Chỉ cần nhìn vào những cái Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ và muốn các nước này "rước vào" cũng phải thấy được nhiều điều.
Lao động giá rẻ trong ngành công nghiệp thời trang - nơi tuổi thơ là những cơn ác mộng
- Cập nhật : 02/05/2017
Có lẽ bạn phải nghĩ lại về nguồn gốc xuất xứ của chiếc quần jeans hay chiếc áo ưa thích, khi biết về góc tối của ngành công nghiệp thời trang.
Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), ước tính có khoảng 260 triệu lao động là trẻ em trên toàn thế giới. Còn theo Liên Hợp Quốc (UN), trong số này có 170 triệu em được đánh giá là "quá nhỏ tuổi để làm những việc chỉ phù hợp cho người có độ tuổi trung bình" hoặc thậm chí là môi trường làm việc hoàn toàn không phù hợp hoặc bị cấm đối với trẻ em."
Và bạn biết không, có một phần lớn trong con số này xuất phát từ các nhà máy sản xuất nguyên liệu may mặc, nơi nhân công trẻ em bị lợi dụng với mức giá thực sự rẻ mạt.
Thực trạng về sự bóc lột lao động trẻ em
Ngành công nghiệp thời trang đã bắt đầu vào giai đoạn "mỳ ăn liền", khi khách hàng không chỉ mua một bộ quần áo dùng mãi mà cứ thay đổi theo mùa, theo tháng và thậm chí là theo tuần.
Các thương hiệu đang cạnh tranh nhau để đưa ra sản phẩm vừa đẹp và lại vừa rẻ để chiều lòng các thượng đế . Và họ đã giải quyết những câu hỏi khó này bằng cách sử dụng lao động trẻ em - nguồn lao động quá rẻ, quá nhiều, cũng không thể tự lên tiếng để bảo vệ bản thân.
Theo thống kê từ UN, lao động trẻ em được thuê chủ yếu lấy từ các quốc gia thuộc châu Á và Trung Đông, như Ai Cập, Uzbekistan, Banglades, Ấn Độ...
Công việc của các em là góp phần trong quy trình sản xuất ra nguyên liệu thô (như vải vóc, hoa văn) phục vụ cho việc may mặc của các thương hiệu lớn.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu các tập đoàn đa quốc gia (SOMO) và Cộng đồng Ấn Độ tại Hà Lan (ICN), những kẻ môi giới đã hứa hẹn với các bậc phụ huynh, rằng sẽ cho con em họ một công việc tốt, chỗ ở thoải mái, bao ăn uống, cơ hội học tập rèn luyện cùng với mức lương hấp dẫn sau 3 năm làm việc.
Nhưng trên thực tế, các em phải làm việc dưới môi trường quản lý gắt gao, bị đối xử như nô lệ và làm những công việc tệ nhất mà lao động trẻ em có thể gặp phải.
Để sản xuất ra vải cotton, trẻ em được thuê để thụ phấn cho cây và thu hoạch bông. Điều này nghĩa là các em phải làm việc nhiều giờ liền, tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu và môi trường làm việc nắng nóng. Đa phần những lao động này đều đã làm việc khi chưa đủ 18 tuổi, có em bắt đầu khi mới 15 tuổi.
Tiếp theo, các em bước qua giai đoạn làm những công việc khác nhau như nhuộm vải, khâu nút, cắt chỉ, gấp, vận chuyển và đóng gói hàng.
Tại các xưởng may nhỏ, lao động trẻ em còn phải làm những việc như thêu thùa, đính hạt và tạo nếp xếp li. Dù làm việc rất cực khổ như vậy nhưng mức lương mà các em được trả là không-thể-rẻ-hơn.
Vấn nạn khó kiểm soát và quản lý
Điều đáng nói ở đây là những ông chủ hoàn toàn không gặp rắc rối gì, do thời trang là một ngành sản xuất trải qua quá nhiều khâu trung gian, và việc quản lý mọi mặt là điều không thể.
Chính vì thế nên thậm chí chính các thương hiệu và khách hàng cũng không hề hay biết về nguồn gốc nguyên liệu của mình. Ngay cả khi các thương hiệu đưa ra quy định khắt khe về nguyên liệu, thì công ty "trung gian" vẫn có thể khiến mọi chuyện đi chệch hướng mà không ai hay biết.
Ngoài ra, có một sự thật trần trụi, đó là nơi đâu có sự nghèo đói cùng cực, nơi đó sẽ có lao động trẻ em. Chúng hoàn toàn sẵn lòng bán sức của mình với mức giá rẻ mạt, chấp nhận bị đối xử tồi tệ trong những môi trường nguy hiểm và đầy bất công.
Hơn nữa, theo Lotte Schuuman từ tổ chức Fair Wear Foundation, nếu các bậc phụ huynh thất học và làm việc với mức lương thấp, con cái họ sẽ bị ép làm việc và cũng không được giáo dục, cuối cùng lại trở thành bản sao của ba mẹ chúng.
"Họ cần phải thoát ra khỏi cái vòng lặp tăm tối của đói nghèo thì mới giảm được tình trạng bóc lột lao động trẻ em" – Lotte Schuuman nói.
Các nhãn hàng cần phải tỉnh ngộ
Schuurman cho biết, hoàn toàn có những cách để các công ty loại bỏ các nguồn cung cấp đến từ lao động trẻ em. "Các thương hiệu có thể bắt đầu bằng việc ép buộc đăng ký nguồn cung cấp. Bắt đầu bằng việc biết công ty quản lý nguyên liệu của mình là ai và đi gặp họ."
Trong các buổi gặp đó, có những dấu hiệu cần phải để ý: nguyên liệu đã qua tay "thương lái" hay không? Sản lượng của nhà máy so với điều kiện nhân công: nếu nhân công ít mà sản lượng nhiều, đó là điều cần phải nghi ngờ.
Các công ty cũng nên xem xét lại các yêu cầu đặt ra của mình cho bên cung cấp. Những đơn hàng bất ngờ hoặc gấp gáp có thể gây ra sức ép, khiến các nhà máy kí kết hợp đồng qua trung gian mà không hề thông báo cho công ty biết.
Giải pháp nào để cứu lấy các em?
Điều quan trọng cuối cùng chính là phải làm cho các em biết rõ về quyền lợi của chính mình.
"Mặc dù phần lớn các thương hiệu thời trang không sở hữu nhà máy riêng, họ vẫn có một sức ảnh hưởng nhất định đến các nhà máy đối tác." – Schuurman cho biết.
Việc bóc lột lao động trẻ em dù đã bị cấm ở hầu hết các quốc gia, nhưng vì quá đói nghèo, các em đã phải bán tuổi thơ của mình để làm việc trên những cánh đồng chói chang, trong những xưởng may tăm tối thay vì được đến trường như các bạn khác cùng trang lứa.
Là một người tiêu dùng thông thái, bạn nên hiểu rõ về thương hiệu mình chọn, đừng ham rẻ mà vô tình tiếp tay cho những con người tham lam đang hàng ngày sử dụng lao động trẻ em.
Ngày Quốc tế Lao động hay ngày 1/5 là ngày lễ kỷ niệm của phong trào công nhân quốc tế.
Ngày 1/5/1886, công nhân Chicago xuống đường biểu tình đòi chế độ làm việc 8 giờ/ngày. Từ Chicago, làn sóng bãi công lan nhanh ra các thành phố khác. Dù bị đàn áp nhưng cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Để ghi nhớ sự kiện này, ngày 1/5 hàng năm đã được chọn làm ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân toàn thế giới.
Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Theo Umbrella
Trí thức trẻ/cafeF