Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ là bản sao của tàu Xô Viết
Putin thông qua chiến lược an ninh mới, coi NATO là mối đe dọa
Iran sẽ phát triển tên lửa tầm xa 5.000 km nếu bị Mỹ trừng phạt
Khủng bố tấn công căn cứ không quân Ấn Độ
Mỹ xuất hiện virus Zika cực kỳ nguy hiểm
Tin thế giới đọc nhanh 29-09-2015
- Cập nhật : 29/09/2015
Hạm đội Mỹ muốn mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Scott Swift cho biết ông muốn Hạm đội Ba của Mỹ mở rộng hoạt động tại khu vực Tây Thái Bình Dương khi tác chiến chặt chẽ hơn với Hạm đội Bảy hiện đóng tại Nhật Bản.
Reuters dẫn lời ông Swift cho hay, bước đi này nhằm tập trung vào các khu vực ‘bất ổn nhất’.Trong hai bài phát biểu gần đây mà giới truyền thông ít chú ý, Đô đốc Scott Swift đã đặt vấn đề về nhu cầu cho một đường biên giới hành chính chạy dọc đường đổi ngày quốc tế để phân ranh giới các hoạt động cho Hạm đội Bảy tại Tây Thái Bình Dương còn Hạm đội Ba ở mạn phía đông.
Một dấu hiệu sớm cho sự thay đổi về mặt chiến thuật, đó là khi các quan chức Hải quân Mỹ nói rằng Phó Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Ba là Nora Tyson chứ không phải là người đồng nhiệm của bà ở Hạm đội Bảy sẽ đại diện cho Hải quân Mỹ có mặt tại Nhật vào ngày 18/10 tới đây. Đây là sự kiện được hải quân Nhật tổ chức ba năm một lần nhằm biểu dương sức mạnh.
“Bất kỳ sự thay đổi nào cũng không có nghĩa là thay đổi trụ sở hay cầu cảng (của các hạm đội), mà điều này sẽ cho phép hai hạm đội hoạt động cùng nhau ở những ‘khu vực bất ổn nhất’” – ông Swift phát biểu hồi đầu tháng 9 tại trụ sở của Hạm đội Bảy ở Yokosuka, Nhật Bản, nhưng không đi sâu vào chi tiết cụ thể.
Những bình luận này của ông Swift đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày có nhiều tham vọng về chủ quyền tại nhiều vùng biển ở Thái Bình Dương.
Hạm đội Bảy có một nhóm tàu sân bay tấn công triển khai cùng với 80 chiến hạm, 140 máy bay và 40.000 thuỷ thủ.
Hạm đội Ba có hơn 100 tàu chiến, trong đó có bốn tàu sân bay.
Một quan chức hải quân Mỹ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương cho hay việc mở rộng phạm vi hoạt động của Hạm đội Ba nhằm thắt chặt hợp tác hơn nữa giữa các tư lệnh hải quân Mỹ đóng tại Đông Thái Bình Dương và quan chức hải quân Nhật Bản – những người vốn đã làm việc lâu năm với Hạm đội Bảy của Mỹ.
Dấu hiệu Trung Quốc thay đổi thái độ với Triều Tiên?
Theo Yonhap, cảnh báo bất thường của Chủ tịch Trung Quốc với Triều Tiên được xem là dấu hiệu cho thấy tư tưởng chiến lược của Bắc Kinh với nước láng giềng này có thể đã thay đổi trong bối cảnh quan hệ Trung – Hàn ngày càng mạnh mẽ hơn.
Hôm 25/9, tại buổi họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể xác nhận được trên bán đảo Triều Tiên theo cách hòa bình.
Tuyên bố này vốn dĩ là lập trường từ trước tới nay của Trung Quốc, nhưng ông Tập Cận Bình đã tiến thêm một bước khi nói rằng: “Chúng tôi phản đối bất cứ hành động nào có thể gây ra căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an”.
Yonhap cho rằng, mặc dù không nêu đích danh Triều Tiên, nhưng tuyên bố này rõ ràng là lời cảnh báo tới Bình Nhưỡng không nên tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa, những động thái vi phạm một loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Việc một nhà lãnh đạo Trung Quốc công khai đưa ra một cảnh báo như vậy là điều bất thường, khi mà Bắc Kinh trước đây chỉ miễn cưỡng chỉ trích Triều Tiên và thường kêu gọi tất cả các bên giữ bình tĩnh, kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Một điều bất thường nữa là tuyên bố của ông Tập Cận Bình thiếu vắng lời kêu gọi sớm nối lại các vòng hội đàm 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, lời kêu gọi từ lâu được xem là nỗ lực ủng hộ đề nghị của Triều Tiên về việc nối lại đàm phán vô điều kiện.
Những chuyển biến này, theo hãng thông tấn Hàn Quốc, đã làm dấy lên hy vọng về việc tư tưởng của Bắc Kinh về Triều Tiên có thể thay đổi.
Năm 2014, ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đi thăm Hàn Quốc trước khi tới Triều Tiên. Và đến nay, ông vẫn chưa thăm Triều Tiên hay gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un, dù ông đã nhiều lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Mặt khác, quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc rõ ràng đã được nâng cấp dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Park Geun Hye. Hồi đầu tháng này, bà Park còn tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến 2 diễn ra ở Trung Quốc.
Hãng thông tấn Yonhap bình luận, việc bà Park Geun Hye tham dự lễ duyệt binh không chỉ tượng trưng cho sự thay đổi rất lớn trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, mà còn nhấn mạnh tình trạng căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Lời cảnh báo bất thường đưa ra hôm 25/9 của ông Tập Cận Bình với Triều Tiên có thể là kết quả của việc bà Park Geun Hye tham dự lễ duyệt binh, và nói rộng hơn là kết quả của mối quan hệ đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn giữa Seoul và Bắc Kinh.
Trung Quốc đưa tàu sân bay tới Syria?
Theo tin mới nhất từ truyền thông Israel, trong bối cảnh ông Tập đang sang thăm Mỹ, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc bất ngờ hiện diện ở Syria.
Trang mạng Debkafile của Israel đưa tin, tàu sân bay Liêu Ninh CV-16 của Trung Quốc đã đi qua kênh đào Suez của Ai Cập trong ngày 22/9 và hiện đã xuất hiện tại quân cảng Tartus của Syria cùng một tàu khu trục tên lửa. Trước đó, tàu khu trục tên lửa dẫn đường này đã đi trước và mở đường cho tàu sân bay Liêu Ninh.
Trong khi đó, một số nguồn tin khác đưa ra các bằng chứng cho thấy các tàu chiến của Trung Quốc sẽ hoạt động tại Syria trong một thời gian dài. Bắc Kinh cũng lên kế hoạch triển khai một phi đội tiêm kích J-15 và một số trực thăng hạm để tăng cường khả năng tác chiến của tàu sân bay Liêu Ninh. Các chiến đấu cơ này sẽ được vận chuyển bằng máy bay vận tải khổng lồ từ Trung Quốc qua không phận của Iran và sẽ có mặt trên boong tàu sân bay Liên Ninh trong tháng 11 tới.
Giới chức quân sự Syria nhận định các binh sĩ Trung Quốc sẽ tham gia phối hợp với các lực lượng của Nga tại khu vực Latakia (Syria), nơi Mátxcơva đang triển khai xây dựng một căn cứ quân sự lớn.
Theo trang mạng Debkafile của Israel, Bắc Kinh sẽ đưa đến Syria các máy bay trực thăng chống ngầm Z-18F và trực thăng cảnh báo sớm Z-18J cùng khoảng 1.000 lính thủy đánh bộ nhằm hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
TheoDebkafile, mục tiêu của lực lượng quân đội Trung Quốc tại Syria là nhằm vào các tay súng khủng bố đến từ khu tự trị Tân Cương.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ, vốn là nước bày tỏ hoài nghi về sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria.Đây được coi là một bước đi bất ngờ của Bắc Kinh khi sự xuất hiện của tàu sân bay này có thể làm đảo lộn toàn bộ tình hình cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông. Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận hay đưa ra bất kì bình luận nào về thông tin này.
Nổ tàu cao tốc, tổng thống Maldives thoát nạn
Tổng thống 56 tuổi và vợ cùng các thành viên đoàn tùy tùng được đưa ngay tới bệnh viện sau vụ việc.
