Nga - Ấn ký thỏa thuận quốc phòng
Hé lộ cuộc nói chuyện bị nghe lén giữa sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ và IS
Mỹ từng có kế hoạch ném bom hạt nhân hủy diệt Liên Xô
Trung Quốc huấn luyện chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh
Nhật điều tra vụ nhà báo bị bắt cóc ở Syria
Obama bối rối trước chiến lược tại Syria của Putin
- Cập nhật : 22/09/2015
(The gioi)
Việc Nga đưa hàng viện trợ kèm thiết bị quân sự hỗ trợ chính quyền Syria, phớt lờ đề nghị dừng của Mỹ khiến chính quyền Tổng thống Obama tiến thoái lưỡng nan.
Suốt 70 năm qua, nhiều đời tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông.
Cựu Tổng thống Harry Truman từng khiến Hồng quân Liên Xô rút khỏi miền bắc Iran năm 1946. Richard Nixon nâng cấp độ cảnh báo hạt nhân để ngăn cản Moscow tái cung ứng vũ khí cho các khách hàng Arab trong chiến tranh Yom Kippur (Arab-Israel) năm 1973. Năm 1979, cựu Tổng thống Jimmy Carter từng đe dọa sử dụng vũ lực để bảo vệ Vịnh Ba Tư sau khi Liên Xô cũ tiến vào Afghanistan năm 1979.
Điều này phần nào cho thấy chính phủ Mỹ hiện nay đang gặp rắc rối trong việc quyết định phải hành động ra sao với động thái của Nga là điều động máy bay quân sự đến Syria để hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar Assad. Mỹ nên nhất quyết phản đối hay kết hợp với Nga đang là một câu hỏi không dễ cho Nhà Trắng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuần trước cảnh báo người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng việc Nga can thiệp vào Syria có thể "làm leo thang xung đột", và "dẫn tới tổn thất lớn hơn về người". Ông Obama cũng nói rằng sự can thiệp của Nga "chắc chắn sẽ thất bại" và rằng Moscow "cần phải khôn ngoan hơn một chút".
Ông Obama cũng từng có nhận xét tương tự khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, nhưng cũng không thay đổi được cục diện. Tuy nhiên, Nhà Trắng có lẽ không dễ từ bỏ và để Nga hành động.
Lựa chọn
Theo cây bút Josh Rogin của Bloomberg, Mỹ có hai lựa chọn. Một là cố gắng đương đầu với Nga tại Syria - phương án nhận được sự ủng hộ từ một số người trong Nhà Trắng. Hai là hợp tác với Nga để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mỹ dường như có cơ hội biến điều bất lợi thành có lợi, bằng cách chấp thuận động thái của Nga như việc đã rồi, trong khi cùng nhau đánh bại kẻ thù chung là IS.
Theo WSJ, viễn cảnh sắp tới có thể là các phi công lái F-18 của Mỹ sẽ sát cánh cùng những chiếc MiG của Nga. Dù việc này có vẻ xa vời, nhưng cũng khó có khả năng ông Obama sẽ có những bước đi làm gia tăng nguy cơ đối đầu với Nga, hoặc chọc giận Iran, nước hỗ trợ cho chính quyền Syria, khi thỏa thuận hạt nhân vừa được ký.
Sự hiện diện của Nga sẽ không giúp đánh bại IS, nhưng có thể giúp bảo vệ chính quyền của ông Assad, trong khi giúp Moscow có thêm trường ảnh hưởng tại Trung Đông.
Nhiều người trong chính quyền Mỹ cho rằng, việc chấp nhận sự tham gia của Nga vào cuộc chiến tại Syria không khác nào thừa nhận rằng, nỗ lực lật đổ chính quyền ông Assad của Washington đã thất bại. Thêm vào đó, họ lo ngại rằng Nga sẽ tấn công các nhóm đối lập tại Syria chống lại ông Assad, dưới vỏ bọc đẩy lùi IS. "Ý định của người Nga là giữ cho ông Assad tại vị chứ không phải là chống lại IS", một quan chức nói với New York Post.
Nhiều người Mỹ cho rằng sự can thiệp của Nga vào Syria lẽ ra đã có thể tránh được nếu Washington quyết định can thiệp vũ lực vào cuộc chiến Syria từ vài năm trước, khi IS chưa tồn tại và Mỹ vẫn còn các đồng minh ôn hòa đáng tin tại Syria. Và lựa chọn có vẻ khả dĩ nhất cho Mỹ vào lúc này là bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Jordan để lập một vùng cấm bay dọc theo biên giới các nước này với Syria, cũng như các khu vực "cấm lái xe vào" ở nơi trú ẩn của dân thường. Mô hình cho chiến dịch này tương tự như Chiến dịch Provide Comfort, từng lập ra một nơi trú ẩn an toàn cho người Kurd năm 1991 trong Chiến tranh vùng Vịnh, và tạo cơ sở cho chính quyền Iraq, đang là đồng minh chống IS của Mỹ.
Họ cũng cho rằng các phi công Nga sẽ không dễ dàng chấp nhận rủi ro đối đầu với hỏa lực và công nghệ Mỹ. Phương án thiết lập vùng cấm bay cũng có thể cụ thể hóa phần nào cam kết của ông Obama trong việc tiếp tục phản đối cách hành xử trong khu vực của Iran. Lựa chọn tốt hơn cho Washington sẽ là nỗ lực vũ trang và huấn luyện cho lực lượng đối lập tại Syria. Dù vậy, đây là điều khó có kết quả một sớm một chiều.
WSJ đánh giá vẫn có cơ hội để tổng thống Mỹ tiếp theo rút ra bài học từ Syria. Nhưng từ giờ đến khi đó, có lẽ không nên mong chờ rằng Nga sẽ thôi khiến chính quyền Obama bối rối.