Australia sẽ sửa đổi điều kiện cấp thị thực cho người nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, đa phần là công dân Trung Quốc, muốn định cư ở đất nước này.
Nhân tố có thể chi phối vấn đề Biển Đông trong ASEAN
- Cập nhật : 10/08/2015
(Bien Dong)
Khi Trung Quốc ngày càng thân thiết với các nước thành viên trong khối ASEAN, giới phân tích không khỏi nghi ngờ mối quan hệ này có thể tác động đến cách tiếp cận của họ về vấn đề Biển Đông.
Từ trái sang phải, ngoại trưởng Australia, Brunei, Campuchia, Trung Quốc và Indonesia dự một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Malaysia. Ảnh: Reuters
Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 48 "ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số bộ trưởng đối với việc cải tạo, bồi đắp ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".
Alejandro Del Rosario, cựu đại sứ Philippines tại Hungary cho rằng hội nghị vừa qua một lần nữa chứng minh ASEAN chia rẽ về vấn đề Biển Đông. Theo ông, có thể thấy rõ điều đó khi các ngoại trưởng phải chật vật mới đạt được sự đồng thuận về đoạn viết về tranh chấp Biển Đông trong tuyên bố.
Theo các nguồn tin ngoại giao, khi soạn thảo tuyên bố chung, trong khi Philippines và Việt Nam dùng cách diễn đạt cứng rắn, thì một số quốc gia trong ASEAN có quan hệ truyền thống với Trung Quốc lại có xu hướng ngược lại. Theo AFP, việc này biểu lộ sự khác biệt trong quan điểm và sự ảnh hưởng từ bên ngoài tác động vào các nước thành viên ASEAN. Một số nước tuy lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, thì vẫn mong muốn duy trì mối quan hệ suôn sẻ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc cũng rất khéo léo "quyến rũ" các nước ASEAN về mặt kinh tế vì nước này có tiềm lực mạnh về thương mại, đầu tư, và là đối tác lớn của các nước ASEAN. Trong hội nghị vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đưa ra một kế hoạch 10 điểm mới để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - ASEAN, và còn nhấn mạnh rằng đề xuất này sẽ vượt qua bất kỳ xích mích lãnh thổ nào. Khi làm vậy, ông muốn thể hiện Trung Quốc là một nhân tố có sức ảnh hưởng lớn với Đông Nam Á, cây bút Trefor Moss của WSJ nhận định.
Tương tự như tuyên bố mà các lãnh đạo ASEAN đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4, thông cáo chung trong hội nghị ở Malaysia cũng không nêu rõ Trung Quốc là bên có những hành vi đáng lên án. The Strait Times đánh giá rằng có ít tiến bộ trong đối thoại giữa các nước ASEAN, còn ông Del Rosario cho rằng đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của khối, nhưng Bắc Kinh sẽ chẳng bối rối bởi tuyên bố vẫn chưa đồng lòng này.
Xích lại gần Trung Quốc
Một nhà ngoại giao trong phiên trao đổi ở Kuala Lumpur nói Trung Quốc đã "bắt thóp" được cách thức ASEAN làm việc về vấn đề Biển Đông. "Hãy nhìn những gì xảy ra ở Campuchia", người này nói.
Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2012, Campuchia, với tư cách là nước chủ nhà, có lập trường tương tự như Trung Quốc là việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông chỉ nên diễn ra song phương, giữa các bên đòi chủ quyền. Tuy nhiên, Philippines bác bỏ điều đó, khiến ASEAN không thể đạt được đồng thuận và lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung trong 45 năm.
Tại hội nghị lần này, sau khi Trung Quốc nói rằng tranh chấp Biển Đông không nên được bàn trong cuộc họp của ASEAN thì Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng bày tỏ ý kiến rằng ông sẽ hài lòng nếu để vấn đề này ở ngoài lề, theo Khmer Times.
Phnom Penh nhận nhiều hỗ trợ về kinh tế và quốc phòng từ Bắc Kinh. Các nhà phân tích cho rằng khi ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia gia tăng, thì Phnom Penh sẽ ít sẵn lòng hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á trong việc chống lại sự bành trướng trên biển nhanh chóng của Trung Quốc hơn.
"Về mặt nội bộ, Campuchia chả mất gì khi đứng về phía họ (Trung Quốc)", Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học New South Wales nhận định. "Đối với Campuchia, tăng cường hỗ trợ từ phía Trung Quốc là điều cần thiết. Trung Quốc giống như một con mèo biết sẽ được âu yếm", ông nói thêm.
Ngoại trưởng Trung Quốc và người đồng nhiệm Thái Lan tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Ảnh: AFP
Tuy Thái Lan, nước không có tranh chấp ở Biển Đông, không phải là một đồng minh lâu năm của Trung Quốc, hai nước dường như đang xích lại gần nhau. Đáp lại câu hỏi của phóng viên về quan hệ ngoại giao hai bên,Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, tướng Tanasak Patimapragorn, công khai thể hiện sự thân thiết khi nói rằng: "Nếu là phụ nữ, tôi sẽ yêu ngoại trưởng Trung Quốc".
Thái Lan vốn là đồng minh lâu năm nhất của Mỹ tại châu Á. Tuy nhiên, kể từ cuộc đảo chính năm 2014, quan hệ của nước này với Washington trở nên căng thẳng. Trong khi đó, Bắc Kinh nhanh chóng "lấy lòng" những lãnh đạo mới của Bangkok với một loạt các cuộc gặp gỡ cấp cao kể từ tháng 5/2014.
Thái Lan đã đặt mua ba tàu ngầm Trung Quốc hồi tháng trước. Bangkok hồi tháng 7 đáp ứng Bắc Kinh, trục xuất hơn 100 người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Songkhla.
Benjamin Zawacki, một nhà nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhận định rằng, khi nhìn vào tình hình Thái Lan trong thập kỷ gần đây, đặc biệt là trong vòng vài năm qua, thực sự có khả năng Thái Lan đang dịch về phía Trung Quốc. "Trong trường hợp này, Trung Quốc sắp thay thế Mỹ và chiều hướng này khó có thể chậm lại".
Tại hội nghị ở Malaysia, trong khi có luồng ý kiến nghi ngờ việc Trung Quốc tuyên bố dừng cải tạo ở Biển Đông và kêu gọi các nước thúc đẩy đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC), thì ông Patimapragorn lại ca ngợi việc này. Ông nói rằng ông hoan nghênh Bắc Kinh làm việc với ASEAN và "một giai đoạn bàn bạc mới" sẽ thúc đẩy sớm đạt được COC.
Khi Trung Quốc ngày càng thân thiết với các nước thành viên trong khối ASEAN, giới phân tích không khỏi nghi ngờ mối quan hệ này có thể tác động đến cách tiếp cận của họ về vấn đề Biển Đông, khiến khối khó đạt được đồng thuận.
Del Rosario cũng bày tỏ lo ngại rằng khi ASEAN còn bận bịu cố gắng giải quyết các tuyên bố chủ chồng lấn và phương pháp tiếp cận khác nhau của các thành viên, thì Trung Quốc đã có thời gian để giành được chỗ đứng vững chắc ở Biển Đông.