Nghị viện châu Âu kêu gọi Anh sớm rời EU
Cựu Tư lệnh NATO coi Nga là mối đe dọa đối với toàn bộ trật tự thế giới
Báo Trung Quốc tuyên bố thừa sức buộc tàu Philippines mắc cạn rời bãi Cỏ Mây
Sau Brexit, tiếng Anh sẽ không còn là ngôn ngữ chính thức của EU
Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sắp điện đàm lần đầu sau vụ bắn hạ Su-24
Tin thế giới đọc nhanh 11-08-2015
- Cập nhật : 11/08/2015
Tạp chí The Economist sắp đổi chủ
Tập đoàn truyền thông Pearson dự kiến sẽ tuyên bố bán lại cổ phần trong tạp chí The Economist với giá khoảng 400 triệu Bảng Anh ngay trong tuần này - nguồn tin thân cận tiết lộ với tờ Financial Times.
Gia tộc De Rothschild và công ty đầu tư Exor của gia tộc Agnelli của Italy nhiều khả năng sẽ là những người thâu tóm số cổ phần trên để trở thành những cổ đông lớn nhất trong The Economist Group - công ty xuất bản tờ The Economist.
Tuy vậy, theo nguồn tin, các cuộc đàm phán về thương vụ này vẫn đang được tiến hành.
Pearson bán lại cổ phần trong The Economist Group sẽ là vụ thay đổi quyền sở hữu lớn nhất của tờ tạp chí kể từ năm 1957, khi Pearson thâu tóm cổ phần 50% của tờ tạp chí này cùng với tờ báo Financial Times.
Tháng trước, Pearson đã nhất trí bán lại tờ Financial Times cho tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật Bản với giá 844 triệu Bảng. Ngay sau đó, Pearson tuyên bố đang đàm phán bán lại cổ phần trong The Economist.
Việc Pearson bán lại Financial Times và cổ phần trong The Economist thuộc chiến lược của tập đoàn này, chuyển sang tập trung vào lĩnh vực kinh doanh giáo dục.
Exor hiện nắm cổ phần 4,7% trong The Economist Group, trong khi nhà Rothschild kiểm soát khoảng 21%.
Ngoài tờ The Economist, The Economist Group còn có dịch vụ thông tin kinh tế Economist Intelligence Group, trang thông tin lập pháp Mỹ CQ Roll Call, và một số mảng kinh doanh khác.
Công ty này đạt lợi nhuận hoạt động 60 triệu Bảng trong năm 2014, bất chấp năm thứ ba liên tiếp chứng kiến doanh thu suy giảm một phần so doanh thu quảng cáo báo in đi xuống. Năm ngoái, Earnst & Young định giá The Economist Group ở mức khoảng 730 triệu Bảng, cao gấp 3 lần so với hồi năm 2003.
Tạp chí The Economist ra đời từ năm 1843 và hiện đạt lượng phát hành 1,6 triệu bản mỗi tuần. Trong số độc giả của tạp chí uy tín này có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia.
Sau khi bán Financial Times, tài sản duy nhất còn lại trong lĩnh vực truyền thông của Pearson là cổ phần 47% trong nhà xuất bản sách Penguin Random House
“Đại gia” khí đốt Nga lãi lớn vì... Rúp mất giá
Mặc dù giá khí đốt ở châu Âu, thị trường xuất khẩu chủ đạo của Gazprom, giảm 24% xuống còn 284,2 USD/1.000 mét khối trong quý 1, mức giá tính bằng Rúp tăng 37%.
Tập đoàn Gazprom của Nga, hãng sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới, vừa công bố lợi nhuận quý 1/2015 tăng 71%, vượt xa dự báo của giới phân tích. Hãng tin Bloomberg cho biết, đồng Rúp mất giá mạnh đã bù đắp cho sự sụt giảm của giá nhiên liệu và khối lượng xuất khẩu khí đốt đi xuống của Gazprom.
Theo một tuyên bố mà Gazprom đưa ra ngày 10/8, lợi nhuận ròng của hãng trong quý 1 tăng lên mức 382 tỷ Rúp, tương đương 5,9 tỷ USD, từ mức 223 tỷ Rúp cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận này cao hơn mức lợi nhuận 353 tỷ USD mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Doanh thu quý 1 của Gazprom tăng 5,7%, đạt mức 1,65 nghìn tỷ Rúp.
Lợi nhuận của Gazprom, công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất Nga, tăng ngay cả khi giá dầu sụt giảm sâu gây sức ép giảm lên giá xuất khẩu khí đốt của nước này. Trong hầu hết các hợp đồng xuất khẩu khí đốt của Nga, giá bán khí đốt được ràng buộc với giá dầu. Giá dầu thô Brent giảm 48% trong năm 2014, mạnh nhất kể từ năm 2008.
Theo ước tính của Bloomberg dựa trên dữ liệu của cơ quan hải quan Nga, giá xuất khẩu khí đốt trung bình của Nga trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Hồi tháng 7, Chính phủ Nga tuyên bố Gazprom có thể sẽ cắt giảm sản lượng khai thác khí đốt xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay do nhu cầu giảm tốc tại thị trường trong nước và Ukraine.
Mặc dù giá khí đốt ở châu Âu, thị trường xuất khẩu chủ đạo của Gazprom, giảm 24% xuống còn 284,2 USD/1.000 mét khối trong quý 1, mức giá tính bằng Rúp tăng 37%.
Trong quý 1, Gazprom xuất khẩu 39,1 tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. “Môi trường hoạt động của ngành đang tiếp tục có nhiều thách thức”, Gazprom nhận định.
Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã tăng lên từ cuối tháng 5 nhờ giá giảm sâu. Bởi vậy, Gazprom dự báo khối lượng xuất khí đốt cao kỷ lục sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.
Gazprom có kế hoạch trả cổ tức dựa trên lợi nhuận năm 2015 không hề thấp hơn so với năm ngoái, cho dù doanh thu tính bằng ngoại tệ của hãng giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ. “Đại gia” khí đốt này hưởng lợi nhờ đồng Rúp yếu bởi hầu hết chi phí của hãng được tính bằng đồng nội tệ, trong khi phần lớn doanh thu lại là USD và Euro.
Trong quý 1 năm nay, tỷ giá trung bình của đồng Rúp là 62,16 Rúp đổi 1 USD, so với mức 34,95 Rúp tương đương 1 USD cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga.
Khủng bố tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc tấn công kép nhằm vào lãnh sự quán Mỹ và trụ sở cảnh sát ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra ngay sau khi Mỹ quyết định sử dụng căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ làm địa bàn chính để không kích IS.
Vào lúc 1g sáng 10-8 (theo giờ địa phương), một chiếc xe hơi đột ngột phát nổ ngay tại trụ sở cảnh sát ở quận Sultanbeyli, Istanbul làm 3 người chết và 10 người khác bị thương, trong đó có 3 cảnh sát.
Vụ nổ làm bùng lên một đám cháy lớn khiến một toà nhà ba tầng đổ sập và phá hủy nhiều toà nhà cùng 20 chiếc xe hơi đỗ gần đó.
Ngay sau khi quả bom phát nổ, một cuộc xô xát giữa cảnh sát và một nhóm phiên quân lại tiếp tục diễn ra khi nhóm người này định châm lửa định đốt đồn. Cuộc xô xát làm một viên chức cấp cao của sở cảnh sát và hai kẻ tấn công thiệt mạng.
Hiện cảnh sát vẫn chưa xác định được nhóm phiến quân này thuộc băng nhóm khủng bố nào.
Vụ khủng bố thứ hai nhắm vào lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul khi hai kẻ lạ mặt dùng súng tấn công các nhân viên an ninh tại đây.
Truyền thông địa phương cho biết hai kẻ tấn công - một nam một nữ đã bỏ trốn ngay sau khi cảnh cảnh sát đến phản pháo lại loạt đạn. Hiện người phụ nữ gây ra vụ tấn công đang bị cảnh sát bắt giữ.
Theo báo cáo từ phía cảnh sát, không có bất cứ thương vong nào được ghi nhận trong vụ tấn công thứ hai.
Hai cuộc tấn công liên tiếp xảy ra trong thời điểm căng thẳng gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này tấn công hàng loạt cứ điểm quân sự của IS.
Anh, Tây Ban Nha căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ
Quan hệ ngoại giao giữa Anh và Tây Ban Nha đang rơi vào căng thẳng khi chính phủ Anh tuyên bố tàu Tây Ban Nha xâm phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của Anh; trong khi đó, phía Tây Ban Nha bác bỏ cáo buộc này.
Cực hữu Ukraine nổi loạn đòi “tắm máu” một thành phố
Phe cực hữu ở Ukraine lại nổi loạn, lên kế hoạch tổ chức một hành động khiêu khích quy mô lớn tại Odessa, tương tự vụ thảm sát tại đây hồi năm ngoái.
Ngày 9/8, phe cực hữu kích động hàng loạt người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa kéo về Odessa nhằm thực hiện một cuộc biểu tình đối chọi với nhóm hoạt động chống Maidan.
Theo Sputnik, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine được cho là sẵn sàng tấn công những người không đồng ý với tư tưởng chính trị của họ. Sự hung hăng của những người ủng hộ Phe cực hữuđược đánh giá là rất dễ xảy ra nguy cơ một vụ “tắm máu” trên đường phố Odessa, tương tự như hồi tháng 5/2014, khi các phần tử dân tộc cực đoan tàn nhẫn sát hại 48 người tại Nhà Công đoàn trong cuộc đụng độ với các nhà hoạt động chống Maidan.
Thời gian gần đây, hoạt động của Phe cực hữu Right Sector được cho là mất kiểm soát. Ngày 11/7 đã xảy ra vụ đấu súng tại Mukachevo giữa các chiến binh cánh hữu và cảnh sát địa phương đã khiến 3 người chết, 13 người bị thương. Thủ lĩnh phe cánh hữu Dmytro Yarosh đổ lỗi cho phía cảnh sát địa phương nổ súng trước, cho dù theo nhiều nguồn tin địa phương, các tay súng cực hữu đã vừa lái ô tô vừa xả súng vào một quán bar ở thị trấn Mukachevo.
Sau đó, hôm 22/7, hàng nghìn người Kiev ủng hộ phe Cực hữu tổ chức biểu tình đòi Tổng thống Ukraine phải từ chức, đồng thời đẩy mạnh tấn công lực lượng miền Đông. Các thành viên Right Sector có vũ khí, thể hiện rõ sự thách thức chính quyền của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Tổ chức cực hữu chính là lực lượng đã tham gia vào các cuộc biểu tình bạo động trên quảng trường Maidan vào đầu năm 2014, dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống khi đó là Viktor Yanucovich. Khi xung đột tại miền Đông Ukraine nổ ra, các thành viên của nhóm cũng cùng quân đội chính phủ chống lại lực lượng đối lập.
Tuy nhiên, phong trào này thường xuyên có mâu thuẫn trong chính sách với chính phủ. Họ khẳng định đang cố gắng chống tham nhũng và bất công tại Ukraine, nhưng chính quyền Kiev lại cáo buộc nhóm này sử dụng bạo lực để thực hiện mục đích của mình