tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sự mập mờ trong thỏa thuận tránh chạm trán quân sự Mỹ - Trung

  • Cập nhật : 29/09/2015

(Tin kinh te)

Mỹ và Trung Quốc có thể có cách nhìn nhận khác nhau về phạm vi áp dụng thỏa thuận tại vùng tranh chấp ở Biển Đông.

tong thong my barack obama (phai) va chu tich trung quoc tap can binh trong cuoc hop bao tai nha trang hom 25/9. anh: reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 25/9. Ảnh: Reuters

Mỹ và Trung Quốc hôm 25/9 đạt được thỏa thuận liên quan đến chạm trán trên không và trên biển, tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận thỏa thuận chủ yếu đặt ra các "biện pháp xây dựng niềm tin" và vẫn chưa rõ nó sẽ được áp dụng thế nào đối với khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập quy tắc ứng xử đối với các vụ đối đầu trên biển và trên không, nhằm tránh hiểu lầm và tai nạn. Phần nội dung về đối đầu trên biển được hoàn tất từ năm trước, nhưng phần nội dung về đối đầu trên không đến hôm 25/9 mới được hoàn thành. Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng lý do trì hoãn phần này vì có ít tiền lệ quốc tế về thỏa thuận như vậy.

Theo thỏa thuận mới, máy bay quân sự của hai nước nếu chạm trán thì phải tuân thủ các quy tắc quốc tế và "bảo đảm an toàn hàng không thông qua kỹ năng lái máy bay chuyên nghiệp, trong đó có việc sử dụng thiết bị liên lạc hợp lý".

Nguyên tắc là nếu một máy bay quân sự của nước này phát tín hiệu liên lạc, thì máy bay quân sự nước kia phải trả lời, nếu sứ mệnh cho phép. Quy tắc cũng yêu cầu các phi công phải tự xưng danh, thông báo nơi họ đang bay đến và động tác bay họ sẽ thực hiện.

Chiến đấu cơ Trung Quốc và máy bay trinh sát Mỹ đã có nhiều lần đối đầu ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự cố gần đây nhất xảy ra hôm 15/9, khi hai chiến đấu cơ JH-7 của Trung Quốc bay tạt qua trước mũi máy bay do thám RC-135 của không quân Mỹ, khi cách nhau 152 m, trên biển Hoàng Hải.

"Cần phải có thấu hiểu chung giữa hai nước về các vụ đối đầu trên không", một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nói.

WSJ đánh giá rằng vẫn chưa rõ thỏa thuận mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với vùng tranh chấp ở biển Đông.

Các quan chức Mỹ nói rằng thỏa thuận mới áp dụng cho tất cả không phận quốc tế, theo định nghĩa của Mỹ, tức là bao gồm cả khu vực trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng khu vực này thuộc lãnh hải và không phận của mình. Vì vậy, Trung Quốc coi việc máy bay và tàu nước ngoài xuất hiện trong phạm vi này là xâm phạm chủ quyền, đồng nghĩa với việc, về phía Bắc Kinh, thỏa thuận mới sẽ không áp dụng được trong trường hợp này.

Mỹ cũng chưa thực hiện các hoạt động thể hiện quyền tự do đi lại trong phạm vi này tại Biển Đông kể từ năm 2012.

Dù vậy, thỏa thuận vẫn được xem là một tiến triển tích cực. "Trước thời Tập Cận Bình, chúng ta chưa bao giờ đạt được những điều như vậy", Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Mỹ nhận xét. "Ông Tập dường như rất chú trọng đến việc tránh các vụ va chạm không mong muốn", bà nói.

Trong một thỏa thuận khác, Mỹ và Trung Quốc cũng thống nhất về quy trình đường dây nóng quân sự, nhằm đẩy nhanh liên lạc cấp cao trong trường hợp cần trao đổi về khủng hoảng quân sự. Thực chất, đường dây này đã tồn tại từ năm 2008 và hiện có cả kết nối video. Các quan chức quốc phòng Mỹ vào thời điểm đó nói rằng, đường dây là bước tiến tích cực giữa hai nước, đặc biệt sau vụ va chạm trên không giữa một máy bay do thám của hải quân Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc, khiến máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp ở đảo Hải Nam tháng 4/2001.

Tuy nhiên, đường dây này có nhược điểm là khó có thể bảo đảm Trung Quốc sẽ trả lời các cuộc gọi của Bộ Quốc phòng Mỹ, hoặc cuộc đối thoại sẽ diễn ra ở cấp cao tương đương nhau giữa quan chức quân sự hai nước.

Thỏa thuận mới là nỗ lực để giải quyết vấn đề nói trên bằng cách thiết lập các giao thức để tuân theo, khi Lầu Năm Góc và quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm thoại. Một trong số các quy định là các cuộc gọi phải diễn ra trong vòng 48 giờ sau khi một yêu cầu bằng văn bản bên này được fax đến bên kia.

Hồng Vân
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục