Những hành động làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông đang khiến ASEAN thêm đoàn kết, khi những quốc gia từng tỏ ra trung lập nay đã công khai phản đối Bắc Kinh, các chuyên gia nhận định.
Tin thế giới đọc nhanh tối 10-08-2015
- Cập nhật : 10/08/2015
Anh phát hiện 17 người Việt trốn trong xe tải vượt biên
Express cho hay vào 16h chiều 8/8, cảnh sát nhận được cuộc gọi báo cáo về một chiếc xe tải khả nghi đang di chuyển trên đường cao tốc M25, hạt Hertfordshire. Cảnh sát đã bám theo chiếc xe và chặn nó lại.
18 người bị phát hiện trốn sau thùng xe đã bị tạm giữ. Theo Bộ Nội vụ, có 17 người được xác định là công dân Việt Nam, trong đó, 15 người là thiếu niên. Giới chức vẫn đang tiến hành xác định độ tuổi để xác thực liệu có phải họ dưới 18 tuổi hay không.
Thông tin về người còn lại chưa được tiết lộ.
Tài xế 40 tuổi, người Ba Lan, đã bị bắt với cáo buộc tiếp tay cho nhóm người trên vượt biên vào Anh trái phép. Ông có thể bị phạt lên tới 36.000 bảng Anh (gần 56.000 USD).
"Các nhóm hành pháp về nhập cư của chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với cảnh sát và các cơ quan khác để triệt phá các nhóm tội phạm buôn lậu người nhập cư vào Anh. Chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường an ninh biên giới để ngăn chặn những người nhập cư trái phép vào Anh ngay từ bước đầu tiên", phát ngôn viên Bộ Nội vụ cho biết.
Quan chức này cho hay năm ngoái, giới chức Anh và Pháp đã sử dụng các công nghệ theo dõi để ngăn chặn gần 40.000 trường hợp vượt biên qua kênh Anh (Eo biển Manche), nối Anh với Pháp. Con số này gấp đôi so với năm trước đó.
Bão Soudelor làm 14 người chết ở miền đông Trung Quốc
Nhân viên cứu hộ bước đi giữa đường ngập lụt tại Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hôm 9/8. Ảnh: Reuters
12 người thiệt mạng và 4 người mất tích ở trong và xung quanh thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, nơi mưa lớn gây lở đất và nhiều ngôi nhà sập tối 8/8, Xinhua đưa tin. Hãng cũng cho biết hai người thiệt mạng tại thành phố Lệ Thuỷ, liền kề Ôn Châu.
Các quan chức cứu trợ thiên tai địa phương cho hay những người chết và mất tích có thể do bị lũ cuốn trôi hoặc chôn vùi do nhà sập. Khoảng 1,58 triệu người trong ở tỉnh Chiết Giang chịu ảnh hưởng của bão tính đến chiều qua, và thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính khoảng 4 tỷ nhân dân tệ (644 triệu USD).
Tại huyện Văn Thành gần đó, lượng mưa lên tới 645 mm trong 24 giờ, lớn nhất trong vòng 100 năm, sau khi bão đổ bộ tối 8/8. Bão đã đổ bộ tỉnh Phúc Kiến và làm hơn ba triệu hộ gia đình mất điện, nhưng sau đó hơn một phần ba đã có điện lại, tính đến sáng qua.
Bão Soudelor tuần trước được gọi là lớn nhất trong năm với vận tốc gió đạt 230 km/h nhưng hiện đã suy yếu. Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc dự báo nó sẽ hạ cấp thành bão nhiệt đới vào tối 9/8 khi di chuyển sâu vào đất liền.
Trước đó, bão quét qua Đài Loan làm 6 người chết và 379 người bị thương.
Mỹ bác tin yêu cầu tổng thống Hàn không tới Trung Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong chuyến thăm năm 2013. Ảnh: EPA
"Chúng tôi không yêu cầu Tổng thống Park không đến dự buổi lễ ở Trung Quốc", Nhà Trắng hồi đáp yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Yonhap.
Tại Seoul, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bác bỏ bài báo. "Bài báo không đúng", một quan chức Bộ Ngoại giao nói. "Sự việc như thế sẽ không bao giờ xảy ra".
Hãng thông tấn Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao và chính phủ Mỹ trước đó cho biết Washington nói với Hàn Quốc rằng nếu Tổng thống Park Geun-hye dự lễ kỷ niệm ngày 3/9 tại Bắc Kinh, điều này sẽ gửi sai thông điệp tới thế giới. Thông điệp đó là Trung Quốc làm rạn nứt liên minh Mỹ - Hàn. Mỹ bày tỏ quan ngại thông qua đại sứ quán tại Seoul và các kênh khác, báo viết.
Bà Park nằm trong số các nguyên thủ quốc gia Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời tham dự lễ kỷ niệm sự kiện kết thúc Thế chiến II và phát xít Nhật đầu hàng.
Trung Quốc chiến đấu cùng các đồng minh phương Tây trong chiến tranh, và nước này dự kiến kỷ niệm chiến thắng với quy mô chưa từng có trong năm nay. Theo Korea Times, điểm nhất của sự kiện là một cuộc diễu hành quân sự chung, trong đó có lực lượng vũ trang Trung Quốc và các nước.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và các lãnh đạo Tây Âu nhiều khả năng từ chối lời mời của ông Tập, trong bối cảnh Washington quan ngại về việc Bắc Kinh tăng chi tiêu quân sự. Hiện vẫn chưa rõ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nhận lời mời của ông Tập hay không.
Mỹ điều 6 chiến đấu cơ đến Thổ Nhĩ Kỳ không kích IS
Lầu Năm Góc hôm qua cho biết lực lượng được điều đến Thổ Nhĩ Kỳ là một phần nhỏ của Phi đội 31 đóng tại Căn cứ Không quân Aviano, Italy, theo Reuters.
Cùng với các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại căn cứ Không quân Incirlik, các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các mục tiêu của IS ở nước láng giềng Syria được đánh giá có thể là một thuận lợi lớn. Trước đó các chuyến bay này phải xuất phát chủ yếu từ vùng Vịnh.
"Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của liên minh hơn 60 quốc gia, cam kết truy đuổi các phiến quân IS nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực", tuyên bố của Lầu Năm Góc cho hay.
Sau một thời gian dài lưỡng lự, Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân để tấn công nhóm IS, chính thức tham gia vào cuộc chiến chống lại những kẻ cực đoan.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với tình trạng mất an ninh gia tăng dọc biên giới dài đến 900 km với Syria, với lo ngại cuộc xung đột ở nước láng giềng có thể tràn vào vùng đất của Thổ Nhĩ Kỳ và khiến quan hệ với cộng đồng người Kurd trở nên tồi tệ hơn.
Syria là một trong hai khu vực lớn, cùng Iraq, bị các phiến quân quá khích IS chiếm giữ hơn một năm. Sau khi sử dụng chiêu bài hành hình tù binh, gần đây IS tiến hành nhiều vụ đánh bom tự sát nhằm gây sức ép với liên minh các nước chống lại chúng.
Quan chức "cấp thấp" Trung Quốc tham nhũng hơn 130 triệu USD
Ngày 10-8, truyền thông Trung Quốc đưa tin một quan chức cấp thấp tại thủ đô Bắc Kinh biển thủ hơn 130 triệu USD tiền công quỹ.
Đây là một trong những vụ án tham nhũng có số tiền sai phạm lớn nhất tại Trung Quốc kể từ khi nước này mở chiến dịch chống tham nhũng - Ảnh: Telegraph
Đây là một trong những vụ án tham nhũng có số tiền sai phạm lớn nhất từng bị phát hiện kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham nhũng “đánh cả ruồi (quan chức cấp thấp) lẫn hổ (lãnh đạo cấp cao)”.
Theo Tân Hoa xã, ông Zhang Peishan, một cựu quan chức cấp thấp trong ngành nông nghiệp ở một khu ngoại ô thành phố Bắc Kinh, biển thủ 821 triệu NDT (132,2 triệu USD) từ năm 2008 đến 2014.
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) xác định ông Zhang dùng số tiền khổng lồ này vào các thương vụ đầu tư tài chính.
Zhang cũng bơm 3 triệu NDT vào một tài khoản đầu tư cá nhân và kiếm chác lợi nhuận từ đó. Không rõ tổng số tiền hơn 130 triệu USD này có bao gồm lợi nhuận ông ta kiếm được từ thị trường chứng khoán Trung Quốc hay không.
Tân Hoa xã cho biết Zhang bị khai trừ khỏi đảng và vụ điều tra ông ta được chuyển cho viện kiểm sát. Zhang là một trong số 165 quan chức bị CCDI bêu tên vì tội nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, vô trách nhiệm, chi tiêu công quỹ bừa bãi…
Đến nay, hàng nghìn quan chức các cấp ở Trung Quốc, bao gồm một số cựu lãnh đạo cao cấp như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hi Lai, Từ Tài Hậu…, đã bị điều tra và xét xử.