Trung Quốc đã khiến cả thế giới sửng sốt với số thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài trị giá tổng cộng 246 tỷ USD trong năm 2016.
Lời nguyền của các doanh nghiệp 'xác sống'
- Cập nhật : 10/05/2017
Có những công ty sống vật vờ nhờ vào tín dụng giá rẻ, thậm chí khi họ không còn khả năng trả lãi.
Không một công ty nào trong số gần 4.000 công ty đại chúng tại Nhật nộp đơn xin bảo lãnh phá sản trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2017. Thủ tướng Shinzo Abe đã tung hô thành quả này như một bằng chứng cho thấy nền kinh tế Nhật đang khởi sắc. Nhưng ở chính nơi mà ông Abe xem là dấu hiệu của sự sống lại tiềm ẩn những zombie. Đó là những công ty sống vật vờ nhờ vào tín dụng giá rẻ, thậm chí khi họ không còn khả năng trả lãi.
Các doanh nghiệp zombie đang đứng ngáng giữa một quá trình mà nhà kinh tế học Úc Joseph Schumpeter gọi là “sự hủy diệt mang tính sáng tạo”, có nghĩa là cái chết của những doanh nghiệp già cỗi, kém hiệu quả mới có thể mở đường cho sự ra đời của những doanh nghiệp mới với triển vọng xán lạn. “Khi không một doanh nghiệp già cỗi nào phá sản thì các công ty mới sẽ không có cửa để bước vào cuộc chơi”, bởi vì các thị trường đã trở nên quá đông đúc, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Martin Schulz thuộc tại Viện Nghiên cứu Fujitsu có trụ sở tại Tokyo.
Cơn dịch zombie đầu tiên của Nhật có từ những năm 1990, nhưng giờ căn bệnh này đang xuất hiện ở những những quốc gia khác, theo một nghiên cứu vào tháng 1.2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Các tác giả của công trình nghiên cứu này cho rằng zombie chính là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng và năng suất ì ạch ở những nước phát triển. Những doanh nghiệp zombie vẫn giữ được chút hơi tàn nhờ vào “di sản” của cuộc khủng hoảng tài chính. Đó là một thời kỳ lãi suất thấp kéo dài, sự o bế của chính phủ các nước và sự e dè của những tổ chức cho vay; họ không muốn làm mạnh tay vì lo ngại doanh nghiệp phá sản cũng sẽ “tàn phá” bảng cân đối kế toán của họ.
Tại Hàn Quốc - quốc gia có ngành đóng tàu bị tác động mạnh bởi giao thương toàn cầu sụt giảm - các ngân hàng quốc doanh vào tháng 3 đã đồng ý cho Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. vay 2,6 tỉ USD và đổi nợ lấy cổ phần nhằm tránh cho hãng tàu này khỏi kết cục phá sản. Đó là lần thứ hai trong chưa đầy 2 năm Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering được cứu nguy.
Nhưng không chỉ các tập đoàn lớn mới nhận được sự chăm sóc đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc. Việc dư luận luôn tỏ ra ác cảm với các tập đoàn đa ngành, vốn thống trị nền kinh tế Hàn Quốc, khiến cho các tổ chức cho vay thuộc sở hữu nhà nước cũng đặc biệt phải nhẹ tay với các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn, theo Oh Suktae, chuyên gia kinh tế tại SG Securities Korea Co. “Đúng vậy, chúng ta có nhiều doanh nghiệp zombie, nhưng về mặt chính trị không thể không hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ”, ông nói.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gần 10% trong số 3.300 công ty đại chúng là những zombie sống vật vờ nhờ những đợt bơm máu liên tục từ Chính phủ và các ngân hàng, theo nghiên cứu của He Fan, chuyên gia kinh tế tại Đại học Remin ở Bắc Kinh.
Trong khi đó, tại hầu hết các nước châu Âu, các luật phá sản thiếu hiệu quả cũng là một phần lý do khiến cho số zombie tăng lên. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại Ý, nơi các zombie chiếm 6% số doanh nghiệp, gấp đôi tỉ lệ của năm 2007, theo báo cáo của OECD. Các tòa án phá sản của Ý xử lý vấn đề quá chậm chạp: mất trung bình 8 năm mới xử lý xong thủ tục phá sản một công ty gặp khó khăn, so với chỉ mất vài tháng ở Mỹ.
Cũng chính bởi quy trình lê thê này đã đẩy cao chi phí pháp lý, khiến cho các chủ nợ thường chỉ lấy lại được một phần rất nhỏ sau khi doanh nghiệp phá sản. “Các ngân hàng cuối cùng có thể chẳng còn lại được gì, vì thế không có động lực để xử lý các doanh nghiệp yếu kém mà họ đang cho vay”, Müge Adalet McGowan, đồng tác giả bài nghiên cứu của OECD, nhận xét.
Các zombie sẽ tiếp tục còn đất sống tại Mỹ. Bởi lẽ, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch đàm phán lại các hiệp định thương mại, áp dụng thuế biên giới và thúc đẩy việc thực thi điều khoản “Mua hàng Mỹ” trong các hợp đồng thuộc khu vực công và điều này có thể bảo vệ một số các nhà sản xuất nội địa làm ăn kém hiệu quả khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài.
Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các thế lực của “sự phá hủy mang tính sáng tạo” không còn mạnh mẽ như trước đây. Một báo cáo năm 2016 do chuyên gia kinh tế John Haltiwanger của Đại học Maryland làm đồng tác giả cho thấy tỉ lệ các doanh nghiệp mới thành lập đã giảm đều đặn kể từ thập niên 1980. Mức giảm này rất sâu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nỗi trong vài năm gần đây có nhiều doanh nghiệp Mỹ đóng cửa hơn là thành lập mới. Điều đó cho thấy có “sự phá hủy” nhưng lại có ít cái mới ra đời.
Nhật cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro zombie. Cách đây 26 năm, Nhật đã ghi nhận không có công ty niêm yết nào phá sản trong suốt thời kỳ 4 năm, theo hãng nghiên cứu Teikoku Databank có trụ sở tại Tokyo. Vào lúc đó, nền kinh tế tăng nhiệt quá nóng với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,5% mỗi năm và sau đó rơi rụng khi bong bóng tài sản bất động sản và cổ phiếu xì hơi. Lần này, chính mức lãi suất cực thấp và các khoản cho vay được bảo lãnh bởi chính phủ đang giúp cho các doanh nghiệp zombie sống sót.
Paul Donovan, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu tại UBS Wealth Management tại London, cho rằng tín dụng giá rẻ đã khiến cho các doanh nghiệp trên khắp thế giới trở nên kém hiệu quả hơn và các doanh nghiệp zombie sẽ vẫn còn “thở” cho đến khi nào chi phí đi vay bắt đầu tăng lên. Theo Báo cáo Ổn định Toàn cầu gần nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, 25% tài sản doanh nghiệp Mỹ sẽ “lâm nguy” nếu lãi suất tăng lên đột ngột.
“Có thể các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả vẫn tiếp tục hoạt động ở châu Âu hoặc Mỹ nhờ vào chính sách lãi suất cực thấp, nhưng không có gì đảm bảo rằng những công ty này sẽ còn tồn tại nếu lãi suất tăng lên”, Donovan nói.
Đàm Hoa
Theo nhipcaudautu.vn