Bộ trưởng thương mại các nước đồng thuận khả năng tiếp tục triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, trong khi phía Mỹ vẫn quyết "nói không" với TPP.
Chạy đua vũ trang máy bay không người lái ở châu Á
- Cập nhật : 22/09/2015
(Tin Kinh Te)
Các nước ở châu Á đang tăng tốc sở hữu loại máy bay không người lái (UAV) có trang bị vũ khí, tạo xu hướng chạy đua vũ trang loại khí tài này trong khu vực.
Hãng tin Reuters ngày 22-9 dẫn nguồn tin quốc phòng giấu tên của Ấn Độ cho biết nước này đang đẩy mạnh các kế hoạch mua UAV có thể lắp vũ khí do Israel sản xuất.
Mục đích cho phép quân đội nước này thực hiện các cuộc tấn công trên biển mà không cần con người. Pakistan và Trung Quốc cũng đang tăng tốc phát triển phi đội UAV của riêng họ.
Ấn Độ mua 10 máy bay không người lái
Tháng 9-2015, Chính phủ Ấn Độ thông qua yêu cầu mua 10 máy bay không người lái Heron TP của Tập đoàn công nghiệp không gian Israel. Loại máy bay này có thể trang bị vũ khí tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Việc sở hữu phi đội máy bay không người lái này mở ra khả năng bao quát các cuộc tấn công xuyên biên giới cho quân đội Ấn Độ.
Kế hoạch mua máy bay không người lái Heron của Israel lần đầu tiên được Bộ Quốc phòng Ấn Độ đề xuất từ ba năm trước song vẫn chưa được xúc tiến. Cho đến tháng 1-2015, quân đội nước này đã viết thư trình lên chính phủ yêu cầu tăng tốc kế hoạch trên trong bối cảnh tranh chấp vùng Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa giảm nhiệt.
Ấn Độ sẵn sàng triển khai máy bay không người lái do Israel sản xuất, do thám dọc biên giới vùng núi Kashmir cũng như đến vùng biên giới tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian qua.
Một quan chức giấu tên thuộc lực lượng không quân Ấn Độ nhấn mạnh ông hi vọng hợp đồng trị giá 400 triệu USD này sẽ sớm được ký kết với Israel. Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.
"Thật mạo hiểm nhưng các UAV có thể lắp vũ khí để chống lại những cuộc xung đột cũng như thực hiện tấn công du kích nhắm vào bọn khủng bố đang ẩn dật trong vùng núi”- một quan chức quân đội giấu tên của Ấn Độ cho biết.
Cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh trên bộ ở New Delhi - Gurmeet Kanwal cho biết các UAV Heron có thể sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ vào cuối năm 2016 nếu hợp đồng được ký kết. Phi đội này sẽ tăng sức mạnh tấn công cho không quân Ấn Độ.
Pakistan-Trung Quốc tự sản xuất UAV?
Các nguồn tin quân đội Ấn Độ nhấn mạnh việc lên kế hoạch mua máy bay không người lái Heron là phù hợp với thời cuộc khi mà Pakistan và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc phát triển phi đội máy bay không người lái có khả năng chiến đấu của họ.
Trung Quốc dù chưa công khai chiến lược phát triển UAV có khả năng lắp đặt vũ khí nhưng nước này cũng đang tăng ngân sách cho ngành sản xuất UAV.
Gần đây Bắc Kinh thường công bố các mẫu UAV tự sản xuất trong các cuộc triển lãm hàng không quốc tế. Giới chuyên gia quốc tế cho biết kỹ thuật sản xuất UAV của Trung Quốc vẫn còn kém xa so với Israel.
Vài tuần trước, Pakistan lần đầu tiên cũng tuyên bố sử dụng máy bay không người lái do nước này sản xuất trong cuộc tấn công phiến quân trong lãnh thổ của họ.Hiện nay, lực lượng hai nước Pakistan và Ấn Độ vẫn còn nã đạn vào nhau ở khu vực biên giới Kashmir dù chưa vượt qua đường kiểm soát (LoC) trên đất liền hoặc trên không.
Tập đoàn máy bay Thành Đô của Trung Quốc vừa trình làng máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) Wing Loong thế hệ 2 - Ảnh: RIA
Theo Tuổi Trẻ