Mỹ cấm vận đại diện ngân hàng Triều Tiên ở VN vì mua bán vũ khí
Hơn 900 người Đông Nam Á gia nhập IS
Giới chức an ninh các nước Đông Nam Á ước tính hiện có ít nhất 900 người Đông Nam Á đang gia nhập Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq, đông nhất là người Indonesia, Malaysia và Philippines..
Một nhóm người Indonesia xuất hiện trong đoạn phim do IS tung ra nói rằng những người này đã gia nhập IS - Ảnh:Straits Times
Báo Straits Times ngày 9-12 dẫn tài liệu từ các cơ quan an ninh của Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines cho biết có khoảng 700 người Indonesia và khoảng 200 người Malaysia cũng như Philippines đãn đến Syria gia nhập tổ chức khủng bố IS.
Song, tập đoàn tư vấn an ninh ở New York Soufan (TSG) thì cho rằng chỉ ít nhất 600 người. Dù vậy, TSG nhấn mạnh số người Indonesia và Malaysia đã đến với tổ chức Katibah Nusantara, một nhánh IS ở Đông Nam Á đang tăng không ngừng.
TSG ước tính có khoảng từ 27.000 đến 31.000 người của ít nhất 86 quốc gia trên thế giới đã đến Iraq hoặc Syria gia nhập IS, trong đó có các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Indonesia.
Tổng giám đốc điều hành TSG Ali Soufan cho biết trước đây IS có khuynh hướng chiêu mộ các tay súng nước ngoài đến Syria để hoạt động tại quốc gia này. Song, khuynh hướng này hiện đang thay đổi theo chiều hướng nguy hiểm hơn là đưa các tay súng nước ngoài trở về thực hiện các âm mưu tấn công khủng bố ở quê nhà của họ.
Dữ liệu của TSG còn cho biết có 2.778 phần tử do IS tuyển từ 86 quốc gia đã trở về quê nhà. Cơ quan tình báo quốc gia Indonesia đang theo dõi ít nhất 100 công dân nước này được cho là vừa trở về nước sau khi gia nhập IS.
“Nếu lật lại lịch sử chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á, các bạn sẽ thấy những cá nhân trước đó đã đến chiến đấu ở Afghanistan. Song, mục đích của họ không phải là chết ở đất nước này mà họ muốn trở về quê nhà để bắt đầu một cuộc thánh chiến ở Đông Nam Á”- ông Soufan cho biết.
Trung Quốc mua máy bay chiến đấu Su-35 để điều đến biển Đông?
Trung Quốc đang đẩy mạnh mua hàng chục máy bay chiến đấu S-35 của Nga và có khả năng sẽ đưa những máy bay này đến các khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Máy bay chiến đấu Su-35 là phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu Su-27 của Nga -Ảnh: Sukhoi Comoany
Báo The Hindu ngày 9-12 cho biết sau nhiều năm đàm phán, Nga cuối cùng cũng đã quyết định bán 24 chiếc Su-35 cho Trung Quốc. Bắc Kinh là khách hàng đầu tiên mà Matxcơva đồng ý xuất khẩu loại máy bay này.
Giới chuyên gia cho rằng địa chính trị giữa Nga và Trung Quốc đã củng cố việc thỏa thuận mua bán máy bay trị giá 2 tỉ USD này.
Lý giải nguyên nhân Trung Quốc cố mua cho được máy bay Su-35, giới chuyên gia cho rằng một phần là vì Trung Quốc đang quan ngại sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục châu Á” của Washington hiện nay. Một phần nằm trong ý đồ phục vụ mục đích bành trướng tuyên bố đòi chủ quyền phi lý ở biển Đông của nước này.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ có một số cái lợi khi đạt thỏa thuận mua 24 máy bay này của Nga.
Đầu tiên là bành trướng sự hiện diện quân sự trái phép ở biển Đông vì máy bay Su-35 có thể cất cánh từ những đường băng ngắn. Từ đó có thể giúp Trung Quốc “bành trướng dấu chân chiếm đóng trái phép” nếu những máy báy này được triển khai từ các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông.
Ngoài ra, máy bay chiến đấu Su-35 của Nga được cho rằng có thể đối trọng với những máy bay tàng hình F-35 của Mỹ. Hệ thống radar Irbis -6 trên máy bay Su-35 có thể theo dấu các máy bay tiên tiến của Mỹ ở cách xa gần 90km.
Mạng tin tức quân sự của Thời báo Hoàn Cầu cũng thừa nhận một nguyên nhân khác khiến Bắc Kinh phải mua bằng được máy bay Su-35 của Nga cũng là vì nước này quan tâm đến kỹ thuật radar và chế tạo động cơ của loại máy bay này.
Họ mua về để tháo lắp, xem xét và có thể “sao chép” kỹ thuật để phát triển những máy bay chiến đấu do Trung Quốc tự sản xuất.
Tổng thống Putin: Hy vọng không phải dùng vũ khí hạt nhân chống IS
Trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu hôm 8.12, Tổng thống Nga Vladimir Putin bảo Nga hy vọng sẽ không bao giờ phải dùng tới vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến chống IS.
“Thông thường, đầu đạn hạt nhân là thứ không cần tới khi chống khủng bố và tôi hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ dùng tới nó”, Tổng thống Putin nói với ông Shoigu.
Bộ trưởng Shoigu đã họp với ông Putin để báo cáo các kết quả mới nhất trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, theo kênh truyền hình RT của Nga.
Tổng thống Putin chỉ đạo: “Chúng ta phải phân tích tất cả mọi chi tiết xảy ra trên chiến trường, phân tích xem vũ khí vận hành thế nào. Tên lửa hành trình Kalibr (phóng từ tàu chiến, tàu ngầm) và Kh-101 (phóng từ oanh tạc cơ - NV) đã chứng minh được tính năng hiện đại và hiệu quả cao của chúng. Vì thế bây giờ chúng ta đã biết chắc rằng các loại vũ khí chính xác của chúng ta có thể mang theo đầu đạn thông thường và cả đầu đạn đặc biệt, ý tôi là đầu đạn hạt nhân”.
Tên lửa hành trình Kalibr (Klub) của Nga được phóng từ tàu ngầm Rostov-on-Don hôm 8.12 trên Địa Trung Hải bắn vào căn cứ của IS ở Syria - Ảnh: AFP
Trước đó cùng ngày, từ Địa Trung Hải, tàu ngầm lớp Kilo của Nga, chiếc Rostov-on-Don đã phóng tên lửa hành trình Kalibr-PL vào 2 vị trí của IS tại Raqqa, Syria.
Cùng với Kh-101, tên lửa hành trình Kalibr lần đầu tiên được quân đội Nga sử dụng trên chiến trường Syria.
Mỹ cấm vận đại diện ngân hàng Triều Tiên ở VN vì mua bán vũ khí
Mỹ cấm vận cá nhân, công ty Triều Tiên liên quan đến mua bán vũ khí - Ảnh: AFP
Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt đối với sáu cá nhân và nhiều công ty vì có liên quan đến việc mua bán vũ khí của Triều Tiên, trong số này có hai đại diện của ngân hàng Triều Tiên ở Việt Nam.
Chính phủ Mỹ ngày 8.12 áp đặt lệnh cấm vận tài chính đối với nhiều cá nhân, công ty và ngân hàng của Triều Tiên vì tham gia hỗ trợ cho việc phổ biến vũ khí thông qua các hoạt động mua bán, AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho hay.
Trong số bị cấm vận có Lực lượng tên lửa chiến lược, 3 công ty vận chuyển hàng hải và 2 ngân hàng - gồm Ngân hàng ngoại thương và ngân hàng thương mại Tanchon thuộc Tập đoàn thương mại phát triển khai khoáng Triều Tiên.
Năm đại diện của ngân hàng Tanchon cũng nằm trong danh sách những cá nhân bị cấm vận tài chính của Mỹ. Trong danh sách, có 2 đại diện cá nhân của Tanchon ở Việt Nam là Choe Song-il và Kim Jung-jong, theo Yonhap. Ngoài ra còn có đại diện của ngân hàng Tanchon ở Syria.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên thực hiện nhiều đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo hồi năm 2014; trong khi ba công ty gồm Haejin, Pyongjin và Yongjin vận chuyển vũ khí cho Triều Tiên.
Các cá nhân và công ty Mỹ không được phép giao dịch với những cá nhân và công ty trong danh sách cấm vận. Toàn bộ tài sản ở Mỹ của những người và tổ chức bị cấm vận đều bị phong tỏa.
Hillary Clinton bất ngờ dọa mạnh tay với Phố Wall
Bà Hillary Clinton, ứng viên tiềm năng nhất của đảng Dân chủ trong cuộc đua cho chức tổng thống Mỹ - Ảnh: AFP
Hillary Clinton, ứng viên hàng đầu cho cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ tại Mỹ, hôm 8.12 cho biết bà ủng hộ chính sách cứng rắn với các ngân hàng trong nước.
AFP cho biết tuyên bố của bà Clinton được đưa ra sau khi ông Bernie Sanders, đối thủ của cựu Ngoại trưởng Mỹ, chỉ trích bà quá mềm mỏng với Phố Wall.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times (Mỹ), bà Clinton cho rằng lãnh đạo các ngân hàng Mỹ cần phải chịu trách nhiệm, thậm chí là đi tù, nếu vi phạm luật pháp về tài chính.
Bà cũng nói thêm rằng nếu đắc cử, bà sẽ trao quyền cho các cơ quan quản lý để đóng cửa bất kỳ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào “có quy mô quá lớn và có quá nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng quản lý yếu kém”.
“Nếu là tổng thống, tôi không chỉ sẽ phủ quyết các luật lệ làm suy yếu hoạt động cải cách tài chính, mà tôi còn sẽ đấu tranh cho những quy định mới cứng rắn”, cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Bà còn đề xuất “cần phải kiểm soát chặt hơn đối với các định chế tài chính chủ chốt”, bao gồm phải khắc phục các lỗ hổng vẫn đang cho phép các ngân hàng đánh cược tiền gửi và tạo ra rủi ro mà người dân phải gánh chịu.
“Thay vì theo đuổi các trò đánh cược lớn vốn từng khiến nền kinh tế chúng ta rơi vào khủng hoảng, Phố Wall nên tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế có khả năng tạo ra việc làm lương cao và các khoản đầu tư vững chắc để có thêm nhiều gia đình đạt được mức sống trung lưu, mức được xem là an toàn tại Mỹ”, theo bà Clinton.
AFP bình luận 7 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính khiến đất nước rơi vào suy thoái trong suốt 18 tháng, vấn đề về hoạt động quản lý ngân hàng vẫn đang là chủ đề quan trọng trong chính trường Mỹ.
Trong khi công chúng Mỹ liên tục chỉ trích các ngân hàng bị sai phạm, nhiều nghị sĩ, phần lớn là thuộc đảng Cộng hòa, lại tìm cách giảm thiểu các chính sách cải cách lĩnh vực tài chính do áp lực từ giới ngân hàng, theo AFP.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sanders, được đánh giá là đối thủ đáng gờm của bà Clinton trong cuộc đua giành chức tổng thống, là ứng viên tán đồng việc cần có thêm nhiều hành động cứng rắn hơn nữa để quản lý các ngân hàng lớn. Ông cũng lên tiếng tố cáo bà Clinton đang phải chịu ơn những nhà tài trợ đến từ mảng tài chính cho chiến dịch tranh cử của mình.
Tuy nhiên, phát biểu với The New York Times, bà Clinton khẳng định sẽ mạnh tay, cũng như mở rộng thêm phạm vi của các quy định cứng rắn, nhằm bao trùm toàn bộ mảng tài chính. “Chúng ta cần phải giải quyết các hiểm họa phát sinh tại bất kỳ đâu, chứ không chỉ tại các ngân hàng”, bà cho hay.
(
Tinkinhte
tổng hợp)