tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 05-12-2015

  • Cập nhật : 05/12/2015

Úc ra luật tước quốc tịch của nghi can khủng bố

Thượng viện Úc vừa ban hành luật cho phép chính phủ tước quốc tịch Úc đối với những người bị nghi ngờ có liên quan đến khủng bố và có hai quốc tịch.

bo truong tu phap uc george brandis - anh: afp

Bộ trưởng Tư Pháp Úc George Brandis - Ảnh: AFP

Theo Press TV ngày 4-12, luật cho phép tước quốc tịch nghi can khủng bố ngay cả khi họ chưa bị kết tội.

Bộ trưởng Tư pháp Úc, ông George Brandis, nói luật này nhằm nâng cao khả năng chống khủng bố của Úc và "đủ mạnh" dưới góc độ hiến pháp - nghĩa là tòa án tối cao cũng không thể lật lại nó.

Tuy nhiên các nghị sĩ đối lập chỉ trích luật trên, nói rằng nó sẽ cho phép các nghi can khủng bộ "tự do dạo chơi khắp thế giới" trong khi lẽ ra họ phải bị giam giữ trong các nhà tù Úc. Họ cũng khẳng định những người này có thể gây đe dọa cho du khách Úc hoặc công dân Úc ở nước ngoài.

Nghị sĩ Đảng Dân chủ tự do David Leyonhjelm cũng cho rằng luật này ảnh hưởng đến các quyền lợi và quyền tự do của người dân Úc.

Trước khi ban hành luật trên, Úc cũng đã ra luật xử lý những người du lịch trái phép đến nơi được xem là "thành trì" của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), với những ai vi phạm có thể lãnh án 10 năm tù giam.

Cho đến nay, hơn 120 người Úc được nói là đã gia nhập hàng ngũ IS. Chính phủ Úc ước tính có tới một nửa chiến binh người Úc tới Trung Đông để tham gia các hoạt động khủng bố là công dân hai quốc tịch.

Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 7-2015 cho thấy đa số người dân Úc ủng hộ đề xuất tước quốc tịch những đối tượng liên quan đến khủng bố.

Trong đó, 75% người được hỏi ủng hộ đề xuất tước quốc tịch duy nhất đối với đối với người có liên quan đến khủng bố, nhưng với điều kiện người đó có đủ tiêu chuẩn để trở thành công dân một quốc gia khác, theo Tân Hoa xã.

Theo luật, Úc không thể để người có một quốc tịch duy nhất bị tước quyền công dân và trở thành người “vô chính phủ”. 


Indonesia kiểm tra toàn bộ máy bay Airbus A320

Bộ Giao thông Indonesia bắt đầu kiểm tra toàn bộ máy bay Airbus A320 được đăng ký tại nước này, sau khi xác định lỗi hệ thống điều khiển bánh lái là nguyên nhân vụ tai nạn của AirAsia làm 162 người chết.

Theo Jakarta Post, để đề phòng các vụ tai nạn tương tự, Bộ Giao thông Indonesia cho biết 18 chuyên gia bắt đầu kiểm tra 75 máy bay Airbus A320 đăng ký hoạt động tại nước này thuộc các hãng hàng không Indonesia AirAsia, Indonesia AirAsia Extra, Citilink và Batik Air.

Nhà chức trách sẽ kiểm tra các tài liệu kỹ thuật, hồ sơ vận hành, sau đó kiểm tra trên chính các máy bay, trong đó chú trọng bộ phận điều khiển bánh lái.

Người đứng đầu Tổng cục Hàng không dân dụng Indonesia Suprasetyo cho biết các máy bay vẫn có thể hoạt động bình thường trong thời gian đoàn kiểm tra.

Tuy nhiên nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào, máy bay đó sẽ bị cấm bay. Bộ Giao thông Indonesia dự kiến công bố kết quả kiểm tra vào ngày 2-6-2016.

“Chúng tôi đang tiến hành một loạt động thái điều chỉnh như một giải pháp phòng ngừa, nhằm tránh tai nạn tương tự xảy ra trong tương lai” - ông Suprasetyo nhấn mạnh và cho biết thêm cơ quan hữu quan sẽ xem xét chất lượng đội ngũ lái máy bay.

