NASA công bố bằng chứng sự sống ở Sao Hỏa
Thái Lan tiết lộ động cơ vụ đánh bom kinh hoàng tại Bangkok
Thủ tướng Modi: Ấn Độ là “thiên đường” cho các nhà đầu tư
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ngăn đóng cửa chính phủ
Obama kêu gọi Nga, Trung Quốc theo đuổi giải pháp ngoại giao
Ông Tập quyến rũ doanh nghiệp Mỹ
- Cập nhật : 28/09/2015
(Tin Kinh Te)
Không chỉ để trấn an và mời gọi doanh nghiệp Mỹ, chặng dừng chân của ông Tập Cận Bình tại Seattle còn nhằm khai thác khía cạnh tích cực trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, tạo đà cho đối thoại chính trị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp Mỹ tại Seattle ngày 23/9. Ảnh: Reuters
Theo Wall Street Journal, trong cuộc gặp hôm 23/9 tại Seattle với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ giải quyết những mối quan ngại của Mỹ về khả năng tiếp cận thị trường nước này và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một trong hàng loạt cuộc tiếp xúc của nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm nêu bật lợi ích của mối quan hệ thương mại Trung - Mỹ.
Trung Quốc sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng "tương đối cao" trong thời gian dài, tạo cơ hội khổng lồ cho các công ty công nghệ Mỹ, cũng như doanh nghiệp thuộc những ngành khác, ông Tập phát biểu trước 30 lãnh đạo tập đoàn đến từ cả hai nước tại một hội nghị bàn tròn do Viện Paulson đồng tổ chức.
"Khi mối quan hệ kinh tế của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, việc xuất hiện va chạm hay khác biệt ở một dạng nào đó là hoàn toàn tự nhiên", ông Tập khẳng định, sau khi nghe ý kiến đánh giá từ một số giám đốc điều hành.
"Tuy nhiên, số lượng giải pháp luôn nhiều hơn khó khăn", ông nói. "Thực ra, đối với một số vấn đề phía Mỹ nêu, chúng tôi muốn giải quyết thông qua cải cách. Chúng tôi sẽ xem xét các vấn đề đó và nhanh chóng giải quyết chúng, nhiều nhất có thể".
Trong 15 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại hội thảo bàn tròn có đại diện của các hãng Microsoft, Apple, Amazon và Cisco Systems. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thực sự xem trọng ngành công nghệ Mỹ trong chuyến công du lần này. Về phía Trung Quốc, đại diện của các hãng công nghệ Alibaba, Tencent và Baidu cũng góp mặt.
Ngành công nghệ Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với mức trung bình của ngành. Số lượng 600 triệu người dùng Internet, 1,2 tỷ thuê bao điện thoại di động là cơ hội lớn cho các công ty Mỹ như Amazon, Cisco và Apple, ông Tập nhấn mạnh.
"Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc sẽ tạo ra và duy trì nhu cầu ngày một lớn đối với nguồn vốn và sản phẩm công nghệ của các nước khác", ông nói.
Tạo đà đối thoại chính trị
Chuyến công du của ông Tập diễn ra đúng thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng quanh một loạt vấn đề, bao gồm cáo buộc tấn công mạng từ Trung Quốc vào các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Mỹ, cũng như cam kết của Bắc Kinh trong việc nới lỏng những hạn chế đối với đầu tư của Mỹ.
Chính quyền Obama đã hối thúc các công ty công nghệ cũng các công ty trong lĩnh vực khác lên tiếng mạnh mẽ hơn về những vấn đề họ gặp phải tại Trung Quốc.
Tuy vậy, Trung Quốc đang tranh thủ cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Seattle để nêu bật những khía cạnh tích cực trong quan hệ thương mại, đồng thời giảm bớt căng thẳng tại các lĩnh vực khác trước cuộc gặp thượng đỉnh của ông Tập với Tổng thống Obama, WSJ bình luận.
Theo AFP, quyết định dừng chân tại Seattle của ông Tập để gặp gỡ giới doanh nhân Mỹ trước khi tới Nhà Trắng không phải chưa từng có tiền lệ. Những người tiền nhiệm của ông như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều từng có lộ trình tương tự khi công du Mỹ.
