Trong các nước Bắc Cực hiện nay, Phần Lan đã đồng ý tham gia chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, cùng Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác mới hướng tới tương lai.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: gbtimes
Thiết lập quan hệ đối tác hợp tác mới
Theo báo chí Trung Quốc, từ ngày 4 – 6/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đối với Phần Lan. Sau đó ông Tập Cận Bình sẽ đến Mỹ để thực hiện cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông chủ mới của Nhà Trắng tại một khu nghỉ dưỡng ở bang Florida Mỹ.
Trong chuyến thăm Phần Lan, ngày 5/4/2017, sau cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Phần Lan đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác hợp tác mới hướng tới tương lai. Hai bên muốn tăng cường lòng tin chính trị và hợp tác thiết thực, xây dựng quan hệ hai nước có tầm nhìn xa, mang tính chiến lược và tính thời đại.
Báo Trung Quốc cho rằng, hai bên tái khẳng định tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của nhau. Phần Lan tái khẳng định kiên định thực hiện chính sách “một nước Trung Quốc”.
Ngoài hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đáng chú ý, Phần Lan đã đồng ý hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ chiến lược “Một vành đai, một con đường”, thúc đẩy kết nối đại lục Á - Âu.
Hai bên đồng ý cùng làm việc để xây dựng quan hệ đối tác lớn giữa Trung Quốc và châu Âu trên 4 phương diện gồm hòa bình, tăng trưởng, cải cách và văn minh, thúc đẩy “Quy hoạch chiến lược 2020 hợp tác Trung Quốc - châu Âu”, thúc đẩy hợp tác Trung Quốc - Bắc Âu.
Hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác song phương trên các lĩnh vực như sáng tạo, tư pháp, hợp tác nghiên cứu gấu trúc.
Ngoài ra, thông qua Phần Lan, Trung Quốc muốn tiếp tục tăng cường với các tổ chức khu vực như Hội đồng Bắc Âu, Hội đồng Bắc Cực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào năm 2013. Ảnh: Tân Hoa xã
“Một vành đai, một con đường” vươn tới Bắc Âu, Bắc Cực
Đến nay, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đang được Trung Quốc thúc đẩy triển khai trên toàn thế giới. Chuyến thăm Phần Lan lần này của ông Tập Cận Bình đã đưa sáng kiến này tới tận Bắc Âu, Bắc Cực.
Hiện nay, trong 8 nước ở Bắc Cực, đối tác hợp tác duy nhất của “Một vành đai, một con đường” là Nga – năm 2016 được coi là đối tác hợp tác hàng đầu của Trung Quốc.
Trong hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung Âu và Đông Âu, “Một vành đai, một con đường” ngày càng xâm nhập vào châu Âu, đặc biệt là vận tải đường sắt.
Để hỗ trợ cho chiến lược này, tháng 11/2016, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã thành lập một quỹ đầu tư trị giá 11,15 tỷ USD, mục tiêu mở rộng lên 55,75 tỷ USD, trọng điểm là đầu tư vào các ngành nghề như hạ tầng cơ sở, ngành chế tạo công nghệ cao và hàng tiêu dùng của 16 quốc gia Trung và Đông Âu.
Trước chuyến thăm Phần Lan lần này, các nước Bắc Âu đều chưa tham gia chiến lược “Một vành đai, một con đường”, mặc dù 5 nước này đều là thành viên sáng lập của Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) – có liên quan đến “Một vành đai, một con đường”.
Trong hợp tác Bắc Cực với Trung Quốc, Iceland luôn đi đầu. Tháng 4/2012, thông qua đàm phán, Trung Quốc và Iceland đã đạt được thỏa thuận khung hợp tác song phương.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 2/2017 của Ngoại trưởng Phần Lan, hai bên đã bàn về hợp tác trong chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Phần Lan sẽ là nước Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực trong giai đoạn 2019 - 2021. Họ có kế hoạch đầy tham vọng: Thông qua dự án đường sắt hành lang Bắc Cực để kết nối Bắc Cực với đại lục châu Âu.
Trung Quốc tìm cách thúc đẩy chiến lược "Một vành đai, một con đường" ở châu Âu. Trong hình là ngày 30/3/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Serbia đến thăm. Ảnh: Tân Hoa xã
Phong Vân
Theo Viettimes.vn