Mỹ cảnh báo cắt viện trợ Ukraine vì nạn tham nhũng
LHQ công bố mục tiêu phát triển bền vững mới
Đại sứ quán Nga tại Syria bị nã pháo
Nhật Bản tăng cường khả năng răn đe khu vực
Ấn Độ sẽ mua máy bay không người lái của Israel
Luật về an ninh Nhật có gì mới?
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Thượng viện Mỹ khen ngợi Nhật góp phần cổ súy cho hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại lên tiếng phản đối Nhật.
2 giờ 15 phút sáng 19-9 (giờ địa phương), Chủ tịch Thượng viện Nhật Masaaki Yamazaki thông báo Thượng viện đã thông qua hai dự luật về an ninh với 148 phiếu thuận và 90 phiếu chống. Hai dự luật do chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đệ trình hồi tháng 5, đã được Hạ viện thông qua ngày 16-7.
Mở rộng diễn giải điều 9 hiến pháp
Theo báo The Japan Times (Nhật), hai dự luật gồm dự luật đầu tiên nhằm sửa đổi 10 đạo luật về an ninh hiện hành và dự luật thứ hai là luật mới cho phép Nhật triển khai lực lượng phòng vệ ra nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai Nhật thông qua các văn bản luật về an ninh cho phép Nhật đưa quân ra nước ngoài yểm trợ cho nước đồng minh gặp khó khăn.
Điều 9 Hiến pháp hòa bình năm 1947 của Nhật nêu:
“Chân thành mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên công lý và trật tự, nhân dân Nhật sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền tối cao của quốc gia, hoặc từ bỏ đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực như phương cách giải quyết xung đột quốc tế.
Để đạt được mục đích trên, nhân dân Nhật sẽ không bao giờ duy trì các lực lượng lục quân, hải quân và không quân hoặc tiềm lực chiến tranh nào khác. Quyền tham chiến của quốc gia sẽ không được thừa nhận”.
Hiến pháp Nhật chỉ cho phép Nhật có quyền tự vệ khi nước Nhật bị tấn công. Như vậy hai luật mới không sửa đổi hiến pháp mà mở rộng cách diễn giải hiến pháp bằng cách đưa vào một điều khoản gọi là “quyền phòng vệ tập thể”.
Theo điều khoản này, lực lượng phòng vệ Nhật có thể can thiệp để bảo vệ một nước đồng minh hay bạn bè đang gặp khó khăn trong xung đột, nếu không sẽ có đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ Nhật.
Hai luật mới sẽ có hiệu lực trong sáu tháng sau khi Thượng viện thông qua. Chính phủ sẽ xem xét phê chuẩn tình huống nào là tình huống nước Nhật gặp nguy hiểm nếu không sử dụng lực lượng phòng vệ. Sau đó, Quốc hội sẽ bật đèn xanh cho từng trường hợp điều quân ra nước ngoài.
Vì sao dân Nhật sợ đưa quân ra nước ngoài?
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nhiều lần khẳng định hai quan điểm: Lực lượng phòng vệ Nhật không để sa lầy trong các cuộc chiến kéo dài của Mỹ; các đặc quyền quân sự mới dành cho lực lượng phòng vệ chỉ mang tính chất răn đe đối với các nước có tiềm năng đe dọa Nhật.
Ông giải thích trước báo giới: “Đây là luật cần thiết để bảo vệ con người sống trong hòa bình và ngăn ngừa chiến tranh… Chúng tôi mong muốn tiếp tục chính sách ngoại giao hòa bình bằng cách thực hiện các biện pháp cần thiết (đối phó với xung đột)”.
Những người bảo vệ dự luật cho rằng Nhật phải giữ vai trò quốc tế để đối phó với các mối đe dọa trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự hoặc tình hình bất ổn của CHDCND Triều Tiên.
Trái lại, các ý kiến phản đối cho rằng từ ngữ trong các đạo luật mới mơ hồ, không có gì bảo đảm làm đúng như hai quan điểm nêu trên. Ngược lại, nước Nhật có thể bị các quốc gia hoặc tổ chức (như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo) đang chiến tranh với Mỹ xem là kẻ thù mới.
Nỗi lo ngại trở nên gay gắt khi Nhật vẫn tăng cường bảo vệ an ninh các sứ quán sau khi Nhà nước Hồi giáo cắt cổ hai con tin Nhật ở Syria.
Nguyên nhân vì sao?
Người dân Nhật vẫn còn bị Chiến tranh thế giới thứ hai ám ảnh với ba triệu người chết và hai vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Hiến pháp hòa bình đã bảo đảm cho họ sống yên ổn gần 70 năm nay. Bởi thế các trí thức và sinh viên xuống đường phản đối vì sợ Nhật tham chiến.