Ngày 28-12 năm ngoái, máy bay A320-200 đã rơi xuống biển Java của Indonesia trong điều kiện thời tiết xấu, trên hành trình từ thành phố Surabaya của Indonesia tới Singapore. Trên máy bay có 162 người gồm 155 hành khách (chủ yếu người Indonesia) và 7 thành viên phi hành đoàn.

Kết quả điều tra của Indonesia công bố hôm 1-12 cho thấy mối hàn của hệ thống giúp kiểm soát việc vận hành bánh lái đã bị vỡ, dẫn đến sự cố và gửi các thông điệp cảnh báo lặp đi lặp lại tới phi công.

Khi tổ lái nhận được cảnh báo lần thứ tư, họ đã cố gắng tắt một trong những máy tính của máy bay và ngắt điện khỏi hệ thống bị hỏng để khởi động lại hệ thống máy tính điều khiển.

Tuy nhiên, các lỗi hệ thống lặp lại khiến phi công không thể khởi động cơ chế tự lái để khắc phục sự cố, dẫn tới việc máy bay mất kiểm soát và bị rơi.

Điều tra cũng cho thấy bộ phận này đã trục trặc 23 lần trong 12 tháng trước vụ tai nạn, và sự cố này xảy ra thường xuyên hơn trong ba tháng cuối.


Nga - Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu gặp cấp cao sau vụ bắn hạ Su-24

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Сavusoglu cho hay căng thẳng với Nga vẫn chưa thể giải quyết nhưng bày tỏ sự đau buồn về việc một phi công Nga thiệt mạng khi Ankara bắn rơi máy bay.
ngoai truong tho nhi ky mevlut сavusoglu (phai) va nguoi dong cap cua nga sergey lavrov trong mot cuoc gap. anh: dailysabah

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Сavusoglu (phải) và người đồng cấp của Nga Sergey Lavrov trong một cuộc gặp. Ảnh: Dailysabah

Theo RT, ông Cavusoglu hôm qua có cuộc hội đàm với người đồng cấp của Nga Sergey Lavrov bên lề hội nghị của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Serbia.

Tuy nhiên, ông Сavusoglu cho biết cuộc trao đổi chưa giải quyết được vấn đề khúc mắc trong quan hệ hai nước sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga hôm 24/11 với cáo buộc xâm phạm không phận.

"Tình hình vẫn còn căng thẳng. Sẽ không thực tế khi cho rằng những cuộc đàm phán đầu tiên này có thể giải quyết được vấn đề gì", ông nói.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp, ông Cavusoglu đã tỏ lời chia buồn đến cái chết của cơ trưởng Su-24, người bị phiến quân ở Syria bắn chết trong lúc nhảy dù.

"Chúng tôi xin bày tỏ sự đau buồn và tiếc thương đối với phi công Nga đã thiệt mạng", ông nói qua truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần mình, ông Lavrov cho hay ông "không nghe gì mới" trong lập trường của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về vụ việc.

"Chúng tôi đã gặp người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của ông ấy, chúng tôi không được nghe điều gì mới. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lặp lại cách tiếp cận mà tổng thống và thủ tướng nước này đã tuyên bố. Chúng tôi cũng lặp lại quan điểm của mình", ông Lavrov nói.

Trong Thông điệp Liên bang thường niên hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ móc nối với các nhóm khủng bố ở Syria và Iraq, bày tỏ sự thất vọng khi vụ việc liên quan đến Su-24 làm xấu đi quan hệ giữa hai bên. Ông cũng cam kết sẽ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt gây hậu quả lâu dài cho Ankara.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục lên án những cáo buộc của Nga rằng Ankara có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông còn tuyên bố có trong tay bằng chứng Nga dính líu vào việc mua bán dầu với IS và dọa "tiết lộ nó với thế giới".


Nga dừng dự án đường ống khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ

Nga đình chỉ công tác chuẩn bị cho dự án đường ống khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh hai nước căng thẳng vì Ankara bắn rơi cường kích Su-24 của Moscow.
mot duong ong dan khi dot cua nga. anh minh hoa: reuters

Một đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh minh họa: Reuters

"Hiện nay, công tác chuẩn bị cho đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ngừng", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm nay thông báo. Tuy nhiên, ông cho biết các cuộc đàm phán về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được để mở.

Bộ trưởng Novak cũng nói rằng ông thấy Nga không cần thiết giảm sản lượng dầu và không mong đợi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thay đổi hạn ngạch sản lượng tại cuộc họp sắp tới.

"Chúng tôi vẫn hy vọng rằng dự án đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị trì hoãn vài năm, chứ không phải bị hủy bỏ hoàn toàn", một nguồn từ tập đoàn khí đốt Nga Gazprom nói.

Dự án đường ống này nhằm chuyển khí đốt của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen, và sau đó tiếp tục đến Nam Âu. Nhờ đó, Nga có thể chuyển năng lượng đến châu Âu mà không cần đi qua Ukraine. Việc khởi công xây dựng đường ống đã được lên kế hoạch tiến hành vào tháng 6, nhưng bị trì hoãn khi Moscow và Ankara không đạt được thỏa thuận liên chính phủ.

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng sau khi Ankara bắn rơi cường kích Su-24 của Moscow ở biên giới Syria hôm 24/11. Nga đã đưa ra lệnh cấm bán gói tour du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ và cấm vận thực phẩm từ nước này. Tổng thống Putin hôm nay tuyên bố Ankara sẽ phải trả giá vì vụ bắn hạ máy bay trong bài phát biểu liên bang.  


Quân đội Mỹ cho phép quân nhân nữ tham chiến

Lầu Năm Góc hôm  3-12 tuyên bố phụ nữ Mỹ có thể tham gia tất cả vị trí chiến đấu quan trọng trong quân đội Mỹ.

mot quan nhan nu cua my dang lam nhiem vu - anh:reuters

Một quân nhân nữ của Mỹ đang làm nhiệm vụ - Ảnh:Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter khẳng định “mọi vai trò tham chiến trong quân đội Mỹ sẽ rộng mở đối với phụ nữ”. Ông Carter nhấn mạnh sức mạnh của Mỹ trong tương lai phải thu được lợi từ "biển nhân tài bao la nhất" đang còn tiềm ẩn của nước này.

Truyền thông Mỹ cho biết với quyết định này, sẽ có khoản 220.000 vị trí trong quân đội đang chờ phụ nữ ứng tuyển. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ ra thời hạn 30 ngày cho các đơn vị quân đội Mỹ trình kế hoạch có thể tạo ra những thay đổi. Trong vòng 3 năm qua, quân đội Mỹ đã nới lỏng những giới hạn với quân nhân nữ.

Lệnh cấm phụ nữ phục vụ ở các vị trí chiến đấu đã được dỡ bỏ năm 2013. Song quân đội Mỹ vẫn được cho thời gian đến năm 2016 để xem xét những vị trí đặc biệt mà họ cho rằng phụ nữ không được tham gia.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford từng tranh luận rằng Thủy quân lục chiến Mỹ nên được cấp phép không tuyển phụ nữ vào những vị trí quan trọng. Tướng Dunford đưa ra những nghiên cứu cho rằng những đơn vị có cả quân nhân nam và quân nhân nữ không hoạt động hiệu quả bằng những đơn vị chỉ có toàn quân nhân nam. 

Song bộ trưởng Carter đã bác bỏ tranh luận này và nhấn mạnh sẽ không có những trường hợp ngoại lệ. “Vì họ đáp ứng được các tiêu chuẩn, phụ nữ giờ đây có thể sẽ đóng góp cho nhiệm vụ của chúng ta theo những cách mà trước đó họ chưa thể làm được. Họ sẽ được phép lái xe tăng, nã súng cối và chỉ huy bộ binh tham chiến”- ông Carter khẳng định.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục