Trung Quốc đang chịu tổn thất nhiều hơn trong cuộc chiến tranh thương mại. Trung Quốc bị động, họ thuần tuý trả đũa mặt hàng mang tính chất chính trị hơn chiến lược, giống như Trung Quốc cấm nhập chuối của Philippines…, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc của VEPR cho biết.
Thị trường tiêu cực thế nào khi Mỹ áp dụng luật giới hạn đầu tư với Trung Quốc?
- Cập nhật : 28/06/2018
Động thái mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động giới kinh doanh khi ông muốn siết chặt đầu tư đến từ Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn và những biện pháp này sẽ càng khiến cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia leo thang.
Vậy Trump sẽ đưa ra những biện pháp nào?
Trump gây áp lực lên Trung Quốc
Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ, khiến cho Mỹ bị thiệt hại về kinh tế hàng tỷ USD và mất đi hàng nghìn việc làm.
Chính quyền Trump đang gây áp lực lên Trung Quốc để buộc họ dừng ngay những hoạt động không công bằng khi bòn rút các bí mật công nghệ từ doanh nghiệp Mỹ. Một trong những hành động đáp trả của Mỹ là lệnh áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, một phần sẽ có hiệu lực từ tháng 7.
Ngoài ra giới chức trách Mỹ cũng đang xem xét các điều luật hạn chế đầu tư. Tháng 3, Trump đã trực tiếp chỉ đạo Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính, xây dựng một hệ thống giới hạn đầu tư của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp hoặc công nghệ mà có vai trò quan trọng đối với Mỹ. Trọng tâm của hệ thống này là nhắm vào kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh nhằm thống trị một số ngành công nghiệp tương lai như robot, xe điện và vũ trụ.
Ngày 30/6, Nhà Trắng sẽ triển khai một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu, qua đó doanh nghiệp Mỹ sẽ ngừng xuất khẩu một số công nghệ sang Trung Quốc. Đây cũng là một phần cụ thể trong kế hoạch đã công bố trước đó của Mỹ.
Diễn biến mới và cảnh bán tháo của thị trường
Hôm 24/6, thị trường đã đoán được phần nào kế hoạch trên khi Wall Street Journal đưa ra một báo cáo phân tích về cách đạo luật mới được thực hiện. Ngày hôm sau, CNN xác nhận một số chi tiết trong đó.
Những công ty với ít nhất 25% vốn Trung Quốc sẽ không thể mua các công ty công nghệ mà Nhà Trắng nhận định là quan trọng, theo một nguồn thạo tin. Vũ trụ, robot và xe hơi là 3 trong số các ngành nêu trên. Nguồn này cho biết thêm Mỹ cũng đang nghiên cứu một số điều luật xuất khẩu mới nhằm ngăn những công nghệ này đến tay Trung Quốc.
Động thái mới này đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường. Trong ngày 25/6, đã có thời điểm chỉ số Dow Jones mất gần 500 điểm. Giữa bối cảnh nhà đầu tư bán tháo liên tục, ông Mnuchin, thông qua Twitter, cho biết các thông tin về đạo luật giới hạn đầu tư đều là không đúng sự thật và biện pháp trên không chỉ nhắm đến Trung Quốc mà còn đến tất cả quốc gia đang có ý định ăn cắp công nghệ Mỹ.
Peter Navarro, cố vấn thương mại Nhà Trắng, sau đó đã xuất hiện trên CNBC và bày tỏ nghi ngờ đối với những bản tin nói trên. “Chúng tôi không có kế hoạch ban hành luật siết chặt đầu tư lên bất kỳ quốc gia nào đang có sự hiện diện, dưới bất cứ hình thức nào, tại Mỹ. Vì thế làm ơn hãy từ bỏ suy nghĩ rằng sẽ có cái luật này đi”.
Câu nói dường như phần nào trấn an được các nhà đầu tư mặc dù thị trường vẫn còn tồn tại tâm lý lo ngại. Kết thúc ngày giao dịch 25/6, chỉ số Dow Jones giảm 328 điểm (tương đương 1,3%) và chỉ số Nasdaq giảm 1,2%.
Phố Wall lo lắng
Các nhà đầu tư vẫn lo ngại hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế Mỹ, trong đó có hàng loạt hành động trả đũa của 2 bên. Luật đầu tư mới có thể cắt giảm vốn đầu tư nước ngoài, đây cũng là hình thức can thiệp của chính phủ mà doanh nghiệp lo sợ.
Đầu tư từ Trung Quốc đã giảm hơn 90% so với cùng kỳ sau 5 tháng đầu năm 2018, theo báo cáo của Rhodium Group, một công ty chuyên nghiên cứu về đầu tư Trung Quốc.
Điều luật mới cũng sẽ dẫn đến thay đổi đáng kể trong việc quản lý đầu tư nước ngoài của Mỹ. Trách nhiệm đó hiện giờ đang thuộc về Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS). Dưới sự quản lý của Bộ Tài chính, Ủy ban này sẽ điều tra những thương vụ có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát một doanh nghiệp Mỹ và xem xét những rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.
Các chuyên gia cho biết CFIUS đã điều tra một lượng lớn phi vụ làm ăn và rất cẩn trọng trước những vụ hợp tác có thể giúp công ty nước ngoài tiếp cận tới những công nghệ nhạy cảm hoặc dữ liệu cá nhân của Mỹ.
Quốc hội Mỹ cũng cân nhắc việc mở rộng quyền hạn của Ủy ban này và nhận được ủng hộ từ cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng như hậu thuẫn từ các quan chức dưới quyền Trump.
Nỗ lực trên đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ giới kinh doanh và cách chính quyền Trump đơn phương siết đầu tư có thể sẽ bị phản đối nhiều hơn nữa.
Tiểu Long/ Theo CNN Money/NDH.VN