tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 10-12-2015

  • Cập nhật : 10/12/2015

Đại sứ Mỹ tại Thái Lan bị điều tra tội phỉ báng hoàng gia

Cảnh sát Thái Lan mở cuộc điều tra về những phát ngôn của đại sứ Mỹ tại nước này Glyn Davies được cho là phỉ báng hoàng gia.
dai su my tai thai lan glyn davies. anh: afp

Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Glyn Davies. Ảnh: AFP

Theo CNN, những phát ngôn trên được ông Davies đưa ra tại Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Thái Lan (FCCT) hôm 25/11. Chúng đã dẫn đến cuộc biểu tình của các nhà dân tộc chủ nghĩa bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Bangkok vài ngày sau đó.

Những lời lẽ được cho là phạm vào luật khi quân nghiêm khắc của Thái Lan và bị điều tra theo Mục 112, bộ luật hình sự quốc gia.

Bangkok Post dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc sở cảnh sát Lumpini ở Bangkok, cơ quan quản lý khu vực mà FCCT đóng trụ sở, xác nhận giới chức đang vào cuộc.

"Đây vẫn chưa phải là một cuộc điều tra chính thức khi chúng tôi vẫn đang trong quá trình thu thập thông tin và xác minh thực tế. Nếu chúng tôi phát hiện những phát ngôn của đại sứ là phỉ báng theo luật pháp, khi đó chúng tôi sẽ tiến hành điều tra chính thức", quan chức trên nói.

FCCT cho biết cảnh sát đã yêu cầu câu lạc bộ này hỗ trợ.

Davies, một nhà ngoại giao cấp cao, vừa tuyên thệ nhậm chức đại sứ Mỹ tại Thái Lan hồi tháng 9. Trước đó ông từng là đại diện đặc biệt của Ngoại trưởng Mỹ về Triều Tiên và giữ một số chức danh cấp đại sứ khác


Thủ tướng Merkel được bầu chọn là Nhân vật của năm

Thủ tướng Đức Angela Merkel được tạp chí Time bầu chọn là Nhân vật của năm nhờ vai trò nổi bật trong việc giải quyết nhiều vấn đề của khu vực và thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. 

Biên tập viên điều hành tờ Time Nancy Gibbs đã tiết lộ việc lựa chọn lãnh đạo Đức cho danh hiệu uy tín thường niên trong một chương trình truyền hình sáng nay. 

chan dung nhan vat cua nam tren bia tap chi time. anh:time

Chân dung Nhân vật của năm trên bìa tạp chí Time. Ảnh:Time

Tờ tạp chí đánh giá cao nữ thủ tướng 61 tuổi vì "đã đòi hỏi quốc gia của mình nhiều hơn hầu hết các chính trị gia dám làm, vì đã đứng vững trước sự chuyên chế và thủ đoạn và vì đã thể hiện vai trò lãnh đạo tinh thần kiên định".

Bà Merkel bắt đầu năm 2015 bằng việc đứng cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin làm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine, và sau đó giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp đe dọa toàn khu vực đồng euro.

Trong nửa sau của năm, bà đóng vai trò tiên phong trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư khi mở cửa biên giới Đức cho hàng trăm nghìn người tị nạn, trong khi các quốc gia khác từ chối làm điều này. Hành động của bà được mọi người gọi là "lương tâm của châu Âu" nhưng cũng khiến bà đối mặt với áp lực và chỉ trích từ cả người dân Đức lẫn các đồng minh bảo thủ.

"Các bạn có thể đồng ý với bà ấy hoặc không, nhưng bà ấy đã không chọn con đường dễ đi. Các nhà lãnh đạo chỉ được thử thách khi người dân không muốn nghe theo họ", bà Gibbs nói.

Danh hiệu Nhân vật của năm được các biên tập viên của Time trao tặng hàng năm cho cá nhân hoặc một nhóm người có ảnh hưởng lớn với thế giới và truyền thông, có thể theo cách tích cực hoặc tiêu cực.

Bà Merkel, người trở thành thủ tướng Đức năm 2005, đang dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, đã đánh bại nhiều đối thủ nặng ký khác để giành được danh hiệu này, trong đó có Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bà là cá nhân phụ nữ đầu tiên được bầu chọn là Nhân vật của năm kể từ khi Time thay đổi danh hiệu "Người đàn ông của năm" vào năm 1999. Bà cũng là phụ nữ thứ 4 xuất hiện một mình trên bìa tạp chí Mỹ.


Điều trinh sát P-8, Mỹ thêm mắt thần răn đe Trung Quốc trên Biển Đông

Lần đầu tiên điều máy bay trinh sát tới Singapore, Mỹ đang muốn nói với Trung Quốc rằng Washington vẫn ở đây và sẵn sàng hỗ trợ đồng minh trong khu vực đối phó với các hành vi bành trướng của Bắc Kinh.
may bay trinh sat p-8 poseidon nam ngoai xuat hien tai mot buoi trien lam hang khong o singapore. anh: reuters

Máy bay trinh sát P-8 Poseidon năm ngoái xuất hiện tại một buổi triển lãm hàng không ở Singapore. Ảnh: Reuters

Mỹ hôm 7/12 lần đầu tiên triển khai máy bay do thám P-8 Poseidon đến Singapore với mục tiêu đề ra là "tăng cường tương tác với quân đội các nước trong khu vực, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và an ninh hàng hải". Đây là một phần trong bản thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Singapore.

