Sau hàng loạt những lời kêu gọi bớt “nhỏ giọt” trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, Trung Quốc cuối cùng đã quyết định chi 2 tỉ USD cho quỹ phát triển toàn cầu trong 15 năm tới.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 28-09-2015
- Cập nhật : 28/09/2015
Ấn Độ, Nhật Bản, Đức và Brazil kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ
Ngày 26/9, bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), nguyên thủ 4 nước Ấn Độ, Nhật Bản, Đức và Brazil đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh, trong đó 4 nhà lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo hướng mở rộng thành phần ủy viên thường trực.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff nhấn mạnh tới vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tạo ra một cơ cấu mang tính đại diện lớn hơn và hiệu quả hơn, cho phép phản ứng tốt hơn với những cuộc khủng hoảng và xung đột toàn cầu.
Tuyên bố chung nêu rõ nhóm 4 nước Ấn Độ, Nhật Bản, Đức và Brazil là những "ứng cử viên hợp pháp" để trở thành ủy viên thường trực tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bốn nước sẽ thực thi mọi biện pháp để đạt được kết quả cụ thể đối với đề xuất trên ngay tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 này.
Trước đó, 4 cường quốc trên đều đã nhiều lần đề cập tới vấn đề mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an cũng như việc trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, trong bối cảnh tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập 70 năm trước.
Cho tới nay, tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn chỉ có 5 ủy viên thường trực là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc./.
Triều Tiên quyết phóng vệ tinh vào tháng 10
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 3/5 thị sát một trung tâm chỉ huy vệ tinh mới được xây dựng ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Vụ phóng vệ tinh của chúng tôi là công việc hòa bình, phù hợp với kế hoạch phát triển kỹ thuật và khoa học của nhà nước, vì tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân và không ai có quyền can thiệp vào kế hoạch này, theo trang dprktoday, một trong những trang tuyên truyền của Triều Tiên dành cho người dùng mạng ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đang gọi quyền chủ quyền của chúng tôi là sự khiêu khích, trang này cho biết và thêm rằng Bình Nhưỡng hiện phát triển các vệ tinh mới để giúp "tô điểm" cho lễ kỷ niệm dự kiến diễn ra vào tháng 10.
Triều Tiên đang có ý định phóng vật thể nước này tuyên bố là một vệ tinh, vào thời điểm quanh ngày 10/10, kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động cầm quyền. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng đây có thể là vỏ bọc của một cuộc thử tên lửa đạn đạo.
Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên đã cảnh báo nếu Triều Tiên phóng tên lửa, nước này sẽ vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, vốn cấm Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa.
Barack Obama và Raul Castro sắp gặp trực tiếp
Cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 29/9 bên lề phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, AFP dẫn thông báo từ Nhà Trắng hôm qua cho biết. Đây sẽ là cuộc gặp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo, sau cuộc gặp lịch sử ở Panama hồi tháng 4.
Washington và Havana tái thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 7, sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Chủ tịch Cuba Raul Castro hôm 26/9 có bài phát biểu trong phiên họp của Liên Hợp Quốc về sự phát triển. Ông tập trung vào lệnh cấm vận kinh tế Mỹ áp đặt với Cuba, gọi đây là "chướng ngại chính" khiến Havana khó phát triển kinh tế.
"Chính sách này bị 188 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phản đối và yêu cầu xóa bỏ", ông Castro nói, nhắc đến nghị quyết Liên Hợp Quốc kêu gọi Mỹ kết thúc cấm vận kinh tế được 193 quốc gia thành viên tổ chức bỏ phiếu thông qua mỗi năm một lần kể từ năm 1982.
Chủ tịch Cuba ca ngợi việc tái thiết lập quan hệ với Mỹ là "bước tiến lớn", đồng thời nhấn mạnh lệnh cấm vận là phần việc còn dang dở. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ủng hộ xóa bỏ cấm vận nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội Mỹ, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số phản đối động thái trên.
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức thảo luận dự thảo nghị quyết mới lên án lệnh cấm vận kinh tế trong phiên họp vào tháng 10.
