Có những công ty sống vật vờ nhờ vào tín dụng giá rẻ, thậm chí khi họ không còn khả năng trả lãi.
Thụy Điển thành công nhờ thuế cao như thế nào?
- Cập nhật : 08/05/2017
Trái với nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump, Thụy Điển áp dụng kế hoạch tăng thuế, tăng chi tiêu phúc lợi xã hội. Việc này tạo nên điều kỳ diệu cho quốc gia Bắc Âu.
Theo Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển và là nhà kinh tế học thuộc đảng Xã hội Dân chủ Magdalena Andersson cho rằng thuế cao, công đoàn mạnh và sự phân bổ tài sản bình đẳng là công thức của sự thành công. Quan chức 50 tuổi này tăng thuế, tăng chi tiêu phúc lợi xã hội kể từ khi nắm quyền vào năm 2014. Bà cũng đang theo dõi đợt bùng nổ kinh tế Thụy Điển khi nước này tăng trưởng với tốc độ 4% năm ngoái, biến ngân sách thâm hụt thành thặng dư.
Trong thế giới còn dư âm của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập niên và làn sóng dân túy diễn ra ngay sau đó, sự phát triển của kinh tế Thụy Điển là bài học thách thức những cái đầu thông thái ở Mỹ về chính sách thuế. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ở Stockholm, bà Andersson cho hay thành công của Thụy Điển đến từ ba yếu tố: việc làm, phúc lợi xã hội và sự tái phân bổ.
Tư tưởng ở đất nước Bắc Âu trái ngược hoàn toàn chính sách đang được kỳ vọng triển khai ở bên kia Đại Tây Dương. Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cắt giảm thuế, nới lỏng quy định và thực hiện thỏa thuận thương mại mới để kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong hai năm tới. Tại châu Âu, mô hình Bắc Âu đang được chú ý. Ở Pháp, Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron kêu gọi nước nhà nhìn về phía bắc để có cảm hứng chống lại chủ nghĩa dân túy của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen.
Bà Andersson cho rằng chăm sóc sức khỏe và giáo dục là chìa khóa mở ra nền kinh tế thành công, “bất kể bạn thu nhập bao nhiêu đi nữa”. Bà chỉ ra rằng việc phân phối lại thu nhập là lá chắn trước cú sốc dân túy.
Kinh tế Thụy Điển có nhiều số liệu hấp dẫn. Đây là nước có gánh nặng thuế thuộc hàng cao nhất thế giới, với nguồn thu thuế chiếm 43% GDP, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD). Số liệu thuế trong GDP của Mỹ là 26%. Dù vậy, kinh tế Thụy Điển tăng trưởng gần gấp đôi Mỹ với mức 3,1% năm 2016.
Thụy Điển cũng có tỷ lệ người dân tham gia lực lượng lao động cao nhất ở Liên minh châu Âu (EU). Bà Andersson cho hay điều này có được là vì các ông bố, bà mẹ dễ đi làm hơn nhờ chương trình nghỉ thai sản và chăm sóc sức khỏe tốt vốn được hỗ trợ từ tiền thuế.
Trái ngược với các nước khác ở lục địa già, Thụy Điển thặng dư ngân sách. Trung bình, ngân sách EU thâm hụt khoảng 1,6% GDP còn Mỹ khoảng 5,7% GDP năm 2016.
Stockholm có quan điểm thực dụng về chủ nghĩa tư bản, trong đó có cả chuyện cho phép các doanh nghiệp thất bại nếu họ không có sức cạnh tranh. Để bảo đảm điều này, chính phủ cung cấp một mạng lưới an toàn và đào tạo cho người lao động. Theo bà Andersson, đây là yếu tố rất quan trọng để giữ tư tưởng chống toàn cầu hóa bên ngoài quốc gia.
Thu nhập của phần lớn dân Thụy Điển tăng gần gấp đôi trong khi thu nhập của phần lớn người Mỹ giảm điẢNH: BLOOMBERG
“Ở Thụy Điển, người ta chấp thuận rằng xã hội thay đổi và một số doanh nghiệp phát triển trong khi một số khác sụp đổ. Song việc này dựa trên thực tế rằng có nhiều cây cầu bắc từ công việc cũ sang việc làm mới. Dù là dưới hình thức bảo hiểm hay là thông qua các chính sách thị trường lao động tích cực, việc bảo đảm cho quá trình bắc cầu đó là quan trọng”, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển nói.
Tuy nhiên không phải toàn bộ dân Thụy Điển đều cho rằng tăng thuế sẽ có ích. Bà Andersson phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu nếu muốn tăng tiếp thuế. Trong khi đó, một phần giới doanh nghiệp nước này cũng bất bình. Nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đã chạm mức cao nhất vì GDP đang chậm lại.
Chính phủ Thụy Điển vừa bắt đầu dùng thặng dư ngân sách để tăng chi tiêu cho mọi mặt, từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho đến quốc phòng. Trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm sau, đảng xã hội đang cầm quyền sẽ đối mặt với những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu. Tiếng nói của phía cánh hữu đang thu hút được sự ủng hộ của nhiều người sau vấn đề người tị nạn.
Phe đối lập cho rằng bà Andersson và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đang đặt lợi ích kinh tế vào thế rủi ro, cảnh báo rằng phúc lợi hào phóng không khuyến khích người dân làm việc. Họ cũng cho hay GDP bình quân đầu người của Thụy Điển đang thụt lùi từ khi nước này tăng thuế thời thập niên 1970, vấp phải khủng hoảng kinh tế đầu thập niên 1990. Khi đó, tỷ lệ thuế trên GDP hơn 50%. Với những lý do này, phe đối lập đang đe dọa sẽ bỏ phiếu “không” cho bà Andersson trong mùa thu này, trừ khi bà rút lại kế hoạch thuế.
Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Thụy Điển cũng bất bình với môi trường thuế. Tập đoàn tài chính lớn nhất Scandinavia Nordea Bank dọa rời quốc gia Bắc Âu. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp với sự dẫn đầu của hãng Spotify đang kêu gọi thay đổi việc đánh thuế thu nhập để thu hút thêm tài năng.
Về phần mình, bà Andersson hiểu rõ hai mặt của vấn đề thuế: “Chắc chắn nó có ảnh hưởng tiêu cực, loại thuế nào cũng vậy. Song nếu bạn dùng tiền cho các tác động tích cực và đó chắc chắn là những gì mô hình của Thụy Điển đang thể hiện, bạn có thể đánh thuế cao và vẫn có việc làm, tăng trưởng tốt”.
Thu Thảo
Theo Thanh Niên