Nga thực hiện một loạt biện pháp cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ vì bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của nước này ở khu vực biên giới Syria.
Tin thế giới đọc nhanh 07-12-2015
- Cập nhật : 07/12/2015
Nội chiến OPEC
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kết thúc cuộc họp tại thủ đô Vienna - Áo hôm 4-12 mà không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu, đồng nghĩa họ tiếp tục bơm lượng dầu thô ở mức cao gần kỷ lục vào thị trường đã dư dả nguồn cung.
Cuộc họp kéo dài hơn 6 giờ ghi nhận sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong nội bộ OPEC, còn giá dầu sau đó dao động ở mức 40 USD/thùng.
Một số nước, như Iran, Venezuela, Algeria, Angola và Nigeria, yêu cầu các “ông lớn” (Ả Rập Saudi, Qatar…) cắt giảm sản lượng nhưng bản thân lại không chịu làm thế. Trong khi đó, một số đại gia vùng Vịnh từ chối cắt giảm trừ khi tất cả thành viên OPEC cùng một số nhà sản xuất bên ngoài có động thái tương tự.
Chủ tịch OPEC Emmanuel Ibe Kachikwu nhận định ngay cả khi họ chịu giảm sản lượng thì mức giảm 5% không thể đẩy giá dầu lên cao hơn trừ khi các nhà sản xuất bên ngoài OPEC - chiếm 2/3 sản lượng toàn cầu - cùng tham gia. Cuối cùng, OPEC duy trì mức sản xuất như hiện nay, tức là vào khoảng 31,5 triệu thùng/ngày, đồng thời “giám sát chặt chẽ thị trường trong những tháng tới”.
Theo đài CNN, bước đi của OPEC khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên. Thậm chí, ông Mathew Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Công ty ClipperData chuyên theo dõi giao dịch dầu thô, nhận định tổ chức này “về cơ bản đã tan vỡ”.
Mặt khác, kết quả cuộc họp của OPEC càng củng cố nhận định Mỹ đang trở thành nhà sản xuất dầu mỏ ảnh hưởng nhất thế giới. Hoạt động của các nhà sản xuất dầu đá phiến nước này có chi phí cao hơn nhưng lại linh hoạt hơn: Họ có thể tạm nghỉ rồi nhanh chóng khôi phục sản xuất nếu giá dầu tăng trở lại.
Phát hiện kho báu tỉ USD dưới đáy biển
Chính phủ Colombia hôm 5-12 cho biết đã phát hiện một thuyền buồm Tây Ban Nha bị đắm hơn 300 năm trước khi chở theo kho báu với giá trị có thể lên đến 17 tỉ USD.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos hôm 5-12 cho biết xác thuyền San Jose nói trên được phát hiện ngoài khơi bờ biển TP Catagena vào cuối tháng rồi. Dù chưa có người nào đến được đó nhưng thiết bị tự hành dưới biển đã tiếp cận, chụp hình và gửi về những bằng chứng về danh tính chiếc thuyền.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Colombia cho biết vị trí chính xác của xác thuyền, cũng như cách thức tìm ra nó (với sự giúp đỡ của một nhóm chuyên gia quốc tế) đang là bí mật quốc gia.
Chiếc thuyền buồm San Jose bị tàu chiến Anh đánh chìm hôm 8-6-1708 tại vùng biển Caribbean gần TP Cartagena. Con thuyền này là một phần của đội thuyền của vua Tây Ban Nha Philip V, khi đó đang chở vàng bạc và ngọc từ các mỏ tại Potosi - Peru.
Công ty trục vớt Sea Search Armada (SSA) của Mỹ hồi năm 1981 tuyên bố đã tìm ra nơi con thuyền bị chìm. Tuy nhiên, tranh cãi pháp lý giữa SSA và chính phủ Colombia về vấn đề sở hữu kho báu trên đó đã nổ ra trước khi mọi chuyện được giải quyết năm 2011.
Tòa án Tối cáo Colombia ra phán quyết chia đôi giá trị kho báu được tìm thấy cho chính phủ nước này và SSA. Với giá trị ước tính từ 4-17 tỉ USD, đây có thể là kho báu dưới đáy biển lớn nhất thế giới được tìm thấy cho đến giờ.
Nga dọa kiện nếu Ukraine không trả nợ
Bộ Tài chính Nga cảnh báo sẽ quyết kiện Ukraine nếu nước này không chịu trả nợ trước ngày 20-12 tới.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Mỹ chính tức từ chối bảo lãnh món nợ của Ukraine.
"Trong tuần này, chúng tôi nhận được thông báo rằng Mỹ không chịu bảo đảm tài chính cho món nợ của Ukraine. Vì thế, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc có hành động pháp lý nếu Ukraine không trả nợ trước ngày 20-12" - hãng tin TASS dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Nga cho biết hôm 5-12.
Ukraine hiện nợ Nga khoảng 3 tỉ USD. Đây là số tiền mà Moscow bỏ ra để mua trái phiếu của Kiev ngày 20-12-2013 như là một phần của thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich hồi năm 2013.
Theo thỏa thuận, món nợ này phải được thanh toán trước ngày 20-12-2015.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk từng nhiều lần khẳng định Ukraine sẽ không trả nợ cho Nga nếu Moscow từ chối tham gia thỏa thuận tái cơ cấu nợcùng một số chủ nợ khác của Kiev.
Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua ở Thổ Nhỉ Kỳ, ông Putin thông báo đề xuất tái cơ cấu nợ của Ukraine, theo đó cho phép nước này trả nợ 1 tỉ USD mỗi năm trong vòng 3 năm - từ 2016 đến 2018 - nếu Mỹ, Liên minh châu Âu hoặc một tổ chức hàng đầu thế giới chịu bảo lãnh cho Kiev.
Theo Nga, điều kiện mà họ đưa ra thậm chí còn tốt hơn cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Dù vậy, Moscow cho biết vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Kiev cho đến giờ.
Trong khi đó, Ukraine có nguy cơ không nhận được khoản cho vay tiếp theo từ IMF do vẫn chưa thông qua được ngân sách năm 2016 phù hợp với những yêu cầu của tổ chức này.
Tổng số nợ của Ukraine đứng ở mức khoảng 70 tỉ USD, trong đó khoảng 40 tỉ USD là đi vay của các chủ nợ quốc tế.
3 vụ đánh bom tự sát, hơn 100 người thương vong
Ngày 5-12, ít nhất 30 người chết và 80 người bị thương trong 3 vụ đánh bom tự sát trên đảo Koulfoua nằm bên phần Hồ Chad của Cộng hòa Chad
Các nguồn tin an ninh cho biết các vụ đánh bom tự sát xảy ra trùng vào ngày họp chợ. “3 kẻ đánh bom tự nổ tung bản thân ở 3 địa điểm khác nhau” - nguồn tin cho biết.
Hiện chưa rõ ai đứng đằng sau các vụ tấn công trên dù đảo Koulfoua từng là mục tiêu đánh bom của nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram đến từ nước Nigeria láng giềng.
Cộng hòa Chad hồi tháng trước đã gia hạn tình trạng khẩn cấp tại khu vực Hồ Chad sau một loạt vụ tấn công của Boko Haram.
Hồi ngày 10-10, 3 vụ đánh bom tự sát đã làm 41 người thiệt mạng tại thị trấn Baga Sola ở miền Tây Cộng hòa Chad.
Tính từ đầu năm 2015 đến giờ, hàng ngàn người đã chạy đến đảo Koulfoua để trốn nhóm Boko Haram.
Cũng vào đầu năm nay, Chad cùng với Benin, Cameroon, Niger và Nigeria đồng ý thành lập một lực lượng khu vực với quân số 8.700 người nhằm ứng phó với Boko Haram. Tuy nhiên lực lượng này hiện vẫn chưa đi vào hoạt động.
Chad đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Nigeria chiếm lại các khu vực bị nhóm Boko Haram kiểm soát ở miền Bắc Nigeria.
Boko Haram chịu trách nhiệm cho 17.000 cái chết và khiến 2,5 triệu người rời bỏ nhà cửa kể từ khi tiến hành làn sóng tấn công bạo lực kéo dài 6 năm qua.
Hàn Quốc: 14.000 người biểu tình đòi tổng thống xin lỗi
Sáng 5-12, người biểu tình chống chính phủ đã tuần hành qua trung tâm TP Seoul yêu cầu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye xin lỗi vì vụ cảnh sát đụng độ với các nhà hoạt động nông nghiệp và lao động hồi tháng trước.
Theo ước tính của cảnh sát, cuộc biểu tình tại thủ đô đã thu hút khoảng 14.000 người, ít hơn nhiều so với 70.000 người tham dự cuộc biểu tình hôm 14-11.
Những người dân đã xuống đường sau khi cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để đẩy lùi khoảng 70.000 người biểu tình chống lại chính sách giáo dục và lao động của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Chính phủ bà Park đã thông qua kế hoạch sa thải công nhân dựa trên hiệu suất, giảm lương của lao động cao cấp, thuê những người trẻ hơn nhằm giảm tỉ lệ thất nghiệp thanh niên.
Các nhà hoạt động giáo dục cũng phản đối quyết định của Tổng thống Park về việc thay thế sách giáo khoa lịch sử đang sử dụng bằng sách do chính phủ ban hành. Họ cho rằng sách giáo khoa do chính phủ soạn thảo sẽ bị ảnh hưởng bởi vấn đề chính trị, cụ thể là thay đổi những thông tin liên quan tới Tổng thống Park Chung Hee, cha bà Park Geun Hye.
Theo phía cảnh sát, cuộc đụng độ tháng trước xuất phát từ việc người biểu tình tấn công cảnh sát bằng ống kim loại và gậy tre nhọn, nên cảnh sát đã sử dụng vòi rồng và hơi cay chống trả.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ảnh: Reuters
Lệnh bắt giữ sau đó đã được ban hành đối với người đứng đầu Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc (KCTU). KCTU thường xuyên phát đi lời kêu gọi các cuộc tổng đình công trong những năm gần đây nhưng tổ chức này chỉ khiến công nhân ngừng việc ở những nơi tổ chức công đoàn hoạt động mạnh.
Tuy xuất hiện các cuộc biểu tình nhưng chính sách lao động của tổng thống Park vẫn được nhiều bộ phận công chúng ủng hộ. Một cuộc thăm dò mới công bố hồi tháng 9-2015 trên 1.002 người dân cho thấy 70% người dân đồng ý với các chính sách trên.