Phản ứng từ nghị trường đến đường phố
Trước khi thông qua hai dự luật mới vào rạng sáng 19-9, Thượng viện Nhật đã tranh luận hai dự luật suốt ba ngày trong bầu không khí hết sức căng thẳng.
Ngày 17-9, phe ủng hộ hai dự luật (liên minh cầm quyền) và phe phản đối (các nghị sĩ đối lập) đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” trong nghị trường. Nghị sĩ đối lập Tetsuro Fukuyama đã đọc phát biểu một bài diễn văn bốc lửa trong nước mắt giải thích vì sao đảng đối lập gửi kiến nghị đề nghị hoãn thông qua hai dự luật mới.
Ngoài đường phố, đặc phái viên báo Le Monde (Pháp) ghi nhận trong những tuần qua, hầu như ngày nào cũng có hàng chục ngàn người xuống đường phản đối đưa lực lượng phòng vệ Nhật ra nước ngoài.
Vào lúc Thượng viện nhóm họp, 13.000 người đã biểu tình bên ngoài. Các sinh viên lập một phong trào mang tên “Hành động khẩn cấp của các sinh viên vì dân chủ tự do” (SEALDs) để biểu tình phản đối. Biểu tình diễn ra trong không khí hòa bình. Các biểu ngữ ghi bằng tiếng Nhật và tiếng Anh: “Đây là cuộc chiến của ông Abe, chúng tôi phản đối”, “Hòa bình, không chiến tranh”.
Ngay khi có thông tin Thượng viện vừa thông qua hai dự luật mới, nhiều tiếng hô vang lên: “Abe phải từ chức!”, “Phản hiến pháp!”, “Hãy rút lại luật chiến tranh”.
Sinh viên Showa Naito nói sẽ tiếp tục hành động để loại bỏ các nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua hai luật mới trong bầu cử Thượng viện năm 2016. Nữ nghị sĩ Mizuho Fukushima chộp lấy micro: “Cám ơn mọi người đã động viên… Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để rút lại các luật này”.
- Báo Washington Post đưa tin Mỹ là đồng minh an ninh quan trọng nhất của Nhật và một số nước đã khen ngợi quyết định của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật, bởi như vậy Nhật đã góp phần ủng hộ cho hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tại Mỹ, các nhà lãnh đạo hai đảng thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Quân lực Thượng viện đã cùng ra thông cáo chung ghi nhận từ bây giờ Nhật đã giữ vai trò quan trọng hơn an ninh khu vực và thế giới. Thông cáo chung nêu rõ: “Các đạo luật Nhật mới thông qua hôm nay sẽ góp phần cho hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách củng cố liên minh cần thiết giữa hai nước chúng ta”.
Thông cáo chung ghi nhận Mỹ nóng lòng muốn hợp tác với Nhật dựa trên Hướng dẫn Hợp tác quốc phòng sửa đổi Mỹ-Nhật. Hướng dẫn này được hai nước thông qua hồi tháng 4, mở đường cho lực lượng phòng vệ Nhật tham gia khi xảy ra thảm họa, các chiến dịch hòa bình, phòng thủ chống tên lửa và nhiều công tác quân sự khác. Báo nhận định Trung Quốc không muốn nhìn thấy Nhật củng cố hợp tác về an ninh với Mỹ trong khu vực.
- Ngày 19-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát thông cáo báo chí phản ứng trước sự kiện Thượng viện Nhật thông qua hai dự luật về an ninh.
Thông cáo ghi nhận đây là biện pháp vô tiền khoáng hậu Nhật tiến hành trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thông cáo yêu cầu Nhật “rút kinh nghiệm lịch sử, lắng nghe tiếng nói của người dân và cộng đồng quốc tế, chú ý đến những quan ngại về an ninh của các nước láng giềng”. Thông cáo yêu cầu Nhật tiếp tục đi theo con đường phát triển hòa bình và hành động cẩn trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố các luật Nhật mới thông qua đi ngược khuynh hướng thời đại là cổ súy hòa bình, phát triển và hợp tác. Bộ Quốc phòng cho rằng các nước lo ngại Nhật duy trì tâm lý chiến tranh lạnh, củng cố quan hệ đồng minh quân sự và âm mưu đưa thêm quân ra nước ngoài.
Theo AFP, lực lượng phòng vệ Nhật gồm khoảng 227.000 quân, tức 10 lần ít hơn Trung Quốc (2,33 triệu quân) và Mỹ (1,43 triệu quân).
DẠ THẢO
Theo Pháp luật TPHCM