tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

ASEAN trước sáng kiến “Vành đai và Con đường”

  • Cập nhật : 15/05/2017

Trung Quốc tuyên bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” mở ra cơ hội tăng cường kết nối giữa các nước ASEAN cũng như nhiều khu vực kinh tế trên thế giới.

chu tich trung quoc tap can binh va phu nhan chao don chu tich nuoc tran dai quang va phu nhan du hoi nghi ngay 14.5 anh: reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân dự hội nghị ngày 14.5 ẢNH: REUTERS

Trong phát biểu khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh sáng 14.5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết đầu tư bước đầu 124 tỉ USD (hơn 2,8 triệu tỉ đồng) vào sáng kiến này nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và tự do thương mại. Reuters dẫn lời ông nhấn mạnh thương mại là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và sáng kiến mở ra hướng phát triển mới. “Chúng ta nên tạo dựng nền tảng mở dành cho hợp tác nhằm duy trì và phát triển một nền kinh tế thế giới mở”, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố.

Diễn đàn hôm qua có sự tham dự của lãnh đạo 29 nước, đại diện 130 nước và vùng lãnh thổ khác cũng như lãnh đạo các tổ chức như LHQ, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao VN dự hội nghị.

Cơ hội cho ASEAN

Trung Quốc xem sáng kiến “Vành đai và Con đường” như phương thức mới trong thúc đẩy phát triển toàn cầu khi lần đầu tiên công bố vào năm 2013. Dựa trên cảm hứng từ Con đường tơ lụa thời cổ, chiến lược này nhằm mở rộng kết nối với các nước châu Á, châu Phi, châu Âu với hàng trăm tỉ USD đầu tư vào hạ tầng. Trong đó, ASEAN là một thành tố hợp tác chủ đạo.

chu tich trung quoc tap can binh moi quan khach nang coc tai tiec chieu dai toi 14.5reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời quan khách nâng cốc tại tiệc chiêu đãi tối 14.5REUTERS

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir, nước này tham dự diễn đàn sẽ tập trung vào các cơ hội xúc tiến phát triển hạ tầng nhằm kết nối khu vực ASEAN với hệ thống cảng biển, đường sắt và đường bộ. “Chúng tôi sẽ thúc đẩy kế hoạch kết nối ASEAN và trong nước. Chúng tôi coi đây là cơ hội tốt để tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cạnh tranh và phát triển”, ông nói. Tương tự, Đài GMA dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez III cho biết nước này sẽ thúc đẩy tăng cường mậu dịch giữa ASEAN và các nền kinh tế khác thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia và quan chức Myanmar nhận định sáng kiến sẽ giúp đẩy mạnh toàn cầu hóa và cải thiện hạ tầng ở các nước đang phát triển. “Sáng kiến sẽ thúc đẩy giao thông, du lịch và tạo việc làm cũng như tăng cường trao đổi văn hóa”, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Myanmar - Trung Quốc U Sein Win Aung tuyên bố.

Dòng vốn khổng lồ

Ngoài số vốn đầu tư nói trên, Chủ tịch Tập cam kết Trung Quốc sẽ chi thêm 100 tỉ nhân dân tệ vào sáng kiến “Vành đai và Con đường”, cung cấp 380 tỉ nhân dân tệ vốn vay thông qua 2 ngân hàng chính sách và 60 tỉ nhân dân tệ viện trợ các nước đang phát triển cũng như các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tài chính mở rộng hoạt động cấp vốn ở nước ngoài với tổng số tiền khoảng 300 tỉ nhân dân tệ. Tuy nhiên, ông chưa công bố thời điểm giải ngân cụ thể. Nhà lãnh đạo này khẳng định Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển với tất cả các nước và không can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia khác.

