tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 03-03-2016

  • Cập nhật : 03/03/2016

Trung Quốc "chiếm bãi Hải Sâm ở Trường Sa"

Tờ Phil Star của Philippines ngày 2-3 cáo buộc Trung Quốc kiểm soát trái phép bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) và đang triển khai 5 tàu tại ngư trường này.

Bãi Hải Sâm (tên quốc tế là Jackson, còn Philippines gọi là Quirino) nằm gần tỉnh đảo Palawan của Philippines, là nơi đánh bắt cá truyền thống của ngư dân trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc điều 5 tàu vỏ trắng và vỏ xám (tàu hải quân) án ngữ 5 bãi đá tại đây, các ngư dân buộc phải rời đi nơi khác vì bị xua đuổi.

Thị trưởng TP Kalayaan, ông Eugenio Bito-onon Jr., nói với tờ Phil Star rằng tàu Trung Quốc hiện diện ở bãi Hải Sâm từ cách đây hơn 1 tháng. “Họ triển khai rất nhiều tàu ở đó” – ông Bito-onon Jr. cho biết.

 

Ảnh vệ tinh chụp bãi Hải Sâm. Ảnh: NASA
Ảnh vệ tinh chụp bãi Hải Sâm. Ảnh: NASA

Máy bay tuần tra của Không lực Philippines xác nhận ít nhất 4 tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đang neo đậu tại các khu vực đầm phá của Hải Sâm.

Một công ty hàng hải có trụ sở ở tỉnh Palawan cho hay Trung Quốc huy động tàu hải quân đến bãi Hải Sâm sau khi một tàu chở cá ở Manila mắc cạn do thời tiết xấu. Sau đó, tất cả tàu cá đều không dám tiếp cận do bị tàu vũ trang Trung Quốc đe dọa và xua đuổi.

Phát ngôn viên quân đội Philippines, thiếu tướng Restituto Padilla, cho biết họ đang kiểm tra xem tàu Trung Quốc có ý định hiện diện lâu dài ở bãi Hải Sâm hay không. Bên cạnh đó, tàu Trung Quốc cũng được nhìn thấy đang di chuyển xung quanh bãi Cỏ Mây (Second Thomas).

Đầu tháng 2 vừa qua, tàu hải quân Trung Quốc quấy rối tàu BRP Laguna của Philippines gần bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Năm 2012, Trung Quốc cũng chiếm bãi cạn Scarborough do Philippines tuyên bố chủ quyền sau vụ tàu hải quân Philippines cố gắng bắt giữ những ngư dân săn trộm của Trung Quốc.

Manila sau đó buộc phải trả tự do cho các ngư dân và số hải sản bất hợp pháp gồm cá mập con, trai lớn và san hô quý hiếm. Kể từ đó, Trung Quốc kiểm soát luôn bãi cạn này


Liên Hợp Quốc hoãn trừng phạt Triều Tiên theo yêu cầu của Nga

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoãn biểu quyết một ngày về việc mở rộng trừng phạt Triều Tiên, sau khi Nga đàm phán để sửa đổi dự thảo của Mỹ và Trung Quốc. 
ten lua trieu tien phong hom 7/2. anh: afp

Tên lửa Triều Tiên phóng hôm 7/2. Ảnh: AFP

Cuộc biểu quyết ban đầu dự kiến diễn ra chiều 1/3, nhưng hiện bị lùi sang 10 giờ sáng 2/3, Hội đồng cho biết. Reuters dẫn phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho hay cuộc biểu quyết được định lại ngày sau khi "Nga đề nghị thực hiện thủ tục xét lại nghị quyết trong vòng 24 giờ". 

"Nghị quyết này cần thiết và Hội đồng Bảo an cần thông qua vì một số thách thức từ Triều Tiên", Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, nói. "Chúng tôi có vài vấn đề cần quan tâm và đã thảo luận với phái đoàn Mỹ. Tôi nghĩ họ đã đáp ứng một vài lo ngại của chúng tôi", ông cho biết. "Nhưng họ đã đáp ứng tất cả mối quan ngại của chúng tôi hay chưa? Chưa hẳn". 

Mỹ tuần trước trình lên hội đồng 15 thành viên bản dự thảo nghị quyết, trong đó sẽ siết chặt đáng kể các giới hạn nhằm tạo ra lệnh trừng phạt cứng rắn nhất của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên trong hai thập kỷ. Việc này diễn ra sau vụ thử hạt nhân hôm 6/1 và phóng tên lửa hôm 7/2 của Triều Tiên. 

Sau gần hai tháng thương lượng song phương, có thời điểm cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia, Bắc Kinh nhất trí ủng hộ các biện pháp cứng rắn bất thường, để thuyết phục nước đồng minh thân cận từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. 

Triều Tiên đã bị Liên Hợp Quốc trừng phạt từ năm 2006, do các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa. Lệnh trừng phạt mở rộng, nếu được thông qua, sẽ yêu cầu khám xét tất cả lô hàng đi và đến Triều Tiên, và liệt vào danh sách đen những người Triều Tiên hoạt động ở Syria, Iran và Việt Nam. 


Chơi cờ vây: Trung Quốc đang được ít, mất nhiều

Bắc Kinh muốn vây hãm các nước yếm thế, không ngờ lại đang bị các nước vây hãm ngược lại.

Cuối năm 2014, khi trả lời phỏng vấn chúng tôi về “bàn cờ biển Đông 2015”, GS Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương) dự báo Trung Quốc (TQ) sẽ chơi trò “cờ vây” - một thứ trò chơi mà người TQ tỏ ra sành sỏi. Bao trùm ván cờ của Bắc Kinh là triết lý “không đánh mà thắng” trong Binh pháp Tôn Tử hay Nghệ thuật chiến tranh (Art of War) của Tôn Vũ.

Suốt từ năm 2013 đến nay, ván cờ vây trên thực địa biển Đông rất sôi nổi. Bắc Kinh đã cố đặt những “quân cờ” của mình vào các vùng biển trọng điểm. Trong đó phải kể đến công trình nhân tạo tại bảy thực thể TQ chiếm giữ trái phép tại Trường Sa hay như đảo Phú Lâm tại Hoàng Sa.

Thậm chí Bắc Kinh còn thể hiện quyết tâm mỗi lúc một nguy hiểm hơn khi trang bị tàu, máy bay quân sự, radar và tên lửa ra biển Đông nhằm củng cố sức chịu đựng và mở rộng phạm vi lan tỏa sự sợ hãi ra các vùng biển tranh chấp.

Bằng cách tuyên bố “chỉ nói chuyện song phương” với từng nước tranh chấp, đồng thời vận dụng sức mạnh quốc phòng đã được cải thiện và nâng cao đáng kể, TQ kỳ vọng sẽ vây hãm, buộc từng đối thủ phải bỏ cuộc.

tq dang choi tro vay ham tren bien dong. anh: tapchitaichinh.vn

TQ đang chơi trò vây hãm trên biển Đông. Ảnh: Tapchitaichinh.vn

Nhưng Bắc Kinh dường như chưa lường trước việc trên những bàn cờ vây khác (ngoại giao, pháp lý, dư luận-truyền thông) mọi thứ đang tỉ lệ nghịch với biểu hiện ưu thế TQ trên thực địa biển Đông.

Những bàn cờ này có sự hiện diện của đông “người chơi” hơn: ASEAN, tòa trọng tài quốc tế và các nước đối trọng TQ như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ. Tuyên bố chung sau hội nghị hẹp các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cuối tháng 2-2016 bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về tranh chấp biển Đông, trong đó có việc cải tạo đất và các hoạt động leo thang từ phía Bắc Kinh.

Ngay trước đó, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử cho thấy quan điểm cứng rắn và thiết thực hơn từ phía Mỹ và ASEAN. Quan hệ song phương của các nước láng giềng TQ với nhau và với các nước đối trọng TQ ngày càng khắng khít sau mỗi lần TQ leo thang trên thực địa.

Ngay cả tòa trọng tài quốc tế bên kia đại dương cũng đã (và rất có thể sẽ) ra phán quyết bất lợi cho TQ.

Trong Binh pháp Tôn Tử, Tôn Vũ viết rằng “Phép dụng binh, gấp mười lần đối thủ thì bao vây…” hòng khiến đối thủ sợ mà từ bỏ. Tuy nhiên, tranh chấp biển Đông không phải chỉ dựa vào các quân cờ thực địa là có thể chiến thắng, huống chi TQ chưa hẳn đã chiếm ưu thế toàn diện về quân sự-quốc phòng.

Xem ra những quân cờ TQ dùng để bao vây đối thủ trên biển Đông lại là thủ phạm đẩy Bắc Kinh vào thế bị vây hãm trên mặt trận ngoại giao, pháp lý và cả dư luận-truyền thông quốc tế.

Như GS Vuving gợi ý, chắc chắn các nước láng giềng, ASEAN, Mỹ,… đều hiểu và sẽ tận dụng những mặt trận này trong thời gian tới nếu TQ cứ tiếp tục "chơi rắn" theo kiểu chẳng giống ai như thế.


Trung Quốc “bơm” vũ khí đến hơn 2/3 số nước châu Phi

Hiện có hơn 2/3 số quốc gia châu Phi đang sử dụng trang thiết bị quân sự của Trung Quốc, theo một báo cáo về năng lực quân sự của các cường quốc thế giới.

Theo báo cáo “Cân bằng quân sự” của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London - Anh, Trung Quốc đã xâm nhập đáng kể vào thị trường quốc phòng châu Phi, phản ánh sự ảnh hưởng và đầu tư ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh tại châu lục này.

may bay khong nguoi lai cua trung quoc cung da duoc xuat sang chau phi. anh: reuters

Máy bay không người lái của Trung Quốc cũng đã được xuất sang châu Phi. Ảnh: REUTERS

Dựa trên dữ liệu phân tích hàng xuất khẩu vào 51 quốc gia ở châu Phi, IISS cho hay 68% nước tại châu lục này sử dụng thiết bị quân sự của Trung Quốc.

Ông Joseph Dempsey, tác giả nghiên cứu trên, cho biết các quốc gia châu Phi đang tăng cường sử dụng các mặt hàng quân sự xuất khẩu từ Trung Quốc.

Theo nhà phân tích này, điều đáng chú ý là từ năm 2005, có thêm 10 quốc gia ở châu Phi trở thành “khách hàng thân thiết” với thiết bị quân sự xuất khẩu từ Trung Quốc, gồm: Algeria, Angola, Cape Verde, Nigeria, Chad, Djibouti, Guinea Xích Đạo, Gabon, Uganda và Ghana.

Một báo cáo khác của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm được công bố vào tháng 2 chỉ ra rằng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, không bao gồm vũ khí hạng nhẹ, đã tăng 88% từ giữa năm 2011 đến 2015, so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Hoạt động xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trên thế giới chiếm 5,9% từ 2011-2015, đứng sau Mỹ và Nga, hai nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Ông Dempsey nhìn nhận: “Trung Quốc đã xuất khẩu vũ khí đến châu Phi trong nhiều thập kỷ qua. Chúng ta đang thấy có nhiều thiết bị tiên tiến hơn do Trung Quốc xuất khẩu, chẳng hạn như máy bay không người lái xuất sang Nigeria...".

Theo ông Dempsey, không dễ để xác minh số lượng vũ khí Trung Quốc xuất sang các nước châu Phi hoặc giá trị của chúng.

Báo cáo của IISS nêu: “Thật vậy, một số lượng đáng kể các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc được thỏa thuận giữa các chính phủ dưới hình thức các khoản cho vay hoặc gói đầu tư cơ sở hạ tầng”.

Ông Patrick Wilcken, nhà nghiên cứu về kiểm soát vũ khí của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho hay: “Từng có lịch sử lâu dài về hoạt động cung cấp vũ khí một cách vô trách nhiệm đến các nước châu Phi và sau đó chúng được sử dụng để thực hiện những hành vi tội ác khủng khiếp. Vũ khí và đạn dược do Trung Quốc sản xuất đã lan rộng khắp châu Phi thông qua mua bán bất hợp pháp và sau đó rơi vào tay các nhóm vũ trang và lực lượng chính phủ ở những nơi như Nam Sudan, Darfur và Cộng hòa Trung Phi”.

“Trung Quốc - hay bất kỳ nước xuất khẩu vũ khí nào khác - không được gửi vũ khí đến những nơi có nguy cơ khiến số vũ khí này sẽ được sử dụng trong các hoạt động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” - chuyên gia này nói thêm.


Mỹ cảnh báo Trung Quốc về hậu quả của quân sự hóa Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm qua cảnh báo hành động "hung hăng" trên Biển Đông của Trung Quốc, trong đó có điều hệ thống tên lửa đến quần đảo Hoàng Sa, sẽ tạo ra hậu quả.
bo truong quoc phong my ashton carter. anh: reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc không được theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông, Reutersdẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết trong bài phát biểu về nhiều vấn đề tại diễn đàn Commonwealth Club, San Francisco, bang California. "Những hành động cụ thể sẽ có những hậu quả cụ thể".

Bộ trưởng Carter không nêu chi tiết nhưng ông nhấn mạnh quyết tâm của quân đội Mỹ trong đảm bảo an ninh hàng hải trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi có khoảng 30% giá trị thương mại toàn cầu được vận chuyển qua mỗi năm.

Truyền thông Mỹ hôm 17/2 dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hệ thống này có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.

Fox News ngày 24/2 cho biết tình báo Mỹ ghi nhận có sự hiện diện của các chiến đấu cơ Shenyang J-11 và Xian JH-7 trên đảo Phú Lâm.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm chiếm giữ các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang quân sự hoá Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong khi Nhật Bản yêu cầu nước này giải thích rõ ràng về hành động điều tên lửa. Australia, New Zealand cũng đồng loạt kêu gọi Trung Quốc kiềm chế quân sự hoá Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 23/2, khẳng định Trung Quốc "rõ ràng đang quân sự hóa" Biển Đông và chỉ có người tin Trái Đất phẳng mới nghĩ khác.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục