Tổng thống Putin tuyên bố tiếp tục không kích IS ở Syria
Hàng trăm doanh nghiệp Anh phản đối việc rời khỏi EU
Dân Ukraine đã "mất sạch" niềm tin vào chính quyền
Chính trường Nhật Bản biến động mạnh, ông Abe đối mặt thách thức lớn.
Trên 800 người Hồi Giáo từ Đức đổ tới Trung Đông tham chiến
Hành trình ra nước ngoài tham chiến của binh sĩ Nhật Bản
- Cập nhật : 22/09/2015
(The gioi)
Để có vai trò tích cực hơn trong cấu trúc an ninh khu vực, quân đội Nhật Bản phải vượt ra rất nhiều thách thức.
Sáng sớm ngày 19/9, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh do chính phủ đề xuất, lần đầu tiên sau Thế chiến II cho phép quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài để thực thi "quyền phòng vệ tập thể". Dự luật này được thông qua sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền ông Abe trước sự ngăn cản, phản đối của phe đối lập và cả một bộ phận người dân Nhật Bản, Reuters đưa tin.
Theo luật an ninh mới, quân đội Nhật Bản giờ đây được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nghĩa là được phép điều quân ra nước ngoài tham chiến khi thỏa mãn ba điều kiện cụ thể. Đó là khi Nhật Bản hoặc một đồng minh thân cận bị tấn công, có thể gây đe dọa đến sự tồn vong của nước Nhật và gây nguy hiểm rõ rệt đến người dân; khi không còn cách nào khác để đẩy lùi cuộc tấn công; và việc sử dụng vũ lực được hạn chế ở mức cần thiết tối thiểu.
Luật an ninh mới là sự thay đổi lớn nhất đối với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) kể từ sau Thế chiến II. Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản quy định rằng quân đội nước này chỉ được xây dựng để tự bảo vệ mình và đất nước, và về bản chất phải là một lực lượng đơn thuần "phòng vệ". Nói cách khác, các binh sĩ Nhật Bản sẽ không được phép tham chiến ở nước ngoài, và chỉ được nổ súng phản công trong trường hợp bị tấn công, xâm lược, theo Diplomat.
Ngoài ra, luật an ninh mới còn cho phép Nhật Bản đóng góp nhiều hơn cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trong đó có hoạt động hỗ trợ hậu cần cho quân đội các nước khác và bảo vệ nhân viên dân sự của phái bộ. Trước đây, các binh sĩ Nhật Bản tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc chỉ được thực hiện các nhiệm vụ phi tác chiến, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng hay hoạch định chính sách.
'Nhân viên bưu điện'
Sau khi Nhật Bản hứng chịu hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật hoàng Hirohito đã tuyên bố trước người dân rằng việc tiếp tục chiến tranh với phe Đồng minh sẽ "gây ra sự sụp đổ và diệt vong của đất nước Nhật Bản", và quyết định ra lệnh cho binh sĩ nước này hạ vũ khí đầu hàng.
Sau thế chiến, người dân Nhật Bản không có những nhân vật như Hitler hay đảng Quốc xã để đổ lỗi cho cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2,7 triệu quân nhân Nhật và dân thường, phá hủy 66 thành phố lớn. Vì vậy, quân đội trở thành nơi hứng chịu chỉ trích của người dân vì bị cho là đã lừa dối họ và lôi kéo đất nước vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Báo cáo của cảnh sát Nhật Bản cho thấy ngay sau khi quân đội đầu hàng phe Đồng minh, người dân nước này đã thể hiện sự "tức giận, thất vọng, căm ghét đối với quân đội và các lãnh đạo dân sự" cùng "lòng thù hận quân đội" nói chung.
Nỗi ác cảm đối với quân đội này sâu rộng đến mức ngay cả khi SDF được thành lập và được người dân chấp nhận, đến những năm 1960, tân binh nhập ngũ thỉnh thoảng vẫn bị ném đá trên đường, và khi họ xuất hiện nơi cộng cộng, đám đông lập tức đứng dậy và bỏ đi. Một bộ phận người dân Nhật Bản vẫn cho rằng quân đội nước này tồn tại không vì mục đích thực sự nào, và hầu như không bảo vệ được gì. Kể từ khi thành lập, SDF chưa từng tham gia một trận chiến nào, và cũng chưa có được bất cứ chiến thắng quân sự nào.
Một cuộc thăm dò dư luận đầu năm 2015 cho thấy 82% người dân được hỏi cho rằng nhiệm vụ chính của SDF là tìm kiếm cứu nạn, và 72,3% tin rằng đây vẫn phải là nhiệm vụ chủ yếu của họ trong tương lai. Có lẽ đây là lý do tại sao cho đến ngay nay, SDF vẫn gọi vũ khí của mình là "trang bị", các lữ đoàn pháo binh là "lữ đoàn kỹ thuật", còn xe tăng thì được gọi là "phương tiện đặc biệt", nhằm giảm nhẹ tính quân sự trong lực lượng vũ trang của mình.
Theo ông Thomas Berger, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Boston, "những thanh niên tài giỏi, thông minh nhất của Nhật không tham gia lực lượng vũ trang, và SDF hầu như không được ca ngợi trong xã hội Nhật Bản". Một cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy chưa đầy một nửa người dân Nhật được hỏi cho rằng làm lính là một nghề cao quý, và chỉ có 25,4% số người coi binh nghiệp là nghề khó khăn, thử thách.
"Các cuộc khảo sát trong nội bộ SDF cho thấy đa số binh sĩ gia nhập lực lượng vì họ hy vọng được hưởng điều kiện vật chất tốt hơn. Đó được coi là một nghề an toàn, đáng tin cậy, và có địa vị xã hội tương đương với nhân viên bưu điện", ông Berger giải thích.
Từ lâu SDF đã nổi tiếng là "điểm hẹn" của các học sinh Nhật Bản trượt đại học. Quân số của họ chủ yếu đến từ vùng sâu vùng xa, như Kyushu ở miền nam hay Honshu ở miền bắc, và đặc biệt là từ Akita và Hokaido, nơi thanh niên có rất ít cơ hội việc làm. Phần lớn thanh niên đi lính là từ những gia đình hạng thấp hoặc trung bình thấp, còn các sĩ quan thường có xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Sau khi nhập ngũ, họ thường phục vụ cho đến khi nghỉ hưu ở độ tuổi ngoài 50 một cách âm thầm lặng lẽ.
"Nhật Bản không có kiểu ‘tôn thờ anh hùng’ quân đội để có thể giúp các quân nhân kiếm thêm thu nhập bằng cách viết sách hay giảng dạy sau khi nghỉ hưu", ông Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại tại Đại học Temple Nhật Bản, giải thích.
Với việc luật an ninh mới được thông qua, quân đội Nhật Bản được kỳ vọng sẽ vượt quanh những định kiến của xã hội để thể hiện được vai trò và sức mạnh của mình một cách tích cực hơn. "Tôi muốn tiếp tục giải thích một cách kiên trì và nhã nhặn về các luật", ông Abe tuyên bố sau khi dự luật được thông qua, nhằm giúp đạo luật này đứng vững trước những hoài nghi của dư luận.
Nỗi lo về vai trò mới
Với việc đạo luật an ninh được thông qua, giờ đây các binh sĩ Nhật Bản sẽ phải sẵn sàng để trở thành những lính chiến thực sự, không còn giống như "nhân viên bưu điện" sống an toàn và yên ổn cho đến khi nghỉ hưu nữa. Thực tế đó đã gây ra những phản ứng trái chiều trong những binh sĩ SDF và gia đình họ.
Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của bố mẹ binh sĩ SDF là sự an toàn của con em họ khi được cử đi thực hiện nhiệm vụ ở những khu vực xung đột theo chính sách an ninh mới. "Các thành viên SDF giờ đây phải đối mặt với rủi ro lớn. Dù chính phủ nói rằng luật này sẽ tăng cường khả năng răn đe, tôi vẫn cảm thấy nguy cơ đối với chúng tôi cũng lớn hơn", một sĩ quan thuộc Sư đoàn Hai đóng quân ở Hokkaido nói với phóng viên tờ Asahi Shimbun.
Tuy nhiên quân nhân này vẫn háo hức với vai trò mới của SDF. "SDF vẫn thường thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình (PKO), và những sĩ quan thực hiện nhiệm vụ này khi trở về đều trưởng thành hơn. Dù sao PKO vẫn là một môi trường thực tế, và tôi muốn tham gia sứ mệnh đó để có được cảm giác hoàn thành nhiệm vụ", sĩ quan này tâm sự.
Một trung úy hơn 40 tuổi đóng quân ở miền tây Nhật Bản cũng lên tiếng chỉ trích những cuộc biểu tình của người dân chống lại việc thông qua luật an ninh mới. "Tôi cho rằng việc họ quan niệm luật mới sẽ khiến các binh sĩ phải lập tức tới vùng chiến sự là không đúng. Tôi tự hỏi không hiểu họ có hiểu đầy đủ hiến pháp hay không".
Trong khi Thượng viện Nhật Bản thảo luận về việc thông qua dự luật vào tối qua, một phụ nữ ở Kanto lập tức gọi điện cho con trai, một sĩ quan từng được cử đi tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Iraq. "Nếu nó trở nên nguy hiểm, con hãy xin xuất ngũ và về nhà nhé", người mẹ ngoài 60 tuổi này dặn dò con trai.
Tuy nhiên, sĩ quan này khẳng định anh sẽ chấp hành mệnh lệnh nếu được điều động ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ một lần nữa. "Tôi biết nó là đứa luôn có ý thức cao về chấp hành nhiệm vụ. Nếu có sức, tôi đã tham gia các cuộc biểu tình chống lại dự luật rồi", người mẹ than thở.
Một người mẹ khác có con đang phục vụ trong không quân ở căn cứ Hamamatsu cho biết lúc đầu bà đã phản đối con trai nhập ngũ, nhưng sau đó đổi ý vì nghĩ rằng anh chỉ chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ giảm nhẹ thiên tai. Giờ đây, người mẹ này đang rất lo lắng khi con mình có thể bị điều tới vùng chiến sự.
"Tôi chỉ lo rằng đạo luật này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của SDF. Tôi không biết các chính trị gia sẽ nghĩ gì nếu con cái họ là người sẽ bị đưa tới vùng chiến sự", người mẹ này cho biết.
Một trong những lý do giúp luật an ninh mới của ông Abe được thông qua là luận điểm cho rằng môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng trở nên nguy hiểm, sau những cuộc phóng thử tên lửa của Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Các nghị sĩ ủng hộ dự luật cho rằng một quân đội năng động hơn là cần thiết để gìn giữ hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản bằng cách răn đe Triều Tiên và Trung Quốc. Mục đích chính của dự luật là tạo khuôn khổ pháp lý cho quân đội Nhật Bản phối hợp chặt chẽ hơn nữa với đồng minh Mỹ và tăng cường năng lực chung giữa quân đội hai nước.
Chính phủ Mỹ đã hoan nghênh luật an ninh mới của Nhật Bản và cho rằng nó sẽ tăng cường vai trò an ninh của Tokyo trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ cùng các đồng minh đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.