Hơn 100.000 người Trung Quốc đã chi tổng cộng 24 tỉ USD trong 10 năm qua cho các dịch vụ lấy thị thực định cư ở nhiều nước.
Trung Quốc mở đường tơ lụa 124 tỉ USD cho mọi người
- Cập nhật : 14/05/2017
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trấn an dư luận rằng sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” chỉ nhằm cục tiêu phát triển toàn cầu, "các bên cùng có lợi".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh sáng 14-5 - Ảnh: Reuters
Sáng 14-5, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư, qua đó sẽ tiếp tục rót thêm 100 tỉ Nhân dân tệ (14,5 tỉ USD) cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” thông qua Quĩ Con đường tơ lụa.
Kết nối ba châu lục
Sáng kiến với tổng đầu tư 124 tỉ USD này, được ông Tập nêu ra lần đầu vào năm 2013, được cho là sẽ liên quan ít nhất 65 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Phi.
Theo hãng tin Reuters, khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “Nước Mỹ trước tiên” và nêu ý định về việc bảo hộ mậu dịch bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ thì lãnh đạo Trung Quốc lại càng nhấn mạnh đến hợp tác toàn cầu.
"Chúng ta nên xây dựng một nền tảng hợp tác cởi mở cũng như duy trì và phát triển nền kinh tế thế giới mở", Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn sáng nay ở Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi thế giới phải thiết lập ra các điều kiện để thúc đẩy phát triển cởi mở và khuyến khích xây dựng hệ thống các "nguyên tắc đầu tư và thương mại toàn cầu công bằng, hợp lý và minh bạch".
"Thương mại là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế", ông Tập nhấn mạnh.
Theo Reuters, trong bài phát biểu trước nhiều lãnh đạo chính trị và thương mại đang có mặt, ông Tập nhắc nhở rằng thế giới phải thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, thành lập các khu vực mậu dịch tự do, và tạo thuận lợi cho tự do thương mại.
Những dẫn dắt từ Trung Quốc đã nhận được sự hưởng ứng từ không ít quốc gia công nghiệp hóa. Theo Reuters, Bộ trưởng Thương mại Anh Philip Hammond vừa tuyến bố sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đương nhiên cần giữ quan hệ giao thương với tất cả các nước và "Anh là đối tác tự nhiên của chương trình Con đường tơ lụa".
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo cấp cao của 29 quốc gia, cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jim Yong Kim, và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde.
Bà Aung San Suu Kyi - cố vấn cấp cao của Nhà nước Myanmar có mặt tại Diễn đàn Vành đai - Con đường - Ảnh: Reuters
Đoàn Việt Nam tham gia tích cực
Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành.
Diễn đàn lần này với chủ đề “Vành đai và Con đường: Hợp tác vì thịnh vượng chung” sẽ có hội nghị bàn tròn của các nhà lãnh đạo và đối thoại cấp cao (dành cho các bộ trưởng, doanh nghiệp và giới học giả).
Theo TTXVN, dự kiến, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ tham dự phiên thảo luận về kết nối thương mại; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ tham dự phiên thảo luận về kết nối chính sách; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung Nguyễn Xuân Thắng sẽ tham dự phiên thảo luận về giao lưu nhân dân
Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết kể từ năm 2013, các khoản đầu tư của nước này liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã đạt 60 tỉ USD và phần lớn các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong tương lai sẽ có điểm đến là những nước tham gia dự án này.
Trung Quốc cho biết khi hoàn thành, sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế thương mại lớn với tiềm lực phát triển bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỉ người, với tổng GDP lên đến 21.000 tỉ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỉ USD trong vòng một thập kỷ cũng như liên kết với các thị trường đang nổi có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông Tom Miller, tác giả cuốn sách Giấc mộng châu Á của Trung Quốc, nhận định: “Đây là một bước ngoặt dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cậnh Bình. Giờ đây Trung Quốc muốn đóng vai trò tích cực hơn trên sàn quốc tế. Trung Quốc muốn dẫn dắt cuộc chơi”.
Tác giả Tom Miller cũng cho rằng khi Bắc Kinh khởi xướng cuộc chơi “tất cả các bên cùng có lợi” thì đương nhiên phần lợi nhiều nhất sẽ về với Bắc Kinh: “Trung Quốc muốn làm đầu tàu phát triển của thế giới và thủ lĩnh về kinh tế ở châu Á. Bắc Kinh tin rằng nếu giúp đỡ các nước khác phát triển thì các nước sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và như thế có thể tạo ảnh hưởng nhiều hơn”.
Chưa kể với kế hoạch mới đầy tham vọng này, Trung Quốc có thể làm sống lại sức tăng trưởng kinh tế đang đi vào giai đoạn “linh binh” của mình và qua đó có thể tìm được các thị trường mới, các cơ hội làm ăn mới…
Diễn đàn kinh tế tại Bắc Kinh sẽ bế mạc vào ngày 15-5 và các nhà lãnh đạo sẽ ra Thông cáo chung của Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo
HOÀNG DUY LONG
Theo Tuoitre.vn