Mohammed Hussein Shareef, một quan chức thuộc văn phòng tổng thống, cho biết hiện chưa rõ nguyên nhân của vụ nổ. Tiếng nổ có thể xuất phát từ khu vực động cơ tàu. Lực lượng Quốc phòng Maldives không loại trừ khả năng nào, cố tình, vô ý hay lỗi kỹ thuật.
"Vụ nổ khá lớn. Tiếng nổ có thể được nghe thấy ở cách đó vài tòa nhà. Một phần mái, vỏ tàu rơi ra, nhưng Tổng thống Yameen an toàn. Ông không bị thương", Shareef nói.
Sân bay quốc tế Maldives nằm trên một hòn đảo riêng biệt và để đến thủ đô, mọi người phải đi tàu một đoạn ngắn. Các phóng viên đã xuất hiện tại Male để đón ông Yamenn, người trước đó vài phút hạ cánh sau chuyến bay từ Arab Saudi.
Maldives nổi tiếng với những khu nghỉ dưỡng hạng sang trên đảo, nhưng đất nước Hồi giáo nhỏ bé này những năm gần đây phải trải qua tình trạng đấu đá nội bộ chính trị và cuộc bầu cử nhiều tranh chấp.
Tuy không hứng chịu bạo lực chính trị nghiêm trọng như các vụ đánh bom, nước này đang phải đối mặt vấn đề về phiến quân Hồi giáo. Cách đây đúng một tháng, một nhóm không rõ danh tính dọa ám sát tổng thống và tấn công ngành du lịch nước này, trong một đoạn video trên mạng mạng.
Tuy không ai biết danh tính những kẻ đe dọa, chúng dường như có tuyên bố dính líu đến Nhà nước Hồi giáo, phòng trao cực đoan kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria. Những cuộc tấn công sẽ được tiến hành sau 30 ngày, đoạn video được đăng hồi cuối tháng 8, tuyên bố.
Trung Quốc phá đường dây làm tiền giả lớn nhất 70 năm
Cảnh sát Quảng Đông tịch thu số tiền giả trị giá 210 triệu nhân dân tệ (33 triệu USD). Ảnh: Chinanews
Shanghaiist cho biết tại buổi họp báo ở thành phố Huệ Châu hôm 26/9, cảnh sát tỉnh Quảng Đông công bố có tổng cộng 29 nghi can, bao gồm những kẻ cầm đầu băng đảng trên, đã bị bắt giữ. Tang vật thu được trong các cuộc đột kích gồm 4 máy in cùng các vật liệu và thiết bị liên quan.
Đường dây trên thuê 5 người từng làm việc tại các nhà máy in ở Tứ Xuyên và Trùng Khánh. Những người này được trả công hậu hĩnh, với 500.000 nhân dân tệ (gần 80.000 USD) trả trước và thêm 400.000 nhân dân tệ (hơn 60.000 USD) sau khi đã hoàn thành công việc.Băng nhóm làm tiền giả dự định hoàn thành việc in ấn trước Tết trung thu. Hai đường dây sản xuất phải hoạt động đồng thời để kịp kế hoạch đề ra. Số tiền giả dự kiến được bán với giá 10 nhân dân tệ một tờ và thu về khoản lợi nhuận khoảng 20 triệu nhân dân tệ (hơn 3 triệu USD).
Sau khi bị ông chủ cho thuê xưởng in tình cờ phát hiện bí mật, kẻ nắm cổ phần lớn nhất trong đường dây đã đề nghị hối lộ cho ông này 200.000 nhân dân tệ (hơn 30.000 USD). Tuy nhiên, ông đòi trở thành đối tác và sau đó cũng bị bắt giữ cùng cả băng nhóm.
Đường dây in tiền giả ban đầu muốn đặt xưởng tại thành phố Châu Hải, nhưng cuối cùng đã thay đổi ý định sau khi tham khảo ý kiến của một chuyên gia phong thủy.
Ông Gao Weidong, phó giám đốc công an thành phố Huệ Châu, cho biết hơn 400 cảnh sát đã tham gia vào chiến dịch triệt phá đặc biệt này. Một cảnh sát bị thương trong lúc làm nhiệm vụ.(Vnexpress)