Công nghệ giúp Mỹ đánh bại hệ thống phòng không S-400 Nga
Với Công nghệ Mạng Dò Mục tiêu Chiến thuật, các máy bay Mỹ sẽ cải thiện được đáng kể khả năng ngắm bắn từ xa, qua đó đối phó tốt hơn với các hệ thống phòng thủ tiên tiến của kẻ thù.
Boeing EA-18G Growler. Ảnh: US Navy
Hải quân Mỹ đã quyết định nâng cấp phi đội máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler của nước này bằng cách trang bị thêm Công nghệ Mạng Dò Mục tiêu Chiến thuật (TTNT) tốc độ cao cùng một số phần cứng khác nhằm cải thiện khả năng ngắm mục tiêu. Theo Boeing, toàn bộ máy bay Growler đang sản xuất sẽ đồng loạt sở hữu những tính năng kể trên trong khi các phi cơ cũ sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn mới.
"Việc nâng cao khả năng ngắm mục tiêu này sẽ tạo ra lợi thế đáng kể đối với các máy bay của chúng ta, đặc biệt là trong một môi trường dày đặc những mối đe dọa, nơi mà việc xác định mục tiêu từ xa được xem như là yếu tố then chốt đóng góp vào thành bại của trận chiến", National Interestdẫn lời ông David Kindley, quản lý chương trình F/A-18 và EA-18G của hải quân Mỹ, cho biết.
Phần cứng trang bị thêm sẽ cho phép nhiều chiến đấu cơ Growler phối hợp tác chiến chống lại các hệ thống ngày càng hiện đại của các đối thủ trên khắp thế giới. Đây là một phần của Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực - Phòng không Tích hợp Hải quân (NIFC-CA) Mỹ, được thiết kế để đánh bại những mối đe dọa trên không và từ tên lửa của kẻ thù.
Theo Boeing, gói nâng cấp này gồm một bộ xử lý ngắm mục tiêu tiên tiến, cơ chế kết nối dữ liệu băng thông rộng và một máy tính bảng hệ điều hành Windows, được tích hợp vào hệ thống xử lý nhiệm vụ của Growler.
"Sự phức tạp của các mối đe dọa toàn cầu đang tiếp tục tăng lên", Dan Gillian, phó chủ tịch chương trình F/A-18 và EA-18G của Boeing, cho hay. "Công nghệ ngắm mục tiêu tầm xa này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh chúng ta đang tăng cường năng lực tấn công điện tử để đối phó với những xung đột ở hiện tại và trong tương lai".
Theo chuẩn đô đốc Mike Manazir, giám đốc phụ trách không chiến của hải quân Mỹ, TTNT sẽ cần ít nhất hai chiến đấu cơ EA-18G kết nối tốc độ cao với nhau và với một máy bay cảnh báo sớm trên không Northrop Grumman E-2D Hawkeye để tiến hành phân tích nhằm xác định chính xác nguồn phát ra đe dọa.
Với ba điểm phối hợp, hải quân Mỹ kỳ vọng có thể thu hẹp vị trí của các nguồn đe dọa di động khác nhau thành một hình ê-líp đủ nhỏ để theo dõi vũ khí đối phương theo thời gian thực. Chiến thuật này phát huy tác dụng tối đa khi có máy bay Growler hoạt động cùng nhau nhưng có thể thay thế bằng một phi cơ cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye. Hawkeye có một bộ hỗ trợ điện tử ưu việt nhưng lại không thể có khả năng chiến đấu của EA-18G, đồng thời không thể tiếp cận gần mối đe dọa.
Công nghệ mới này được cho là có vai trò thiết yếu đối với các kế hoạch chống lại những hệ thống phòng không tích hợp sở hữu các radar VHF có khả năng phát hiện máy bay tàng hình tốt hơn cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không cơ động như S-400 Triumf của Nga hay HQ-9 của Trung Quốc.
Mỹ đề nghị điều tra cáo buộc quân đội Myanmar đàn áp dân thường
Những cuộc giao tranh thường xảy ra giữa lực lượng nổi dậy ở khu vực biên giới và quân của chính phủ Myanmar - Ảnh: Reuters
Mỹ đề nghị một cuộc điều tra độc lập đối với những báo cáo của tổ chức nhân quyền nói rằng quân đội của chính phủ Myanmar thảm sát người dân thuộc tộc người thiểu số ở bang Shan.
Tổ chức nhân quyền Shan Human Rights Foundation tuần qua đưa ra báo cáo nói rằng quân đội của chính phủ Myanmar đánh bom vào các trường học, chùa, bắn vào dân thường và hãm hiếp phụ nữ. Những hành động này của binh lính Myanmar diễn ra trong những cuộc tấn công của quân đội chính phủ nhằm tiêu diệt những lực lượng nổi dậy ở miền Đông nước này.
Hôm 3.12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng nếu những thông tin trên là thật thì cần tiến hành một cuộc điều tra để có những biện pháp xử lý đối với hành động sát hại dân thường, theo Reuters.
"Chúng tôi lo ngại những báo cáo về sự tàn bạo của quân đội Myanmar, bao gồm cả cáo buộc tấn công bừa bãi vào dân thường và cơ sở hạ tầng, hãm hiếp và các hành vi bạo lực tình dục khác”, Katina Adams, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu.
"Những cáo buộc này, nếu đúng sự thật, là đáng bị lên án, và chúng tôi kêu gọi chính phủ Myanmar thực hiện một điều tra độc lập và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ", người phát ngôn nói tiếp.
Những cuộc giao tranh thường xảy ra giữa lực lượng nổi dậy ở khu vực biên giới và quân của chính phủ Myanmar. Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng quân đội phá hủy 6 làng ở bang Shan, làm bị thương nhiều dân thường và 17 người mất tích tính từ tháng 10.2015, theo Reuters.
