Việc ông Tập Cận Bình công bố cắt giảm 300.000 quân là bước đi đầu tiên trong kế hoạch cải tổ quân đội quy mô, phục vụ nhiều tham vọng của Bắc Kinh.
ASEAN không cần theo mô hình của EU
- Cập nhật : 14/05/2017
Khối các nước ASEAN đang kỷ niệm 50 năm thành lập khối và hướng về tương lai sắp tới. Các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên rõ ràng.
Đài CNBC đã tổ chức cuộc hội thảo chuyên gia bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN vừa kết thúc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Các chuyên gia đã xác định ba ý tưởng chính khuyến cáo ban lãnh đạo các nước ASEAN nên tập trung cho hướng đi 50 năm tới.
Trong 10-20 năm tới, cơ sở hạ tầng của ASEAN sẽ được cải thiện mạnh mẽ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á sẽ có cơ hội tiến vào thế giới thứ nhất, đây là một cơ hội lịch sử... Chúng ta không nên để căng thẳng địa chính trị làm hỏng đi cơ hội này .
GEORGE YEO (chủ tịch Kerry Logistics)
Phải giải quyết theo cách của ASEAN
Nhiều chuyên gia cho rằng khối Đông Nam Á đâu cần phải đi theo đúng mô hình của Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là về chuyện liên minh tiền tệ.
Ông John Rice, phó chủ tịch của General Electric, khuyến cáo: “Tôi không nghĩ rằng các nước cần phải đi xa đến mức phải có liên minh chung, nhưng nếu chúng ta có thể làm cho các đường biên giới trở thành những điểm kết nối để mọi người hưởng lợi thì ta vẫn có thể tồn tại trong một khối thương mại liên kết và không nhất thiết phải theo mô hình của EU”.
Theo ông Rice, thay vì thống nhất ASEAN với một đồng tiền chung, thì việc tạo ra một sân chơi công bằng về dòng tài chính đầu tư và nhân lực lao động sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.
“Các quốc gia cần tập trung vào những điểm không nhìn thấy: những chuyện xảy ra dưới gầm bàn để có được giấy phép luân chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác. Những chi phí bôi trơn đó làm tổn hại khi chúng bị tính vào chi phí giao thương” - ông Rice khuyến cáo thẳng thắn.
Tuy nhiên, bà Grete Faremo - tổng thư ký kiêm giám đốc điều hành Văn phòng Dịch vụ dự án của Liên Hiệp Quốc - cũng khuyên rằng có một số điều ASEAN có thể học được từ mô hình châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện hiện tượng mạnh mẽ chống lại toàn cầu hóa như hiện nay.
“Đó chính là chuyện phải bao gồm hết và không bỏ rơi ai ở lại phía sau. Chúng ta phải đưa ra những cam kết gì để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người?” - bà Faremo gợi ý.
Phải “làm bạn với tất cả”
Vì chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump và sự kiện Washington rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tạo quan hệ mật thiết hơn với Bắc Kinh, với lời hứa đầu tư tài chính của Trung Quốc.
Một thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (ASC) trụ sở tại Singapore vừa tiến hành vào tháng trước cho thấy quan điểm trong khu vực về ảnh hưởng và niềm tin với Mỹ đã giảm mạnh từ khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Theo kết quả khảo sát, 64,3% người được hỏi ít tin tưởng vào việc Mỹ có thể duy trì thương mại tự do, nhân quyền và luật pháp quốc tế trong khu vực; và 51,4% tin rằng Washington đã mất vùng chiến lược về tay Trung Quốc kể từ khi ông Trump nắm quyền.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là cường quốc thống trị trong khu vực nên sẽ giúp tránh sự ảnh hưởng chi phối quá mức từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông George Yeo, chủ tịch của Kerry Logistics, cũng nhấn mạnh vào ý là trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đối đầu với nhau, ASEAN không nên lựa chọn ủng hộ bất cứ bên nào.
“Chúng ta phải thân thiện với tất cả các bên và thực hiện một nền tảng trung lập để các nền kinh tế lớn quan tâm đến sự phát triển của khu vực” - chuyên gia người Singapore, vốn là một chính trị gia, giải thích kỹ hơn.
Sức mạnh của đường truyền mạng
Nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng, đặc biệt là đường truyền kết nối và tốc độ, sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế khu vực - ông Tan Sri Jamaludin Ibrahim, tổng giám đốc của Axiata Group, nhận định. Bởi nếu đường truyền mạng là một phần của chương trình nghị sự quốc gia, chính phủ các nước có thể tăng tốc và mang lại sự phát triển tốt hơn cho giới trẻ khối ASEAN.
“Điều này sẽ có lợi cho tất cả các khía cạnh của xã hội, đặc biệt là tài chính. Đường truyền mạng là cơ hội cho chúng ta vượt qua các nước phát triển” - vị giám đốc doanh nghiệp dự báo.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này thì chưa thể loại bỏ ngay phí chuyển vùng dữ liệu trong khu vực.
Tuy nhiên, “vấn đề là sẽ có những người được lợi và những người không. Ví dụ, Singapore sẽ hưởng lợi vì họ có nhiều khách du lịch, trong khi Campuchia thì ngược lại. Chúng ta cần tìm ra một cơ chế để các quốc gia đều có lợi”.
Năm tới, Việt Nam tổ chức WEF ASEAN
Chiều 12-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc thành công đợt tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN lần thứ 26 (WEF ASEAN 2017) tại Campuchia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến cần xem xét thành lập nhóm công tác để nghiên cứu, khuyến nghị chính sách giáo dục, đào tạo nghề, thúc đẩy hình thành thị trường ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo (start-up) và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hoặc mua các ý tưởng start-up của các tài năng trẻ ASEAN.
Bế mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận bàn giao vai trò nước chủ nhà của WEF ASEAN năm 2018.
HOÀNG DUY LONG
Theo Tuoitre.vn