Ba chuyên gia hàng đầu đã nêu ra những nhận định về những điều mà Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ mong muốn sẽ đạt được trong cuộc hội đàm song phương.
IMF: Châu Á đối mặt với rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ
- Cập nhật : 10/05/2017
Châu Á đang vật lộn với thách thức về chủ nghĩa bảo hộ gia tăng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, và chi phí vay vốn có khả năng lên cao.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng triển vọng kinh tế của châu Á đang đối mặt với nhiều bấp bênh, cộng thêm rủi ro tăng trưởng sụt giảm từ các biến động tài chính toàn cầu và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Hồi tháng trước, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2017 của khu vực châu Á Thái Bình Dương lên 5,5% từ mức 5,4% được đưa ra hồi tháng Mười năm ngoái. Quỹ này cho rằng chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo tại hầu hết các nước trong khu vực này sẽ là nền tảng cho nhu cầu nội địa.
"Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn vẫn khá mờ mịt, và rủi ro có xu hướng làm giảm tăng trưởng", báo cáo mới đây hôm 9/5 của IMF nói.
Trong tháng Tư, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2018 không thay đổi ở mức 5,4%. Trước đó, châu Á Thái Bình Dương đã ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 5,3% trong năm 2016.
Báo cáo này được xuất bản giữa bối cảnh các nhà làm chính sách tại các nước trong khu vực đang vật lộn với thách thức làm thế nào để ứng phó với rủi ro về chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, và chi phí vay vốn có khả năng tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ liên tục tăng lãi suất trong thời gian sắp tới.
"Khả năng các đối tác thương mại chủ chốt chuyển sang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ được xem là một rủi ro đáng kể đối với khu vực này. Châu Á đặc biệt dễ tổn thương một khi thương mại toàn cầu suy giảm, vì khu vực này có tỷ lệ mở cửa thương mại cao và có sự tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu", IMF nhận định.
Chiến thắng của ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp được cho là "tin tốt" đối với thương mại mở và toàn cầu hóa, Changyong Rhee, Giám đốc Vụ châu Á Thái Bình Dương của IMF cho biết trong một cuộc họp báo.
Ông Rhee cho biết thêm rằng, ông hy vọng một thỏa thuận gần đây giữa Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kế hoạch đàm phán thương mại 100 ngày sẽ giúp thương mại toàn cầu tiếp tục mở rộng.
"Tại thời điểm này, tôi lạc quan một cách thận trọng", ông nói.
Việc thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt có thể gây ra các biến động về dòng vốn đầu tư, và khu vực châu Á có thể phải chứng kiến những tác động lớn nếu sự chuyển đổi sang nền kinh tế tiêu dùng của Trung Quốc gặp nhiều trắc trở hơn dự kiến, IMF cho biết.
Ông Rhee nhắc lại rằng IMF có thể cần nâng dự báo tăng trưởng năm 2017 của Trung Quốc từ mức 6,6%, sau khi nền kinh tế này tăng trưởng vượt dự kiến trong quý đầu tiên. Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng còn nhiều lo ngại về việc tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ có được phân bổ hiệu quả hay không.
IMF nhấn mạnh rằng, can thiệp ngoại hối không nên được dùng để chống lại các biến động tiền tệ, nếu các biến động này phản ánh sự thay đổi các nguyên tắc cơ bản trong môi trường thương mại toàn cầu hoặc thay thế cho các điều chỉnh chính sách vĩ mô.
Tuy nhiên, can thiệp ngoại hối một cách thận trọng có thể là cần thiết trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi điều kiện thị trường hỗn loạn hoặc tỷ gía hối đoái biến động nhanh chóng đe dọa đến sự ổn định về tài chính và doanh nghiệp.
An Phong
Theo nhipcaudautu.vn