Kể từ tháng 10.2015 xung đột giữa lực lượng nổi dậy và chính phủ đã có dấu hiệu giảm đáng kể sau khi chính quyền quân sự Myanmar ký thỏa thuận ngừng bắn với 8 lực lượng nổi dậy.
Chính phủ Myanmar chưa ra đua ra phản ứng về đề nghị mở cuộc điều tra của Mỹ cũng như cáo buộc của Shan Human Rights Foundation, theo Reuters.
Ý ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc về vụ tranh chấp ở Biển Đông
Chính phủ Ý lên tiếng ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc về vụ tranh chấp ở Biển Đông - Ảnh: Văn phòng chính phủ Philippines
Chính phủ Ý ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và cho rằng đó là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình.
Biển Đông đã trở thành một nội dung được các nhà lãnh đạo của Philippines và Ý bàn thảo khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đang có chuyến công du đến Ý nhằm thắt chặt mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, theo báo chí Philippines hôm nay 4.12.
Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Thủ tướng Matteo Renzi thể hiện sự ủng hộ của chính phủ nước này đối với quan điểm của Philippines trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Các lãnh đạo Ý cho rằng việc Manila kiện Bắc Kinh là hợp lý.
“Ý ủng hộ việc tuân thủ UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển) của Philippines trong việc giữ gìn tự do hàng hải và thừa nhận rằng Philippines đã thực hiện phương pháp thích hợp để giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa", Thư ký Văn phòng truyền thông của Tổng thống Philippines, Herminio Coloma phát biểu, theo Philippine Star.
Cuộc gặp của những nhà lãnh đạo 2 nước diễn ra trong bối cảnh tòa trong tài quốc tế xem xét vụ kiện của Philippines kiện Trung Quốc vừa mới kết thúc phiên điều trần hôm 30.11.
Philippines đang theo đuổi con đường pháp lý khi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc ở Hà Lan từ năm 2013. Trong khi Manila tin tưởng giành chiến thắng trong việc giải quyết tranh chấp thông qua con đường pháp lý thì Bắc Kinh tẩy chay, không công nhận tòa trọng tài cũng như bất kỳ phán quyết nào được đưa ra từ phiên tòa này.
Nghị sĩ Mỹ lên án Trung Quốc không thành thật về vấn đề Biển Đông
Trang unitedstatesnews.net ngày 3.12 đưa tin một số nghị sĩ quốc hội Mỹ chỉ trích Trung Quốc không thành thật trong việc cam kết không quân sự hóa các đảo và bãi đá tranh chấp ở Biển Đông.
“Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục tuyên bố rằng Trung Quốc không dự định theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông, nhưng nhiều chuyên gia lập luận rằng nước này đã làm thế, và các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp có thể dùng cho dân sự lẫn quân sự”, nghị sĩ Steve Chabot thuộc đảng Cộng hòa phát biểu trong một cuộc điều trần của Tiểu ban Quan hệ Đối ngoại Hạ viện nhằm thảo luận về những quyền lợi chiến lược của Mỹ ở châu Á hôm 2.12.
Chủ tịch Tiểu ban, nghị sĩ đảng Cộng hòa Matthew Salmon cũng bày tỏ lo ngại: “Tôi nghĩ họ đang ăn nói tiền hậu bất nhất”.
Trung Quốc, vốn ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, đã cấp tập xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông khiến Mỹ và các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương lo ngại.
Trong chuyến thăm Nhà Trắng mới đây, ông Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở Kuala Lumpur cuối tháng 11, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên tuyên bố nước này sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp này, theo hãng tin Bloomberg.
Hàn, Mỹ, Nhật họp bàn cách đối phó Triều Tiên
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 4.12 đưa tin tham gia cuộc hội đàm tại Washington ngày 3.12 này có đặc phái viên của Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân, ông Hwang Joon-kook; đặc phái viên Mỹ phụ trách các vấn đề chính sách Triều Tiên, ông Sung Kim; và Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản phụ trách đàm phán sáu bên về hạt nhân, ông Kimihiro Ishikane.
Ông Hwang Joon-kook cho biết cả ba bên nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phải gửi thông điệp mạnh mẽ để ngăn chặn những hành động khiêu khích mang tính chiến lược của Triều Tiên như phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hay phóng vệ tinh. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác trong việc thực thi nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và nâng cao hiệu quả các biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Đại diện phía Hàn Quốc cũng hối thúc Triều Tiên chấp nhận đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán thăm dò nhằm thảo luận để tiến tới nối lại cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã bị ngưng trệ từ lâu. Theo ông, các bước đầu tiên để có thể phi hạt nhân hóa là làm cho Triều Tiên phải kiềm chế trong việc thử tên lửa hay hạt nhân, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến hạt nhân và cho phép các quan sát viên về hạt nhân của Liên Hiệp Quốc quay lại Triều Tiên thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đặc phái viên Mỹ, ông Kim Sung cũng đề nghị Triều Tiên kiềm chế không tiến hành các hoạt động mang tính khiêu khích và thực thi cam kết về phi hạt nhân hóa. Bên cạnh đó, ông Kim còn khẳng định Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ cho những nỗ lực của Hàn Quốc để cải thiện quan hệ liên Triều.
Cuộc hội đàm ba bên Hàn, Mỹ, Nhật diễn ra một tuần sau khi có thông tin cho biết Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, và mới đây Triều Tiên được cho là đang đào một đường hầm mới tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, có thể được dùng cho việc thử hạt nhân.
(
Tinkinhte
tổng hợp)