Giới chức Lầu Năm Góc cho hay Washington trong tương lai có kế hoạch triển khai định kỳ các sứ mệnh tương tự, khoảng ba tháng một lần. Dù vậy, theo BBC, hành động này chủ yếu là nhằm đáp trả các yêu sách chủ quyền phi lý ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phản ứng trước động thái kể trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên án sự hiện diện mạnh mẽ của quân đội Mỹ là "không phù hợp với những lợi ích chung và dài hạn giữa các quốc gia trong khu vực".

Bình luận viên Dan De Luce từ Foreign Policy nhận định bản thỏa thuận phản ánh mối lo lắng của Singapore trước những hành vi leo thang của Bắc Kinh đối với các tranh chấp chủ quyền. Nó cũng cho thấy một thực tế rằng các nước trong khu vực đang có xu hướng viện tới Mỹ như một đối trọng nhằm chống lại những chính sách bành trướng trên biển của Trung Quốc.

Hai quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá bản thỏa thuận sẽ cho phép máy bay P-8 Poseidon của hải quân Mỹ cất cánh từ các đường băng của Singapore, tạo ra một lợi thế mang tính chiến lược, giúp Washington giám sát chặt chẽ hơn mọi hoạt động quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Mỹ hiện tại cũng triển khai P-8 đến Nhật Bản, Philippines và thực hiện bay trinh sát từ Malaysia. P-8 Poseidon là mẫu máy bay phản lực Boeing 737 cải tiến, trang bị nhiều radar cùng cảm biến giúp thu thập thông tin tình báo và phát hiện tàu ngầm.

Trung Quốc trong khi đó liên tục lên tiếng phản đối việc các tàu và máy bay trinh sát Mỹ hoạt động tại những khu vực mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình trên Biển Đông. Song, Washington cũng như giới chuyên gia pháp lý khẳng định các phi cơ và tàu của hải quân Mỹ chỉ hiện diện trên vùng biển và không phận quốc tế, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Bắc Kinh đã ký.

Trung Quốc đang ráo riết tiến hành hoạt động cải tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bồi đắp biến những bãi đá thành đảo, xây dựng trên các thực thể này đường băng, cảng nước sâu, cùng nhiều công trình quân sự khác. Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, miêu tả hoạt động nạo vét của Trung Quốc đã tạo ra "vạn lý trường thành cát" trên Biển Đông.

Bắc Kinh còn nhiều lần can thiệp các chuyến bay do thám và ngăn cản tàu tuần tra Mỹ thực thi nhiệm vụ. Hồi tháng 8 năm ngoái, chiến đấu cơ Su-27 Trung Quốc còn áp sát và xoay vòng phía trên máy bay P-8 của Mỹ ở không phận quốc tế gần đảo Hải Nam.

Theo một số nhà ngoại giao, động thái điều máy bay do thám hiện đại của Mỹ tới Singapore dường như là nhằm gửi đến Trung Quốc thông điệp rằng Washington sẽ không đứng im nhìn Bắc Kinh mặc sức tung hoành.

"Thông điệp ẩn đằng sau chắc chắn nhắm tới Trung Quốc, và đó là Mỹ đang ở đây, luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn bè và đồng minh trong khu vực", AFPdẫn lời một nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên nói.

Mặt khác, bản thỏa thuận quốc phòng vừa được thông qua cũng làm bật lên vai trò to lớn của Singapore trong việc định hình chính sách ngoại giao và thương mại ở Đông Nam Á trước bối cảnh những hành vi gây hấn ngày một tăng tiến của Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng nhỏ bé cảm thấy hoang mang.

Dù hợp tác kinh tế với Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với Singapore, nước này một thập kỷ qua vẫn không ngừng củng cố mối quan hệ quân sự, quốc phòng với Mỹ.

Tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth (LCS-3) của hải quân Mỹ tháng 11 năm ngoái cập cảng Singapore và ở lại để thực hiện một nhiệm vụ kéo dài 16 tháng. Đây là tàu chiến ven biển thứ hai của Mỹ được triển khai đến Singapore. Trước đó, tháng 3/2013, hải quân Mỹ đã đưa tàu LCS đầu tiên mang tên USS Freedom tới Singapore trong một nhiệm vụ kéo dài 10 tháng.

Singapore bên cạnh đó cũng đầu tư hàng tỷ USD vào các chiến đấu cơ và vũ khí mới, dành khoảng 20% chi tiêu chính phủ cho quốc phòng. Căn cứ Hải quân Changi của nước này là cảng biển duy nhất trong khu vực có thểtiếp nhận tàu sân bay Mỹ.

