trong đó có hai đại diện ở Syria và hai đại diện ở Việt Nam) cũng nằm trong danh sách bị Washington trừng phạt.
Cùng trong “danh sách đen” là đại diện của Ngân hàng ngoại thương của Triều Tiên tại Nga.
Các lệnh trừng phạt nghiêm cấm mọi công dân hay doanh nghiệp Mỹ giao dịch với các cá nhân và tổ chức trong danh sách bị áp lệnh trừng phạt, đồng thời phong tỏa mọi tài sản của họ (nếu có) tại Mỹ.
Ông Adam Szubin, quan chức Bộ tài chính phụ trách tình báo tài chính và khủng bố của Mỹ nói: “Triều Tiên đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế khi mở rộng chương trình hạt nhân của họ và tiếp tục tăng tốc hoạt động buôn bán các loại vũ khí truyền thống và hủy diệt quy mô lớn.
Bộ Tài chính Mỹ cam kết sẽ phanh phui mạng lưới buôn bán vũ khí toàn cầu của Triều Tiên và loại trừ những đối tượng tiếp tay khỏi hệ thống tài chính quốc tế”.
Trong lệnh trừng phạt với SRF, Bộ tài chính Mỹ nói cơ quan này đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo năm 2014. Ba công ty vận tải hàng hóa bị áp lệnh trừng phạt vì đã tham gia vận chuyển vũ khí.