Trong bối cảnh ít hy vọng giải quyết những bất đồng chính trị lớn trong cuộc hội đàm với ông Obama, các cuộc gặp tại Seattle là cách để nhà lãnh đạo Trung Quốc phát đi thông điệp, Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích Trung Quốc của CIA, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nhận định.
Các doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng trước sự hậu thuẫn ngày một lớn của Trung Quốc cho các công ty trong nước khi cạnh tranh trực tiếp với nhà đầu tư Mỹ. Và nhiều người lo ngại Bắc Kinh không thể hành động quyết liệt trước sự giảm tốc đột ngột của nền kinh tế, vốn đã gây hỗn loạn cho thị trường tài chính toàn cầu.
"Chúng tôi đối xử bình đẳng và công bằng cho mọi thành viên trên thị trường, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc", ông Tập cho hay trong bài phỏng vấn với Wall Street Journal hôm 22/9.
Bạn của Trung Quốc
Mặt khác, theo chuyên gia Johnson, đang xảy ra tình trạng chia rẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, với một nhóm có tư tưởng ủng hộ và và một nhóm chỉ trích Trung Quốc. "Kết quả là áp lực họ tạo ra đối với chính quyền trong việc thúc đẩy mối quan hệ xuôi chèo mát mái và ổn định sẽ không nhất quán".
Mới đây, đích thân Tổng thống Obama hối thúc các doanh nghiệp Mỹ cần công khai lên tiếng về hoạt động gián điệp thương mại của Trung Quốc.
"Khi các công ty của quý vị gặp vấn đề tại Trung Quốc và muốn chúng tôi hỗ trợ, quý vị phải để chúng tôi làm việc đó", ông Obama phát biểu với lãnh đạo các doanh nghiệp trước chuyến thăm của ông Tập. "Sẽ không hiệu quả với người Trung Quốc trừ khi chúng ta đưa ra được bằng chứng về các vấn đề. Nếu không chúng sẽ trở nên bế tắc".
Bất chấp căng thẳng về vấn đề an ninh mạng và những sụt giảm của đà tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, hợp tác ở thị trường công nghệ được thể hiện ở hàng loạt thương vụ do các công ty Mỹ công bố trong tuần này, đúng dịp ông Tập công du Mỹ.
Tập đoàn Boeing hôm thứ tư đã đón ông Tập tới thăm một trong những cơ sở sản xuất của hãng bên ngoài Seattle, công bố đơn đặt hàng, và cam kết bán cho Trung Quốc 300 máy bay.
Boeing và một đối tác hàng không thương mại tại Trung Quốc sẽ lần đầu tiên xây dựng một nhà máy tại nước này, để hoàn thiện những chiếc Boeing sẽ bán cho ngành hàng không nội địa đang phát triển mạnh của Trung Quốc.
Thỏa thuận với các công ty công nghệ khác chủ yếu tiếp tập trung vào củng cố quan hệ với đối tác tại Trung Quốc. Những mối quan hệ này ngày càng chứng tỏ sự cần thiết với ngành công nghệ Mỹ trong việc giữ thị phần tại Trung Quốc, giữa lúc ông Tập đang củng cố công nghệ nước mình trong những lĩnh vực then chốt như thiết bị máy tính và bán dẫn.
Đơn cử như Cisco Systems trong ngày 23/9 đã xác nhận kế hoạch thành lập một liên doanh với hãng máy tính Trung Quốc Inspur Group, với ước tính tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD.
“Tôi lạc quan rằng việc hợp tác với Inspur sẽ giúp tăng cường những động lực gần đây mà chúng tôi nhận thấy trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc”, giám đốc điều hành của Cisco, ông Chuck Robbins khẳng định.
Bước đi của ông Tập tranh thủ sự ủng hộ của bộ phận doanh nghiệp thân Trung Quốc cũng như các đồng minh tại một số bang địa phương như bang Washington, diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 lại thổi bùng bầu không khí chống Trung Quốc.
Ông Tập hy vọng sẽ tiếp tục khiến tiếng nói của những người được xem là bạn của Trung Quốc được nghe rõ hơn những tiếng nói chỉ trích.
Hoàng Nguyên
Theo Vnexpress