Rõ ràng, việc Mỹ điều P-8 Poseidon tới Singapore nên được nhìn nhận "như một bước đột phá mạnh mẽ trong quan hệ quốc phòng" giữa hai nước, cây bút Jermyn Chow từ tờ Strait Times bình luận.


Nga điều trực thăng tấn công gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ

Nga đưa nhiều trực thăng tấn công đến căn cứ Armenian gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moscow và Ankara.
truc thang quan su nga. anh: itar-tass

Trực thăng quân sự Nga. Ảnh: ITAR-TASS

DW dẫn hãng tin RIA Novosti cho biết, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua tuyên bố triển khai thêm trực thăng để củng cố căn cứ quân sự ở Armenia. Trực thăng được điều đến căn cứ Erbuni - nằm gần thủ đô Yerevan của Armenia. Ngoài căn cứ này, Nga còn có một căn cứ khác ở Gyumri, gần biên giới Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho tới nay đã có 7 trực thăng tấn công vận tải Mi-24 và Mi-9 tới đóng ở Erebuni, một lô thiết bị sẽ chuyển tới khu vực này đến cuối năm. Nga bắt đầu đưa máy bay chiến đấu MIG-29 tới căn cứ này từ năm 1998.

Phía Nga cho biết, đưa số trực thăng trên tới Armenia để phòng ngừa xảy ra xung đột với nước láng giềng Azerbaijan. Tuy nhiên, sự hiện hữu của trực thăng quân sự gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có thể coi là lời cảnh báo ngầm tới Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga hôm 24/11, khiến quan hệ giữa hai nước rơi vào tình trạng căng thẳng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay. 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga, nhưng cũng đang cân nhắc biện pháp trả đũa Moscow. 

"Nếu thấy cần thiết, chúng ta sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt trả đũa", ông Davutoglu nói với các thành viên trong đảng Công lý và Phát triển (AKP) do ông lãnh đạo. "Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga sẽ được khắc phục, và không cần phải áp dụng những biện pháp này".

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không xin lỗi vì bắn hạ máy bay Nga, Moscow đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế lên Ankara, bất chấp phía Nga có thể chịu tổn thất kinh tế lên tới 9 tỷ USD.


IS tung bài hát tiếng Trung chiêu mộ người Hồi giáo Trung Quốc

Nhà nước Hồi giáo (IS) tung bài hát dài 4 phút dưới dạng "nasheed" - một loại thánh ca đạo Hồi lên mạng trực tuyến hôm 6/12. 
is giuong oai tren duong pho. anh: reuters

IS giương oai trên đường phố. Ảnh: Reuters

Theo RT, tổ chức tình báo phi lợi nhuận SITE chuyên giám sát và theo dõi những hoạt động trực tuyến của IS cho biết thông tin trên. 

"Chúng ta là Mujahid (người đấu tranh cho quyền lợi của thánh Allah và đạo Hồi), kẻ thù vô liêm sỉ đang run sợ trước chúng ta", một giọng nam cất lên, cùng dàn đồng ca phụ xướng. Bài hát không sử dụng bất kỳ nhạc cụ nào, vì luật Hồi giáo cực đoan cấm sử dụng nhạc cụ.

Hiện chưa rõ làm thế nào bài hát có thể lan truyền tới những người Hồi giáo ở Trung Quốc vì quốc gia này vốn nổi tiếng kiểm soát an ninh mạng rất chặt. Người theo đạo Hồi là một nhóm dân tộc thiểu số nhỏ ở Trung Quốc, chiếm khoảng 1-2% dân số (khoảng 21 triệu người), theo nghiên cứu năm 2009 của Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Phản ứng với bài hát của IS, Bắc Kinh hôm qua kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố.

"Đối mặt với khủng bố, không nước nào có thể hoạt động một mình, và cộng đồng quốc tế nên xích lại gần nhau, hợp tác tấn công vào mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói.

Trong một cuộc họp báo khác hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho biết Bắc Kinh đã tham gia vào chương trình hợp tác quốc tế chống khủng bố với Moscow và Washington, nhưng không nêu rõ chi tiết.

"Hiện những quốc gia có liên quan đang chủ động phối hợp và tham vấn về các hoạt động chống IS ở Syria, và đã đạt được tiến bộ nhất định trong việc chống khủng bố", ông Trình nói.

IS hành quyết một con tin Trung Quốc ở Trung Đông hôm 19/11 và Bộ ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận thông tin này. Hôm 20/11, ba cán bộ cấp cao của Trung Quốc cũng bị sát hại, khi chiến binh Hồi giáo thân al-Qaeda tấn công vào khách sạn ở thủ đô Mali.

People Daily hồi tháng 11 đưa tin, có khoảng 300 công dân Trung Quốc đang tham chiến cùng IS ở Iraq và Syria.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục