Tỷ phú giàu thứ 3 châu Á vẫn rất lạc quan về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc.
Người giàu Trung Quốc khát hàng thể thao phương Tây
- Cập nhật : 21/06/2016
Đối với Alex He, một người dân ở Bắc Kinh, chi phí cho một chuyến đi tới siêu thị có thể lên tới 3.000 USD.
He, 29 tuổi, làm việc trong ngành tài chính và không thường xuyên mua quần áo. “Khi tôi vào cửa hàng, tôi mua rất nhiều thứ”. Mới đây anh mua nhiều đôi giày Adidas trong một cửa hàng bán lẻ trực tiếp. He cũng thích quần soóc và áo sơ mi Under Armour.
“Tôi thường mua nhiều hàng xa xỉ, nhưng trong năm ngoái hoặc trước đó tôi mua đồ thể thao nhiều hơn vì chúng tiện dụng và thời trang hơn”, anh thổ lộ.
Các hãng thể thao phương Tây thắng thế
Những người tiêu dùng ở Trung Quốc như He đang quan tâm nhiều hơn tới các thương hiệu thể thao phương Tây. Chiến dịch có thời hạn nhiều năm của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giảm mức tiêu thụ hàng xa xỉ của quan chức tác động tiêu cực tới doanh số của Pernod Ricard, Hugo Boss và BMW.
Ngay cả khi doanh số của sản phẩm thời trang xa xỉ, xe hơi và những sản phẩm danh tiếng khác giảm, doanh số của các thương hiệu đồ thể thao vẫn tăng mạnh, Bloomberg nhận định.
Doanh số của Nike khá cao, với số lượng đơn đặt hàng từ tháng 9 tới tháng 4 tăng từ 27 tới 35%. Hôm 6/6, Nike thông báo hãng sẽ hợp tác với Bộ Giáo dục Trung Quốc để đào tạo tới 7.000 giáo viên thể dục.
“Thế hệ hiện nay là thế hệ có mức vận động thấp nhất trong lịch sử Trung Quốc và chúng tôi sẽ góp phần thay đổi thực tế đó”, ông Mark Parker, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Nike, tuyên bố.
Doanh số của Adidas tại Trung Quốc bản thổ (bao gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan) tăng 38% lên 2,47 tỷ euro (2,97 tỷ USD) vào năm ngoái và chiếm khoảng 15% tổng doanh thu toàn cầu của hãng. Năm ngoái, Adidas – hiện là thương hiệu thể thao lớn thứ hai thế giới – khai trương hơn 500 cửa hàng ở Trung Quốc, tăng tổng số cửa hàng ở quốc gia này lên khoảng 9.000. Hãng muốn mở thêm 500 cửa hàng nữa trong năm nay.
“Chúng tôi đang kinh doanh tốt tại Trung Quốc”, ông Herbert Hainer, Giám đốc điều hành tập đoàn Adidas, khẳng định với kênh truyền hình Bloomberg hôm 4/5.
Doanh số của Adidas tai Trung Quốc tăng 22% trong quý đầu tiên. “Người tiêu dùng Trung Quốc thực sự đánh giá cao những giá trị họ nhận từ chúng tôi”, ông nhấn mạnh.
Hàng thể thao của những tập đoàn nước ngoài lớn là lựa chọn an toàn đối với nhiều người tiêu dùng lo ngại về những hậu quả chính trị của hành vi mua hàng mà họ thực hiện. Những người Trung Quốc lo ngại về việc phô trương những khoản chi lớn muốn mua các sản phẩm đắt nhưng không quá hào nhoáng.
“Người ta vẫn có nhu cầu mua những thứ khiến người khác có cảm giác nó phục vụ một chức năng nào đó”, Catherine Lim, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence tại Singapore, phát biểu.
Dân Trung Quốc quan tâm hơn tới sức khỏe
Ngày càng nhiều người Trung Quốc cũng quan tâm tới việc nâng cao sức khỏe. Doanh số của ngành công nghiệp thể thao đạt 127,2 tỷ nhân dân tệ trong năm 2014, tăng 84% so với năm 2009, theo một báo cáo ngày 15/3 của báo China Daily.