“Chúng tôi sẽ không xuất khẩu hệ thống xã hội và mô hình phát triển và cũng không áp quan điểm của chúng tôi lên nước khác”, Reuters dẫn lời ông tuyên bố. Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn thông tin thêm rằng nước này dự định nhập sản phẩm với tổng trị giá 2.000 tỉ USD từ các nước tham gia vào sáng kiến trong vòng 5 năm tới.

Phát biểu tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Anh Phillip Hammond nói nước này là “đối tác tự nhiên” của sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong khi Cố vấn Nhà Trắng Matt Pottinger tuyên bố Mỹ ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc nhằm kết nối hạ tầng và các công ty Mỹ sẽ cung cấp dịch vụ với giá cả cạnh tranh nhất. Đại diện một số nước tham dự cũng thẳng thắn kêu gọi Trung Quốc đảm bảo công bằng thương mại và minh bạch với sáng kiến này. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigette Zypries nhận định cần minh bạch hơn trong việc đấu thầu các dự án theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, còn Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo cho biết nước này muốn tìm hiểu cơ hội thương mại từ sáng kiến của Trung Quốc nhưng “mọi quyết định đều phải vì lợi ích quốc gia”. Theo ông, đầu tư hạ tầng trong khu vực cần một sân chơi bình đẳng dựa trên quy luật của thị trường và tuân thủ thông lệ quốc tế về tài chính.

Trong khi đó, Ấn Độ từ chối cử phái đoàn chính thức đến diễn đàn vì sáng kiến của Trung Quốc bao trùm cả khu vực đang tranh chấp. “Không nước nào chấp nhận một dự án bỏ qua những quan ngại cốt lõi về chủ quyền và thống nhất lãnh thổ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gapal Baglay tuyên bố.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đặt mục tiêu kết nối về hạ tầng và thương mại giữa Trung Quốc với khoảng 65 nước và vùng lãnh thổ, chiếm 60% số dân toàn cầu và khoảng 1/3 trên tổng giá trị GDP thế giới. AFP dẫn lời các chuyên gia ước tính tổng kinh phí vào khoảng 890 tỉ USD cho trên dưới 900 dự án, bao gồm các tuyến đường sắt và cầu cảng. Trong đó, tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - châu Âu sẽ bao gồm 51 đoạn, kết nối 27 đô thị nước này với 28 thành phố châu Âu. Ngoài ra còn có mạng lưới đường sắt sâu rộng nối liền với những cơ sở trọng yếu tại các thành viên ASEAN.

Về phần cảng biển, 3 tập đoàn nhà nước của Trung Quốc đã mua cảng lớn thứ ba ở Thổ Nhĩ Kỳ là Kumport. Tại Pakistan, dự án nối liền cảng Gwadar trên bờ biển Ả Rập với TP.Kashgar thuộc Khu tự trị Tân Cương được kỳ vọng cho phép Trung Quốc tiếp cận trực tiếp hơn khu vực Trung Đông.

H.G

Chủ tịch nước gặp gỡ lãnh đạo cấp cao Pakistan và Nhật Bản

Chiều 14.5, bên lề diễn đàn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và Tổng thư ký đảng cầm quyền LDP của Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Toshihiro Nakai.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định VN coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với Pakistan, đồng thời đề nghị tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, thúc đẩy đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, hàng không và vận tải biển... đưa kim ngạch thương mại sớm đạt 1 tỉ USD trong vòng 3 năm tới. Tại cuộc gặp Tổng thư ký Nakai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị thúc đẩy hơn nữa các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, triển khai thực hiện các thỏa thuận cấp cao về hợp tác kinh tế. Chủ tịch nước khẳng định VN ủng hộ mở rộng thương mại quốc tế, hoan nghênh các nhà đầu tư Nhật Bản, các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân.

Tối cùng ngày, Chủ tịch nước và phu nhân tham dự chiêu đãi của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân chào mừng các trưởng đoàn và phu nhân tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”.

Hôm nay 15.5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu cấp cao sẽ về VN, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc kéo dài 5 ngày.

Mai Hà (từ Bắc Kinh)

Minh Phương
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục