Hàn Quốc bắn cảnh cáo tàu Trung Quốc
Hải quân Hàn Quốc ngày 8-11 thông báo họ đã bắn cảnh báo một tàu Trung Quốc vì xâm nhập vào khu vực ranh giới trên biển giữa hai miền Triều Tiên ở Hoàng Hải.
Theo đó, Hàn Quốc đã bắn 10 phát đạn cảnh cáo về phía tàu tuần tra Trung Quốc, vốn đang truy đuổi các ngư dân Trung Quốc đang đánh bắt trái phép trong vùng biển Hàn Quốc. Khi bị cảnh cáo, tàu tuần tra Trung Quốc đã vượt qua Đường giới hạn phía bắc (NLL) - dùng để phân chia ranh giới biển 2 miền Triều Tiên.
Thông báo của Hải quân Hàn Quốc nêu rõ: “Chúng tôi bắn cảnh cáo sau khi phát thông điệp cảnh báo nhiều lần. Tàu Trung Quốc liền rút lui về phía Bắc".
Ban đầu, các nhà chức trách cho rằng đó có thể là tàu Triều Tiên nhưng lúc sau, họ xác định đó là tàu của Trung Quốc.
Hải quân Hàn Quốc trong một lần tập trận. Ảnh: DPA
Các tàu tuần tra của Triều Tiên thường xuyên vượt qua đường NLL. Triều Tiên chưa bao giờ công nhận đường hải giới do Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc do Mỹ đứng đầu vạch ra sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, vì cho rằng đường NLL này đã lấn sang một vùng biển rộng lớn của họ.
Gần đường NLL đã xảy ra các cuộc chiến gây chết người giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào năm 1999, 2002 và 2009.
Tàu đánh cá Trung Quốc cũng hay đi vào vùng biển của Hàn Quốc tìm kiếm nguồn cá dồi dào, dẫn đến một số vụ xung đột giữa thủy thủ Trung Quốc và lực lượng phòng vệ biển Hàn Quốc. “Hải quân đã tăng cường giám sát gần NLL” - đại diện lực lượng phòng vệ biển Hàn Quốc cho biết.
Hiểm họa từ đường băng phi pháp trên Biển Đông
Đường băng Trung Quốc xây phi pháp trên đá Chữ Thập - Ảnh: CSIS
Tờ The Japan Times ngày 7.12 đăng bài phân tích cho rằng các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam có thể sớm mang lại cho quân đội Trung Quốc 4 đường băng trên Biển Đông. Đây có thể là tin xấu đối với an ninh, ổn định và tự do lưu thông trong khu vực.
Bài viết chỉ ra hiện nay, Trung Quốc đang vận hành đường băng phi pháp dài 2,4 km trên đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh gần đây cho thấy, nước này sắp đưa vào hoạt động đường băng dài hơn 3 km trên đá Chữ Thập thuộc Trường Sa và có thể đang xây 2 đường băng tương tự ở Xu Bi và Vành Khăn, cũng thuộc Trường Sa. Giới chuyên gia và các quan chức quân sự Mỹ đã cảnh báo đường băng trên đá Chữ Thập đủ để tất cả các loại chiến đấu cơ hoạt động.
Chưa hết, Trung Quốc lâu nay vẫn lớn tiếng bác bỏ quan ngại về nguy cơ Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Tuy nhiên, hồi tháng 10, nhiều trang mạng Trung Quốc ngang nhiên đăng nhiều hình ảnh với chú thích chiến đấu cơ J-11 đến đóng trú ở Phú Lâm. Hành động phi pháp này sẽ giúp chiến đấu cơ Trung Quốc mở tầm hoạt động thêm 360 km ở Biển Đông từ căn cứ trên đảo Hải Nam, theo báo Defense News.
Giới quan sát cảnh báo các cuộc tuần tra trên không được triển khai từ đường băng phi pháp có thể phục vụ ý đồ của Trung Quốc là hăm dọa những nước láng giềng cũng như làm phức tạp những cuộc tuần tra duy trì tự do lưu thông ở Biển Đông của Mỹ. “Trong những giai đoạn căng thẳng, giá trị hăm dọa của các tuần tra trên không là rất đáng kể”, chuyên gia Euan Graham thuộc Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) nhận định với AP. Ông cảnh báo thêm: “Nếu chúng ta bắt đầu thấy có bằng chứng từ vệ tinh về việc trữ nhiên liệu quy mô lớn trên các đảo nhân tạo, đó sẽ là chỉ dấu rõ ràng nhất rằng Trung Quốc có ý đồ phát triển chúng thành các căn cứ không quân thật sự”.
Bên cạnh đó, AP dẫn lời chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Hội Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ Hans Kristensen cho rằng những đường băng phi pháp sẽ cho phép máy bay Trung Quốc tiếp liệu, sửa chữa và tăng cường vũ khí mà không cần phải bay hơn 1.000 km đến căn cứ ở đảo Hải Nam. Vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu Bắc Kinh tiến hành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và dùng đường băng phi pháp để triển khai tuần tra, đe dọa và thậm chí là tấn công.
Mỹ thử nghiệm khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt
Tàu USS Zumwalt đã xuất phát tại cảng ở thành phố Bath, bang Maine vào ngày 7.12 và sẽ tiến hành thử nghiệm các hệ thống công nghệ quan trọng trên tàu.
Khu trục hạm Zumwalt được thiết kế nhằm thay thế các tàu khu trục lớp Arleigh-Burke hiện tại của Hải quân Mỹ. Việc chậm trễ trong quá trình đóng đã khiến chi phí đội lên gấp 3 lần, chi phí cho 3 tàu lớp Zumwalt ước tính khoảng 12,3 tỉ USD, cao hơn 37% so với con số 8,9 tỉ USD ban đầu. Tính tổng chi phí nghiên cứu và phí phát sinh, dự án này được cho là tiêu tốn 22 tỉ USD, theo Stars & Stripes ngày 7.12.
Tàu khu trục của tương lai, chiếc USS Zumwalt - Ảnh: Hải quân Mỹ
Chuyên gia hàng hải Ron O’Rourke thuộc Cơ quan nghiên cứu chính sách Quốc hội Mỹ cho biết những cải tiến về công nghệ của tàu Zumwalt sẽ rất cần thiết cho nhu cầu tương lai của hải quân. Khác với đội tàu khu trục và tuần dương hiện này, hệ thống điện tích hợp của tàu Zumwalt giúp cung cấp năng lượng cho các hệ thống vũ khí như súng laser, súng điện từ, được phát triển để đối đầu với công nghệ của Nga và Trung Quốc.
Tàu Zumwalt dài 186 m, nơi rộng nhất khoảng 24,5 m, độ choán nước 15.610 tấn, tốc độ 55,56 km/giờ, thuỷ thủ đoàn 148 người. Tàu có thể chở theo 2 trực thăng MH-60R Sea Hawk hoặc một trực thăng MH-60R Sea Hawk và 3 trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout, theo Hải quân Mỹ. Con tàu này có hình dáng mũi tàu vát về trước.
Tàu được trang bị 2 hệ thống pháo điện từ 155 mm và 2 pháo cận chiến tốc độ cao 30 mm. Pháo điện từ 155 mm có tầm bắn xa đến 160 km, gấp 5 lần tầm bắn của các tàu chiến hiện nay.
Iran thử tên lửa đạn đạo, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc
Một vụ phóng tên lửa của Iran - Ảnh: Reuters
Giới chức Mỹ cho biết Iran mới đây đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo tầm trung và hành động này vi phạm hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, theo Reuters ngày 8.12.
Hai quan chức Mỹ ngày 7.12 cho biết Iran đã tiến hành thử một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới vào ngày 21.11 vừa qua. Một trong hai quan chức này nói rằng tên lửa chỉ hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Iran.
Trước đó cùng ngày 7.12, Fox News dẫn các nguồn tin tình báo phương Tây cho hay Tehran đã tiến hành vụ thử từ một bãi thử tên lửa của nước này dọc bờ biển Vịnh Oman và gần Chabahar, thành phố cảng giáp biên giới Pakistan.
Theo Fox News, tên lửa mà Iran vừa phóng thử là tên lửa Ghadr-110 có tầm bắn từ 1.800-2.000 km và có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân. Ghadr-110 là phiên bản nâng cấp của tên lửa Shahab 3 và giống với quả tên lửa dẫn đường chính xác Iran đã bắn thử hôm 10.10. Vụ việc hồi tháng 10 đã khiến Iran bị các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kịch liệt lên án.
Theo Reuters, việc Iran thử tên lửa đạn đạo vi phạm 2 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm Nghị quyết 1929 được thông qua năm 2010 với nội dung nghiêm cấm Iran tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo cho đến khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) được thực thi.
Nghị quyết thứ hai là Nghị quyết 2231 được thông qua hồi tháng 7.2015 sau khi Iran và nhóm P5+1 ký thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Tehran, theo đó Tehran không được có bất kỳ hoạt động nào liên quan tới lĩnh vực tên lửa đạn đạo trong vòng 8 năm.
Hồi tháng 10, sau khi Iran tiến hành thử tên lửa, các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có hành động nào được Liên Hiệp Quốc đưa ra.
Phía Iran hiện đưa ra bình luận chính thức nào về vụ thử tên lửa vào ngày 21.11 mà phương Tây đề cập.
Nga đưa tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình tới Syria
Truyền thông Nga ngày 8-12 cho biết một tàu ngầm lớp Kilo cao cấp của Nga đã đến gần bờ biển Syria. Tàu ngầm có tên Rostov-on-Don, được trang bị tên lửa hành trình Kalibr hiện đại.
Tàu ngầm Rostov-on-Don của Nga - Ảnh: Yuri Maltsev/Reuters
Thông tin do Interfax đăng tải, trích dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga.
Bộ Quốc phòng Nga đã không khẳng định cũng không phủ nhận tin trên, theo RT. Tuy nhiên giữa tháng 11, có tin nói tàu ngầm Rostov-on-Don đã tấn công các mục tiêu ở Raqqa - thành trì của IS.
Việc Nga đưa tàu ngầm đến Syria được nói để tăng cường sức mạnh cho lực lượng quân đội Nga ở khu vực, đồng thời được xem như thông điệp mạnh mẽ về việc Kremlin sẽ không để phía Mỹ cản trở việc can thiệp quân sự của Nga vào Syria.
Trước đó hồi đầu tháng 10, Nga đã tấn công các mục tiêu IS ở Syria bằng tên lửa hành trình Kalibr tối tân từ các tàu chiến trên biển Caspian.
Tàu ngầm Rostov-on-Don (B-237) nặng 4.000 tấn, đạt tốc độ dưới nước 37km/giờ, có thể lặn sâu 300m và được trang bị ngư lôi 533mm, tên lửa hành trình Kalibr-PL. NATO đã gọi Rostov-on-Don là "hố đen" vì khả năng không để bị phát hiện của nó.
Ngoài tàu ngầm này, một số nguồn tin nói Nga cũng đã đưa tàu ngầm lớn nhất thế giới mang tên Dmitri Donskoy tới Địa Trung Hải để triển khai ngoài khơi bờ biển Syria.
Tàu ngầm trang bị 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava. Mỗi tên lửa có tầm bắn 10.000km, mang từ 6-10 đầu đạn hạt nhân MIRV (đầu đạn mang nhiều đầu đạn nhỏ độc lập).
(
Tinkinhte
tổng hợp)