Putin trấn an Obama trước cuộc gặp song phương
"Nga sẽ không tham gia bất kỳ phần nào liên quan tới hoạt động thực địa trên lãnh thổ Syria, ít nhất chúng tôi không có kế hoạch lúc này", Reutersdẫn lại lời ông Putin trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS mới đây.
Tổng thống Nga khẳng định mục đích nước này có hiện diện quân sự tại Syria là hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chống lại các nhóm khủng bố.
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trước thời điểm ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến có cuộc hội đàm hôm nay, bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại New York.
Mỹ gần đây cáo buộc Nga tăng cường can thiệp quân sự vào Syria, cho rằng Moscow gửi máy bay chiến đấu, xe tăng và các khí tài khác tới. Trong khi đó Moscow khẳng định Damascus có thể tham gia trong nỗ lực quốc tế đẩy lùi các phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), điều mà cả Washington và các đồng minh đều bác bỏ.
Ông Putin cho biết hiện có hơn 2.000 phiến quân ở Syria đến từ Liên bang Xô Viết cũ, do đó cần tiêu diệt ở chính nơi này thay vì chờ chúng trở lại quê hương để thực hiện các âm mưu. Tổng thống Nga cũng cáo buộc các phiến quân chống lại ông Assad do Mỹ đào tạo là bất hợp pháp và vô ích, chính những kẻ này đã gia nhập IS cùng với nguồn vũ khí từ Washington.
Nga - Mỹ dù chia sẻ mối lo ngại về IS ở Syria nhưng vẫn bất đồng trong cách giải quyết tình hình. Mối quan hệ giữa hai nước cũng đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh do không cùng quan điểm về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giới quan sát thúc giục ông Obama quyết đoán hơn trong các vấn đề ở Syria và Trung Đông. LHQ cho biết khoảng 250.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm nay tại Syria. Việc thiếu chính sách rõ ràng của Mỹ ở đây cũng khiến IS lợi dụng để mở rộng hoạt động.
Nga muốn dẫn đầu cuộc chiến đánh IS
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27-9 kêu gọi các quốc gia khác trong khu vực tham gia cuộc chiến do Nga dẫn đầu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry (trái) thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria với người đồng cấp Nga Lavrov ngày 27-9 - Ảnh: Reuters
"Chúng tôi đã đề nghị hợp tác với các nước trong khu vực. Chúng tôi đang cố gắng để thiết lập một số thỏa thuận khung trong hợp tác. Chúng tôi chào đón một nền tảng chung cho hành động tập thể chống lại khủng bố" - ông Putin cho biết.
Ngoài ra, theo AFP, ông Putin nhấn mạnh rằng lực lượng quân đội của chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad là một "đội quân hợp pháp tại Syria", khẳng định sự ủng hộ của Moscow đối với ông Assad - người mà phương Tây và phe đối lập Syria muốn phải từ chức.
Cuộc khủng hoảng tại Syria dự kiến sẽ trở nên cao trào trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Liên Hiệp Quốc ở New York.
Trong khi đó lãnh đạo châu Âu tập trung tại LHQ đang thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao tại Syria để đối phó trước sự bùng nổ làn sóng khổng lồ người tị nạn tràn sang châu Âu.
Sự cấp bách của việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Syria tăng cao bởi việc Nga xây dựng quân đội tại Syria để hỗ trợ cho chế độ của ông Assad trong khi liên minh không kích do Mỹ dẫn đầu đang tấn công IS tại Syria.
Cũng trong ngay 27-9, theo BBC, Iraq tuyên bố nước này đã ký một thỏa thuận về hợp tác an ninh và tình báo với Nga, Iran và Syria để chiến đấu chống IS.
Trong khi đó Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng bày tỏ quan ngại trong một cuộc họp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng sự ủng hộ của Nga sẽ khiến ông Assad bám víu quyền lực và ngăn chặn nỗ lực hòa bình cho đất nước này.
Tuyên bố của ông Putin sẽ đặt ra thách thức ngoại giao giữa chính ông và tổng thống Mỹ Barack Obama khi tham dự cuộc họp Đại hội đồng trong ngày hôm nay.