Trung Quốc tuyên bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” mở ra cơ hội tăng cường kết nối giữa các nước ASEAN cũng như nhiều khu vực kinh tế trên thế giới.
Trung Quốc đang 'rải tiền' để định hình lại thế giới
- Cập nhật : 12/05/2017
Trung Quốc có cơ hội để bước vào vai trò lãnh đạo toàn cầu, mà Mỹ đã từng đảm nhiệm và hiện nước này có thể đang tìm cách từ bỏ nó.
Trong vài thập niên qua, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bây giờ, quốc gia đông dân nhất trên hành tinh này muốn tăng ảnh hưởng của mình bằng cách "rải tiền" thông qua chính sách "Một vành đai, một con đường" (viết tắt là OBOR hoặc B&R).
Mục tiêu của dự án này là kết nối Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi để thúc đẩy thương mại và phát triển. Cuối tuần này, một nhóm các nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi dự kiến sẽ hội tụ tại Bắc Kinh để tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày về dự án này.
Sau đây là những gì bạn cần biết:
Thế nào là “Một vành đai, một con đường”?
Chủ tịch Tập Cận Bình công bố chính sách này lần đầu tiên vào năm 2013, sau đó nó được đặt lên thành một trong ba chiến lược quốc gia quan trọng của Trung Quốc và đã trở thành một chương riêng trong kế hoạch 5 năm hiện tại, kéo dài đến năm 2020.
Kế hoạch OBOR đưa ra mục tiêu kết nối Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi thông qua một mạng lưới giao thông và vận tải khổng lồ, bao gồm đường cao tốc, bến cảng, đường sắt, đường ống, sân bay, lưới điện xuyên quốc gia và thậm chí là các tuyến cáp quang. Theo Oxford Economics, kế hoạch OBOR trải dài tới 65 quốc gia, vốn chiếm 1/3 GDP toàn cầu và 60% dân số thế giới (tương đương 4,5 tỷ người).
Kế hoạch xây dựng vành đai tơ lụa trên bộ (màu đỏ) và con đường tơ lụa trên biển (màu xanh) của Trung Quốc. Ảnh: amcham-shanghai.org
Vì sao Trung Quốc theo đuổi dự án này?
Đây là một phần trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại có thể thu hút thêm đầu tư và thương mại dọc theo những nơi mà OBOR đi qua. Nó có thể có lợi cho khu vực phía Tây Trung Quốc, vốn là vùng kém phát triển hơn của nước này, vì nó mở ra liên kết với các nước láng giềng. Và về lâu dài, nó sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng mới.
Chính sách này cũng có thể kết nối sản xuất trong nước với nhu cầu ở nước ngoài, và cũng có thể tiêu thụ bớt một phần sản lượng dư thừa từ các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích nói rằng đây là chỉ những lợi ích phụ.
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc đang có cơ hội rất tốt để bước vào vai trò lãnh đạo toàn cầu mà nước Mỹ đã từng đảm nhiệm, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lui khỏi một hiệp định thương mại quan trọng là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Rõ ràng là Trung Quốc đang muốn có ảnh hưởng lớn hơn - bài phát biểu của ông Tập vào tháng Giêng vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos đã ca ngợi những lợi ích của toàn cầu hoá và kêu gọi hợp tác quốc tế. Và một bài báo của Thủ tướng Lý Khắc Cường được xuất bản ngay sau đó cũng kêu gọi việc mở cửa kinh tế.
Nhưng bất chấp việc các lãnh đạo Trung Quốc liên tục nói về kết nối toàn cầu, những người hoài nghi lại chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn hạn chế vốn đầu tư nước ngoài vào một số ngành chủ chốt của nước này.
Trung Quốc hiện đang chi bao nhiêu tiền?
Phần lớn nguồn tài chính cho OBOR là thông qua các ngân hàng chính sách lẫn ngân hàng thương mại của Trung Quốc. Hiện chưa có dữ liệu chính thức về các dự án OBOR và các ước tính về lượng chi tiêu bỏ ra cũng khác nhau.
Vào năm 2015, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cho biết họ đã dành ra 890 tỷ USD cho hơn 900 dự án. Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc (Chexim) đã tuyên bố đầu năm ngoái rằng họ đã bắt đầu tài trợ cho hơn 1.000 dự án. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng cũng đang cung cấp tài chính cho nhiều dự án ở nước ngoài.
4 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã cho các nước nằm trong dự án OBOR vay 90 tỷ USD vào năm 2016, theo phân tích của Oxford Economics. Và Credit Suisse ước tính Trung Quốc có thể đầu tư khoảng 500 tỷ USD vào khoảng 60 quốc gia trong 5 năm tới.
Có một giả định ở đây là các nước này sẽ có thể hoàn trả được các khoản vay cho Trung Quốc, và những ngân hàng cho vay sẽ biết làm thế nào để quản lý rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, nếu các dự án này không đạt hiệu quả như dự kiến, nợ xấu có thể gây ra rắc rối lớn. Dù vậy, các dự án hạ tầng thường tốn rất nhiều thời gian để hoàn tất, và các rủi ro sẽ phải mất một thời gian mới xuất hiện.
Dự án nào thuộc OBOR đã được khởi động?
Đến nay đã có rất nhiều dự án được khởi công, bao gồm tuyến đường sắt dài 418 km nối với Lào, và một loạt các dự án cơ sở hạ tầng với tổng trị giá 46 tỷ USD, được đặt tên là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Hiện đã có dịch vụ đường sắt chở hàng hóa nối liền Trung Quốc và Châu Âu. Trung Quốc và Pháp cũng đang cùng nhau phát triển nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 24 tỷ USD ở Anh.
Tuy nhiên, trên thực tế, các báo cáo cho thấy rất nhiều sự chậm trễ và nhầm lẫn. Những lo lắng đã phát sinh quanh việc tiền có đang được chi tiêu đúng hướng hay không, vốn rất khó để theo dõi tại các quốc gia khác và vẫn là một thách thức ngay cả tại Trung Quốc, mặc dù nước này đã cam kết mạnh tay chống tham nhũng.
Chẳng phải là Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều ra nước ngoài rồi hay sao?
Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc và các công ty tư nhân đã đầu tư ra nước ngoài từ lâu. Các chuyên gia của công ty nghiên cứu IHS nói rằng sáng kiến OBOR chỉ đơn giản là một cách đặt thương hiệu lại cho những gì Trung Quốc đã và đang làm. Việc đưa ra chính sách OBOR cũng là cách mà Bắc Kinh tận dụng sức mạnh chính trị của mình: thông qua sự ủng hộ chính thức của chính phủ, các thương vụ và hợp đồng có thể được xúc tiến nhanh hơn.
Ai là người có lợi?
Phần lớn các dự án OBOR đều liên quan nhiều đến các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc: công ty dầu Sinopec, nhà sản xuất thiết bị đường sắt CRRC, công ty điện lực quốc gia SGCC... Nhiều công ty sản xuất thiết bị xây dựng của nước ngoài cũng được hưởng lợi.
Các công ty nước ngoài lớn khác như General Electric và Siemens cũng đang thể hiện mong muốn tham gia vào các dự án OBOR.
Về lâu dài, "OBOR có thể tăng cường việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ bằng cách khuyến khích việc sử dụng nó trong các giao dịch thương mại lẫn tài chính", chuyên gia Tianjie He của Oxford Economics bình luận.
Bá Ước
Theo nhipcaudautu.vn