Hãng tin Express cho biết, trong suốt 18 tháng qua, Nga và NATO đã có tổng cộng 66 lần “suýt” xảy ra chiến tranh.
Quan hệ Mỹ - Trung tiến hay thoái?
- Cập nhật : 28/09/2015
(Tin kinh te)
Một trong những chủ đề được truyền thông thế giới khai thác nhiều nhất trong những ngày qua là chuyến thăm chính thức đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc của ông Tập Cận Bình tới Mỹ. Không ít ý kiến lạc quan cho rằng chuyến thăm lịch sử này sẽ là chìa khóa hóa giải nhiều bất đồng giữa hai nước, song cũng có nhiều nghi ngờ về hiệu quả của chuyến thăm.
Hy vọng hay ảo vọng
Được ca ngợi là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ sau thời Đặng Tiểu Bình, ông Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển lớn cho quan hệ Mỹ - Trung thông qua chuyến thăm Mỹ từ ngày 22 đến 25/9.
Người ta ý tứ nhắc tới những gì mà vị lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã làm được cách đây 36 năm, mà một Giáo sư danh dự của Đại học Havard chuyên nghiên cứu về Đông Á mô tả là đã mở ra “kỷ nguyên mới” cho mối quan hệ hai bên.
Sự lạc quan ấy cũng được chính Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì thổi vào giới truyền thông trong nước hồi tuần trước, khi bày tỏ tin tưởng rằng những “kết quả to lớn” sẽ đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này.
Thời điểm ông Tập Cận Bình chọn để thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi trong cán cân quyền lực giữa hai bên, và quan hệ Mỹ - Trung được mô tả bằng từ “cạnh tranh” hơn là “hợp tác”.
Những khía cạnh tiêu cực trong quan hệ song phương đang tràn lan khi hai nước nhận ra rằng họ luôn ở trong tình trạng tranh giành vai trò và ảnh hưởng với bên kia liên quan các vấn đề an ninh và kinh tế, chẳng hạn như vấn đề an ninh mạng, sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, hay những cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ.
Tại Mỹ, thời điểm diễn ra chuyến thăm rất nhạy cảm do sức nóng của cuộc vận động tranh cử. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ sớm trở thành “tổng thống vịt què” và sẽ phải nhường chỗ cho người kế nhiệm sau cuộc bầu cử năm 2016.
Trong lịch sử nước Mỹ, các tổng thống “vịt què” thường muốn chứng tỏ rằng họ có thể làm việc rất hiệu quả trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương ngay cả trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của mình.
Như năm 1999, ông Bill Clinton cũng từng giúp cho việc xúc tiến một thỏa thuận thương mại song phương với Bắc Kinh, mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Song ông Obama đang phải đối mặt với quá nhiều sự chỉ trích đối với sự đón tiếp trọng thể dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc, vì thế khả năng tạo đột phá có thể bị hạn chế. Việc nhận thức rằng Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Mỹ sẽ càng bị thổi phồng trong không khí sôi sục của chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, mà ở đó Trung Quốc đang là đối tượng của các cuộc công kích.
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Tập Cận Bình lựa chọn Seatle là điểm dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du Mỹ kỳ này. Một phần đây là sự cẩn trọng của phía Bắc Kinh khi nhận thấy bầu không khí chính trị căng thẳng đang diễn ra tại Washington, nơi các ứng viên đảng Cộng hòa thường xuyên công kích ông Tập Cận Bình, trong lúc các ứng viên đảng Dân chủ thì gây áp lực về các vấn đề nhân quyền.
Ngoài ra, Seattle còn là trung tâm công nghệ và là “quê hương” của những tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon… mà Trung Quốc muốn hướng tới vì lợi ích an ninh-kinh tế lâu dài của họ.
Kinh tế lâu nay vẫn là vấn đề khiến Mỹ và Trung Quốc dè chừng nhau và đây cũng là nội dung trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 67% số người Mỹ được hỏi ý kiến đã nói rằng việc Trung Quốc đang nắm giữ một số lượng lớn nợ của Mỹ là vấn đề “rất nghiêm trọng”, trong khi 60% tỏ ra lo lắng về tình trạng các việc làm của Mỹ bị mất vào tay các nền kinh tế châu Á.
Trong lúc đó, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng cao, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và gây hiệu ứng dây chuyền trên toàn cầu, từ kim ngạch thương mại sụt giảm tới các bất ổn trên thị trường chứng khoán và hàng hóa.
Tuy nhiên, cũng có những lý do để lạc quan thận trọng khi cả hai nước đang có nhiều “kẻ thù” chung hơn bao giờ hết như biến đổi khí hậu, khủng bố, sự bất ổn ở Trung Đông và biến động tài chính toàn cầu. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng từ 2 tỷ USD năm 1979 lên 592 tỷ USD năm 2014.
Bài toán lòng tin
Nhiều người vẫn nghĩ rằng quân sự là thách thức khó khăn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi các lực lượng vũ trang thường tập trung vào việc cạnh tranh. Nhiệm vụ của họ là chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể.
Thực tế, giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang tồn tại nhiều bất đồng, nghi ngại. Mỹ tỏ ra không tin tưởng Trung Quốc khi phải chứng kiến các hoạt động trỗi dậy "không mấy hòa bình" gần đây của Trung Quốc, nhất là việc Bắc Kinh tỏ ra ngày càng hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản.
Vì vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải cố gắng thuyết phục giới lãnh đạo Mỹ nhận thức đúng về chiến lược phát triển của Trung Quốc, để giới lãnh đạo Mỹ không có cái nhìn tiêu cực đối với sự phát triển lớn mạnh gần đây cũng như định hướng gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình có thể cố gắng thuyết phục Mỹ rằng ở thời đại hiện nay, việc cạnh tranh gay gắt sẽ khiến hai bên đều tổn hại. Hai nước cần bảo vệ lợi ích chiến lược của nhau thông qua phương thức hợp tác kinh tế chặt chẽ, bổ sung ưu, khuyết điểm cho nhau. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng dự kiến nêu vấn đề liên quan chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Phía Trung Quốc cho rằng chiến lược này là nhắm vào họ, với mục đích kìm hãm sự phát triển "bình thường" của Trung Quốc. Theo cách hiểu của Trung Quốc, Mỹ đang tập hợp các quốc gia có xung đột chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương, thách thức Trung Quốc tại “cửa ngõ” tiến ra biển của nước này, khiến lợi ích biển của Trung Quốc bị cản trở.
Nhiều chuyên gia đánh giá chuyến công du này khó có thể tạo ra một sức đẩy thực sự cho mối quan hệ song phương, càng không thể thay đổi bối cảnh quốc tế cũng như tình hình ở cả hai nước để hình thành những cơ hội giúp điều chỉnh mối quan hệ trong tương lai.
Câu hỏi được nhiều nhà quan sát đặt ra là liệu hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama sắp tới có đảo ngược được tình trạng đi xuống trong quan hệ Mỹ - Trung?
Ngọc Tiến
Theo Thời báo Ngân hàng