3.650 câu lạc bộ thể dục hoạt động trong năm 2014, tăng so với 2.930 câu lạc bộ trong năm 2009. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích xu hướng này, hy vọng công chúng quan tâm hơn tới thể thao trước khi Thế vận hội Mùa đông diễn ra tại Bắc Kinh vào năm 2022.
Mối quan tâm lớn hơn đối với sức khỏe của người dân Trung Quốc là một yếu tố quan trọng khiến doanh số của các thương hiệu thể thao phương Tây tăng đều trong thời gian qua. Ảnh:China Daily.
“Chúng tôi nhận thấy số lượng người tiêu dùng tham gia hoạt động chạy và các môn thể thao khác tăng vọt”, Colin Currie, giám đốc điều hành Adidas trong các khu vực thuộc Trung Quốc bản thổ, phát biểu.
Ngành công nghiệp thể thao Trung Quốc vẫn chưa phát triển tới mức cao. Thể thao chiếm 3% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, song chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc trong năm ngoái, tương đương 474 tỷ nhân dân tệ (72 tỷ USD), theo một báo cáo hồi tháng 1 của Jianpeng Yu, một nhà phân tích của ICBC. Chính phủ đề ra mục tiêu hơn 3.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.
Doanh nghiệp nội địa không hưởng lợi
Sự bùng nổ của hoạt động thể thao vẫn chưa mang lại lợi ích cho một số thương hiệu nội địa của Trung Quốc. Sự cạnh tranh từ Adidas, Nike và nhiều thương hiệu nước ngoài khác đang nhiều công ty trong nước khốn đốn. Một báo cáo do hãng tín dụng Fitch Ratings công bố hôm 3/6 cho thấy mức tăng đơn đặt hàng giảm từ hai con số cao trong năm ngoái xuống hai con số thấp và vừa trong năm 2016.
Fitch Ratings dự đoán lợi nhuận cận biên của các doanh nghiệp nội địa nhỏ hơn sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực trong 5 năm tới do cạnh trang ngày càng tăng, mức độ linh hoạt về giá hạn chế với các nhà phân phối và chi phí lao động tăng.
Do số lượng người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu quan tâm tới sức khỏe tăng dần, có thể người tiêu dùng muốn tìm kiếm giá trị lớn hơn về bản sắc thương hiệu và sự khác biệt của sản phẩm, những yếu tố vốn là yếu điểm của các thương hiệu nội.
Peak Sport, công ty đang điều hành 6.000 cửa hàng trên cả nước, từng thông báo hồi tháng 5 rằng doanh số của các cửa hàng trong quý 1 không tăng. Công ty cho rằng lòng tin của người tiêu dùng suy giảm cùng với thời tiết xấu là nguyên nhân khiến doanh số đáng thất vọng.
Wisdon Sports, một công ty chuyên tổ chức sự kiện thể thao có trụ sở ở Bắc Kinh, có lịch tổ chức sự kiện khá dày đặc trong năm nay – bao gồm 35 cuộc thi marathon và 75 cuộc đua xe đạp. Nhưng giá cổ phiếu của Wisdom tại thị trường chứng khoán Hong Kong giảm 57% trong năm nay.
Để ngăn các doanh nghiệp nước ngoài thông trị thị trường quê nhà, một số thương hiệu thể thao Trung Quốc đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Anta Sports Products là doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc, với hơn 9.000 cửa hàng bán lẻ ở đại lục, Hong Kong và Macau. Hồi tháng 2 họ công bố kế hoạch thành lập công ty liên doanh với hai doanh nghiệp Nhật Bản - công ty sản xuất dụng cụ trượt tuyết Descente và công ty sản xuất đồ thể thao Itochu. Anta đã bán quần áo Fila tại Trung Quốc.
Họ mua nhãn hiệu từng trở nên nổi tiếng bởi vận động viên quần vợt huyền thoại Bjorn Borg trong thập niên 70 vào năm 2009. Nhưng các sản phẩm Fila chỉ chiếm 15% tổng doanh số của Anta. Các nhà đầu tư không chắc chắn về chiến lược của Anta, bởi giá cổ phiếu của hãng tại Hong Kong giảm 27% từ đầu năm tới nay.
Mức tăng doanh thu của các cửa hàng thuộc Anta cũng “phẳng lỳ” trong quý I, theo một báo cáo mà các nhà phân tích UBS công bố hôm 20/5.
Theo Zing News